Thiết lập ‘khoảng cách xã hội’ là một trong những biện pháp được các chính phủ phương Tây ưu tiên nhất trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Tại Mỹ, từ ngày 16/3, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp tạo ‘khoảng cách xã hội’.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 kêu gọi người Mỹ dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập nhóm trên 10 người nhằm kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại nước này.
Ông Trump cũng nhấn mạnh người dân nên tránh tự ý đi lại, không đến các quán bar, nhà hàng, các quầy thực phẩm công cộng hay các phòng tập thể thao…
Những điều mà Tổng thống Trump khuyến cáo người dân được coi là các biện pháp tạo “khoảng cách xã hội” nhằm hạn chế hết sức có thể những tiếp xúc gần giữa người với người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chưa có thông tin nói về việc phải duy trì khoảng cách xã hội trong khoảng thời gian bao lâu tại Mỹ nhưng những dấu hiệu gần đây của chính quyền Mỹ cho thấy biện pháp này sẽ còn được thực hiện trong thời gian dài tới.
Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) ngày 15/3 nói rằng, người dân nên dừng việc tụ tập nhóm trên 50 người trong 8 tuần tới.
Ngày 16/3, một số bang cũng yêu cầu hàng triệu sinh viên không tới trường trong khoảng thời gian còn lại của năm học. Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Tổng thống Trump cho rằng đợt dịch này có thể kéo dài tới tháng 6, thậm chí tháng 8 năm nay.
Tại Anh, các cố vấn của chính phủ cho rằng việc duy trì khoảng cách xã hội sẽ cần thực hiện trong “ít nhất là nửa năm” để chặn tình trạng gây quá tải cho các bộ phận chăm sóc người bệnh nặng.
Nhóm Cố vấn Khoa học Về Các Trường hợp Khẩn cấp (Sage) khuyến nghị việc áp dụng đan xen các biện pháp chặt chẽ và nới lỏng hơn trong thời gian kéo dài gần như cả năm.
Các biện pháp nghiêm ngặt gồm có đóng cửa trường học và duy trì khoảng cách xã hội đối với tất cả mọi người.
Các biện pháp nới lỏng hơn gồm có cách ly các trường hợp đơn lẻ và các gia đình.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Năm nói rằng nước Anh có thể “đẩy lui” bệnh dịch Covid-19 trong vòng 12 tuần.
Các trường học ở Anh, Scotland và Xứ Wales đóng cửa từ thứ Sáu 20/3 cho tới khi có thông báo mới, tuy nhiên vẫn mở cho các trẻ dễ bị tổn thương và con cái của những người được xác định là lực lượng lao động thiết yếu cho xã hội.
Các tiệm cà phê, quán rượu, nhà hàng tại Anh được yêu cầu đóng cửa.
Các hộp đêm, nhà hát, rạp chiếu phim, cơ sở tập thể dục thể hình, các trung tâm thể thao cũng phải đóng cửa “càng sớm càng tốt“.
Đây là những bước đi nằm trong các biện pháp duy trì khoảng cách xã hội tại Anh. Mọi người được yêu cầu tránh tiếp xúc gần với người khác, nếu không cần thiết.
Tại Ý, quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh cho đến thời điểm này, đã áp dụng lệnh phong tỏa quốc gia đối với toàn quốc, hạn chế người dân đi lại trừ lý do cần thiết, công việc và sức khỏe từ ngày 9/3/2020.
Chính phủ nước này đã đưa ra lời kêu gọi công dân hãy đứng cách xa nhau ít nhất một mét. Các hoạt động, hay những thói quen về đêm của xã hội quốc gia Nam Âu này đều bị hủy bỏ. Hình ảnh những người dân Italia xếp hàng đứng cách nhau một tới hai mét, thậm chí xa hơn nữa để giúp không gian trong các cửa hàng tạp hóa không bị đông đúc, đồng thời ngăn không cho họ bị nhiễm bệnh.
Những hành động tay trong tay đi cùng bạn bè, ôm hôn người hàng xóm hay xoa đầu những đứa bé từng là cách thể hiện văn hóa của người dân Italia cũng đã được người dân hạn chế tối đa.
Trả lời truyền thông quốc tế, ông Piero Emilio Vincenzi, chủ cửa hàng thiết bị nội thất gần Vatican cho biết : “Tôi thấy rất kỷ luật, đoàn kết và hợp tác (với những quy định về khoảng cách), và mọi người đều hiểu rằng, nếu có một người nhiễm bệnh thì sẽ có rất nhiều người cũng bị nhiễm theo”.
Tại Pháp, tối 16/3, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố, nước Pháp đang trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa người dân đi lại tự do trên toàn quốc trong vòng 15 ngày tới, kể từ trưa 17/3.
Theo đó, trên toàn lãnh thổ Pháp ở lục địa cũng như hải ngoại, mọi người chỉ được ra đường vì mục đích điều trị bệnh, mua nhu yếu phẩm nhưng duy trì khoảng cách ít nhất 1m, đến nơi làm việc vì không thể làm việc ở nhà, đi tập thể dục nhưng chỉ một mình. Mọi người không được lấy lý do đi dạo, rồi gặp gỡ nhau ở ngoài đường hay những nơi công cộng, thăm gia đình hay tụ tập trong nhà, hạn chế tối đa sự tiếp xúc, lây nhiễm.
Kể từ trưa 17/3, bất kỳ người nào ra đường phải chứng minh được mục đích di chuyển để mua nhu yếu phẩm, đến nơi làm việc vì chưa được sắp xếp làm ở nhà, đi khám chữa bệnh, đi xử lý công việc cấp bách của gia đình hay giúp đỡ những người đang gặp nguy hiểm.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner khẳng định, nước Pháp không phải là ngừng hoạt động hoàn toàn. Vẫn có các ngoại lệ để ra khỏi nhà, đi làm và xử lý công việc cần thiết, chứ không phải đi chơi, tụ tập. Do đó, lệnh vừa ban hành đã rất rõ ràng rằng: nếu không buộc phải ra đường, hãy ở nhà.
Hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh sẽ được triển khai trên toàn quốc, kiểm soát người dân thực hiện các biện pháp vừa được Tổng thống công bố. Các trạm kiểm soát di động và cố định sẽ được thiết lập trên các đường cao tốc và liên tỉnh, thành phố. Nếu ai vi phạm, sẽ bị phạt từ 38 đến 135 euro, tùy mức độ.
Cho đến nay, chính phủ Pháp cũng đang cân nhắc kéo dài thêm thời gian duy trì lệnh giới nghiêm tại nước này.
Vậy tại sao biện pháp “duy trì khoảng cách xã hội” lại có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan? Người dân tạo khoảng cách xã hội bằng cách nào?
Duy trì khoảng cách tiếp xúc là điều quan trọng, bởi dịch bệnh lây lan khi người bị nhiễm bệnh ho, làm bắn ra các giọt nước bọt nhỏ xíu trong đó chứa nhiều virus.
Những hạt này có thể bị người khác hít vào, hoặc gây lây nhiễm khi ta chạm tay vào bề mặt mà các hạt rơi xuống, sau đó dụi tay vào mắt, mũi hoặc miệng.
Càng ở gần nhau trong khoảng thời gian ngắn chừng nào thì chúng ta càng ít nguy cơ bị nhiễm virus chừng đó.
Mọi người nay được yêu cầu tuân thủ các biện pháp tự duy trì khoảng cách, đặc biệt là với những người trên 70 tuổi, phụ nữ có thai và những người thuộc nhóm thường được tiêm vaccine phòng cúm.
Để tạo khoảng cách xã hội thì người dân nên làm việc tại nhà (nếu có thể) ; tránh đi lại nếu không cần thiết ; tránh những nơi đông người như các câu lạc bộ, nhà hát, và các địa điểm tổ chức sự kiện ; tránh tụ tập với bạn bè, gia đình…
Tuy nhiên, người dân vẫn có thể đi dạo hoặc chạy ngoài trời ; đi mua nhu yếu phẩm với điều kiện không có dấu hiệu nhiễm bệnh và luôn đảm bảo giữ khoảng cách 1-2m đối với người khác.
Nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh, cần thực hiện tự cách ly tại nhà tối thiều 14 ngày.
Thời gian duy trì khoảng cách xã hội sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn sẽ còn kéo dài trong một thời gian dài nữa khi mà tình hình dịch hiện nay ở châu Âu đang rất căng thẳng với số người nhiễm bệnh và tử vong do bệnh ngày càng tăng cao.
Việc duy trì “khoảng cách xã hội” này sẽ kéo dài bao lâu để có thể “chặn đứng” dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán là câu hỏi mà người dân của nhiều nước đang quan tâm trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng tới hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đây cũng là một câu hỏi đặc biệt khó ngay cả đối với giới khoa học.
Trả lời truyền thông quốc tế vào ngày 15/3, Natalie Dean, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Florida đang làm việc trong dự án đánh giá vaccine ngừa dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán với Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và các dự án đối phó dịch bệnh khác cho biêt : “Tôi không biết liệu những người đã sẵn sàng “giãn cách xã hội” hiện nay có thể tiếp tục thực hiện biện pháp này trong bao lâu. Nhưng khi bạn nhận thấy tình trạng ở các bệnh viện ngày càng trở nên khó khăn hơn, tôi nghĩ thái độ đó sẽ thay đổi”.
Cô bổ sung : “Thật vô cùng căng thẳng. Nó sẽ buộc nhiều gia đình phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Nhưng chân thực mà nói, vẫn còn quá sớm để đưa ra câu trả lời điều này sẽ kéo dài bao lâu. Cũng giống như việc bạn hỏi anh lính cứu hỏa khi nào bạn có thể trở về nhà trong khi căn hộ của bạn vẫn còn đang bốc cháy”.
Chưa bao giờ khoảng cách giữa người với người được khuyến cáo lại xa đến vậy. Sự vồn vã chào hỏi nhau bằng những cái ôm, cái hôn, cái bắt tay thường ngày của văn hoá Phương Tây, hay cảnh đám đông ngồi sát nhau trong các sự kiện cộng đồng đã biến mất một cách đột ngột và dứt khoát.
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán không chỉ khiến cuộc sống thường ngày xáo trộn mà còn tạo ra khoảng cách xã hội giữa con người với nhau. Liệu rằng khi dịch bệnh được ngăn chặn thì liệu văn hóa chạm má ‘bisous’ của người Pháp, cử chỉ ‘Mano’ của Philippines, kiểu hôn chào hỏi eskimo tức là người chào sẽ đặt mũi và môi mình lên má người còn lại rồi hít vào của Greenland hay văn hóa ‘hongi’ chạm cả mũi và trán vào nhau khi chào tại Maori và rất nhiều cách chào hỏi truyền thống của các vùng miền trên thế giới còn được duy trì ?
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)