NỖI OAN MẤT NHÀ CỦA MỘT GIA ĐÌNH VƯỜN RAU LỘC HƯNG SAU NGÀY BỊ TÀN PHÁ 08.01.2019
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh thăm và động viên dân Vườn Rau Lộc Hưng 06.01.2019
Facebook của LS Trần Vũ Hải, Nhà báo tự do Bạch Hoàn, anh Trương Huy San có viết về việc cưỡng chế các hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Việc này quá lớn mà báo chí không đưa tin.
Và nhà nước cũng không công bố gì.
Là công dân, tôi có quyền có thông tin rõ ràng, và biết sự thật để đánh giá việc đó chính quyền Tp Hồ Chí Minh làm đúng hay sai.
Nếu chính quyền TP Hồ Chí Minh làm đúng thì tôi ủng hộ.
Còn nếu chính quyền TP Hồ Chí Minh làm sai thì tôi đề nghị phải sửa sai ngay. Công dân của thành phố này không thể chấp nhận 1 Thủ thiêm thứ hai.
Trân trọng
Công dân Lâm Minh Chánh
** Từ Facebook của LS Vu Hai Tran:
“Báo hèn, nhà báo hèn!
Vụ cưỡng chế hàng trăm hộ dân tại vườn rau Lộc Hưng quận Tân bình gần giữa thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra gần tuần nay. Nhiều hộ dân sinh sống từ lâu ở đây cho biết, đây là khu đất người Bắc di cư từ năm 1954. Tuy không có giấy tờ, nhưng họ cũng đề nghị chính quyền địa phương cho kê khai sử dụng đất theo chính sách và pháp luật đất đai của nước CHXHCN Việt nam, nhưng địa phương vẫn bỏ lơ. Nay lấy cớ phục vụ cho dự án xây dựng một trường công, chính quyền TPHCM đã thúc ép địa phương cưỡng chế hàng trăm hộ dân ở đây, không có quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, bồi thường theo quy định của pháp luật, gây ra thảm cảnh đau thương cho những người dân lành tại đây.
Điều rất ngạc nhiên, chưa thấy báo chí nào, nhà báo nào của Việt nam, đặc biệt tại TPHCM lên tiếng về sự việc này. Nếu người dân ở đây sai, hãy chỉ ra họ sai gì và tại sao sai, nếu chính quyền sai, hãy viết rõ như vậy. Nhưng các báo lẫn nhà báo (trên mạng) im lặng tuyệt đối câm lặng. Đối với họ, phải chăng tới gần nghìn người dân ở đây không phải là đồng bào của họ? Đất ở vườn rau Lộc Hưng là đất ở “nước lạ”?
Còn đối với tôi, đó là báo hèn, nhà báo hèn! Xin lỗi, nhiều bạn của tôi, làm trong làng báo chí Việt, nếu tôi quá nặng lời! Nhưng sự thật là như vậy.
Nếu bạn nào đống ý với tôi, xin hãy chia sẻ!”
** Từ Facebook của nhà báo tự do Bạch Hoàn
“Không một dòng tin.
Suốt từ 4h sáng đến giờ, tôi đã có lần 5 lần vào trang Báo Mới tìm kiếm từ khoá “Vườn rau Lộc Hưng”, nhưng kết quả đều không có lấy một dòng tin.
Vụ cưỡng chế đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng (Q.Tân Bình, TP.HCM), báo chí đã không còn biết xấu hổ với Nhân dân, với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của người cầm bút.
200 căn nhà bỗng chốc thành đống đổ nát. Khi chính quyền đối diện với Nhân dân bằng máy xúc, máy ủi thì tất cả những gì còn lại chỉ là những vỡ vụn của số phận con người. Vậy mà, báo chí không có lấy một dòng tin.
200 căn nhà bị phá, đồng nghĩa bao nhiêu cuộc đời phải chịu ngậm đắng nuốt cay? Thật xấu hổ cho cả nền báo chí vì chẳng thể tìm ra con số ấy. Dẫu biết rằng, con số nào cũng vậy, một người hay một ngàn người… đều đau đớn như nhau.
Không một chính quyền tử tế nào lại đẩy người dân từ trong mái ấm của họ ra đường, biến họ từ những người có nơi có chốn trở thành người vô gia cư, nhằm giành lấy khu đất để dâng lên doanh nghiệp.
Thay vì thảo luận với dân, đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của dân, giải quyết vướng mắc cho dân, sắp xếp cho dân có nơi chốn đàng hoàng, thì họ bất chấp, hất dân ra đường.
Họ, phá nhà dân để lấy đất dâng lên doanh nghiệp, để doanh nghiệp có đất xây nhà và mang bán.
Để kiếm tiền.
Vụ Vườn rau Lộc Hưng, như thế mà báo chí không có lấy một dòng tin.”
** Từ Facebook của anh Truong Huy San:
“ĐẤT ĐAI CÓ TRƯỚC HAY GIẤY CHỨNG NHẬN CÓ TRƯỚC
Từ hôm Tân Bình cưỡng chế, đập phá nhà cửa của dân tại “vườn rau Lộc Hưng”, tôi hỏi nhiều nhà báo vì sao báo chí im lặng. Có bạn nói là “đang làm” nhưng cho đến nay vẫn không có một dòng trên báo. Tại sao thế. Ngay cả khi người dân sai thì báo chí cũng cần lên tiếng.
Nếu quả thực, “Bà con đã đóng thuế 20 – 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý…; Đất vườn rau sử dụng đất 1954…” thì theo Luật Đất Đai 1993, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Trong trường hợp nhà nước lấy đất đó để xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy.
Đất đai là tài nguyên, có trước bất cứ thứ nhà nước và luật pháp nào. Từ ngàn đời nay, người dân thủ đắc đất đai một cách tự nhiên, bằng khai hoang, phục hoá hoặc sang nhượng. Nước Việt ta hẳn không kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau nếu không có những người dân mang cuốc xẻng đi mở cõi.
Theo pháp luật hiện nay thì “hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993” thì ngay cả khi không phù hợp quy hoạch mà nếu quy hoạch đó được phê duyệt sau khi người dân sử dụng đất thì chính quyền vẫn phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Giấy tờ không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền của người dân với tài sản của mình. Bộ Luật Dân Sự quy định thời hiệu “ngay tình thủ đắc” với bất động sản là 30 năm. Ông cha ta từng quy định thời hiệu này ngắn hơn, từ thời Lý, Trần, “Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng”.
Đừng lấy lý do chưa có giấy tờ mà lấy đất của dân. Không có dân, không an dân thì đất đai chỉ là nghĩa địa.”
Nguồn gốc khu đất Vườn Rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình