Một đoàn tàu đặc biệt, có thể là tàu của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, trong tuần này được nhìn thấy ở một thị trấn nghỉ dưỡng, theo các hình ảnh thu được từ vệ tinh và được một dự án từ Washington chuyên theo dõi tình hình Bắc Hàn, phân tích.
Dự án 38North trong một báo cáo ra hôm thứ Bảy nói rằng đoàn tàu đỗ tại “ga lãnh tụ” ở Wonsan vào ngày 21/4 và 23/4, và nói đây là ga được dành riêng cho gia đình họ Kim.
38North nói rằng có thể đây là đoàn tàu của ông Kim Jong-un, tuy nhiên, tin đó có đúng không, hay ông Kim liệu có đang có mặt ở Wonsan không thì hiện vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập.
“Sự hiện diện của đoàn tàu không chứng minh được là nhà lãnh đạo Bắc Hàn đang ở đâu, hay cho thấy bất kỳ chỉ dấu nào về sức khoẻ của ông, nhưng nó làm nặng ký thêm cho các tường thuật nói ông Kim hiện đang ở một khu vực cao cấp nằm trên bờ biển phía đông đất nước,” bản báo cáo của 38North nói.
Các đồn đoán về sức khoẻ của ông Kim lần đầu tiên rộ lên khi ông vắng mặt khỏi lễ kỷ niệm sinh nhật người cha lập quốc của Bắc Hàn, cũng là ông nội của ông Kim Jong-un là ông Kim Nhật Thành, hôm 15/4.
Trung Quốc đã cử một đội ngũ đến Triều Tiên, bao gồm các chuyên gia y tế, để làm cố vấn về nhà lãnh đạo Kim Jong Un, theo ba nguồn thạo tin của Reuters.
Phái đoàn do một thành viên cấp cao của Ban Liên lạc Quốc tế thuộc trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi hành đến Triều Tiên từ Bắc Kinh hôm 23/4, theo hai nguồn tin. Ban Liên lạc Quốc tế là cơ quan chính của Trung Quốc phụ trách các vấn đề trong quan hệ với Bình Nhưỡng.
Sự vắng mặt của Kim Jong Un rất đáng chú ý. Ông Kim được trông thấy lần cuối cách đó bốn ngày, trong một hội nghị của đảng Lao Động Triều Tiên. Tuy nhiên tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chẳng mấy ai biết được sự thật, còn bên ngoài thì lo tìm kiếm những thông tin được hé lộ.
Có rất nhiều giả thiết được đưa ra, dựa theo một hay nhiều nguồn tin. Một số không đề cập đến vụ phẫu thuật, số khác cho biết các bác sĩ Pháp đã được mời sang để giải phẫu tim, cả giả thiết Kim Jong Un bị nhiễm virus Cúm Vũ Hán cũng được đưa ra.
Phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo : «Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào để xác nhận tin đồn về sức khỏe của chủ tịch Kim Jong Un như một số báo chí đã loan».
Trong quá khứ, Kim Jong Un đã từng biến mất trong suốt 40 ngày, rồi sau đó tái xuất hiện với một cây gậy – ông ta đã được phẫu thuật chân.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận thấy sự gia tăng bất thường của Triều Tiên trong kiểm tra sự sẵn sàng của pháo binh và máy bay chiến đấu.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo cho biết Triều Tiên có sự “gia tăng bất thường” trong việc kiểm tra sẵn sàng của pháo binh và thực hiện các hoạt động bay của không quân, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Yonhap đưa tin.
Nhận xét của Bộ trưởng Jeong được đưa ra trong thông điệp chúc mừng lễ nhận nhiệm vụ của lực lượng quân y. Ông lưu ý rằng Triều Tiên tiếp tục tập trung vào phát triển vũ khí, trong khi không phản hồi để nối lại các cuộc đàm phán.
“Triều Tiên đang làm gia tăng căng thẳng quân sự thông qua các hoạt động bất thường trong việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, chủ yếu là lực lượng pháo binh và không quân”, Bộ trưởng Jeong nói.
Cùng ngày hôm đó, các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi của Triều Tiên cũng tiến hành tập trận và bắn nhiều tên lửa không đối đất xuống vùng biển phía đông.
Một sĩ quan Tham mưu trưởng liên quân trước đó cho biết đã có sự gia tăng các hoạt động giám sát của Triều Tiên trên vùng trời gần ranh giới với Trung Quốc trên Biển Hoàng Hải, trong đó có một số khu vực không được tuyên bố rõ ràng bởi Bình Nhưỡng hay Bắc Kinh.
Việc Triều Tiên gia tăng bất thường các hoạt động quân sự diễn ra trong bối cảnh có nhiều nghi vấn về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn không đề cập đến tình hình của nhà lãnh đạo Kim.
Thay vào đó, truyền thông Triều Tiên tập trung ca ngợi kỷ niệm 88 năm thành lập Quân đội cách mạng nhân dân Triều Tiên (KRPA) vào ngày 25/4.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài xã luận nhấn mạnh lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un về việc củng cố sức mạnh quân sự và tăng cường sự ủng hộ hơn nữa của quân đội đối với sự lãnh đạo của ông.
Việc tường thuật tin tức từ Bắc Hàn ra ngoài là vô cùng khó khăn, do nước này kiểm soát cực kỳ chặt chẽ thông tin.
Là thế hệ thứ ba lên nắm quyền sau khi cha là ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) qua đời hồi cuối 2011, ông Kim Jong-un chưa có người kế vị rõ ràng cho quốc gia có vũ khí hạt nhân, và điều này có thể tạo ra những rủi ro quốc tế to lớn.
Daily NK, một trang web đặt tại Seoul chuyên tường thuật về Bắc Hàn, dẫn một nguồn giấu tên từ Bắc Hàn hôm thứ Hai, nói rằng ông Kim đã được điều trị y tế tại khu nghỉ dưỡng Hyangsan ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Daily NK tường thuật rằng ông Kim cần được điều trị khẩn cấp liên quan tới việc ông nghiện thuốc lá nặng, béo phì và làm việc mệt nhọc.
Lần cuối ông Kim xuất hiện công khai là khi ông chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên, hôm 11/4, và thị sát cuộc diễn tập của chiến đấu cơ thuộc một đơn vị phòng không. Không rõ việc thị sát diễn ra khi nào, nhưng tin tức được tường thuật trên truyền thông nhà nước hôm 12/4.
Hãng tin CNN dẫn nguồn một viên chức Hoa Kỳ ẩn danh, nói Washington đang “theo dõi tin tình báo” theo đó nói ông Kim đang trong tình trạng nguy hiểm về sức khỏe sau khi trải qua cuộc phẫu thuật.
Không mấy thông tin về đời tư của ông Kim được biết đến cho tới khi có một đoạn video trên truyền hình cho thấy có một phụ nữ không rõ là ai tham dự các sự kiện bên cạnh ông. Vào tháng 7/2012, truyền hình nhà nước công bố tin ông Kim kết hôn với “đồng chí Ri Sol-ju“.
Tin tình báo Nam Hàn nói hai người đã có ba người con.
Trong tình hình ông Kim Jong-un có vẻ như “gặp vấn đề sức khoẻ”, sự chú ý của giới quan sát nay dồn vào hai nhân vật, Kim Pyong-il, và Kim Yo-jong.
Kim Pyong-il, sinh năm 1954, là con của Kim Song-ae, vợ thứ hai của Kim Nhật Thành. Ông là em trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-il, sinh năm 1941, bố của Kim Jong-un. Theo những quan chức cấp cao đào tẩu khỏi Triều Tiên, Kim Pyong-il có ngoại hình rất giống Kim Nhật Thành và Kim Jong-il từng cảm thấy cha dành nhiều quan tâm cho người em trai nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều.
Kim Pyong-il học tiếng Anh ở quốc gia Nam Âu Malta vào cuối những năm 1960, sau đó theo học tại học viện quân sự Triều Tiên và có bằng lái máy bay dân sự hạng nhẹ ở Đông Đức.
Một cựu quan chức Đông Đức mô tả ông là “người thông minh, có học thức“. Ông cũng được cho là từng học tại Moskva. Kim Pyong-il nói tiếng Nga trôi chảy, cựu quan chức Đông Đức cho biết.
Ông trở thành thành viên cấp cao trong lực lượng cận vệ của cha mình giống như Kim Jong-il. Ông nhanh chóng được thăng cấp lên đại tá và được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm ban chiến lược của lực lượng cận vệ.
Bạn thân của Kim Pyong-il là những người có vai vế như Kim Chang-ha, con của Bộ trưởng An ninh Nhà nước Kim Byong-ha, và Chon Wi, con của người đứng đầu lực lượng cận vệ. Họ thường tổ chức tiệc tại nhà Kim Byong-ha. Kim Pyong-il hay tặng đồng hồ khắc tên Kim Nhật Thành cho các vị khách.
“Ông ấy khá khoa trương và rất hào phóng, nhiều người tâng bốc ông ấy bằng cách tung hô ‘Kim Pyong-il muôn năm!”, Kang Myong Do, người đào tẩu nhận là con rể của cố thủ tướng Triều Tiên Kang Song-san, kể. “Đó là điều cấm kỵ, không nên dùng câu đó để nói về bất cứ ai ở Triều Tiên trừ Kim Nhật Thành“.
Khi biết tin, ông Kim Nhật Thành rất tức giận, Kim Pyong-il bị “thất sủng” trong khi vị thế của Kim Jong-il được củng cố. Kim Pyong-il sau đó được cử ra nước ngoài công tác trong lĩnh vực ngoại giao.
Từ năm 1979, ông giữ nhiều vị trí ngoại giao, trong đó có làm đại sứ ở các nước Hungary, Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan và Cộng hòa Czech. Hai con của ông học đại học tại Ba Lan.
Vào giai đoạn cuối đời, ông Kim Nhật Thành được cho là bất đồng ý kiến với con trai Kim Jong-il về nhiều chính sách. Theo nhà phân tích Nhật Bản Katsumi Sato, khi vợ của một cố thủ tướng Nhật Bản đến thăm Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, ông nói Kim Pyong-il đã giúp ông duy trì sức khỏe tốt.
Trong khi đó, Kim Pyong-il sống lặng lẽ ở châu Âu, gần như không giao tiếp với công chúng, không bao giờ lên tiếng chống lại Kim Jong-il hay chỉ trích Triều Tiên. Điều này khiến ông khác biệt với Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, người thường trả lời truyền thông Nhật trước khi được cho là bị ám sát tại Malaysia năm 2017. Kim Pyong-il cũng ít tiếp xúc với cộng đồng ngoại giao, thường chỉ dự sự kiện của sứ quán các nước Algeria, Nga và Syria.
Năm 1994, Kim Pyong-il và mẹ tham dự lễ tang của Kim Nhật Thành, nhưng hình ảnh của họ không xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên, theo Yonhap.
Tháng 12/2011, khi Kim Jong-il qua đời, các quan chức Hàn Quốc cho biết Kim Pyong-il vẫn ở Ba Lan và không dự đám tang.
Tháng 11/2019, Kim Pyong-il trở về Triều Tiên, từ giã sự nghiệp ngoại giao ở nước ngoài, đánh dấu lần đầu tiên ông trở lại làm cư dân Triều Tiên sau 40 năm.
Tài liệu tại Wilson Center cũng ghi nhận bình luận của giới chức Ba Lan rằng sau chuyến thăm của Đại tướng Wojciech Jaruzelski sang Bình Nhưỡng trước khi Ba Lan chuyển đổi thể chế, hai nước đồng ý hợp tác về an ninh, tình báo.
Những liên hệ này xem ra khó có thể tiến triển sau khi Ba Lan vào khối NATO, nhưng là chỉ dấu Bình Nhưỡng từng rất muốn có quan hệ nhiều hơn với Warsaw để không chỉ phải dựa hoàn toàn vào Moscow hoặc Bắc Kinh.
Vai trò gì cho cô em gái Kim Yo-jong?
Sinh năm 1987, từng cùng anh trai, Kim Jong-un học ở Thuỵ Sĩ, người phụ nữ này xuất hiện lần đầu trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Bắc Hàn năm 2014.
Sau đó, bà trở thành cánh tay phải của Kim Jong-un trong các sứ vụ ngoại giao quan trọng, với Nam Hàn, và có mặt tại Hà Nội tháng 2/2019, cùng anh dự thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Tại đây, Kim Yo-jong bắt tay tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và sau đó đi cách anh trai không xa khi hai ông Trump và Un đi vào phòng đàm đạo riêng.
Kim Yo-jong ra tuyên bố chính trị đầu tiên hồi đầu tháng 3, chỉ trích Hàn Quốc là “con chó sủa trong sợ hãi” sau khi nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ Triều Tiên thử tên lửa, nói rằng Seoul không có tư cách chỉ trích Bình Nhưỡng khi họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng và chung với Washington.
Cũng trong tháng 3, cô hoan nghênh Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông gửi thư cho Kim Jong-un để bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ song phương, cũng như đề nghị hỗ trợ Triều Tiên ứng phó Cúm Vũ Hán.
Các tuyên bố chính trị của Kim Yo-jong cho thấy vai trò trung tâm của cô trong chính quyền. “Jong-un cho phép em gái soạn thảo và công bố những phát ngôn công kích mang sắc thái cá nhân. Ông ấy rõ ràng đang để em gái trở thành nhân cách thứ hai của mình“, Youngshik Bong, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, nêu quan điểm.
Leif-Eric Easley, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Ewha, Seoul được báo Anh trích lời nói: “Chế độ Bắc Hàn là công việc của một gia tộc, nên Kim Yo-jong đã chứng tỏ năng lực hiện đại hóa ‘thương hiệu’ của chế độ, và có vẻ như nắm ngành tuyên giáo. Vai trò quan trọng nhất của bà ta là người được anh trai tin tưởng.”
Cũng một nhà quan sát khác, Leonid Petrov, từ Sydney, được trang The Guardian ở Anh trích thuật, nói rằng vì được anh trai tin tưởng, bà Kim Yo-jong “giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh tích cực khi giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nhưng việc bà Kim Yo-jong có thể lên thay khi ông Kim Jong-un “có mệnh hệ nào” hay không là câu hỏi khó trả lời.
Các ý kiến từ Hàn Quốc tin rằng Bắc Hàn là một xã hội trọng nam, bà Kim Yong-jo cùng lắm chỉ có thể làm lãnh đạo tạm quyền chứ không thể lên nắm chức vụ cao nhất nước một khi Kim Jong-un không đủ sức khoẻ hoặc qua đời.
Suk Ho-shin, viết trong bài ‘Liệu Kim Yo Jong có trở thành người kế vị Kim Jong Un?’ trên báo Donga-Ilbo ở Seoul (17/04/2020) cho rằng em gái Kim Jong-un đã đảm nhận các trọng trách như là đặc sứ với miền Năm từ 2018, và gần đây là chỉ đạo chống dịch Cúm Vũ Hán.
Bà không chỉ là em gái Kim Jong-un, và có thể đã xây dựng được phe cánh quyền lực trong hệ thống.
Nhưng để một phụ nữ trẻ lên nắm quyền trong cơ chế quyền lực Khổng giáo, trọng nam khinh nữ, xem ra không đơn giản, và mọi việc cũng phải được giới cầm quyền nhiều tướng lĩnh ở Bắc Hàn đồng ý.
Một người nữa thuộc dòng máu ‘Núi Bạch Đầu’ (Paektu) của Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) là Kim Jong-chol, anh trai Kim Jong-un.
Người này vốn thích âm nhạc và ít quan tâm đến chính trị.
Gần đây, Kim Jong-chol “có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng“, và từng bị cha chê là “giống con gái“. Khả năng một người như vậy lên thống lĩnh quân đội Bắc Triều Tiên có thể khó được các nguyên soái, tướng tá nước này chấp nhận.
Nếu tình hình sức khoẻ của ông Kim Jong-un xấu đi và việc chọn ra người kế vị trong dòng họ Kim không đạt, nguy cơ tranh giành quyền lực nổ ra, theo giới quan sát.
Thông tin đã từng đưa ra trước đây cho thấy, các vụ thanh trừng kinh khủng đã xảy ra trước khi Kim Jong-un lên nắm toàn quyền năm 2012, sau khi cha ông, Kim Chính Nhật qua đời năm 2011.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)