Đại dịch Covid-19 làm tăng nhanh số người nghèo đói ăn tại các đô thị lớn trong khi chính sách cứu trợ của chính phủ không đủ nhanh và rộng để bao phủ. Đấy là lúc vai trò của xã hội dân sự phát huy.
Buổi sáng đầu tuần, trước khoảng sân rộng của một công ty trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM), nhiều người xếp hàng trong trật tự. Chân họ đặt lên những ô nhỏ được vẽ trên gạch, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m theo quy định nhằm phòng dịch.
Họ là những người đang đợi nhận gạo từ cây ATM gạo, nguồn lương thực giúp họ chống chọi qua cuộc khủng hoảng. Họ thuộc lớp nghèo khó, dễ tổn thương nhất giữa đại dịch.
Dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về việc “Cách ly xã hội” đến hết ngày 15/4 được ban hành, các hàng quán đóng cửa và nhiều lao động nghèo rơi vào cảnh thất nghiệp.
Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh xã hội, địa bàn TP HCM có gần 12.000 người bán vé số gặp khó khăn do dịch Covid-19. Người nghèo cũ vẫn nghèo, người nghèo mới do dịch bệnh xuất hiện, lực lượng người đói ăn trở nên đông đảo hơn bao giờ hết.
Hàng người đứng dài chờ đợi lấy cơm, lấy gạo hoặc các nhu yếu phẩm là thực tế sinh động của những con người kiếm ăn trên hè phố. Họ là những đại diện của người nghèo không có ăn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Cuộc sống của họ gói gọn trong một ngày, “làm đồng nào xào đồng đó“.
Dù chính phủ đã có kế hoạch với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ cho khoảng 20 triệu đối tượng nhưng các gói hỗ của nhà nước thường không đủ nhanh để cứu đói cho những người “vừa ráo mồ hôi là hết tiền“. Vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp, hội nhóm, tổ chức và cá nhân đứng ra cứu đói.
Dân nghèo chỉ lo “Chết đói trước khi chết dịch“
Chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười Hoạt động dưới sự quản lý của Quỹ từ thiện tình thương TP HCM. Quán cơm Nụ Cười 1 ra đời vào tháng 10/2012, cho tới nay chuỗi đã phát triển tới quán thứ 6. Trong dịch bệnh, thực hiện Chỉ đạo 16, quán tạm thời đóng cửa.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Tập, thành viên của chuỗi quán cơm Nụ Cười, nói:
“Khi chúng tôi tạm đóng cửa, những khách hàng quen thuộc vẫn tới. Nhiều người hỏi: Đóng cửa vầy rồi tụi tui thất nghiệp, đói ăn phải làm sao. Chính vì thế, chúng tôi không tổ chức ăn tại quán mà đi phát cơm“.
“Thời điểm này, dịch bệnh kéo dài và kinh tế kiệt quệ, thất nghiệp gia tăng thì những người vừa ráo mồ hôi là hết tiền không thể cầm cự. Chúng tôi nói với nhau: Chỉ sợ người nghèo chết đói trước khi chết vì dịch. Cho nên bằng mọi cách chúng tôi cố gắng vừa đảm bảo vệ sinh phòng dịch mà vẫn giúp được người nghèo. Cứu người giống cứu hỏa. Khi đã sẵn sàng, chúng tôi treo bảng thông báo ngay dù biết lượng cơm mình thực hiện được so với số người nghèo như muối bỏ bể,” ông Tập trải lòng.
“Bình thường trưa khoảng 11 giờ quán bắt đầu phục vụ thì bây giờ chúng tôi nấu từ sớm để phân thời gian ra, không để dồn vào một thời điểm. Vì vậy, tuy là suất cơm trưa nhưng 8 giờ sáng đã phát. Tình nguyện viên đi phát được trang bị khẩu trang, tấm kính chắn phía trước để giảm rủi ro. Chỉ đưa nhanh và đi ngay trong vài giây“.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock là chủ nhân của sáng kiến máy ATM gạo, chia sẻ:
“Dịch bệnh khiến nền kinh tế kiệt quệ và những người nghèo, người bán vé số, ve chai bị mất hoàn toàn thu nhập. Bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều anh chị lái xe công nghệ, họ vốn không quá nghèo nhưng giờ không kiếm được đồng nào mà lại phải nuôi gia đình bốn năm miệng ăn nên cũng là đối tượng cần được giúp.”
Bình luận về cảnh chen chúc giành giật gạo cứu đói này ở Hà nội, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc ở TpHCM nhận định rằng:
Người trực tính thì công kích và khinh miệt!
Người điềm tĩnh thì nhận xét chừng mực và phân tích nguyên nhân…
Người bao dung thì xót thương và cám cảnh!
Người có xu hướng chính trị thì phê phán thể chế tạo ra xã hội yếu kém và con người thiếu liêm sĩ…
Tôi chỉ thấy buồn đau cho dân mình, vì thiếu đói và sống trong môi trường xã hội có quá nhiều bất cập mà dần đánh mất lòng tự trọng và tính liêm sĩ của con người…!
Biết rằng có nhiều tranh cãi về việc người không đói ăn cũng đến nhận cứu trợ, ông Tuấn Anh lý giải: “Chúng tôi đã tính toán, mỗi lần phát gạo chỉ 1,5 kg nên những người đến đây thực sự kẹt lắm, họ phải bỏ qua mặc cảm để đến nhận gạo. Đã giúp người thì đừng khó khăn quá với họ. Một túi gạo như vậy cũng không đáng cho những người khá giả đổ tiền xăng, mua khẩu trang hay đứng đợi vài chục phút để nhận.”
Ông Huỳnh Tuấn Anh cho biết ý tưởng làm ra cây ATM gạo nảy sinh từ việc ông quan sát những hội nhóm, tổ chức làm từ thiện đang gặp vấn đề nan giải về phòng dịch.
Ông nói: “Bên tôi làm về công nghệ tòa nhà thông minh và khóa điện tử nên tôi nghĩ tại sao không áp dụng mô hình vốn thuần cho kinh doanh để làm từ thiện. Tôi quyết định làm một máy ATM gạo.
“Ý tưởng đã có nhưng chúng tôi gặp khó khăn về mặt thời gian. Tôi yêu cầu nhân viên phải hoàn thiện trong 8 tiếng. Hôm đó là chủ nhật, thiếu thiết bị nên tôi phải gỡ tạm một máy khác của công ty, có giá khoảng 1 tỷ đồng để sử dụng tạm cho máy ATM gạo đầu tiên.”
Sáng kiến máy ATM phát gạo hỗ trợ những người khó khăn trong dịch Covid-19 ở Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế trên toàn cầu trong những ngày qua.
“Tôi bị choáng ngợp bởi lòng từ bi và sự hào phóng của người Việt. Tôi đã có đủ thức ăn và tiền bạc. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác“, thầy John viết.)
“Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật. Chiếc máy ATM gạo này đã được lắp đặt tại nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19“. Đó là dòng bình luận của đài CNN hôm 13-4.
“Đối với những người đột nhiên mất đi thu nhập, các doanh nhân và nhà tài trợ lắp đặt máy phân phối gạo miễn phí tại một số thành phố trên khắp Việt Nam” – CNN viết tiếp.
CNN viết: “Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật“. Ảnh chụp màn hình
Cũng theo CNN, để phòng ngừa dịch bệnh, những người đến nhận gạo được yêu cầu đứng cách nhau 2 m và phải sử dụng nước sát khuẩn rửa tay sạch sẽ trước khi nhận gạo. Tại Hà Nội, thời gian phát gạo là từ 5 giờ tới 17 giờ mỗi ngày, trong khi tại TP HCM, người dân có để đến nhận gạo bất kỳ lúc nào. Những cây ATM gạo như thế này còn xuất hiện ở Huế và Đà Nẵng.
CNN viết: “Ở trung tâm thành phố Huế, một máy ATM gạo được đặt tại một trường cao đẳng đã cung cấp khoảng 2 kg gạo miễn phí cho mỗi người dân địa phương. Ở TPHCM, ATM rút gạo hoạt động 24/7. Còn ở Đà Nẵng, hai máy ATM gạo sẽ được thiết lập vào tuần tới“.
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 13-4 chia sẻ cảm nhận của những người nghèo khi nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời của các doanh nghiệp vốn cũng đang rất khó khăn giữa dịch Covid-19.
Đó là câu chuyện của chị Nguyen Thi Ly, một phụ nữ 34 tuổi có chồng thất nghiệp và 3 đứa con nhỏ tại TPHCM.
Cô cho biết: “Chiếc máy ATM gạo này rất hữu ích. Túi gạo này đủ cho chúng tôi ăn trong một ngày. Giờ chúng tôi chỉ cần thêm thức ăn nữa. Những người hàng xóm thỉnh thoảng cũng san sẻ thức ăn cho chúng tôi, nếu không, chúng tôi sẽ phải ăn mì ăn liền. Tôi đọc được thông tin về chiếc ATM gạo này trên mạng Internet, tôi đến để xem có thực vậy không và không thể tin được điều này là sự thật. Tôi thực sự mong các nhà tài trợ có thể duy trì nó cho đến hết dịch“.
Reuters cũng dẫn lời từ anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty khóa điện tử PHG Lock, chủ nhân sáng kiến ATM gạo, cho biết anh muốn mọi người vẫn có thể nhận được thực phẩm cùng nhiều loại hàng hóa khác bất chấp khó khăn của dịch bệnh. “Tôi gọi chiếc máy này là cây ATM gạo vì mọi người có thể lấy gạo từ đó và mong họ hiểu rằng, ngoài kia vẫn có những người tốt muốn trao cho họ cơ hội thứ hai” – Tuấn Anh nói.
Một loạt các báo trên thế giới như US News, New York Post (Mỹ), Bristish Herald (Anh), Bangkok Post (Thái Lan), Gulf News (UAE), Taipei Times (Đài Loan), ABC News (Úc), Aljazeera (Qatar)… đăng tải lại thông tin trên của Reuters.
Cùng ngày, International Business Times (Mỹ) đánh giá sáng kiến của anh Hoàng Tuấn Anh là “hết sức tài tình” trong mùa dịch bệnh. Tờ báo này cũng dẫn lời anh Hoàng Tuấn Anh cho biết ý tưởng về chiếc máy ATM gạo này xuất phát từ việc anh nhận thấy việc phân phát gạo truyền thống sẽ khiến người dân tụ tập đông người khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Khi mà cây ATM gạo đầu tiên ở TP.HCM phát gạo tự động, miễn phí cho người nghèo ở khu Vườn Lài (Q.Tân Phú) khiến nhiều người cảm phục, thì ở một công xưởng nhỏ khác tại Q.2 (TP.HCM), có một nhà khởi nghiệp trẻ cùng các nhân viên cũng đang lặng lẽ sản xuất nhiều cây ATM gạo mới.
“Chúng tôi không bán những cây ATM gạo này. Chúng tôi sẽ tặng cho các nhà hảo tâm và sẽ cùng họ vận động gạo để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ kết nối với những tấm lòng ở khắp nơi, người có gạo ủng hộ gạo, người có địa điểm ủng hộ địa điểm lắp đặt. Chúng tôi sẽ mang máy tới để tặng miễn phí cho bà con khó khăn trong dịch Covid-19 này”, chị Võ Ngọc Anh, 37 tuổi, Giám đốc điều hành Vinalinks Group, người cùng chồng đang động viên anh em trong công ty mau chóng hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong mấy ngày tới, nói.
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh. Những chiếc máy phát gạo tự động này sẽ giải quyết khó khăn ngắn hạn, giúp bà con có những bữa cơm no.
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều nhà hảo tâm muốn ủng hộ người nghèo nhưng chưa biết làm sao, bởi làm thiện nguyện không phải dễ dàng, nên với ATM gạo, chúng tôi có thể kết nối nhiều tấm lòng lại. Chi phí làm máy được lấy từ quỹ dành cho công tác thiện nguyện. Khi thấy giúp được cộng đồng, được mọi người ủng hộ, chúng tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn”, chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Trương Tuyến (37 tuổi), chồng chị Ngọc Anh, cho hay hiện máy ATM gạo mẫu đầu tiên đã hoàn thiện xong, 10 chiếc máy nữa đang được gấp rút hoàn thiện. Những chiếc máy này có đặc điểm là đặt ở mặt đất, không cần phải vận chuyển lên cao, khi người dân xếp hàng và tiến tới nhận gạo, máy sẽ nhận diện được người tới, khi đó chỉ cần lấy chân đạp lên một chiếc cần là gạo sẽ chảy ra.
“Nếu tiếp tục có mạnh thường quân ủng hộ việc sản xuất máy phát gạo tự động này, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất cây ATM gạo để tặng cho các địa điểm cần hỗ trợ”, anh Tuyến nói.
Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn hô hào và tô vẽ cho sự ưu việt của thể chế Cộng Sản với chế độ XHCN, nhưng mỗi khi gặp hoạn nạn, thì chỉ thấy người dân trong nước yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lấy nhau để sống sót.
Phải chăng, các quan chức cầm quyền đã làm giàu quá đủ bằng cách ăn cắp công quỹ, tham nhũng và bóc lột nhân dân, nên họ đã đánh mất trách nhiệm xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn “đổi màu”, xa rời cương lĩnh của mình và bỏ mặc giai cấp công nhân, nông dân, trí thức để họ tự phải vật lộn với những khó khăn chồng chất mùa đại dịch.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)