Bác sĩ – Linh mục gốc Việt Phạm Hữu Tâm (Anthony Phạm) ở Houston, Texas, đang phục vụ tình nguyện tại tuyến đầu ở bệnh viện Elmhurst, Queens, một bệnh viện có tỷ lệ tử vong cao nhất ở New York, vừa có cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt về công việc cao cả của vị lương y – mang lại sự êm dịu cho bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch, kết nối với gia đình trước lúc bệnh nhân lâm chung.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 922.293 ca nhiễm, trong đó hơn 52.000 ca tử vong, chủ yếu tập trung ở bang New York.
Đáp lại lời kêu gọi của Thống đốc bang New York, bác sĩ Phạm Hữu Tâm quyết định đóng cửa văn phòng ba tuần lễ để đến thành phố tâm dịch Covid-19 của Hoa Kỳ đễ hỗ trợ cho các bệnh nhân.
Là một linh mục, ông có dịp làm lễ Xức dầu và ban Bí tích giải tội cho một số bệnh nhân công giáo tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là “tâm dịch của tâm dịch” tại Hoa Kỳ.
Sinh năm 1965 tại Sài Gòn, có bố là thợ sửa máy bay cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, ông Tâm trở thành thuyền nhân sang Mỹ tỵ nạn năm 1980. Ông theo học đại học tại California, học ngành y ở thủ đô Washington, và sau đó gia nhập vào dòng Tu hội Tận hiến Truyền giáo ICM, và theo học triết học và thần học tại Lousina. Sau khi thụ phong linh mục tại Tu hội ở Texas, ông tiếp tục theo học ngành y và sau đó trở thành bác sĩ hành nghề tại thành phố Houston.
“Hôm ngày 23/4, một số nhân viên bệnh viện Elmhurst Queens đã đốt nến cầu nguyện trước cửa bệnh viện. Chúng tôi cầu nguyện cho nhiều ngàn bệnh nhân Covit đã tử vong nơi đây trong 6 tuần qua. Cho gia đình của họ đang đau khổ, thương xót người thân. Cho những người còn đang quằn quại trên giường bệnh. Cho những bác sĩ, y tá trên tuyến đầu đã ngã xuống vì công việc. Bạn có thể hỏi cầu nguyện với Ơn Trên được lợi ích gì?
Hôm qua lần đầu tôi xuống Khoa Cấp Cứu ED để gặp bệnh nhân. Ngay giường bên cạnh khoảng 10 bs, y tá đang làm cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân Nam khoảng 45 tuổi. Nén ngực, bơm oxy, tìm tĩnh mạch vô nước biển, chích epinephrine, sốc tim… thực hiện tất cả kiến thức và dụng cụ y khoa tối tân nhất để hy vọng cứu được bệnh nhân. 30 phút như vậy, nhưng cuối cùng người bệnh cũng chết. Cả Khoa Cấp Cứu như một bãi chiến trường, bệnh nhân đầy nhóc, cấp cứu liên tục.
Đứng trước cái chết, con người cảm thấy bất lực và thật sự khiêm tốn. Y khoa hàng đầu rồi cũng có giới hạn. Như trong đại dịch Vũ Hán này, con người càng cảm thấy cuộc đời rất mong manh và giới hạn. Để chúng ta biết chấp tay cúi đầu cầu nguyện với Đấng Tối Cao.
Vũ khí của chúng ta không chỉ giới hạn trong y khoa hiện đại, nhưng còn là niềm hy vọng và tình yêu.” Bác sỹ Phạm Hữu Tâm bộc bạch trên Facebook cá nhân của mình.
“Tôi đến thành phố New York để tình nguyện trong vòng ba tuần. Họ hỏi tôi muốn đến nơi nào. Với tinh thần tình nguyện, tôi muốn đến chỗ nào mà bận nhất, cần sự giúp đỡ nhiều nhất.”
“Họ nói đó là bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là nơi có số ca Covid-19 nhiều nhất, nặng nhất, số tử vong nhiều nhất, và là nơi quá tải nhất. Vì vậy mà tôi đã đến bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens để làm việc.”
“Hiện tại ở trong nhà thương mọi sự thay đổi hoàn toàn. Trước đó còn có những khoa khác nhau nhưng bây giờ chỉ còn một khoa duy nhất là chữa trị bệnh nhân Covid-19 mà thôi – với 95% bệnh nhân là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tất cả các bác sĩ trong bệnh viện, cho dầu là bác sĩ giải phẫu, tổng quát, sản phụ, tim mạch… cũng đều dồn nỗ lực vào để giúp cho bệnh nhân Covid-19.”
“Họ chia ra nhiều đội khác nhau. Đội của tôi gọi là Palliative Care [Chăm sóc xoa dịu cho bệnh nhân nguy kịch], chuyên giúp cho bệnh nhân có sự thoải mái, trong đó có bao gồm việc giảm đau, nối kết gia đình, và vấn đề tâm linh.” Bác sĩ Phạm Hữu Tâm nói.
“Khi bệnh nhân vào nhà thương thì coi như cắt đứt với bên ngoài, không có thân nhân vào thăm được. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo thì còn có thể gọi điện thoại để nói chuyện chút đỉnh với gia đình. Nhưng khi chuyển sang thời kỳ nặng hơn, không thở được phải đặt ống thở, rồi hôn mê, gây mê cho họ…coi như gia đình không còn liên lạc với bệnh nhân được, cũng như không biết tin tức gì về bệnh nhân đó nữa.
“Đối với những bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi phải gọi cho gia đình. Cập nhật tình trạng bệnh nhân cho gia đình. Thật sự những cuộc điện thoại đó toàn là tin xấu. Tôi hỏi ý kiến gia đình rằng nếu tim bệnh nhân ngừng đập thì có nên làm thủ thuật hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân [Do-Not-Resuscitate order] hay không? Thật ra nếu làm thủ thuật đó thì cũng không có kết quả khả quan lắm, và chỉ kéo dài sự đau đớn của người bệnh mà thôi.”
VOA: Tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 vào lúc cuối đời của họ, ông có cảm giác ra sao?
Bác sĩ Tâm: “Trong những ngày qua tôi đã giúp kết nối gia đình cho một số trường hợp. Gia đình muốn nhìn mặt người thân của mình trong những giây phút cuối cùng trong khi họ không thể nào vào bệnh viện được, tôi gọi họ bằng điện thoại di động, dùng Facetime rồi đi vào phòng bệnh nhân để họ nhìn thấy người thân. Đương nhiên tôi phải mặc áo chống vi khuẩn các thứ, trùm kín hết…Người thân nhìn qua Facetime khóc, cầu nguyện, nói lời từ giã… trong những giây phút cuối cùng.
“Ngay cả khi qua đời, bệnh nhân nằm trong nhà xác cũng thật lâu, vì trong mùa dịch bệnh cũng không thể an táng chôn chất gì. Rất là bi thương.”
VOA hỏi: Nhiều người gọi là đây hành động can đảm, rất anh hùng. Bác sĩ nghĩ như thế nào về lời khen như thế?
Bác sĩ Tâm nói: “Khi đi vào bệnh viện thấy có biết bao nhiêu con người trong đó đang phải đối diện với nguy hiểm. Không phải chỉ có y tá, bác sĩ, mà những người lao công làm nhiệm vụ dọn dẹp, lấy rác từ phòng bệnh nhân bị nhiễm bệnh, những người mang thức ăn…có rất nhiều đang âm thầm hy sinh làm việc.
“Chúng tôi như những người xông pha ra chiến trường đứng trước đầu tên mũi đạn. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình vì trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân, với đồng đội.”
VOA: Vừa là một bác sĩ, vừa là một linh mục, ông có lời khuyên nào dành cho khán thính giả VOA trong lúc này?
Bác sĩ Tâm: “Đây là một căn bệnh hiểm nghèo. Nếu quý vị còn đang nghe tôi nói thì chúng ta vẫn còn là người khỏe mạnh. Qúy vị ở ngoài thì cố gắng tối đa hỗ trợ cho chính phủ ngăn ngừa để bệnh không lây lan nhiều bằng cách ở nhà và giữ vệ sinh cá nhân một cách tối đa.
“Hệ thống miễn dịch của chúng ta rất quan trọng, nó không chỉ phụ thuộc vào thể chất mà còn theo tinh thần nữa. Nếu tinh thần chúng ta mạnh mẽ, vui vẻ… thì chắc chắn hệ thống miễn dịch của chúng ta chiến đấu mạnh hơn nhiều.
“Trong lúc này tôi biết chắc có nhiều người buồn phiền vì mất việc, phải ở nhà tù túng, cuộc sống gia đình khó khăn… vì vậy sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy nâng đỡ nhau, thương yêu nhau trong thời gian này.
“Mỗi người chúng ta đều có một tôn giáo và đức tin, chính niềm tin trong tôn giáo giúp chúng ta có thêm sức chiến đấu, và sự phấn khởi, hy vọng và lạc quan. Chúng ta cùng cầu nguyện với ơn trên, người theo Phật giáo cầu nguyện với Phật, người theo công giáo cầu nguyện với Thiên Chúa… để ơn trên ban phúc lành, bảo vệ chúng ta, cầu mong sớm chấm dứt dịch bệnh này.”
Linh mục, bác sỹ Phạm Hữu Tâm chia sẻ.
Giao ca sau 12 tiếng làm việc, chị Hailey Đắc cảm giác như sụp đổ vì chứng kiến một nam bệnh nhân mới 34 tuổi qua đời vì nhiễm nCoV.
Đó là ngày 22/3, ngày đầu tiên nữ y tá 45 tuổi được điều lên làm việc tại khoa điều trị Covid-19 của Medical City Healthcare, một trong những bệnh viện tư lớn của thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.
“Tôi cảm giác bất lực trước virus quái ác. Tại sao mình không thể cứu được một nam bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh lý nền, trước đó hoàn toàn mạnh khoẻ?”, chị Hailey chia sẻ với VnExpress.
Từ cuối tháng một, khi ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Mỹ được ghi nhận ở bang Washington, bệnh viện Medical City Dallas đã bắt tay vào chuẩn bị hạ tầng và trang thiết bị, dành một tầng với 15 phòng áp lực âm để sẵn sàng điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.
Ngày 11/3, các đồng nghiệp của chị Hailey tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên. 10 ngày sau, số ca bệnh tăng lên 20, trong đó 5 người tuổi từ 2 đến 71 trong tình trạng nguy kịch. Triệu chứng chung của những bệnh nhân này là sốt cao khoảng 40 độ C, ho, đau nhức mình, khó thở.
Từ khoa hồi sức cấp cứu, nữ y tá gốc Việt được điều động tham gia cuộc chiến. Chị phụ trách chăm sóc cho hai bệnh nhân, trong đó có người đàn ông 34 tuổi trên.
“Khi được chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nghiêm trọng, sốt, ho nhiều, khó thở, hàm lượng oxy dưới 70%. Các bác sĩ quyết định đặt ống thở ngay“, chị Hailey kể. “Kết quả chụp X-quang phổi màu trắng, ruột ngưng hoạt động, huyết áp tụt“.
Chị cho hay các bác sĩ đã sử dụng 3 loại kháng sinh azithromycin, levaquin, vancomycin, nhiều loại thuốc tăng huyết áp cùng plaquenil, một loại thuốc thường dùng trị sốt rét, viêm thấp khớp, lupus ban đỏ và tiêu chảy. Plaquenil hiện chỉ được các bác sĩ ở Medical City chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh tim, do thuốc có thể kéo dài nhịp tim.
Tuy nhiên, tình trạng của nam bệnh nhân ngày một nguy kịch. Máy dưỡng khí không thể bơm oxy vào phổi của anh vì phổi tổn thương quá nặng. Tối hôm đó, bệnh nhân qua đời trước những nỗ lực vô vọng của chị Hailey và các y bác sĩ.
“Điều làm chúng tôi đau lòng hơn nữa là bệnh nhân ra đi mà không thể có người thân bên cạnh vào những giây phút cuối đời. Đã bao giờ nhân loại trở nên như thế này chưa?”, nữ y tá nói.
10 năm làm trong khoa hồi sức cấp cứu, chị Hailey từng chứng kiến nhiều bệnh nhân gục ngã trước tử thần, nhưng chưa một ai phải ra đi cô độc như những bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm, bệnh viện không cho phép người nhà tới thăm nom bệnh nhân nặng. Medical City có 3.000 giường bệnh, 7 cổng, nhưng hiện chỉ mở cửa 2 cổng và bất kỳ ai ra vào cũng có nhân viên kiểm tra thân nhiệt. Chưa bao giờ chị thấy bãi đỗ xe của bệnh viện trống trơn như bây giờ.
“Các bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở đây ban đầu cũng cho rằng Covid-19 chỉ là cúm bình thường và so sánh nó với cúm mùa, căn bệnh làm 20.000-30.000 người chết mỗi năm”, chị cho biết. “Tuy nhiên, khi số người nhiễm nCoV tăng nhanh toàn cầu, họ mới thừa nhận sự nguy hiểm của dịch bệnh. Thống đốc bang và thị trưởng thành phố ngày nào cũng tổ chức họp báo để cập nhật tình hình và ra những chỉ thị mới nhằm ngăn chặn virus lây lan“.
Toàn Dallas có 13 bệnh viện và may mắn chưa rơi vào tình trạng quá tải. Lãnh đạo bệnh viện Medical City hôm qua đã nhóm họp và đề nghị các y tá như chị Hailey sẵn sàng làm thêm một ngày trong tuần nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Họ cũng tính đến phương án điều động các y tá đã về hưu hỗ trợ.
Mỗi tuần chị Hailey làm việc 3 ngày, mỗi ngày 12 tiếng, từ 7h đến 19h. Chị được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, mũ, đeo kính, khẩu trang, bọc giày, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hết giờ làm, chị cởi đồ bỏ lại bệnh viện để tiêu hủy, tắm rửa sạch sẽ mới dám về nhà.
Bệnh viện Medical City hiện điều trị 9 ca dương tính với nCoV và vừa tiếp nhận các kit xét nghiệm nhanh cho kết quả chỉ trong vòng 3 tiếng, thay vì 3-6 ngày như trước đây. Việc xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện đều miễn phí.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm diện rộng chỉ diễn ra qua chương trình xét nghiệm trên xe (drive-thru). Người dân khai báo tình trạng sức khoẻ theo link trực tuyến, sau đó sẽ được hẹn đến điểm xét nghiệm. Họ hoàn toàn ngồi trên xe, được y sĩ dùng tăm bông lấy mẫu dịch, khuyên về nhà tự cách ly trong thời gian chờ kết quả.
Chị Hailey cho hay theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu dương tính với nCoV ở thể nhẹ, bệnh nhân nên ở nhà tự cách ly, báo cáo với bác sĩ qua điện thoại để được theo dõi và hướng dẫn điều trị.
“Chỉ những người có triệu chứng nặng, ho quá nhiều, sốt cao, không thở được mới được bác sĩ chỉ định tới bệnh viện hoặc có thể tự gọi cứu thương“, chị Hailey nói. “Khi bệnh nhân được xác nhận dương tính với nCoV, các bác sĩ sẽ điều tra dịch tễ và khuyến cáo những người từng tiếp xúc gần với họ làm xét nghiệm“.
Tuy nhiên, từ thực tế điều trị tại bệnh viện, nữ y tá cảnh báo rằng những người trẻ tuổi không nên chủ quan bởi nguy cơ mà Covid-19 gây ra đối với mọi người là không lường được.
“Những bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau và nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới. Người trẻ khỏe như nam bệnh nhân 34 tuổi trên không cứu được, trong khi có những bệnh nhân già lại hồi phục“, chị Hailey nói.
Để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, chị khuyên mọi người tuân thủ khuyến cáo của CDC, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách trên 2 mét. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nên gọi điện cho bác sĩ, tự kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.
Vì làm công việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, hai tuần nay, chị Hailey đã gửi con gái 10 tuổi về nhà ông bà ngoại để đảm bảo an toàn. Hai cậu con trai lớn ở riêng cũng được mẹ thường xuyên gọi điện dặn dò giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Vài ngày một lần, vợ chồng chị lại mua nhu yếu phẩm mang sang đặt trước nhà bố mẹ, gõ cửa để thông báo họ ra lấy rồi đi về, mọi cuộc trò chuyện diễn ra qua điện thoại.
“Virus này nguy hiểm ở chỗ nó hoàn toàn mới, chúng ta chưa hiểu rõ về nó và cũng chưa có thuốc phòng ngừa hay đặc trị. Nhiều người cẩn thận nhưng vẫn không hiểu mình đã bị lây nhiễm như thế nào, nhiễm rồi cũng không có triệu chứng, đề kháng cơ thể mỗi người lại khác nhau“, chị Hailey nói. “Tôi mong mọi người cùng nâng cao ý thức, góp một tay làm phẳng đường cong của biểu đồ dịch bệnh. Bản thân tôi luôn sẵn sàng khi được điều động tiếp sức trong cuộc chiến“.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)