Khi nghiên cứu các tài liệu tiếng Nga thời Xô Viết, các học giả cho biết nỗi lo sợ Trung Quốc tấn công xâm chiếm toàn bộ Đông Dương đã được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là Lê Duẩn bộc lộ với nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev trong chuyến thăm Moscow năm 1973.
Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Duẩn được Đảng Cộng sản gọi là “chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng“.
Dường như Lê Duẩn là người quyết định rất nhiều trong chiến lược chống Mỹ của Hà Nội. Theo sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ 1954, và thậm chí có thể là sớm hơn, Lê Duẩn đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong chiến tranh Việt Nam.
Một thập niên sau, đến thời điểm Tổng thống Johnson leo thang, Lê Duẩn đã mài sắc các nhận định chiến lược. Đến giữa thập niên 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã già, yếu và dần chuyển thành nhân vật lãnh đạo tượng trưng, bù nhìn, con rối cho những người đồng chí của mình giật dây. Khi đó, quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay Lê Duẩn và cánh tay phải của ông, Lê Đức Thọ.
Lê Duẩn hiểu rõ những hạn chế của Mỹ trong suốt cuộc chiến. Tuy vậy, cái nhìn của ông về những động cơ của Mỹ thì mù mờ hơn.
Lê Duẩn nhận ra Mỹ bị lúng túng vì những cam kết khắp thế giới. Khác với Bắc Việt, có thể tập trung toàn lực chống Mỹ, Mỹ thì bận rộn kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, chống các phong trào cánh tả ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ, kiềm chế chiến tranh và hòa bình ở Trung Đông.
Hồ sơ cho thấy Lê Duẩn nhận ra Mỹ lo lắng về thương vong. Vì thế ông ta ra hẳn yêu cầu: phải giết được 40 đến 50.000 lính Mỹ trong vài năm sau khi Mỹ leo thang. Nhờ nhận ra những hạn chế chủ yếu của Mỹ, Lê Duẩn soạn nên các chiến lược đánh vào những điểm yếu nhất của kẻ thù.
Với vị thế là một nước nhỏ, Việt Nam luôn chỉ là một quân cờ trong bàn cờ của các nước lớn. Bản thân trong mối quan hệ với Liên Xô, Việt Nam cũng chỉ là một yếu tố để người anh cả xã hội chủ nghĩa nâng lên đặt xuống, cân nhắc khi nào có lợi thì lôi ra dùng và khi nào không cần đến nữa thì sống chết mặc bay.
Trong bài ‘Why Were the Russians in Vietnam?’ (Vì sao người Nga có mặt ở Việt Nam?) trên New York Times ̣(27/03/2018), Giáo sư Sergey Radchenko đã đánh giá lại quyết định của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo ông, Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, ban đầu chỉ coi vấn đề Việt Nam hoàn toàn có tính ngoại vi, là thứ yếu so với quan hệ Xô – Trung.
Thậm chí, Khrushchev còn không tin tưởng ban lãnh đạo Bắc Việt và nói trong số họ có những kẻ ‘lai Tàu’ (nguyên văn là một từ miệt thị Chinese half-breeds).
Nhưng sang thời Leonid Brezhnev, vị thế của Hà Nội được coi trọng hơn.
Lý do, theo Giáo sư Radchenko, không phải vì tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và người cộng sự số một, Thủ tướng Andrei Kosygin, đột nhiên yêu quý người Việt Nam, mà vì cuộc chiến Việt Nam giúp cho họ giành vị thế ‘ngang với Mỹ‘.
Dưới thời Brezhnev, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ sẽ giúp Đảng Cộng sản Liên Xô lấy lại được tính chính danh.
Thực ra, có nét tương đồng đáng kể giữa sự hiện diện của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam. Giống như người Mỹ, điều mà Moscow quan tâm nhất là uy tín của mình trên cương vị một đồng minh và một siêu cường, cũng như tính chính danh trong nước và quốc tế mà uy tín ấy mang lại.
Khi Khrushchev bị lật đổ trong một cuộc “đảo chính” vào tháng 10/1964. Người kế vị ông, Leonid Brezhnev và Alexei Kosygin, muốn chứng minh rằng họ thực sự trung thành với cam kết khi đồng minh cần cung cấp viện trợ quân sự.
Brezhnev khi đó cùng ban lãnh đạo mới đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính chính danh.
“Trợ giúp cho Bắc Việt Nam chống lại ‘chủ nghĩa đế quốc Mỹ’ sẽ giúp ban lãnh đạo Liên Xô được công nhận, trong con mắt nhân dân chính họ, và trong cái nhìn của đồng minh quốc tế, như những người thừa kế chính đáng của lá cờ lãnh đạo trong phe xã hội chủ nghĩa.”
“Cũng vì chính lý do đó, Moscow cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc.” Tuy nhiên, nỗ lực của Liên Xô làm lành với Trung Quốc – trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1965 của Kosygin – đã không được Mao đón nhận mặn mà.
Khi quyết định ngả về Liên Xô, Hà Nội cũng đã tính đến tham vọng riêng và có những tính toán thiệt hơn trong mối quan hệ với Liên Xô.
Nhu cầu thực tiễn là Hà Nội cần vũ khí và viện trợ từ Moscow.
Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc giúp cho Bắc Việt Nam quyết định rõ rệt hơn trong việc chọn Moscow dù trước đó, ông Lê Duẩn đã tỏ ra ngả về phía Bắc Kinh một cách chiến thuật.
Ban lãnh đạo Hà Nội lo ngại phong trào cực đoan (của cách mạng Văn Hóa) khuấy lên biến động trong giới người Hoa đông đảo tại Bắc Việt Nam.
Về vị thế, Hà Nội cũng muốn vươn lên đóng vai trò lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ít ra là ở vùng Đông Nam Á, và không muốn chấp nhận vai trò đàn em (underling) của Bắc Kinh.
Chuyến thăm của Henry Kissinger sang Trung Quốc năm 1971 khiến Hà Nội cảm thấy ‘họ đã không được tham vấn và bị phản bội“. Từ đó, Bắc Việt Nam đã muốn hoàn toàn ngả về phía Liên Xô.
“Trong chuyến thăm đến Moscow tháng 12/1971, Tướng Võ Nguyên Giáp đã đem đến thông điệp đó khi Bắc Việt Nam chuẩn bị cho cuộc chiến dịch Đông Xuân nhằm đánh cú cuối cùng vào Nam Việt Nam.
Ông Giáp hứa rằng một chiến thắng chung của Liên Xô và Bắc Việt Nam sẽ báo hiệu Hà Nội thăng tiến trong đẳng cấp lên làm lãnh đạo, và là đầu tàu của phe XHCH ở Thế giới thứ ba“.
“Lãnh đạo Liên Xô đã đồng ý với sứ mệnh đó của Bắc Việt Nam sau khi ông Giáp hứa để hải quân Liên Xô có quyền dùng Vịnh Cam Ranh, khi đó vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát.”
Nỗi sợ Trung Quốc đã luôn ám ảnh đội ngũ cộng sản Việt Nam khiến Lê Duẩn liên tục kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô đặc biệt là trong chuyên thăm Liên Xô năm 1973.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phẫn nộ trước việc Bắc Kinh khuấy động chủ nghĩa cực đoan trong cộng đồng người Hoa khá lớn đang sinh sống ở miền Bắc Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Vinh, vào năm 1967, thời điểm đỉnh cao của sự tham chiến của người Mỹ, nói rằng “Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng người Việt Nam không sợ người Mỹ mà sợ các đồng chí Trung Quốc.”
Nhà nghiên cứu người Nga phân tích : Người Trung Quốc và người Việt Nam có những quan điểm rất khác nhau về tầm quan trọng tương đối của họ. Các lãnh đạo Trung Quốc coi Bắc Việt là thuộc hạ. Họ đã giúp Bắc Việt. Họ chỉ dẫn cho Bắc Việt. Và cái họ mong chờ là sự thần phục. Nhưng người Việt lại không chịu thần phục. Sau nhiều năm chiến đấu chống lại Mỹ, họ cảm thấy mình có quyền tuyên bố là lãnh đạo cách mạng, ít nhất là ở Đông Nam Á.
Quan hệ Trung-Việt thời điểm đó đã xuống một mức thấp mới. Tính đến mùa hè năm 1973, khi Mỹ đang hoàn thành việc rút quân, Lê Duẩn bắt đầu lo lắng về Trung Quốc, nói với Brezhnev rằng ông nghĩ Mao đã lên kế hoạch “xâm chiếm toàn bộ Đông Dương và Đông Nam Á khi thời cơ đến.” Brezhnev tiếp tục hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam – lần này là chống lại người hàng xóm phía bắc của họ.
Không chỉ hứa giúp đỡ bảo vệ Việt Nam trước tham vọng bá chủ của người anh hai xã hội chủ nghĩa – người láng giềng bất hảo Trung Quốc, Liên Xô còn hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước để nâng cao hình ảnh sáng ngời của con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chi phí đầu tư danh tiếng, hình ảnh cho cái học thuyết xã hội chủ nghĩa quá là đắt đỏ, thậm chí nó đã góp phần khiến người anh cả xã hội chủ nghĩa Liên Xô lâm vào cảnh vỡ nợ khốn cùng.
Chi phí tái thiết sau chiến tranh là rất lớn. Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn với Brezhnev về những kỳ vọng của Hà Nội: Sẽ phải có một nguồn viện trợ rất lớn từ Liên Xô để giúp “công nghiệp hóa” Việt Nam, từ đó cho toàn bộ Đông Nam Á thấy lợi ích thiết thực của định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Chúng tôi chẳng có gì cả,” Lê Duẩn nói với Brezhnev, hàm ý rằng mọi thứ sẽ phải đến từ khối Xô Viết trong vòng 10 đến 15 năm tiếp theo.
Brezhnev đồng ý xóa tất cả các khoản nợ của Hà Nội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục cho vay thêm, và đến năm 1990, Việt Nam đã nhận được hơn 11 tỷ đô la viện trợ, hầu hết trong số đó không bao giờ được hoàn trả. Trợ cấp cho Việt Nam trở thành gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Liên Xô trong thập niên 1980, góp phần khiến cho Moskva kiệt quệ.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng của phía Liên Xô và Việt Nam, nhưng chí ít là với Moscow, đó là một chiến thắng với cái giá quá lớn. Duy trì các đồng minh phụ thuộc là điều tốt cho uy tín của một siêu cường và cho tính chính danh của các nhà lãnh đạo, nhưng nó không tốt cho ngân sách nhà nước. Ông Sergei Radchenko cảnh báo sự can dự của Moscow ngày nay tại Syria, giống như chiến tranh ở Việt Nam, dễ gây ra hậu quả lâu dài tai hại cho nước Nga.
Sự bành trướng của Trung Quốc là hiện hữu, chính quyền cộng sản Việt Nam trong giai đoạn Chiến tranh lạnh còn có Liên Xô để dựa dẫm còn ngày nay thế hệ cộng sản Việt Nam thời bình lại dường như đã thuần phục Trung Quốc nhằm bảo vệ chế độ của mình khi để Trung Quốc cho tàu thăm dò của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông) năm 2019 hay ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Không phải ngẫu nhiên là TBT Lê Duẩn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Với tư tưởng bá quyền nước lớn ,gần đây TQ đã trắng trợn tuyên bố chủ quyền của họ với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng bãi tư chính của Việt Nam, qua hành động này, TQ đã lộ nguyên hình tham vọng thôn tính lãnh thổ Việt Nam để mở rộng cửa ngõ về phía Nam.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)