Chuyện Xuân Mậu Tuất – Đáng thương con chó Việt

Chúng ta ở lâu tại nước ngoài, ai cũng biết: người Đức thương ai thì gọi là “con chuột nhỏ” – Mäuschen. Khi ghét gọi là “đồ con lợn” – Schwein. Ai mạnh mẽ dữ tợn thì so sánh với “con gấu” – Bär.

 

Theo cách ví von này thì người Việt chúng ta có khác: Thương thì gọi là “con mèo”. Ghét gọi là “đồ con chó”. Còn ai mạnh mẽ hung dữ thì đem so bì với “con cọp”.

Thế nhưng nhiều lúc tình cảm người Việt chúng ta có tính nhập nhằng, không rõ ràng: Thương gọi là “chó con”. Ghét bỏ thì mắng là “đồ con chó”. Ai dữ tợn quá thì cho làm “thứ chó điên”.

Thế vẫn chưa hết đâu: Ai làm tay sai phản bội bị gọi là “thứ chó săn”. Ai buồn khổ, tội nghiệp đáng thương thì đó là “con chó ốm”. Ai bất ngờ gặp vận may, như trên trời rơi xuống, chứ không do tài năng của mình, bị chế giễu là loại “chó ngáp phải ruồi”.

Còn những kẻ đang sa cơ thất thế, thất vọng trong cuộc đời, hay bị người tình vùi dập, lại ngửa mặt lên trời cất tiếng than: Ôi, cuộc đời đen như… mõm chó!

Tất tần tật, người Việt chúng ta đều cho cùng vào một loại, nhốt chung vào một chuồng, cho tiện diễn tả tình cảm yêu thương, ghét bỏ của mình. Chỉ tội cho con chó, vì nó không biết được vị trí rõ ràng của nó ở đâu, trong tâm hồn phức tạp của người Việt.

Riêng tôi, từ khi lên 3 hay 4 tuổi, sống với mẹ tại một vùng quê Quảng Nam, tôi cũng đã có kỷ niệm đầu đời với con chó. Nhưng tiếc thay đó lại là một kỷ niệm buồn.

Tôi nhớ, vào một buổi chiều, mẹ đã đặt vội tôi lên chiếc giường tre ở trước sân và bảo, con ngồi yên đó đừng leo xuống, coi chừng “chó dại” đến cắn con. Với từng tuổi ấy, tôi không biết chó dại là gì, nhưng cũng cảm nhận được đây là một việc vô cùng hệ trọng, vì thấy mẹ lại vội vã bế nốt đứa em gái, đặt lên giường.

Khi ngồi trên cái giường thấp lè tè đó, tôi nghe tiếng la hò cùng tiếng mõ trống khua vang, của đám thanh niên, vang động khắp một khu làng. Họ đang đuổi theo bắt một con chó dại, đang lẫn trốn ở đâu đó, trước khi nó gây nguy hại cho mọi người.

Từ đó, trong tâm trí tôi, con chó là một biểu tượng cho những gì thật… đáng sợ.

Khi lớn lên, tôi và các em theo ba má vào Sài Gòn sinh sống. Nhà ba mẹ tôi ở khu dệt Ngã tư Bảy Hiền, cách chợ Ông Tạ chừng một cây số. Những ngày nghỉ học, tôi thường lang thang đi xuống chợ chơi. Thăm người bạn quê Nam Định học cùng lớp, tên… Tuất, di cư vào Nam từ khoảng 1954.

Một người quen, cùng quê với gia đình của Tuất, mở quán thịt chó ở đầu đường vào chợ. Quán có cái tên thật… thơ mộng: Nai Đồng Quê.

Cũng có tiệm khác ở vùng Ngã ba Chú Ía khu Gò Vấp, “ẩn mình” qua cái tên “Quán Cờ Tây” – nói lái lại thành “Quán Cầy Tơ”.

Sở dĩ có những cái tên quán hết sức “mập mờ” như vậy, vì ngày ấy, dân miền Nam ít ai ăn thịt chó, đặt tên như vậy cho đỡ… phản cảm. Chứ không như ở miền Bắc, thịt chó là món khoái khẩu, bày bán nhiều nơi. Tôi nghe người ta đồn rằng, ở khu Nhật Tân, chuyên trồng hoa đào chơi Tết, số lượng quán thịt cầy nhiều như… số lượng cây đào!

Gần nhà tôi, chung quanh trạm cây xăng, cũng có vài quán nhậu. Đây là quán vỉa hè bình dân, nên là những quán… không tên. Buổi chiều khi trời mát mẻ, các người lao động đi làm về, ghé qua làm vài ly rượu đế, kèm theo miếng cá khô, miếng ổi, trái cốc, hay tí lạc rang làm… mồi. Thi thoảng đi ngang qua, tôi cũng thấy vài đĩa thịt bày giữa bàn, nhưng không biết là thịt gì. Chung quanh bàn là các dân nhậu ồn ào, người miền Nam lẫn người miền Bắc.

Một ngày cuối tuần, gia đình Tuất đi quán nhậu. Hắn rủ tôi đi theo. Dù có một cảm giác kỳ lạ trong người, nhưng vì tò mò nên tôi nhận lời. Đấy là lần đầu tiên tôi làm quen với món “rựa mận”. Bố của Tuất giải thích, đây là món thịt trộn với mắm tôm, bóp kỹ và ninh chín nhừ với mẻ và gừng già trong nồi gang. Khi nước quánh lại có màu đỏ nâu, như màu nhựa mận chín. Nhựa mận đọc trại ra thành rựa mận là vậy.

Nghe xong tôi thấy cũng hay hay, thế nhưng không sờ đũa vào. Chỉ thử duy nhất một miếng thịt chó luộc, kèm với lát riềng mỏng, cay cay và … nhầy nhầy trong miệng. Sau đó tôi chỉ ngồi nhìn mà không dám ăn. Khi về nhà, tôi chẳng kể cho gia đình nghe, vì sợ mọi người la mắng.

Sau miếng thịt đầu đời đó, mỗi lần đến chơi nhà ai có nuôi chó, tôi để ý xem nó có sủa tôi hay không. Bởi vì tôi nghe thiên hạ đồn thổi rằng, ai ăn thịt chó, gặp chó, nó sẽ… la. Cũng có người dùng “luật nhân quả” dọa đám trẻ nít chúng tôi rằng, ai thường ăn thịt chó, sau khi chết đi sẽ đầu thai thành con chó. Hay thành một con người có đôi tai vểnh lên, còn cái mõm thì sẽ dài ra phía trước, như một… mõm chó.

Thế nhưng rồi chẳng có việc gì. Chưa kể “chúng nó” còn la cà đến bên tôi, cọ đầu sát vào chân như chào đón, rồi ngẩng đầu nhìn trìu mến, với đôi mắt đen thui vô tội vạ, làm lòng tôi có chút xót xa như có lỗi.

Chính sự cắn rứt lương tâm như thế, đã dẫn tôi đến một quyết định, tìm mua một con chó để nuôi.

Một ngày cuối tuần, tôi lang thang xuống trung tâm thành phố Sài Gòn. Nơi ấy, dọc theo đại lộ Hàm Nghi, có một khu chợ thú vật. Ở đây bày bán đủ các chủng loại, như cá kiểng, chim, rùa, thỏ, dế, khỉ… và dĩ nhiên không thiếu các loại chó.

Tôi chọn mua một chú chó con chừng tháng tuổi, thân mình mập tròn mềm mại, với bộ lông tơ xinh xinh màu mực. Ôm nó trên tay, đi bộ suốt quãng đường hơn 5 cây số về nhà, lòng tôi vui mừng và hạnh phúc. Thế nhưng rất lo, vì sợ về nhà ba tôi mắng. Còn mấy anh chị em, kể cả mẹ, chắc chắn cũng sẽ thích thú như tôi.

Ba má tôi có một hãng dệt, với một số nhân viên, đa số là nữ. Trên hãng là hai tầng gác gỗ rộng. Một bên dành cho nhân viên, một bên để mẹ cùng anh chị em chúng tôi ngủ và sinh hoạt.

Cạnh bên hãng dệt, cách một cái hẻm con, là cái nhà của ba tôi, cũng là nơi ăn uống của gia đình, kiểm tra chất lượng và lưu giữ thành phẩm.

Tôi đi quanh nhà ba, tìm một nơi thích hợp cạnh phòng tắm, nhốt chú chó con vào cái lồng tre, rồi đặt tên là Medor. Cái tên bằng tiếng ngoại quốc này tôi rất thích, khi nghe cô giáo đọc, trong giờ học Pháp văn.

Khuya hôm đó, nằm ngủ bên này, tôi nghe tiếng Medor kêu vang. Có lẽ vì đói hay lạnh, hoặc khát nước. Tôi lại nghe tiếng ba tôi lầm bầm, bực mình vì bị làm thức giấc. Ông đi sột sạt xuống chỗ chú chó. Tôi nghe tiếng nước chảy. Hình như ông đang đổ thêm nước vào cái bát con, tôi đặt trong chuồng. Thế là Medor hết la. Tôi thấp thỏm mừng thầm. Ba tôi không mắng ầm lên như tôi nghĩ, mà có lẽ ông cũng bắt đầu… thương nó.

Rồi Medor lớn dần lên trong sự yêu mến của gia đình. Tôi chìu chuộng và tắm rữa nó thường xuyên. Khi mẹ đi chợ về, tôi lấy trộm tí đồ ăn. Khi thì con cá. Khi thì chút thịt mỡ. Quăng cho nó ăn, sau khi đẩy nó vào gầm giường để mẹ khỏi thấy.

Còn những cô nàng thợ dệt, vì điều khiển các máy dệt chạy tự động, nên thường cũng có chút thời gian để đùa vui với nó. Vuốt ve bộ lông sạch sẽ mượt mà. Xoa xoa, bóp bóp cái… mõm chó đen, rồi cùng nhau cười vui thích thú. Những lúc ấy Medor nằm thẳng cẳng, nhắm mắt, ngoe ngoảy cái đuôi. Tận hưởng sự dịu dàng từ bàn tay êm ái của các nàng. Cử chỉ âu yếm này khiến các chàng trai – có nhiệm vụ lo phần kỹ thuật, sửa chữa máy móc cho ba tôi – mỗi lần đi qua, phải đứng lại nhìn, thèm thuồng và… ghen tị.

Sau mười mấy tháng, nó trở thành một “thanh niên” vạm vỡ. Thân mình to lớn khỏe mạnh và mập ú, nhưng lúc nào nó cũng nhanh nhẹn.

Một chiều cuối tuần, tôi dắt Medor đi dạo quanh cây xăng. Một đám “bạn nhậu” đến gần tôi, trầm trồ khen ngợi chú chó có thân mình mập tròn, với bộ lông dài và óng mượt.

Một tay đang sặc mùi rượu, đi đứng liêu xiêu, bá vai ông đi bên cạnh, nhìn Medor có vẻ… thèm thuồng. Lên giọng hát nhừa nhựa: ” Hahaha… trời nắng chó trắng… trời mưa chó vàng… mưa nắng làng nhàng… chó nào cũng được… hahaha”.

Ông bên cạnh cũng đang ngả nghiêng, hứng khởi thêm vào: “Nhất chó mực… nhì chó vàng, tam khoang… tứ đốm…. Hehehe…”

Nghe xong tôi giận tím cả người, nhìn chằm chằm vào hai người đàn ông “chó chết” đó. Khi tôi tiến tới gần, bất ngờ một ông vung tay lên. Tưởng tôi bị tấn công, Medor nhảy lên sủa vang, như muốn vồ cắn hắn. Dù đang say nhưng hắn cũng né được qua một bên. Tôi kịp ôm Medor kéo về phía sau, trong khi hắn chúi người chực té nhào. May mà có các “đồng nghiệp” đỡ kịp. Tôi và Medor vội vã rời đám dân say xỉn. Đi thật nhanh về nhà, như bị ai rượt đuổi.

Khi về, mẹ vuốt đầu Medor, nó vui mừng ra mặt. Thế nhưng mẹ bảo đang buồn, vì nhớ anh tôi.

Vào những năm cuối 60, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, với chết chóc kinh hoàng của dân và quân từ 2 miền đất nước, chiến trường Việt Nam càng trở nên sôi động. Nhiều đoàn binh anh em miền Bắc, lại ồ ạt vào đánh đoàn binh… anh em miền Nam. Theo dòng thời cuộc nghiệt ngã, “quân mình đánh quân ta” thuở ấy, anh tôi sau khi đỗ Tú Tài, và vì không tiếp lên Đại Học, nên dù muốn hay không, cũng buộc phải đi vào quân ngũ.

Những ngày anh tôi theo học lớp huấn luyện quân sự, cách nhà chừng vài mươi cây số, mẹ tôi buồn nhớ đầy nước mắt. Nhiều đêm mẹ không ngủ được vì lo sợ, nằm lắng nghe tiếng đại bác, từ chiến trường xa vọng về. Hay lặng nhìn những ánh hỏa châu, rực đỏ trên bầu trời. Mẹ lẩm bẩm, thế là lại sắp có đánh nhau. Những đứa con cùng giòng máu cha ông, bị xô đẩy vào chiến sự oái oăm, lăm lăm tay súng, ở hai đầu chiến tuyến.

Những cảnh tàn bạo và bất ngờ, từ những ngày Tết Mậu Thân – ở Sài Gòn, và nhất là tại thành phố Huế – lại hiện về. Không biết rồi đứa nào sẽ ngã xuống trước. Thằng anh hoặc thằng em. Thằng con miền Nam hay thằng con miền Bắc. Hay chết hết cả hai thằng? Tưởng tượng vậy thôi là mẹ đã khóc. Và tôi nghĩ, từng giọt nước mắt trong đêm, cùng một nỗi xót xa như thế, những bà mẹ từ 2 miền đất nước đã đổ xuống, thật âm thầm.

Còn Medor, thiếu vắng anh tôi, nó cũng lộ vẻ buồn, chạy ra chạy vào như trông đợi, nhất là khi nghe tiếng chân ai đi ngang qua trước cửa nhà.

Mẹ nhớ anh không chịu nỗi, nên một buổi sáng cuối tuần, gia đình tôi phải thuê xe đi thăm. Khi ba mẹ, tôi và mấy đứa em bước lên xe, tôi thấy Medor từ nhà phóng ra thật nhanh, sủa vang như cũng muốn đi theo. Bác tài xế không đồng ý, vì xe đã chật, không còn chỗ cho Medor. Tôi xua nó về, nhưng nó nhất định không chịu đi.

Khi xe chuyển bánh, Medor ngồi buồn trông theo. Cho đến khi chúng tôi khuất hẳn, sau một khúc quanh. Trên đường đi tôi rất buồn, nhớ đôi mắt thất vọng của nó, và nghĩ trong đầu rằng, nó sẽ đi về nhà, chui qua khe nhỏ ở ngõ hẻm để vào nhà, nằm buồn hiu dưới cái giường ngủ của ba tôi.

Chiều hôm ấy, sau khi thăm anh về đến nhà, mẹ rất vui như trút được nỗi lo.

Còn tôi đang cuống lên, vì không thấy Medor vồn vã chạy ra đón như thường lệ. Tôi chạy tìm quanh khắp cả nhà. Vẫn không thấy nó đâu. Tôi hỏi các nhân viên trong hãng dệt, ai cũng bảo từ sáng giờ không thấy, tưởng là nó cùng đi thăm anh.

Tôi bắt đầu hoảng hốt.

Tôi thừa biết Medor không hề đi xa nhà một mình. Thông thường nó loanh quanh ở dưới bếp, nằm ngủ dưới giường ba tôi, hay lảng vảng bên chân các nàng thợ dệt. Cùng lắm là nó leo lên tầng gác, nằm cạnh cái bàn nơi tôi ngồi học bài.

Tôi hốt hoảng thật, lang thang đi tìm khắp nơi trong xóm. Đến những nơi mà tôi và Medor đã có lần cùng nhau đi dạo.

Trời bắt đầu tối, quanh trạm xăng đã lên đèn. Những người dân lao động lại tụ về đây, sau một ngày vất vả. Tôi cũng gặp lại đám “bạn nhậu” hôm nào, ngồi quanh cái bàn, ăn uống và cười nói ồn ào.

Cả cái ông say xỉn suýt bị Medor cắn vào tay, cũng đang có mặt.

Hắn vừa gắp miếng thịt từ cái đĩa đặt giữa bàn, vừa hỏi ông ngồi đối diện: “Cầy vàng…. hay cầy đốm… vậy bác”. Ông bạn nhậu phẩy tay: “Thôi đừng hỏi nhiều, bác cứ thử vài miếng đi rồi sẽ biết… Hehehe”.

Lòng tôi chết điếng và căm giận. Có lẽ nào Medor bị bọn nhậu này cưỡng bắt và làm thịt rồi sao?

Tôi quay nhìn cái ông ngồi ở đầu bàn. Không biết ông đang húp món gì trong cái bát con, mà từ hai bên khóe miệng, tôi thấy ứa ra dòng nước đỏ nâu, giống như màu nhựa mận chín. Qua ánh sáng lờ mờ của đèn đường, tôi thấy hai vành tai của ông như đang vểnh lên. Còn cái miệng, nó đang nhô dài ra, thành một cái… mõm đen.

Trên đường về nhà, với cõi lòng tan nát, tôi thầm gọi Medor. Rồi khi ngước nhìn lên Trời cao, nơi có những vòm mây sáng như hình Đức Phật, tôi khẩn cầu sự linh ứng của luật nhân quả, sẽ hiện lên, như một phép nhiệm mầu.

Sa Huỳnh – Berlin

—–