Cơ sở của quan hệ „Đối tác chiến lược“ giữa Đức và Việt Nam và xuất phát điểm của nhiều dự án và sáng kiến chung là „Tuyên bố Hà Nội“ được ký kết tháng 10/2011 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với mục tiêu tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và chính sách phát triển.
Vậy quan hệ đối tác chiến lược có khác gì so với những quan hệ đối tác „bình thường“? Có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể hiểu chiến lược là chương trình hành động, kế hoạch hành động được thiết kế để đạt được một mục tiêu cụ thể, là tổ hợp các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Như vậy có thể hiểu, trong quan hệ đối tác chiến lược song phương, hai quốc gia sẽ đề ra những mục tiêu dài hạn và chương trình hành động dài hạn để nhằm đạt được những mục tiêu đó.
Ví dụ như Đức mong muốn giúp đỡ Việt Nam xây dựng một thể chế nhà nước pháp quyền, vì vậy Đức hỗ trợ việc cải cách tư pháp của Việt Nam, giúp đỡ, tư vấn trong việc xây dựng và ban hành luật trong khuôn khổ đối thoại nhà nước pháp quyền Đức – Việt, hỗ trợ trong việc tiếp tục phát triển hệ thống pháp luật, bồi dưỡng các thẩm phán, công tố viên, luật sư và công chứng viên, tư vấn trong việc thực thi các công ước và hiệp định quốc tế, cải cách luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật lao động, luật công đoàn và luật xã hội, tiếp tục phát triển luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật thương mại, việc xét xử theo hiến pháp, khuyến khích nhân quyền, hỗ trợ pháp lý và nhiều vấn đề khác.
Trong hợp tác phát triển, Đức muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển bền vững. Vì vậy, trong cuộc đàm phán cấp chính phủ năm 2015, Đức đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam khoảng 220 triệu Euro trong thời gian hai năm. Sự hợp tác trong các trọng tâm dạy nghề, năng lượng và môi trường luôn nhằm vào „Chiến lược phát triển xanh“ đầy tham vọng của Việt Nam. Đức muốn hợp tác để giúp Việt Nam có nhân lực chuyên môn được đào tạo tốt, có nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả và bền vững để theo đuổi một con đường tăng trưởng, nhưng gìn giữ được tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự đa dạng sinh học và phù hợp với những cam kết quốc tế và mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, phù hợp với Hội nghị thượng đỉnh Paris về khí hậu cũng như phù hợp với Hiệp định thương mại tự do với EU.
Trong quan hệ kinh tế, năm 2016, Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại 10,3 tỉ USD. Việc nhập khẩu từ Việt Nam tăng 33% lên 8 tỉ USD và việc xuất khẩu của Đức sang Việt Nam tăng 15%, đạt 2,3 tỉ USD. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết năm 2015, nếu được phê chuẩn sẽ tạo ra một động lực mới, có thể đưa kim ngạch thương mại Đức – Việt lên 20 tỉ USD vào năm 2020.
Trong một bài đăng trên „Báo Quốc tế“ tháng 11/2015 trước chuyến thăm CHLB Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tiêu đề „Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức: Một số định hướng lớn“, Đại sứ nước ta tại Đức Đoàn Xuân Hưng đã nêu rõ:
Việc „ khai thác tiềm năng to lớn về thương mại, đầu tư trong những năm tới là ưu tiên cao của chúng ta cũng như mong muốn của nước Đức.
Để làm được việc đó, có mấy hướng lớn cần được chú trọng: (I) Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các dự án hải đăng đã thỏa thuận, đang triển khai như Ngôi nhà Đức và tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh; (II) Tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tầm trung (Mittelstand), xương sống của nền kinh tế Đức, vào Việt Nam; (III) Cố gắng tạo ra các khuôn khổ hợp tác mới sôi động hơn giữa các địa phương, nhất là các thành phố, các bang lớn có thực lực về kinh tế và công nghệ, những đầu tàu của kinh tế Đức với phía Việt Nam nói chung và với các địa phương của Việt Nam nói riêng.
Chúng ta cũng cần chú ý thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là dạy nghề. Đức nổi tiếng về công nghệ nguồn, đi đầu về Nghiên cứu và Phát triển (R&D), nhất là trong các ngành như cơ khí, chế tạo, dược phẩm, năng lượng sạch. Hệ thống giáo dục và đào tạo song hành của Đức từ lâu đã có uy tín trên toàn thế giới. Đây là thế mạnh rất cần tranh thủ, bằng cách khai thác hiệu quả các dự án đang triển khai như Bản ghi nhớ hợp tác Khoa học Công nghệ Việt – Đức, học bổng của Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), dự án đào tạo thí điểm điều dưỡng viên tại Đức, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác Đức để mở ra hướng đi mới giàu tiềm năng.“
Vậy những kế hoạch, dự án dài hạn dựa trên cơ sở „Đối tác chiến lược Đức –Việt“ giờ đây sẽ ra sao?, sau khi Chính phủ Đức nổi giận, cảm thấy bị xúc phạm, quyết định đình chỉ „Đối tác chiến lược“, vì ông bạn được coi là „chiến lược“ lại lạm dụng lòng tin, lừa lúc Đức sơ hở, đưa mật vụ vào bắt cóc người ngay giữa thủ đô Berlin, xâm phạm chủ quyền của nước Đức.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu „Một sự bất tín, vạn sự bất tin“. Nay Việt Nam đã đánh mất „lòng tin chiến lược“ của Đức thì không biết bao giờ mới lấy lại được?
Có thể thấy trước rằng, nếu không xử sự khéo léo, có tình có lý vụ bê bối ngoại giao này thì quan hệ Đức – Việt sẽ trở nên lạnh nhạt trong một thời gian dài.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh trống tại Văn Miếu 10/2011
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel trong lần bà tới Hà Nội 10/2011
Trung Khoa – Thoibao.de
Việt – Đức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược:
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/viet-duc-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-43157.html
Quan hệ Việt Nam – CHLB Đức:
http://www.vietnambotschaft.org/quan-he-viet-duc/tong-quan-2/
Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD):
https://www.daad-vietnam.vn/vi/tu-gioi-thieu/gioi-thieu-ve-daad/
—