Hôm 22/6/2019 đài truyền hình VTV4 bỗng nhiên nêu lại một chuyện cũ cách đây 2 năm, đó là chuyện Thủ tướng Đức bà Merkel không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông Phúc đến Đức tham dự hội nghị G20 năm 2017 tại Hamburg. Vì sao VTV4 muốn khơi lại vụ này? Nhất là trong thời điểm hiện nay có nhiều cuộc đấu đá, tranh dành các chức vụ lãnh đạo trước đại hội đảng lần thứ 13 sẽ được tổ chức vào năm 2020.
Phe cánh nào muốn khơi lại vụ này, tức là muốn nhắc đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, xảy ra đúng 2 tuần sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị G20 tại Hamburg. Rất có thể những mật vụ Việt Nam đã tham gia trong phái đoàn để chuẩn bị cho việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cũng có thể những mật vụ này không về nước mà ở lại thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Đặc biệt trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, có ít nhất 3 trong số những mật vụ Việt Nam tham gia bắt cóc đã được nước Đức đào tạo.
Người thứ nhất là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Khi nước Đức chưa thống nhất, còn chia cắt Đông và Tây trong thời chiến tranh lạnh,
Cho đến năm 1989, chính Bộ an ninh quốc gia (Stasi) của Cộng hoà dân chủ Đức (Đông Đức) đã giúp Việt Nam hiện đại hoá hệ thống mật vụ, mỗi năm đào tạo cả trăm nhân viên mật vụ cho Việt Nam. Trường đại học Humbolt tại Berlin là một trong những khâu đào tạo chính yếu. Đại tá Nguyễn Đức Thoa là người được đào tạo tại trường đại học này vào những năm cuối thập niên 80.
Hai mật vụ còn lại là người được CHLB Đức (Tây Đức) đào tạo, cụ thể là Cơ quan tình báo Đức BND hoặc Cơ quan hình sự liên bang BKA.
Vũ Quang Dũng, theo các nhà điều tra là một trong ba nhân vật quan trọng nhất chỉ huy nhóm đặc nhiệm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Năm 2001, anh ta đã ở nước Đức hơn tám tháng, Cơ quan tình báo Đức BND chi trả 5.368,57 Euro cho 20 tuần anh ta học tiếng Đức tại học viện Goethe. Từ đó, anh ta thường xuyên sang Đức. Tháng 4/2017, Vũ Quang Dũng lại đặt đơn xin cấp visa vào Đức, trong đó mục đích của chuyến đi là „Gặp gỡ với Phó giám đốc BND“.
Quá trình điều tra cho thấy Vũ Quang Dũng có mặt khi nạn nhân của vụ bắt cóc được đưa từ Berlin qua Séc tới Slovakia và cuối cùng là qua Moscow để về Việt Nam.
Hiện thời, anh ta là phó thủ trưởng của Cục „Hợp tác (đối ngoại)“ chuyên trách về quan hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài.
Nhân vật thứ ba là Lê Thanh Hải, Sĩ quan liên lạc của công an Việt Nam tại Đức từ năm 2015 và được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Theo hồ sơ của Cơ quan hình sự bang Berlin, năm 2012 Lê Thanh Hải được Cơ quan Hình sự Liên bang Đức BKA cấp học bổng để tham gia khóa học tiếng Đức, hội thảo và thực tập ở các cơ quan an ninh Đức trong nhiều tháng trời trị giá 22.000 Euro.
Lê Thanh Hải cũng tận dụng những mối quan hệ của mình. Anh ta chính là người năm 2016 đã chuyển đến nhà chức trách Đức những chỉ dẫn cho việc truy nã Trịnh Xuân Thanh. Anh ta là người đã đến gặp cơ quan Cảnh sát liên bang. Các nhà điều tra cho biết, vào ngày 25 tháng Bảy- hai ngày sau vụ bắt cóc, anh ta lên chiếc xe VW Passat của mình, màu xanh, mang biển số ngoại giao 0-147-15, cùng với Vũ Quang Dũng và những người khác trong một đoàn xe – bị nghi là chở nạn nhân bị bắt cóc, đi đến Brno; từ đó, nạn nhân bị đưa tiếp sang Bratislava thủ đô Slovakia và tại đây Trịnh Xuân Thanh bị đưa đến Moskau bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia do Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn.
Ngoài ra, nhiều mật vụ trong nhóm đặc nhiệm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã nhập cảnh vào Đức bằng cách lạm dụng hộ chiếu ngoại giao Việt Nam mà khi đó được nước Đức cho miễn visa. Vì thế sau khi vũ bắt cóc xảy ra, chính phủ Đức đã đình chỉ Hiệp định miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam. Hiện nay vẫn còn tiếp tục đình chỉ, kể cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt nam Phạm Bình Minh cũng phải xin visa khi đi đến Đức làm việc cách đây vài tháng.
Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, nhiều cán bộ cảnh sát, an ninh Đức học cùng thời với những cán bộ an ninh của Việt Nam tại trường Đại học Đức đã tỏ ra bất ngờ và lo ngại về những hành động khó lường của các cựu sinh viên này, khi họ dùng chính các kiến thức do Đức đào tạo để tấn công trở lại vào nhà nước pháp quyền CHLB Đức.
Lê Anh – Thoibao.de