Cuộc chiến thuyết âm mưu Mỹ – Trung về đại dịch viêm phổi Vũ Hán

https://www.youtube.com/watch?v=LzLJ6Bq0xVU

Trong khi cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi vào hồi kết thì một cuộc chiến khác cũng đang diễn ra và có tính khốc liệt không kém. Đó là cuộc đối chọi nhau bằng thuyết âm mưu về nguồn gốc của con virus chết người giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giới chức và truyền thông Mỹ liên tục thúc đẩy một thuyết âm mưu cho rằng virus corona bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Người dẫn chương trình của Fox News, Tucker Carlson, đã trích dẫn một nghiên cứu nêu lên khả năng virus corona “vô tình thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán“.

Nghiên cứu mà Fox News đề cập đến được công bố vào đầu tháng Hai dưới dạng bản thảo của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc – Botao Xiao và Lei Xiao từ Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc tại Quảng Châu – và không được đồng nghiệp đánh giá. Nó kết luận rằng “virus corona chết người có lẽ có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán“.

Nhưng ông Xiao sau đó nói với tờ Wall Street Journal rằng ông đã rút lại nghiên cứu. “Suy đoán về nguồn gốc có thể được dựa trên các bài nghiên cứu đã được công bố và trên truyền thông, nhưng không được hỗ trợ bởi bằng chứng trực tiếp“, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Xiao nói.

Jeremy Konyndyk, người dẫn đầu nỗ lực đối phó của Hoa Kỳ trước dịch Ebola, đã tweet khi trả lời các báo cáo về rò rỉ phòng thí nghiệm tình cờ: “Khoa học không loại trừ nguồn gốc từ phòng thí nghiệm nhưng có vẻ điều đó rất khó xảy ra.”

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton và Ted Cruz cũng đều đưa ra cùng một suy đoán.

Ảnh chụp màn hình bản thảo của 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng “virus corona chết người có lẽ có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien công khai cho rằng bệnh dịch này phát tán từ Trung Quốc, gọi virus corona là “Virus Vũ Hán” và lại còn cáo buộc Trung Quốc bưng bít thông tin về dịch bệnh bùng phát khiến cho thế giới “bị mất hai tháng“.

Trước đấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus corona là “Virus Trung Quốc” và cả ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sử dụng biệt danh “Virus Vũ Hán“.

Ông Trump cũng nêu Trung Quốc là lý do gốc rễ khiến Mỹ quyết định không cho công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen và tất cả mọi người không phải là người Mỹ đi qua các nước tham gia hiệp ước này nhập cảnh vào Mỹ.

Washington Post đưa tin giữa tháng Tư rằng hai nhà ngoại giao khoa học từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến thăm Viện Virus học Vũ Hán năm 2018 và cảnh báo Washington về “sự an toàn không đầy đủ tại phòng thí nghiệm, nơi đang tiến hành các nghiên cứu rủi ro về virus corona từ dơi“.

Từ giác độ thuyết âm mưu thì thuyết này được cả hai phía dùng để đấu chọi nhau, được cả hai bên chính trị hoá và công cụ hoá.

Không có gì là khó hiểu khi phía Trung Quốc thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ, nhưng phía Trung Quốc đồng thời cũng gây bất ngờ khi công khai đề cập đến khả năng quân đội Mỹ đã đưa virus corona vào Trung Quốc để gây nên dịch bệnh này ở Trung Quốc.

Ảnh chụp màn hình dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên chia sẻ một bài báo nói rằng virus có nguồn gốc từ Mỹ

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhiều lần cổ súy – mà không có bằng chứng – cho ý tưởng theo đó nói COVID-19 có thể có nguồn gốc từ Mỹ.

Hôm 12/3, ông Triệu nói trong một tweet rằng có thể chính quân đội Hoa Kỳ đã mang virus đến Vũ Hán.

Một ngày sau đó, ông tweet một bài báo của trang web Global Research với tiêu đề “Bằng chứng nữa cho thấy virus có nguồn gốc từ Mỹ” và kêu gọi người đọc và chia sẻ nó. Bài báo này sau đó đã bị xóa.

Nhật báo Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc lập lại suy nghĩ của ông Triệu Lập Kiên. Trong khi nhấn mạnh là nhà ngoại giao này đưa ra tuyên bố trong “tư cách cá nhân“, nhận xét của ông đã gây được tiếng vang “với những nghi vấn tương tự được đưa ra bởi công chúng Trung Quốc“, tờ báo viết.

Các tuyên bố của ông Triệu cũng đã được khuếch đại bởi một số đại sứ quán và người dùng của phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Được thành lập vào năm 2001 tại Canada, Global Research là trang web của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu. Theo PolitiFact, một trang web kiểm tra thực tế độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, Global Research “đã đưa ra các thuyết âm mưu chuyên sâu về các chủ đề như 9/11, vaccine và tình trạng nóng ấm toàn cầu“.

Bài báo mà ông Triệu tweet đi được chấp bút bởi cây bút thường xuyên là Larry Romanoff, người nhắc lại kết luận từ bài viết trước đó của ông – hiện đã bị xóa – rằng virus không bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhưng nghiên cứu và bài báo của Trung Quốc trên tạp chí khoa học mà ông trích dẫn không thực sự đặt câu hỏi Trung Quốc có phải là nơi bùng phát của virus corona hay không. Thay vào đó, họ chỉ đề xuất rằng cụ thể chợ hải sản tươi sống ở Vũ Hán có thể không phải là nơi khởi phát dịch bệnh.

Ông Romanoff cũng tuyên bố rằng các nhà khoa học Nhật Bản và Đài Loan “đã xác định rằng virus corona mới có thể có nguồn gốc từ Mỹ“.

Nhưng kết luận dường như được dựa trên một tường trình hồi tháng Hai của truyền hình Nhật Bản mà giờ đây đã bị lật tẩy, và tuyên bố của ông giáo sư ngành dược chuyển thành chính trị gia từ một đảng thân Bắc Kinh trên truyền hình Đài Loan, mà ông Romanoff mô tả sai là “nhà virus học hàng đầu” khi đề cập đến ông này lần đầu tiên.

Ông Romanoff cũng tuyên bố – mà không có bằng chứng chứng minh – rằng phòng thí nghiệm mầm bệnh của quân đội Hoa Kỳ tại Fort Detrick, Maryland, có thể là nguồn gốc của virus. Ông nói thêm rằng “điều này sẽ không gây ngạc nhiên” vì cơ sở này đã “đóng cửa hoàn toàn” vào năm ngoái do “không có biện pháp bảo vệ để ngăn chặn rò rỉ mầm bệnh“.

Trên thực tế, như tờ New York Times đưa tin vào thời điểm đó, cơ sở này không phải là ngừng hoạt động mà chỉ tạm dừng hoạt động nghiên cứu, và một phát ngôn viên cho biết “không có rò rỉ tài liệu nguy hiểm nào bên ngoài phòng thí nghiệm“.

Bản thân lý lịch của tác giả Romanoff cũng là một vấn đề gây tranh cãi và có vẻ như mang một màu sắc rất Trung Quốc.

Ông Romanoff tự nhận mình là “nhà tư vấn quản lý và doanh nhân đã nghỉ hưu” và là “giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Phúc Đán của Thượng Hải, trình bày nghiên cứu về các vấn đề quốc tế cho các lớp EMBA cao cấp“.

Theo Wall Street Journal, giới chức tại hai chương trình MBA của trường đại học không biết gì về ông Romanoff.

BBC News đã yêu cầu Đại học Phúc Đán xác nhận liệu ông Romanoff có bất kỳ liên kết nào với trường như một giáo sư thỉnh giảng hay không nhưng chưa nhận được phản hồi.

Là người viết bài thường xuyên cho Global Research, hầu hết các bài viết của ông Romanoff có vẻ chỉ trích Mỹ và ủng hộ Trung Quốc, bao gồm một bài báo trong đó ông mô tả cuộc biểu tình của sinh viên Quảng trường Thiên An Môn 1989 là một “cuộc cách mạng màu do người Mỹ xúi bẩy“.

Trong một số tuyên bố đáng nghi ngờ khác, ông nói với một podcast trong tháng này rằng trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, COVID-19 mang tính “đặc thù Trung Quốc” và không lây nhiễm cho những ai có nguồn gốc và chủng tộc khác.

BBC News đã tiếp cận ông Romanoff để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong thực chất, cuộc chơi này với thuyết âm mưu đối với cả Mỹ và Trung Quốc đều là chuyện dùng đối ngoại để đối nội, làm găng trong quan hệ song phương để trước hết trang trải nhu cầu đối nội.

Trong thời gian đầu, chính phủ Mỹ dường như đã chủ quan khi cho rằng dịch bệnh không thể lây lan sang Mỹ và hoành hành được ở Mỹ cũng như nước Mỹ có khả năng ứng phó rất hữu hiệu. Để rồi sau đấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, chính phủ Mỹ phải nhanh chóng đưa ra những biện pháp đối phó quyết liệt khi siêu cường này trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

Thuyết âm mưu được sử dụng nhằm tác động đối nội là trấn an tinh thần dân chúng ở Mỹ, làm dư luận Mỹ quan tâm để ý nhiều đến trách nhiệm của Trung Quốc hơn là tới những bất cập và hạn chế trong ứng phó dịch bệnh ở Mỹ. Hơn nữa, cái cách ứng phó của Mỹ đối với dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.

Còn Trung Quốc phản ứng lại Mỹ rất mạnh và bất ngờ như thế không chỉ đơn thuần để bảo tồn thể diện quốc gia theo kiểu ‘ăn miếng trả miếng’ mà còn bảo vệ sự tồn vong của Đảng Cộng sản cũng như chiếc ghế lãnh đạo của Tập Cận Bình. Thuyết âm mưu ‘đặt lại tên’ cho virus Vũ Hán nằm trong cả một chiến dịch do Bắc Kinh tung ra nhằm phủ nhận trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch COVID-19 đang gây tang tóc khắp hành tinh đồng thời lái dư luận theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản.

Ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán. Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Sự phẫn nộ lan rộng trong công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu diếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.

Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.

Cuốc chiến thuyết âm mưu về nguồn gốc của đại dịch thế kỷ này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn cam go với những đòn đáp trả thẳng thừng từ mỗi bên nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, toàn cầu đều kết nối với nhau bằng internet, một thông tin đến từ bất kỳ ai ở bất kỳ đâu sẽ đến với cộng đồng hàng tỷ người dùng rất nhanh chóng.

Nhưng có vẻ như trong cuộc chiến này phần lợi thế nghiêng về phía Mỹ khi sự thật không thể chối cãi là dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc rồi lây lan ra toàn cầu cùng với những sai lầm liên tiếp của chính quyền Trung Quốc ngay từ khi những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện, đằng sau những sai lầm là một chuỗi những lời nói dối của giới chức Đảng cộng sản từ Bắc Kinh dẫn đến sự bùng nổ của đại dịch trên toàn thế giới, đưa đến cái chết cho nhiều trăm nghìn người với hàng triệu người bị lây nhiễm mà trong đó có cả Việt Nam.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=th1eorolkis
TQ „ỉm đi“ – Pháp vẫn quyết tìm