Đảng đấu đá – Chế độ lung lay

Một lãnh đạo Đảng hàng đầu của Việt Nam mới đưa ra một nhận định khá bất ngờ, về sự tồn vong của thể chế đã rất rệu rã, chỉ còn cái vỏ bề ngoài theo Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam.

Mới đây ông Trần Quốc Vượng, nhân vật được cho là kế thừa chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam của ông Nguyễn Phú Trọng, phát biểu rằng:
“Hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu viết trên báo Tiếng Dân, ông Trần Quốc Vượng đang chỉ ra rằng thế lực thù địch phản động, thường bị Nhà Nước Việt Nam xử phạt theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự, dường như không đến từ bên ngoài chính quyền mà ngay trong nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, và từ trước đến giờ nhiều người trong chính quyền đã định nghĩa sai thế nào là ‘thù địch” là ‘phản động’.

Một nhà quan sát và hoạt động chính trị từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, cho biết sau khi tham khảo bài nói chuyện của ông Trần Quốc Vượng hôm 25 tháng Mười Hai thì cảm nghĩ của ông là đang có sự khó khăn trong công tác chuẩn bị tư tưởng cũng như chọn lựa nhân sự trước thềm Đại Hội Đảng lần thứ 13 tới đây:
“Sau đại Hội Đảng 12 họ đã lấy quyết định nhất thể hóa, rập khuôn theo công thức tổ chức của Trung Quốc, là thống nhất Nhà Nước với Đảng, thâu gồm hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước trong Hiến Pháp đã được sửa đổi năm 2013, cho chủ tịch nước những quyền rất lớn, đặc biệt quyền đứng đầu quân đội. Họ đã tập trung quyền lực đó vào trong tay ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đột nhiên bị tai biến và chắc chắn không thể tiếp tục cầm quyền được nữa”.
“Cho nên vấn đề đặt ra là phải chọn người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, và người có nhiều khả năng mà ông Nguyễn Phú Trọng và thân cận của ông Trọng muốn đặt vào chức vị thế ông Nguyễn Phú Trọng không ai khác hơn là ông Trần Quốc Vượng. Cho nên ông Trần Quốc Vượng là người lo lắng vấn đề cơ cấu nhân sự cho Đại Hội Đảng 13”.

Vẫn theo lời ông Nguyễn Gia Kiểng, tổ chức gọi là bộ máy sàng lọc của đảng, trong đó kỷ luật là trên hết, đã loại trừ hầu như gần hết những người có tư kiến, có nhân cách, chỉ để lại những con người mà khả năng lớn nhất là giữ im lặng trong suốt thời gian qua:
“Họ cũng không có những con người để mà giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề phúc tạp, cho nên ông Trần Quốc Vượng có lý, lần này đảng cộng sản sẽ rất lúng túng trong việc chuẩn bị Đại Hội 13, sẽ rất chia rẽ, sẽ có tranh cãi gay gắt bởi không có người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn, đòi hỏi một nhân sự lãnh đạo vừa có thiện chí vừa có tài ba mà điều đó thì đảng cộng sản không có. Cho nên đảng cộng sản lúng túng về nhân sự, lúng túng vì bị đe dọa, lúng túng vì chia rẽ trong chọn lựa và quản lý”
.

Cô Nguyễn Hoàng Vi, thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, bày tỏ: “Khi nghe ông Trần Quốc Vượng thì điều đầu tiên trong đầu tôi là một dấu hỏi. Nếu như trong thời điểm bình thường mà không phải là trước Đại Hội Đảng thì tôi cho rằng đó là những lời thật lòng của ông ấy. Nhưng mà trước Đại Hội Đảng mà ông phát biểu như vậy thì tôi nghĩ nó mang tính chất đấu đá, phe phái với nhau hơn là sự trung thực của ông”.
“Ông Trần Quốc Vượng muốn dùng lá bài “chính ta lật đổ ta” có thể là đề thanh trừng nội bô, ghế này ghế nọ trong đảng với nhau. Tôi không chắc rằng sau này ông ấy có quay lại đỗ thừa cho dân, đỗ thừa cho thế lực thù địch thế này thế kia”
“Gốc rễ của vấn đề, đúng như lời phát biểu của ông, sự sụp đổ, sự phát triển của đất nước và của đảng cộng sản nói chung không phải từ chính thế lực thù địch như Ban Tuyên Giáo của đảng cộng sản tuyên truyền bấy lâu nay. Người dân biết điều đó hơn ai hết và bây giờ ông Vượng chỉ muốn mượn cái điều mà ai cũng biết nhưng không dám nói để làm tăng uy tín của ông lên mà thôi”.

Đồng tình với ông Trần Quốc Vượng, rằng kẻ thù làm hại ta chính là ta chứ không ai khác, là ý kiến của phó giáo sư tiến sĩ, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, là cựu giám đốc Học Viện Hải Quân Nhân Dân Việt Nam:
“Từ xa xưa chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói cán bộ phải thật sự vì nước, vì dân, vì đảng. Thế thì cán bộ chọn ra mà trước thì tốt sau đó biến chất thì trở lại là phản dân, phản nước. Câu nói “chọn cán bộ hết sức quan trọng” của vị lãnh đạo đó tôi hoàn toàn đồng ý, vì nếu chúng ta làm sai thì nó dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề, đi đến chuyện dân mất tin. Tôi thấy câu nói rất đúng thôi”.
“Kinh nghiệm và bài học đau đớn vừa qua ví dụ như vụ xét xử AVG, rồi gần đây vụ xử ông Nguyễn Trung Tín, nguyên phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, rồi một loạt các vụ xử khác nữa, là những bài học phải nói là thấm thía và đau đớn cho quá trình chọn cán bộ ở nước Việt Nam chúng tôi”.

Cựu Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định:
Trần Quốc Vượng đáng khen vì dám nói là nếu đảng cộng sản không thay đổi thì nguy cơ bị lật đổ là hiện thực. Ít ra Trần Quốc Vượng đã dám nói lên điều này”.
Rõ là đảng cộng sản bắt đầu nhận thức ra vấn đề, ông Nguyễn Khắc Mai phân tích, đó là đội ngũ đảng viên cán bộ thiếu năng lực và thối nát. Có điều nhận thức này chừng như thiếu một yếu tố cần thiết là lấy dân làm gốc:
“Chỉ coi trọng cái yếu tố cán bộ không thì không đủ. Bây giờ cho là họ có sàng lọc, chọn lựa tử tế đi nhưng mà đường lối vẫn như cũ, vẫn tiến lên chủ nghĩa xã hội và kinh tế nhà nước, vẫn là đảng độc quyền toàn trị cả đường lối phát triển đất nước, thể chế chính trị không phù hợp, không dân chủ, không tam quyền phân lập thì tất cả những yếu tố ấy mới thật sự là nguyên nhân tổng hợp làm cho sụp đổ đảng cộng sản”.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu phân tích những lời phát biểu của ông Trần Quốc Vượng:

  1. Ông Trần Quốc Vượng đã xác định đúng “Cơ đồ xây dựng 75 có nguy cơ sụp đổ”.
  2. Ông Trần Quốc vượng đã xác định đúng:
    “Không ai mang máy bay và đại bác đến để lật đổ chúng ta”. “Ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta”, “chẳng phải do kẻ thù đâu”.
  3. Từ lo lắng về nguy cơ sụp đổ và từ xác định đúng thế lực thù địch, ông Trần Quốc Vượng đã rút ra kết luận: “Hết sức chú ý công tác nhân sự”; “Đây là vấn đề quan trọng”.

Phải hiểu cho đúng ý của ông Trần Quốc Vượng về kết luận “Hết sức chú ý công tác nhân sự”; “Đây là vấn đề quan trọng”. Một người đã nhìn thấy gốc rễ vấn đề như ông Trần Quốc Vượng thì đề xuất của ông không phải để giải quyết phần ngọn của nguy cơ sụp đổ cơ đồ, mà phải giải quyết phần gốc tại sao lại dẫn đến nguy cơ sụp đổ cơ đồ.
Một là, không bổ nhiệm những nhân sự chỉ biết hô hào bảo vệ chế độ bằng miệng, mà không nhìn thấy nguyên do tại sao lại sụp đổ. Đã không nhìn thấy nguyên do đích thực để sửa chữa, thì không thể nào bảo vệ chế độ mù quáng bằng cách hô hào và tuyên truyền miệng.
Hai là, cũng không bổ nhiệm những cán bộ chỉ lo diễn tập chống nhân dân biểu tình mà không biết nguyên nhân tại sao nhân dân lại biểu tình. Vì không bao giờ có thể dùng bạo lực để thắng được nhân dân. Những kẻ khát bạo lực như vậy chỉ làm cho chính quyền nhanh sụp đổ chỉ là một mặt, mà quan trọng hơn, ở mặt khác, là đắc tội với muôn đời mai sau vì đã đàn áp đồng bào của mình để duy trì quyền lực.
Vì thế, ba là, cần tìm kiếm bổ nhiệm những nhân sự biết rõ nguyên nhân vì sao cơ đồ có nguy cơ sụp đổ mà chữa trị – không phải bảo vệ chế độ bằng súng đạn và tù đày, mà bảo vệ chế độ bằng cách thuận theo ý nguyện của toàn dân.
Trong trường hợp này, toàn dân muốn một chính quyền như thế nào là do toàn dân quyết định. Khi chính quyền là do nhân dân quyết định thì chính quyền sẽ tồn tại cùng với nhân dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, nói xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là xu thế tất yếu của quá trình phát triển xã hội và cải cách dân chủ.
Luật sư Đài biện luận rằng “Không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ” và rằng “Đa đảng, đa nguyên là thành tố quan trọng nhất để xây dựng lên một quốc gia dân chủ.”
“Có gần 4 triệu công dân có quyền thành lập và tham gia đảng cộng sản thì 86 triệu công dân khác cũng có quyền thành lập và tham gia các đảng, tổ chức chính trị khác nhau.
“Tức là đa số Nhân dân sẽ có quyền lựa chọn và quyết định đảng cầm quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng. Đa đảng sẽ bảo đảm quyền làm chủ đất nước của Nhân dân.”

Bất kỳ chế độ nào, nếu phục vụ nhân dân thì phải đem đến cho họ Dân chủ, Tự do, Ấm no và Hạnh phúc. Nhưng đã 75 năm trôi qua từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được Chính quyền, người dân vẫn không có những điều mong muốn đó, ngược lại, càng gần đến ngày Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13 – thì Đảng càng lộ rõ bản chất độc tài – bắt nhốt, bỏ tù người dân vô tội.
Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng là điển hình của một băng nhóm tham nhũng, ăn hối lộ với hàng triệu người tham gia – nó đã gây nên bất công ngày càng lớn trong xã hội và cuối cùng thì trên 90 triệu người dân ngoài đảng bị nhóm nhỏ đảng viên đặc quyền này gạt ra ngoài lề.
Vậy thì Đảng Cộng Sản không nên tiếp tục tồn tại nữa, hãy để người dân tự quyết định vận mệnh và tương lai của chính mình.

Trung Nam (Tp.HCM) – Thoibao.De (Tổng hợp)

Nguồn:

RFA Tiếng Việt
Báo Tiếng Dân