Dù đi tới đâu, người Việt Nam cũng đạt được sự thăng tiến trong xã hội phương Tây tốt hơn là những người nhập cư khác. Ví dụ của họ cho thấy: Văn hóa đóng một vai trò trung tâm trong việc hội nhập.
Người ta hiếm khi nghe nói về họ, họ hầu như không được báo chí đưa tin rùm beng, người ta hầu như có thể nghĩ rằng họ sống vô hình. Nhưng ai mà tìm hiểu kỹ sẽ nhận ra rằng nhiều người trong số khoảng 4 triệu người Việt Nam, từ giữa những năm 70 đa phần sống trong thế giới phương Tây, đã thành công một cách đáng ngạc nhiên. Dù là ở Mỹ hay ở Canada, dù là ở Úc hay ở Pháp, Đức hay Thụy Sĩ: Ở khắp nơi, trong vòng hai thế hệ, họ đã có thể hội nhập tốt hơn vào nước tiếp nhận hơn là hầu hết những người nhập cư khác. Không điều gì thể hiện điều đó rõ rệt hơn là thành công trong học tập của những người Việt Nam trẻ tuổi và sự lạc quan của họ đối với tương lai. Ví dụ như ở Mỹ, theo một công trình nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, không một nhóm nhập cư nào khác tin vào Giấc mơ Mỹ hơn người Việt Nam. 83 % tin rằng với lao động chăm chỉ, ai cũng có thể đạt được sự thăng tiến ở đây. Bình quân một gia đình người Việt có thu nhập cao hơn một gia đình người Mỹ (53.000 so với 49.000 USD một năm) và một nửa các cha mẹ người Việt tin rằng trong tương lai, con cái họ sẽ có mức sống tốt hơn họ nhiều.
Thế hệ tị nạn đầu tiên là những thuyền nhân mà từ cuối những năm 70 có hàng trăm nghìn người đi trên những con tàu ọp ẹp chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá. Việc họ có thể tới phương Tây là nhờ kết quả Hội nghị về người tị nạn duy nhất thành công từ năm 1945: Đó là hội nghị tại Geneve vào mùa hè 1979. Dưới áp lực của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, khi đó 68 quốc gia đã thỏa thuận việc tiếp nhận 260.000 người tị nạn. Hầu hết thuyền nhân đã tới Mỹ và Pháp, những quốc gia đã đưa Việt Nam chìm đắm vào cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm với hàng triệu người chết. Có lẽ vì vậy giờ đây về mặt đạo lý, họ cảm thấy phải có nghĩa vụ và đó cũng là PR về chính trị trong Chiến tranh Lạnh là tiếp nhận „nạn nhân của CNCS“.
Nhưng văn hóa tiếp nhận đó cũng chẳng giữ được lâu. Những người tị nạn không thể tính tới nhiều sự hỗ trợ của nhà nước và chẳng bao lâu sau, chính những người cao tuổi phải tự lo cho mình. Chỉ có gia đình làm chỗ dựa cho họ.
Những số liệu thống kê từ Mỹ, nơi hiện nay có khoảng 1,8 triệu người gốc Việt sinh sống, cho thấy họ đã nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Năm 2015, Viện Chính sách Di cư đã so sánh hai nhóm tị nạn lớn nhất với nhau, đó là người Cuba và người Việt Nam. Vào thời điểm nhập cư, cả hai nhóm tị nạn này đều nói kém tiếng Anh, mức độ giáo dục thấp tương tự nhau. Nhưng số người Cuba sống dưới mức nghèo khổ nhiều gần gấp đôi người Việt (65% so với 35%). Số người Cuba hay bị thất nghiệp hơn nhiều so với người Việt và nhiều người Việt cố gắng hành nghề tự lập càng sớm càng tốt và làm chủ một cửa hàng kinh doanh nhỏ.
Sự khác biệt trong thế hệ thứ hai còn lớn hơn: Cha mẹ họ có nhiều người mù chữ, nhưng những người Việt Nam trẻ sinh ra ở phương Tây không còn như vậy. Nhiều đứa trẻ của các thuyền nhân đã nhanh chóng đạt được thành công ở trường học, không chỉ ở Mỹ, mà ở cả Pháp, nơi có đông người Việt nhất sinh sống ở châu Âu, khoảng 300.000 người. Nhiều công trình nghiên cứu cũng cho thấy thành công trong học tập của 150.000 người Việt ở Đức. Trong năm 2014, không dưới 64% thanh thiếu niên Việt Nam ở đó được vào trường Gymnasium (có khả năng vào được đại học). Tỉ lệ đó nhiều gấp 5 học sinh Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cao hơn cả học sinh Đức. Tại các bang Đông Đức, thậm chí có tới 75% người Việt vào học trường Gymnasium và đó không phải là con cái của những người có bằng cấp cao, mà là con của những „công nhân hiệp định“ được đưa từ Việt Nam sang CHDC Đức và sau khi thống nhất đã ở lại Đức. Nhưng dù người Việt đến từ miền Nam hay miền Bắc, thành tích học tập của họ đều cao hơn, như một công trình nghiên cứu so sánh lớn của Bernhard Nauck và Birger Schnoor năm 2015 cho thấy. Cộng đồng Hồi giáo duy nhất có thành tích cao trong học tập là những người nhập cư từ Iran, nhưng hầu hết đó là những người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn là người Việt.
Những số liệu đó rõ ràng cho thấy, dù tới đâu, người Việt Nam cũng hội nhập và thăng tiến ở các nước phương Tây tốt hơn các nhóm sắc tộc khác. Cũng rõ ràng là những thành công đó không phải là nhờ các các chương trình khuyến học của nhà nước và chính sách hội nhập. Ngay từ năm 2009, báo „Die Zeit“ đã viết:“ Thành công trong học tập của người Việt Nam đã đưa một loạt điều được coi là sự thật trong cuộc tranh luận về hội nhập trở thành câu hỏi nghi vấn. Ai nghĩ rằng, việc học kém thường xuyên có nguyên nhân xã hội, thì điều đó đã bị bác bỏ thông qua ví dụ Việt Nam“.
Nếu nhìn toàn cảnh, có thể thấy rằng thành công này liên quan tới chính người Việt, chứ không phải hoàn cảnh của những nước nhập cư. Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã tranh luận về vấn đề này. Về cốt lõi, đó là ảnh hưởng của văn hóa, về hệ thống giá trị khác nhau ở những xã hội mà họ xuất thân. Cuộc tranh luận có thể rơi vào khuôn mẫu xáo mòn và có thể bị chỉ trích về phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các sắc tộc quá lớn để có thể bị phớt lờ.
Trước hết hãy nhìn tới Việt Nam, một đất nước đang cố gắng phục hồi, sau khi bị Mỹ „Ném bom cho trở lại thời kỳ đồ đá“ – như vị tướng không quân Mỹ Curtis LeMay từng tuyên bố. Ít nhất thì đối với thế hệ trẻ, chiến tranh không còn là chủ đề nữa. Họ muốn tiến lên và họ đang tiến lên. Mãi tới năm 2012, Việt Nam mới tham gia chương trình nghiên cứu Pisa về trình độ học sinh. Nhưng ngay lần thí nghiệm thứ hai vào năm 2015, Việt Nam đã lọt vào trong 10 nước đầu tiên, vượt nhiều quốc gia trong OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là những nước đầu tư nhiều vào hệ thống giáo dục.
Vậy do đâu? Nhà sư phạm kinh tế nhiều kinh nghiệm Rolf Dubs của trường Đại học St. Gallen, người có nhiều năm tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong vấn đề giáo dục đã nêu lên 4 điểm cơ bản: Trật tự, học tập có kỷ luật, sự chăm sóc tích cực của cha mẹ cũng như giáo viên và nền văn hóa khắc đậm dấu ấn của Phật giáo – Khổng giáo là những tôn giáo dành ưu tiên cao nhất cho giáo dục. Trong số 10 quốc gia được xếp hạng cao nhất trong so sánh Pisa thì có không dưới 7 quốc gia từ khu vực văn hóa này ở Đông Nam Á. Điều này không thể là ngẫu nhiên.
Chăm chỉ là tất cả
Nhà giáo dục học Olaf Beuchling ở Magdeburg đã nghiên cứu từ 20 năm qua về sự hội nhập của cộng đồng người Việt ở Đức và ông đã nhận thấy cùng một cơ chế, dù bất kỳ ở nước nào. Beuchling cho rằng chính vì vậy mà giờ đây ông đánh giá ý nghĩa của văn hóa còn cao hơn trước đây. Giống như Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Triều Tiên, Việt Nam, đất nước bị Trung Quốc hô hộ nghìn năm cũng thuộc trong số các xã hội khắc đậm dấu ấn Khổng giáo. Các trường học được định hướng để tuyển chọn làm quan. Cho dù người Pháp đã xóa bỏ hệ thống Nho học từ giữa thế kỷ 19, nhưng đối với các bậc cha mẹ giáo dục vẫn được ưu tiên hàng đầu, bất kể nguồn gốc xã hội. Những người nông dân cũng ý thức được rằng chỉ qua nhà trường mới thoát được đói nghèo. Dấu ấn Khổng giáo này tuy không còn tác động mạnh tới người Việt trẻ ở phương Tây, nhưng nó vẫn tồn tại. Những học sinh nào có điểm tốt là làm cho gia đình được vinh dự và cha mẹ thì làm tất cả để hỗ trợ cho con cái. Thông thường, cả những cha mẹ nghèo cũng chi phí tiền cho con học thêm, không phải vì con học kém, mà vì con chỉ học khá, chứ chưa phải xuất sắc nhất. Chăm chỉ, nỗ lực vươn lên và tuyệt đối kính trọng giáo viên là điều bình thường đối với người Việt Nam. Beuchling cho rằng đối với các bậc cha mẹ, chăm chỉ là điều quan trọng nhất để thành công trong học tập, trong khi nhiều người không đề cập tới vấn đề năng khiếu. Đối với một số người Tây Âu thì đó là một kiểu sư phạm thiếu suy nghĩ. Cho dù không phải sau mỗi đứa trẻ là một bà mẹ Cọp cái, nhưng trong nhiều gia đình Việt Nam áp lực đòi hỏi phải có thành tích cao là rất thực tế. Có những trang mạng công bố điểm bình quân của con cái. Vấn đề có bao nhiêu người không chịu nổi áp lực này lại ít được công bố công khai.
Các nền văn hóa có thể phù hợp với nhau hoặc không và có điều tương đối rõ là văn hóa Phật giáo – Khổng giáo của người Việt phù hợp tốt với xã hội Cơ đốc giáo – thế tục hướng tới thành tích cao ở phương Tây. Năm 1999, hai nhà xã hội học Đức Gillmeister và Fijalkowski là những người đầu tiên nói tới một sự „tương thích văn hóa“, có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn hay gây khó khăn hơn cho việc hội nhập. Nhà dân tộc học Frank Weigelt, người làm luận án tiến sĩ về cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ cũng ngả theo luận thuyết này.
Tuy nhiên, ông cũng rất thận trọng, vì những nhóm sắc tộc không bao giờ là một khối đồng nhất và từng cá nhân luôn luôn có cơ hội cư xử khác đi. Weigelt nhận xét dựa vào nhà xã hội học Max Weber, người mà hơn 100 năm trước đây đã suy nghĩ nhiều về vai trò của văn hóa và tôn giáo. Theo quan sát của Weber, điều có thể gây khó khăn cho hội nhập là trong tín ngưỡng đạo Hồi, số phận ở bên kia thế giới của mỗi người đã được định đoạt qua niềm tin vào Allah và Nhà Tiên tri. Như vậy, người ta chẳng cần thêm thử thách hoặc nỗ lực trong cuộc sống ở thế giới này. Nói một cách khác: Tôi cần nỗ lực và hội nhập ở thế giới này làm gì, khi mục tiêu của tôi ở thế giới bên kia quan trọng hơn nhiều và đã được bảo đảm thông qua niềm tin vào Đấng Tối cao.
Trong quá trình nghiên cứu, Olaf Beuchling đã được nghe nhiều người nói tới việc „Kết nối những điều tốt nhất từ hai nền văn hóa“. Trong cuốn sách „Từ người tị nạn bằng thuyền trở thành công dân liên bang (Đức)“ xuất bản năm 2003, ông đi đến kết luận: „Một mặt, người ta coi đó là hiển nhiên khi thích ứng từng phần với xã hội đa số và lĩnh hội những khía cạnh văn hóa của môi trường xã hội của mình; Mặt khác, người ta cố gắng truyền lại cho thế hệ kế tiếp những khía cạnh văn hóa Việt Nam được coi là quan trọng“.
Từ vài năm nay có dấu hiệu cho thấy thành công trong học tập của người Việt giảm đi, điều đó lại có thể là hậu quả của sự hội nhập thành công. Một khi họ hoàn toàn hội nhập về văn hóa, điểm số của họ lại giảm, cho dù không nhiều lắm. Nếu người Việt ở với nhau và cùng lấy vợ hay chồng người Việt thì môi trường Việt Nam lại khuyến khích cho thành công trong học tập và tiếp theo đó là sự hội nhập về kinh tế.
Ông Beuchling cho rằng các nền văn hóa pha trộn vào với nhau, cho dù có những hình mẫu nào đó sống lâu hơn. Ông nhận định, nền văn hóa định hướng vươn lên của người Việt là thích hợp và tạo điều kiện dễ dàng cho hội nhập. Nhưng cũng không thể nhanh chóng chuyển những nền văn hóa ít tương thích hơn của những người nhập cư theo hướng Khổng giáo. Sự kỳ diệu trong hội nhập của người Việt có thể giải thích được, nhưng không thể sao chép được.
Văn Long – Thoibao.de (Theo báo NZZ, Thụy Sĩ)