Bonn / Cologne (Köln) – Một nghiên cứu hiện tại của Đại học Bonn đã phân tích về mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong do virus corona và cấu trúc xã hội.
Điểm khởi đầu cho phân tích là tỷ lệ tử vong rất khác nhau do nhiễm bệnh COVID-19 trong một so sánh quốc tế.
Trong khi tỷ lệ các bệnh nhân bị chết vì virus này ở Đức là dưới 0,3% (tính đến ngày 15 tháng 3), tỷ lệ này ở Ý là 6%. Nghĩa là tính trung bình, ở Đức cứ 1.000 ca nhiễm thì có 3 ca tử vong, nhưng tại sao ở Ý có tới 60 ca tử vong?
Hai nhà kinh tế học GS.TS. Moritz Kuhn và GS.TS. Christian Bayer từ Đại học Bonn – Đức đã so sánh vai trò của cấu trúc xã hội với tỷ lệ tử vong do nhiễm virus corona ở các quốc gia khác nhau.
Kết quả của nghiên cứu: Càng nhiều người có công ăn việc làm mà họ sống chung với cha mẹ, thì tỷ lệ tử vong do virus corona – khi bắt đầu dịch bệnh – càng cao.
“Nếu con số người lao động bị nhiễm bệnh cao, thì sẽ ít bi thảm hơn đối với các cấu trúc xã hội như ở Đức hoặc Scandinavia, nơi chúng ta biết ít có hình thức sống chung giữa các thế hệ với nhau trong một mái nhà“, giáo sư Moritz Kuhn giải thích.
“Ở các quốc gia như Ý, nơi người già thường sống chung dưới một mái nhà với cả đại gia đình, tỷ lệ các trường hợp tử vong do nhiễm virus tăng đáng kể“. Virus lây lan sang người già đã đưa đến một phản ứng dây chuyền làm quá tải hệ thống y tế.
Tình hình ở Đông Âu và Châu Á
Do đó, tình hình ở Đông Âu có thể sẽ bi thảm giống như ở Ý.
Lý do là nhiều hình thức sống chung giữa các thế hệ với nhau. Do đó, các biện pháp như giữ “khoảng cách tiếp xúc” để bảo vệ người già (từ 1,5m đến 2m) sẽ phải được làm sớm ngay ở giai đoạn đầu.
Mặc dù có các hình thức sống chung tương tự ở châu Á, nhưng các nhà nghiên cứu thấy một số yếu tố có thể giải thích tỷ lệ tử vong thấp hơn tại các nước châu Á.
Dân số nói chung là trẻ hơn và các hình thức tương tác xã hội cũng khác (không có thói quen ôm nhau hoặc bắt tay chào hỏi khi gặp nhau). Ngoài ra, các nước châu Á cũng có thể được chuẩn bị tốt hơn do đã có kinh nghiệm qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh SARS năm 2003 (các châu lục khác hầu như không bị dịch bệnh này).
Nghiên cứu đã nêu ra một thí dụ là các phòng khám sốt ở nhiều nước châu Á chỉ chuyên điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm và do đó làm giảm gánh nặng hệ thống y tế.
Nghiên cứu này được hình thành trong chương trình của ECONtribution. Nhóm các nhà nghiên cứu hàng đầu tại các trường đại học ở Bonn và Cologne (Köln), được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG), nghiên cứu các thị trường trong lĩnh vực căng thẳng giữa kinh doanh, chính trị và xã hội.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)