Trong buổi kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng VN (BCCM) 21/6/2018 ở Berlin đã không có Thoibao.de như mọi năm, có lẽ vì vậy mà Đại sứ VN tại Đức có phần yên tâm hơn khi đến khu chợ chúc mừng, tặng lẵng hoa, phát biểu chỉ đạo định hướng cho những người tự nhận là „nhà báo“ chưa có thẻ tại Đức.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đang chìm trong bê bối chính trị, ngoại giao vì bị các nhà điều tra và tòa án CHLB Đức cáo buộc về sự liên quan của ĐSQ đến việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT), vẫn không quên chỉ đạo: “…Nhưng người làm báo cũng phải là người có tâm để khi viết biết đặt nhưng lợi ích của dân tộc, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Chỉ có như thế nhà báo mới có những trang viết góp phần đoàn kết cộng đồng, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Phải chăng việc Đại sứ Việt Nam đưa ra thông điệp này là một hành động ngầm răn đe mang hàm ý: nếu các vị viết ngoan, theo định hướng của chúng tôi, sẽ có tưởng thưởng. Còn cứ thấy sao viết vậy thì đừng tưởng mình đang ở trong hàng ngũ những đất nước tự do ngôn luận nhất thế giới mà không bị trừng phạt …?! Đương nhiên, nhìn vụ bắt cóc đã diễn ra thì ai cũng rõ.
Trách nhiệm cùng sự thật
Khi một số ít người mang danh “ đại diện nhà nước VN ở Đức ” không vui vì thông tin đúng sự thật, vì tuân thủ luật pháp Đức, thì đây lại là một sự thăng hạng đối với bạn đọc cho những tờ báo không uốn mình bẻ cong ngòi bút. Những nhà ngoại giao này đã quên rằng, họ chỉ là những công chức được trả lương, để làm công tác đối ngoại và phục vụ mọi công dân Việt Nam ở Đức mà thôi.
Liệu có đáng mừng cho nền BCCM, khi ém nhẹm việc nhà điều tra Berlin xác định chiếc xe bắt cóc đã đưa TXT vào Sứ quán VN và nhốt trong đó khoảng hai ngày?! Trong thời gian đó nhiều nhân viên của SQ đã làm mọi việc cần thiết để cùng hoàn tất việc bí mật đưa nạn nhân về VN.
Đương nhiên trước con mắt của Đức, ĐSQ VN đã vi phạm pháp luật, người đứng đầu không thể thoái thác trách nhiệm.
Không tuân theo định hướng, dù đó là từ ai, là lương tâm tối thiểu của nhà báo. Đưa tin trung thực là hành động thiết thực nhất của người làm báo, giúp người Việt trong và ngoài nước hiểu biết đúng về các vấn đề của xã hội.
Hẳn rằng người VN chưa quên những năm 1990 đã từng sống trong kinh hoàng. Thời đó có những băng nhóm buôn lậu và mafia hoành hành đã giết, thủ tiêu nhiều người tại Đức và Đông Âu. Nhiều người Đức và nước khác đã nhìn người VN như một nhòm người với nhiều kẻ lưu manh côn đồ đáng ghê tởm phải loại ra khỏi xã hội. Nhà cầm quyền Đức đã phải phối hợp cùng cảnh sát VN và quốc tế nỗ lực ngăn chặn, truy quét những băng nhóm này. Nhờ thế cuộc sống của bà con ở Đức, Nga, Tiệp … mới trở lại yên ổn.
Nếu bây giờ, cứ để việc bắt cóc, vũ lực tùy tiện xẩy ra, và còn nguy hiểm hơn xưa là có sự tham gia, thậm chí chỉ đạo của một số phe nhóm mafia cấu kết với nhà cầm quyền VN, đặc biệt khi có tham gia của Đại sứ quán, thì cuộc sống của đồng bào VN ở đây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Tệ hơn nữa là việc phối hợp cùng công an VN để truy quét như trước đây là điều không thể, khi chính họ cũng sẵn sàng là thủ phạm.
Báo chí và “lò sát sinh”
Bạn đọc băn khoăn rằng, vậy có Ban Tuyên giáo và đảng đoàn cũng như những kẻ khủng bố tinh thần nào đang ở đây, theo Nghị quyết 36 để gây áp lực trực tiếp hay gián tiếp khiến những người làm báo phải – hoặc tự hăm hở- bỏ qua tiêu chí về tự do báo chí và nhân quyền không? Những thắc mắc này không hẳn không có cơ sở.
George Washington – vị tổng thống sáng lập Hợp chủng quốc Hoa kỳ và nền tảng cộng hòa, dân chủ tại đây đã nêu một chân lý từ cách đây khoảng hai thế kỷ: “Một khi quyền tự do ngôn luận bị tước mất, thì chúng ta trở nên câm lặng và ngu ngốc, như chú cừu đang bị dẫn đến lò mổ”.
Nước Mỹ giàu mạnh và tự do vì thực hành tư tưởng ấy. Người Đức đã dựng lại đất nước của mình từ những đống đổ nát chiến tranh, từ việc nhọc nhằn nhoài ra khỏi lò sát sinh của Hitler với một tinh thần tự phản biện mãnh liệt, đặc biệt là không tự nguyện làm những “con cừu” để mặc bị đưa đến “lò mổ” thì mới trồng được cây nhân văn có trái ngọt ngày nay cho người Việt được cùng hưởng thụ .
Võ Thị Hảo – Thoibao.de