Virus corona – ‘cứu rỗi’ sự suy đồi của Đảng Cộng sản Việt Nam

Có nhận định cho rằng chưa bao giờ với cuộc chiến ‘chống dịch như chống giặc’, Đảng Cộng sản lại lấy được lòng người dân như thế kể từ khi Việt Nam bước qua cuộc chiến tranh khôi phục hòa bình.

Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt bình luận: “Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm và đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu.”

Ông phân tích: “Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với đại dịch COVID-19 gần giống như những cái mà chính trị thực sự nên làm. Chính phủ, và đảng cầm quyền, cũng như các đại biểu nhân dân, cần làm mọi điều có thể để bảo vệ công dân của mình. Và người dân, với một chính phủ được tin tưởng, có thể cảm thấy chính họ đang được bảo vệ. Việt Nam đã chưa từng làm được điều đó.”

So sánh cuộc chiến chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam với cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chống Pháp và Mỹ trong thế kỷ 20, Mai Trương, một nghiên cứu sinh tại Mỹ, trong một bài viết mới đây trên ‘The Diplomat’ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa lại dựa vào chiến lược tổng động viên, huy động toàn xã hội bao gồm lực lượng quân đội, an ninh, chính quyền các cấp, và mọi cá nhân, để chống dịch.

Tác giả Mai Trương viết trên ‘The Diplomat’: “Ở nhiều nơi, công an và tổ trưởng dân phố đến từng nhà để kiểm tra có ai về từ nước ngoài không. Hàng xóm cũng để mắt tới nhau để xem có ai có triệu chứng gì hay mới đi nước ngoài về là báo ngay cho chính quyền để cho đi cách ly.”

Trang web của tờ báo Pháp Le Monde (Lơ Mông-đ) ngày 20/4/2020 trong bài viết “Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại COVID-19” nhận định có một “ngoại lệ Việt Nam” trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.

Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương ngày 29/3

Ngoại lệ này không có gì là bí mật, đó là kết quả của một chính sách hiệu quả : nhận diện và theo dõi những người và những nhóm bị lây nhiễm, hoặc có nguy cơ lây nhiễm.

Chiến lược này dựa trên hệ thống kiểm soát dân cư, một trong số những dấu ấn của chế độ toàn trị đang lãnh đạo cả nước kể từ khi đoàn quân cộng sản ‘giải phóng’ Saigon năm 1975.

Một người Pháp gốc Việt mới từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu cho biết: “Khi xét nghiệm thấy tôi bị dương tính với virus corona, lập tức tôi được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi, trong đó phải ghi ra tên của tất cả những người mà tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay mà tôi đi từ Pháp, đều được xét nghiệm và cách ly.”

Người Việt kiều ẩn danh, thường xuyên qua lại giữa Paris và Việt Nam thổ lộ: “Tại Việt Nam, công an không ngần ngại đánh thức bạn vào lúc 1 giờ sáng để báo cho biết một trong những người mà bạn có quan hệ đã bị dương tính với virus. Đó là một hệ thống can thiệp sâu nhưng đa số người dân đều tuân theo.”

Việc giám sát phong tỏa cũng rất nghiêm ngặt, những ai vi phạm quy định bị trừng phạt nghiêm khắc: gần đây một công dân không đeo khẩu trang và còn đánh lại cán bộ của chốt kiểm soát phòng chống dịch, đã bị lĩnh 9 tháng tù.

Một cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier (Giăng-Nô-en Poa-ghi-ê) vừa nằm viện ở Hà Nội do bị dương tính với virus, trong một bài viết đăng trên trang mạng của Tạp chí Causeur (Cô-dơ) cho biết ‘chiến lược chống dịch của Việt Nam là đơn giản, có phần xâm phạm cuộc sống riêng tư’.

Sự trộn lẫn triết lý Nho giáo với độc đoán chính trị chừng như đã mang lại kết quả tốt : Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, cùng với Lào và Campuchia, không có trường hợp tử vong nào do con virus từ Vũ Hán. Nếu sự khả tín của số liệu Lào và Campuchia còn phải xem lại, thì chế độ Việt Nam bình thường vốn tiết kiệm thông tin, lần này đã tỏ ra minh bạch.

Tác giả Mai Trương cũng xác nhận một sự thành công khác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại dịch COVID-19 đó là sự thành công trên khía cạnh truyền thông.

Ảnh: Các chiến sĩ biên phòng, bác sĩ quân y trở thành những người lính trên tuyến đầu, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro của dịch COVID-19 với những bữa ăn đạm bạc là những gói mỳ tôm. Những hình ảnh kiểu này được lan truyền mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời điểm đại dịch

Tác giả viết: “Trên mặt trận truyền thông, báo chí nhà nước ngầm đặt cạnh nhau các con số người nhiễm tăng không kiểm soát ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trong khi tình hình ở Việt Nam thì kiểm soát được.”

Truyền thông Việt Nam cũng gây cảm giác rằng thậm chí cả người Việt hải ngoại cũng “chạy về nước” để tránh dịch và để được điều trị.”

Các bài báo với các tít khơi gợi cảm xúc như “cuối cùng tôi đã sống sót”, và “cảm ơn đất nước tôi đã cứu sống tôi” được chia sẻ rộng rãi trên các báo chính thống và mạng xã hội. Chiến dịch này đã làm khơi gợi tình cảm dân tộc và sự gắn bó với Đảng Cộng sản và đất nước. Trên mạng xã hội tràn ngập các khẩu hiệu “Tự hào Việt Nam”, “Tôi thật tự hào vì sống ở Việt Nam”, “Tôi tự hào về chính phủ Việt Nam“.”

Bất cứ ai chỉ trích điều kiện trong các khu cách ly tập trung hay chính sách của Đảng sẽ đối mặt với nguy cơ làm bùng nổ sự giận giữ trong cộng đồng mạng và bị dán nhãn là sính Tây hay không yêu nước. Chẳng hạn, một video cho thấy cảnh một phụ nữ Việt Nam sống tại Ba Lan đang cãi nhau với cảnh sát ở sân bay Nội Bài đã nhận được hơn 500 bình luận. Nhiều bình luận đòi người này phải biết ơn đất nước đã sẵn lòng đón bà trở về trong khi châu Âu ‘bỏ rơi’ bà.”

Và để phản hồi lại vài du học sinh phàn nàn về điều kiện nơi cách ly, một giáo viên cấp hai đã làm một bài thơ hỏi những người than vãn rằng “các bạn đã đóng góp được gì cho đất nước?”. Bài thơ này sau đó đã được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội với hình ảnh thủ tướng và khẩu hiệu “Việt Nam không bỏ ai lại phía sau!”.”

Lực lượng vũ trang của Việt Nam cũng là thành phần được hưởng lợi từ virus corona. Nghiên cứu sinh Mai Trương nhận định: “Dịch COVID-19 cũng mang lại cho quân đội cơ hội cải thiện hình ảnh. Truyền thông nhà nước và mạng xã hội đầy hình ảnh cảnh sát và bộ đội đang làm nhiệm vụ. Người dùng mạng bắt đầu gọi họ là ‘lính cụ Hồ. Có lẽ, nhiều người đã quên rằng chỉ mới một tháng trước, cũng chính những “lính cụ Hồ” này có thể đã được triển khai để vào làng Đồng Tâm trong một vụ tranh chấp đất đai ở ngoại thành Hà Nội.”

Trên mặt trận đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam có phần khiến người Việt hồ hởi vì đã ‘chơi xỏ’ được Trung Quốc trong khi Trung Quốc thời gian qua đã lợi dụng đại dịch COVID-19 để thúc đẩy những hành vi phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của Việt Nam.

Hà Nội đã tế nhị ‘chơi xỏ’ Trung Quốc, người láng giềng có quan hệ ngày càng phức tạp. Trong lúc Bắc Kinh lao vào chiến dịch ‘ngoại giao virus corona’ với việc xuất khẩu vật liệu thiết bị y tế trong đó có nhiều sản phẩm kém chất lượng bị các quốc gia lên tiếng, thì Việt Nam cũng tỏ ra ‘nhỏ mà có võ’ khi vừa tặng nửa triệu khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh…

Ngày 06/4, báo chí đã làm đậm chiến lược này khi đăng tải hình ảnh một nhóm đại sứ các nước châu Âu nhận các hộp khẩu trang từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Hà Nội cũng không quên các nước láng giềng nhỏ bé của Đông Dương cũ ngay bên cạnh là Campuchia và Lào, nơi mà ảnh hưởng của Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị xói mòn bởi Trung Quốc: gần 800.000 khẩu trang đã được chuyển giao cho Phnôm Pênh và Viêng Chăn.

Về mặt địa chính trị, quan hệ chiến lược ngày càng được củng cố với Hoa Kỳ. Washington vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat, được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch. Nhờ vậy tổng thống Donald Trump đã ngỏ lời cám ơn các ‘bạn bè’ Việt Nam về thương vụ này.

Trong một diễn biến khác, trung tuần tháng 4, Công ty An ninh mạng của Mỹ FireEye tiết lộ là từ tháng 1 đến tháng 4, một nhóm tin tặc Việt Nam có liên hệ với chính phủ Hà Nội đã toan xâm nhập các hộp thư điện tử email cá nhân và công vụ của các lãnh đạo Bộ Tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc và của các lãnh đạo chính quyền thành phố Vũ Hán, nơi xuất phát dịch COVID- 19.

Theo FireEyes, mục tiêu các cuộc tấn công này cũng giống như của các nhóm tin tặc khác có sự hỗ trợ của nhà nước, đó là thu thập các thông tin về virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp tính, để dựa trên đó đề ra kế hoạch phòng chống. Tuy nhiên, FireEyes không rõ vì sao Việt Nam vẫn làm như vậy trong khi đã thành công trong việc khống chế dịch COVID-19 nhờ các biện pháp cách ly và định vị rất chặt chẽ. Điều này cho thấy Việt Nam đã có những toan tính riêng với người bạn 4 tốt – 16 chữ vàng.

Có thể nói, đại dịch virus corona đã mang lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam cơ hội duy nhất để củng cố tính chính danh trong bối cảnh đang bị chỉ trích nặng nề vì cách họ xử lý các vấn đề của đất nước cuối 2019 đầu 2020.

Tác giả Mai Trương đã chỉ ra những sự kiện khiến người dân đánh mất hoàn toàn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên mặt trận xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ với các vấn đề ô nhiễm ở thủ đô Hà Nội, bao gồm ô nhiễm nguồn nước máy ở khu vực đông nam thành phố và sự cố cháy nổ nhà máy bóng đèn Rạng Đông ở quận Thanh Xuân.

Tiếp đó là vụ đụng độ chết người giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm, Hà Nội, đã kéo theo các chỉ trích nặng nề từ các lực lượng ủng hộ dân chủ đối với các chính sách đất đai của chính phủ và tham nhũng tràn lan ở cấp địa phương.

Bổ sung thêm vào danh sách các sự kiện khiến niềm tin trong dân chúng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam lung lay, nhà báo Hutt đề cập đến nỗ lực che đậy vụ xả thải của Formosa năm 2016 và một số vụ việc khác, dẫn đến biểu tình nổ ra ở nhiều tỉnh thành.

Nhà báo Mỹ nhắc lại rằng chính phủ Việt Nam từ lâu bị dân chúng cho là tham nhũng và không minh bạch, bị chỉ trích “là tay sai của Trung Quốc“. Chính vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua đã mất đi tính chính danh với tư cách là tổ chức thống nhất Việt Nam sau nhiều thập kỷ chiến tranh và chia ly, là tổ chức duy nhất của chủ nghĩa dân tộc và là đại diện cho người dân. Và đã không còn độc quyền chiếm tinh thần dân tộc nữa.

Nhà báo Hutt hoài nghi liệu niềm tin mà Đảng Cộng sản vừa mới chật vật lấy lại từ người dân có kéo dài sau khi đại dịch kết thúc hay không?

Nhà báo nhận định: “Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể duy trì một mức độ xét nghiệm virus và các kết quả chống COVID-19 như hiện nay, nó sẽ là một trong những thành tựu tốt nhất, hơn bất kỳ nước nào ở châu Á (có vẻ Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á khác). Tôi nghĩ rằng danh tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lớn mạnh lên trên khắp cả nước.”

Tuy nhiên, nhà báo cảnh báo: “Tôi sẽ nói rằng như đã thể hiện trong vụ dịch này, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ chính sách minh bạch, cởi mở, và quản trị công bằng – vốn không phải là các đặc trưng của đảng này – và đừng có lại quay ngược lại cách cai trị độc tài và không minh bạch.”

Băn khoăn của David Hutt dựa trên thực tế là dù mới giành lại được niềm tin từ người dân, đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vẫn mang “một hệ tư tưởng già nua từ giới tinh hoa cũ của Hà Nội.”

Nhà báo kết luận: “Nhưng để xem niềm tin mới giành lại được có kéo dài được không, phải chờ đến Đại hội đảng toàn quốc vào tháng Giêng năm tới, xem đội ngũ lãnh đạo mới là ai.”

Trên một khía cạnh nào đó, đại dịch COVID-19 là một ‘cơ hội’ hiếm có đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giành lại một chút ít ỏi niềm tin của người dân.

Nhưng những vụ việc đang xảy ra gần đây như dựng tượng vua làm biểu tượng công lý tại Tòa án nhân dân; nâng giá mua máy xét nghiệm COVID-19; thao túng việc xuất khẩu gạo… thì liệu chút niềm tin mong manh mà Đảng cố gây dựng trong cuộc chiến chống COVID-19 mấy tháng qua liệu có còn tồn tại lại được chút gì? Hay cuối cùng thì vẫn dẫn đến sự sụp đổ của một thể chế độc tài, lạc hậu còn sót lại trên trái đất này.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

TQ „khai hỏa“ vào VN – „hiệp đấu“ bắt đầu