Nhiều người Việt cùng gần một triệu cư dân mạng trên thế giới ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ chức vì cách xử lý đại dịch Corona mà tới ngày 23/4 đã làm 2,6 triệu người nhiễm và 183 nghìn người chết trên toàn thế giới.
“Chúng tôi thực sự nghĩ rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vị trí Tổng giám đốc WHO”, thỉnh nguyện thư với gần một triệu chữ ký trên trang Change.org viết, đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc “từ chức ngay lập tức”.
Lời kêu gọi cũng cho rằng ông Tedros “tin vào con số người chết và nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho mình mà không điều tra”.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ Sydney, Australia, ký giả Nguyễn Vy Túy, vốn ủng hộ thỉnh nguyện thư, nói rằng ông Tedros “chịu trách nhiệm rất lớn trong việc đưa toàn cầu đến thảm nạn”.
“Nếu ông ấy hành xử đúng công việc của ông ấy thì có lẽ số người tử vong cũng như tác hại của dịch có thể đã giảm bớt và được chặn đứng một cách nhanh chóng hơn”, ông Túy nói thêm.
Ông nhận định tiếp lý do vì sao nhiều người Việt ký vào lời kêu gọi nhà lãnh đạo WHO từ chức: “Đối với người Việt, có một yếu tố khác đó là liên quan tới vấn đề Trung Cộng [Trung Quốc] vì Trung Cộng cho tới nay, ai cũng đều biết rằng con virus đó xuất phát từ Vũ Hán và đó là nguyên nhân, cội rễ của vấn đề. Đối với người Việt trên toàn cầu, có một vấn đề khác, người ta nhìn Trung Cộng là một thảm họa không những riêng về vấn đề đại dịch mà còn là vấn đề tồn vong của đất nước Việt Nam trong tương lai”.
Trước khi ngừng cung cấp ngân quỹ hơn 400 trăm triệu đôla cho WHO vì điều ông nói là “thất bại” trong việc xử lý virus Corona, Tổng thống Trump gần đây nói rằng tổ chức này “nghiêng về Trung Quốc” và thúc đẩy “thông tin sai” của Bắc Kinh, dẫn tới đại dịch lan rộng.
Hồi giữa tháng Một, Twitter của Tổ chức Y tế Thế giới viết rằng “các điều tra ban đầu của chính quyền Trung Quốc không phát hiện bằng chứng rõ ràng về việc virus Corona lây từ người sang người”.
Trong một cuộc họp báo hôm 22/4, Tổng giám đốc WHO nói ông hy vọng chính quyền của ông Trump sẽ cân nhắc việc ngưng hỗ trợ tài chính, đồng thời nói rằng virus Corona “sẽ tồn tại với chúng ta trong một thời gian dài”.
Trước các chỉ trích cho rằng WHO đáng lẽ phải hành động sớm hơn nữa, ông Tedros bảo vệ quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này, vào ngày 30/1, nói thêm rằng đó là “thời điểm đúng đắn” và “thế giới có đủ thời gian để phản ứng”.
Tới ngày 23/4, WHO vẫn chưa có phản ứng chính thức nào đối với thỉnh nguyện thư mà phóng viên VOA Việt Ngữ có thể nhìn thấy không ít tên tiếng Việt.
Một người tên Trâm Lee bình luận bằng tiếng Anh: “Ông ta không làm tốt công việc của mình”. Một người khác tên Hoa Nguyễn viết: “Ông ta cần phải ra đi. Và chúng ta cần thay máu với người trẻ hơn, biết cần phải làm gì và không lẫn lộn giữa chính trị và công việc họ phải thực hiện cho thế giới”.
Ông Tedros, nhà nghiên cứu người Ethiopia, lên làm Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017 với nhiệm kỳ 5 năm. Ông là người không có chuyên môn về bác sĩ đầu tiên cũng như người gốc Phi đầu tiên lên nắm vị trí này.
Khi được hỏi trong trường hợp Tổng giám đốc Tedros lắng nghe lời kêu gọi của người dân trên thế giới và từ chức thì ông hy vọng gì vào một người lên thay thế, ký giả Nguyễn Vy Túy cho biết kỳ vọng vào một người “hữu hiệu và có trách nhiệm hơn trong tương lai”.
“Chúng ta cần một người có tài năng, nhạy bén, và phải trung lập trong mọi tổ chức của thế giới, không thể nghiêng về một đất nước nào, con người nào, nghiêng về một màu da, sắc tộc nào để hành xử quyền hạn và chức vụ của mình”, ông Túy nói.
Trên Twitter hôm 21/4, Tổng giám đốc WHO GTedros viết một từ tiếng Anh có nghĩa là “tha thứ” mà không giải thích gì thêm.
Từ Paris, Pháp, nhà báo độc lập Tường An – Ca Dao đưa ra bình luận của mình về quyết định của Tổng thống Trump đối với WHO:”Như bài nói chuyện của ông, ông nói rằng Mỹ đã đóng góp ngân khoản cho tổ chức y tế này là từ 400-500 triệu đôla hàng năm, trong khi Trung Quốc chỉ có 40 triệu, theo con số năm 2014, cho đến bây giờ con số này đã lên là 86 triệu. Nhưng mà dĩ nhiên vẫn còn thua Mỹ rất là nhiều.
“Tổ chức Y tế Thế giới đã không làm đúng nhiệm vụ của mình, thành ra quyết định của ông Trump là đúng. Nhưng mà cách giải quyết phải nói thêm.”
“Chúng ta biết rằng Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, là một người được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hậu thuẫn vào ghế lãnh đạo tổ chức này, cho nên chúng ta không lạ gì khi mà ông Tedros có những thái độ được cho là rất thân với Trung Quốc.
“Qua những phát biểu của ông Tedros một vài tuần sau khi ông lên nhậm chức là ông khen ông Tập Cận Bình, khen Trung Quốc.
Về vấn đề dịch virus khởi phát từ Vũ Hán này, chúng ta thấy WHO đã rất chậm chễ trong việc công bố đại dịch.
“Ông Tedros trong lần gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, đã khen ông Tập có những giải quyết rất là tốt, sau đó cũng lại khen Trung Quốc có những biện pháp rất là tốt, lại nói là nhờ Trung Quốc mà thế giới có thời gian để đối phó, và WHO cũng không lên tiếng kêu gọi đóng cửa biên giới, giới hạn v.v…“
Tổng Giám đốc WHO ngày 22/4 cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại việc đóng băng nguồn quỹ tài trợ cho WHO và nói sẽ tiếp tục làm việc dù đã có lời đề nghị từ chức từ Hạ viện Mỹ.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông hy vọng Mỹ tin rằng cơ quan này là một khoản đầu tư quan trọng, không chỉ để giúp đỡ người khác, mà còn để giữ an toàn cho Mỹ trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Khi được hỏi liệu có cân nhắc về đề nghị từ chức, Tedros cho biết “Tôi sẽ tiếp tục làm việc cả ngày lẫn đêm vì đây là một công việc rất cao quý, và tôi hiện tại sẽ chỉ tập trung vào trách nhiệm cứu người.”
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết việc Mỹ dừng tài trợ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi như chủng ngừa trẻ em, nỗ lực diệt trừ bệnh bại liệt, và “dịch vụ y tế cần thiết và quản lý chấn thương trong một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.” Ryan hy vọng sự tạm dừng này chỉ kéo dài 60 ngày chứ không lâu hơn.
Tại một cuộc họp báo ở Washington ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông tin về một khoản hỗ trợ mới của Mỹ dành cho một số quốc gia cho dịch COVID-19, nâng tổng số tiền viện trợ cho đại dịch này trong năm nay lên hơn 700 triệu USD.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính tới ngày 16/4, Hoa Kỳ đã hỗ trợ y tế gần 4,5 triệu đôla để “giúp chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt giám sát dựa trên sự kiện và tìm kiếm ca bệnh, hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật cho công tác chuẩn bị và ứng phó, truyền thông về rủi ro, phòng tránh, kiểm soát lây nhiễm và các hoạt động khác”.
Trung Quốc hôm nay 23-4 công bố góp thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giúp cơ quan này có thêm nguồn ngân sách chống đại dịch COVID-19.
Theo Hãng tin AFP, Bắc Kinh đưa ra thông báo tài trợ thêm cho WHO chỉ vài ngày sau khi Mỹ, nước đóng góp lớn nhất cho WHO, tuyên bố tạm dừng giải ngân để điều tra về cách xử lý đại dịch COVID-19 của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc.
“Trung Quốc đã quyết định góp thêm 30 triệu USD tiền mặt cho WHO, cùng với khoản tài trợ 20 triệu USD trước đó, để hỗ trợ cuộc chiến toàn cầu với đại dịch COVID-19 và củng cố thêm cho hệ thống y tế của các nước đang phát triển“, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo hôm nay, 23-4.
Bà Hoa cũng nói thêm việc đóng góp của Trung Quốc với cơ quan Liên Hiệp Quốc “thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng của chính phủ cũng như nhân dân Trung Quốc với WHO“.
Phe Cộng hòa ở Mỹ yêu cầu Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, từ chức vì những yếu kém trong phản ứng chống dịch Covid-19 nhưng giới lãnh đạo trên thế giới tiếp tục ủng hộ ông trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân trên toàn cầu.
Hôm 16-4, 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gửi thư kêu gọi Tổng thống Donald Trump đóng băng những khoản đóng góp cho WHO cho đến khi Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, từ chức.
Động thái trên thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trump sau khi ông tuyên bố Mỹ sẽ ngừng đóng góp cho WHO để chờ tiến hành một cuộc điều tra về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trăng hôm 14-4, Tổng thống Trump nói WHO đã không đảm đương được “nghĩa vụ cơ bản” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ông cáo buộc WHO đã quản lý quá yếu kém và che dấu mối đe dọa Covid-19, bao gồm việc lan truyền các thông tin sai của Trung Quốc về virus corona chủng mới (SAR-CoV-2) khi cho rằng virus này không thể lây lan giữa người với người và khuyến nghị các nước không cần phải cấm đi lại.
Ông cho rằng “việc WHO phụ thuộc vào các công bố của Trung Quốc có thể đã làm tăng số ca nhiễm Covid-19 lên gấp 20 lần”.
Tuyên bố của Trump về việc ngưng đóng góp cho WHO ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều lãnh đạo trên thế giới cũng như phe Dân chủ tại Mỹ.
Họ cho rằng WHO có thể cần phải được cải tổ nhưng ông Trump không nên gây khó cho WHO và mổ xẻ trách nhiệm của ông Ghebreyesus giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn cao trào và thế giới cần sự điều phối của tổ chức sức khỏe toàn cầu này.
Tại cuộc họp trực tuyến hôm 16-4 của các lãnh đạo khối 7 cường quốc công nghiệp G7, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu để ứng phó dịch Covid-19 đồng thời bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối dành cho WHO.
Trong thư gửi cho Tổng thống Trump hôm 16-4, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết họ đã mất niềm tin với ông Ghebreyesus đồng thời đổi lỗi cho WHO và chính phủ Trung Quốc về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.
Họ cho rằng WHO đã lan truyền những thông tin sai do Trung Quốc cung cấp trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng dịch Covid-19
Thư có đoạn viết: “Điều này dẫn đến nhiều nước trên thế giới bao gồm đất nước chúng ta phải chống dịch Covid-19 với những thông tin thiếu hụt, khiến thời gian quý báu bị lãng phí”.
Trong thư cũng nêu rằng trước đây, ông Ghebreyesus thường ủng hộ chính sách và các thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc và mối quan hệ gần gũi của ông với Trung Quốc đã làm “xói mòn khả năng phục vụ một cách vô tư của ông với tư cách là tổng giám đốc WHO”
Nhóm nghị sĩ cũng lưu ý Mỹ đóng góp cho WHO hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới dù Mỹ có dân số thấp hơn một số nước.
Họ viết: “Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho WHO với hơn 893 triệu đô la Mỹ trong chu kỳ ngân sách hai năm hiện nay của WHO…Trong lúc đó, Trung Quốc đóng góp xấp xỉ 86 triệu đô la, tính cả khoản góp bắt buộc và tự nguyện”.
Dù vẫn ghi nhận vai trò quan trọng và có giá trị của WHO trong các chiến dịch bảo vệ sức khỏe trên toàn cầu, đặc biệt là trong tình huống nhân đạo nhưng họ đề xuất Tổng thống Trump chỉ nên ủng hộ các khoản đóng góp tự nguyện cho WHO trong năm tài chính 2020 với điều kiện ông Ghebreyesus từ chức.
Trái lại, phe Dân chủ kịch liệt phản đối việc Tổng thống Trump yêu cầu ngưng đóng góp cho WHO. Chủ tịch hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, một thành viên của đảng Dân chủ, nói rằng quyết định của Trump là “nguy hiểm, bất hợp pháp” và bà sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền lực của bà để đảo ngược quyết định này.
Bà nói rằng vai trò WHO rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bà chỉ trích Tổng thống Trump là một vị lãnh đạo yếu kém, thoái thác trách nhiệm về phản ứng không hiệu quả để ứng phó dịch bệnh.
Thế khó của WHO khi phải cân bằng ngoại giao
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump đang muốn biến WHO thành “vật tế thần” để lẩn tránh những chỉ trích về phản ứng chậm trễ của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống Covid-19, khiến Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong lớn nhất thế giới. Những chỉ trích này có thể khiến ông mất điểm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Thực tế, hôm 14- 1, WHO có chia sẻ những thông tin ban đầu từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng “không có bằng chứng rõ ràng” về khả năng virus SAR-CoV-2 lây nhiễm giữa người và người. Tuy nhiên, đến ngày 23-1, tức 3 ngày sau khi Mỹ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, WHO chính thức cảnh báo về khả năng này.
Về việc ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi Trung Quốc minh bạch và phản ứng nhanh chóng, giúp kìm hãm đà lầy lan của Covid-19, giới phân tích tỏ ra thông cảm vì ông cần dùng “những lời ngọt” để thuyết phục Trung Quốc mở rộng hợp tác.
Devi Sridhar, Giáo sư khoa y tế cộng đồng toàn cầu ở Đại học Edinburgh (Anh) tin rằng Trung Quốc đã trì hoãn công bố thông tin ở giai đoạn đầu của cơn bùng phát dịch Covid-19.
Song bà cũng cho rằng rất khó để đổ phần lớn lỗi cho WHO về cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay vì tổ chức này phải tìm cách cân bằng ngoại giao để thuyết phục các nước cùng nỗ lực chống dịch.
WHO không thể bắt buộc các nước chia sẻ thông tin về các cơn bùng phát dịch bệnh và chủ yếu trông chờ vào thiện chí hợp tác của họ.
Và ở những nhà nước thuộc thể chế Cộng sản độc Đảng, độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam thì sự trung thực của thông tin sẽ chẳng bao giờ có, vì họ phải che đậy để tiếp tục mị dân nhằm duy trì sự tồn tại của thể chế phi dân chủ, mất tự do đang cai trị những người dân ở đây.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)