Giữ chức Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Việt nam muốn lờ đi chuyện Biển Đông

Mặc dù Việt Nam được làm Chủ tịch luân phiên của Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc từ 1.1.2020, nhưng vẫn không dám nêu ra vấn đề bức xúc với Trung quốc tại Biển Đông.


Ngày 2/1, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Đình Quý đã chủ trì họp báo quốc tế đầu tiên trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ tháng 1/2020. Tân Chủ tịch Qúy nói Việt Nam sẽ không đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông ra Hội đồng.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết đây là hoạt động mở đầu cho nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an 2020-2021. Trước đó, đại sứ Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương Liên Hiệp Quốc tại Lễ thượng cờ.
Truyền thông đưa tin đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu: “Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp cho các hoạt động chung của hội đồng nhằm đảm bảo tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy đa phương”.
Tháng 9/2017, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi quốc gia này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 diễn ra ngày 3/9 cùng năm, trong đó có các biện pháp cấm cung cấp, bán hoặc vận chuyển tất cả các loại khí ngưng tụ, khí đốt hóa lỏng cho Triều Tiên; cấm xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên (vải và hàng thêu trang trí); cấm các nước cấp mới giấy phép lao động cho công dân Triều Tiên sinh sống ở nước ngoài.
Những biện pháp trên được cho là tác động không nhỏ tới nền kinh tế và đời sống của người dân Triều Tiên.
Với mong muốn cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận và tạo cơ hội phát triển cho Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những năm gần đây đã bắt đầu các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao với các đồng minh như Trung Quốc hay với những cựu thù như Hàn Quốc và Mỹ.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức 27 cuộc họp trong tháng 1 này, sẽ có 2 cuộc tranh luận mở và 11 cuộc họp giao ban, liên quan đến các khu vực từ Trung Á đến Trung Đông và Châu Phi – cũng như đổi mới các nhiệm vụ khác nhau, theo thông cáo của Liên hiệp quốc hôm 2/1.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng 1/2020 có nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông lên Hội đồng xem xét hay không, ông Qúy trả lời là “không,” nhưng nói thêm rằng Việt Nam sẽ “đảm bảo rằng phái đoàn của ông đang theo dõi tình hình Biển Đông một cách cẩn thận”.

Ông Quý lý giải: “Hội đồng thường có hành động khi một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế xuất hiện”. Ông nói thêm: “Đề mục đó không nằm trong chương trình nghị sự tháng 1”.

Liên quan đến cuộc tấn công đang diễn ra tại thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria, ông Quý cho biết Việt Nam ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc xung đột Syria kéo dài 8 năm cùng với lệnh ngừng bắn. Ông cho biết ưu tiên số một của đất nước này là bảo vệ thường dân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về vấn đề Triều Tiên, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên “không phải là kết thúc, các lệnh trừng phạt là một phương tiện, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trong khu vực”.

Các phóng viên đặt ra nhiều câu hỏi với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng Đại sứ Qúy nói rằng ông không có đủ thông tin để phản hồi, mặc dù ông có “nghiên cứu,” vì ông mới vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an trong cùng ngày.

Các thành viên Hội đồng Bảo an lần lượt giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an theo thứ tự Alphabet của tên nước bằng tiếng Anh.
Nhiệm kỳ Chủ tịch kéo dài 1 tháng và phiên Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc của Việt Nam tiếp theo là vào tháng 4/2021.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ; và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu. 10 ghế không thường trực Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lý.
Mỗi thành viên thường trực và không thường trực nắm một lá phiếu, tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết.
Việt Nam bước vào cánh cửa Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ số áp đảo 192/193 phiếu thuận theo kết quả được công bố tối 7 tháng Sáu. Đây là lần thứ nhì Việt Nam trúng cử vị trí thành viên không thường trực của trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Năm 2007, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vị trí ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 với 183/190 phiếu bầu.
Trước đó, trả lời phỏng vấn với Thông Tấn Xã Việt Nam, trưởng phái đoàn Đại Diện Thường Trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc là đại sứ Đặng Đình Quí cho biết Việt Nam là nước duy nhất thuộc nhóm các quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An sau khi được sự đề bạt của 54 nước còn lại.
Ý nghĩa của việc bước vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, theo ông Đặng Xương Hùng, là cựu cán bộ Bộ ngoại giao Việt nam đã ra khỏi Đảng cộng sản và xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ là, sẽ buộc Việt Nam thay vì né tránh hay luồn lách trước những vấn đề như nhân quyền hay tự do tôn giáo chẳng hạn, sẽ nhận rõ hơn về sức ép cũng như đòi hỏi của quốc tế đối với những vấn đề của nước mình.
Đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giáo sư kinh tế Đại Học Laval ở Quebec, Canada, nắm giữ một vị trí trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, dù không thường trực và không lâu dài, giúp Việt Nam nhận thức rõ hơn và dấn thân nhiều hơn vào một bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển phức tạp:
Sự đóng góp của Việt Nam vào an ninh và hòa bình của thế giới là một chuyện tốt. Nhưng trong những năm tới đây chiến tranh vũ trang sẽ không có nhưng chiến tranh kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra. Trong trường hợp đó thì Hội Đồng Bảo An không có một vai trò gì hết.
Tranh chấp quốc tế sẽ là tranh chấp kinh tế, thế và Việt Nam sẽ đứng giữa hai con đường, con đường lệ thuộc Trung Quốc ngày một nhiều hơn hoặc tháo gỡ nó bằng cách xích gần với Mỹ quốc và Tây Âu.

Hồi tháng 7 tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói ông không tin rằng vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam lên tiếng với Trung Quốc, một ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, để có thể làm dịu đi tình hình Biển Đông.
Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn và được lắng nghe nhiều hơn khi ngồi vào chiếc ghế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020. Đấy mới là cơ hội mà Việt Nam phải tận dụng để tranh thủ sự đồng lòng của các thành viên ASEAN cũng như các quốc gia bạn ASEAN.
Tuy vậy tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhấn mạnh tới những khía cạnh tích cực khác trong tư cách ủy viên, dù không thường trực, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc:
Tuy Hội Đồng Bảo An có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, nhưng dẫu sao cũng có tiếng nói nhất định của phía Việt Nam.

Mặc dầu vào hồi tháng 7.2019, cả hệ thống chính trị bao gồm Đảng cộng sản và Chính phủ Việt nam hết lời ca ngợi việc Việt nam ngồi được vào ghế Hội đồng bảo an LHQ như là một kỳ tích cỡ thế kỷ… nhưng xem ra Việt Nam cũng sẽ như một cái bóng ở cơ quan này.
Là một nước không dám nhận đồng minh, mà xung quanh lại có kẻ thù từ phương bắc ngày càng trở nên hung hăng, lăm le xâm lược lãnh thổ, lãnh hải Việt nam.
Chính phủ Việt nam đã bất lực, để Trung quốc đưa tàu vào dày xéo vùng biển Đặc quyền kinh tế của quê hương bất cứ khi nào họ muốn.
Người dân đã mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam đầy khiếm khuyết và tham nhũng, giờ đây nhà cầm quyền tại Hà nội sẽ càng trở nên lạc lõng giữa một thế giới Dân chủ và Tự do.

Lê Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức. / Truyền hình thực tế 5.1.2020