Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản cho bắt giữ hai nhà báo gần 70 tuổi, ngay trước đại hội 13

Cùng với việc bắt giam nhà thơ Trần Đức Thạch (ngày 23/4), thì chỉ trong vài ngày chính quyền Hà nội tiếp tục bắt giam nhà văn Phạm Thành ngày (21/5) và hôm nay 23-5 lại bắt tiếp nhà báo Nguyễn Tường Thụy Phó chủ tịch Hội nhà báo Độc lập tự do.

Có vẻ như việc bắt bớ người bất đồng chính kiến là một xu hướng quen thuộc để “lập công dâng đảng” trước mỗi kỳ đại hội, nay là chuẩn bị cho Đại hội 13 của TƯ Đảng CSVN.

Một điều trùng hợp là cả ba cây viết kỳ cựu này đều sinh năm 1952 với tuổi đời nay đã gần 70 tuổi. Và như vậy, sau sự việc nổ súng vào đầu người đảng viên 84 tuổi Lê Đình Kình tại phòng ngủ ở Đồng Tâm thì sự tàn nhẫn của Bộ máy đàn áp bất đồng đã không còn chút giới hạn nào nữa.

Trong bài đăng trên trang Asia Times, trụ sở tại Hong Kong, phóng viên David Hutt viết rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam sẵn sàng “nhắm vào bất kỳ nhà phê bình nào là khúc mắc cho chế độ”.

Vào tối ngày 22/5, bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ nhà báo Phạm Thành, cho RFA biết rằng hiện bà và gia đình vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào từ chính quyền ngoài việc ông bị tạm giam 4 tháng ở trại giam Hỏa Lò:

Họ mới đưa cho hai giấy lệnh bắt giam với lệnh khám nhà, thì chúng tôi chuẩn bị làm thủ tục thăm nuôi. Chỉ biết là hiện nay giam 4 tháng ở Hỏa Lò. Thông tin sau 4 tháng như thế nào thì không có, chỉ mới biết là như thế thôi.”

Khi được hỏi về lý do nhà báo Phạm Thành bị bắt, bà Nghiêm nói rằng công an cũng không hề cho bà biết:

Cái điều này tôi cũng không biết vì lý do gì mà anh Thành lại bị bắt. Hiện bây giờ cũng chưa có thông tin gì chị, vì anh ấy cũng mới đi thôi, thế thì yêu cầu phải chuyển cái giấy về cho gia đình.”

Theo bà Nguyễn Thị Nghiêm, khi công an đến bắt ông Thành tại nhà, có khoảng trên dưới 40 người đứng từ ngoài cổng vào trong nhà chật cứng, nên bà cũng không biết hàng xóm xung quanh phản ứng như thế nào trước sự việc chồng bà bị bắt.

Nhà văn Phạm Thành, tên đầy đủ là Phạm Chí Thành, năm nay 68 tuổi, viết blog với biệt danh là Bà Đầm Xòe, là tác giả của cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội vào tháng 9 năm 2019. Có nhiều đồn đoán trên Facebook rằng nhà văn Phạm Thành bị bắt là vì cuốn sách này.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA khi phát hành quyển sách này, ông Thành nói: “Tôi tự tin rằng việc in ấn này là không có gì sai luật. Tôi cũng muốn nói cho những người khác rằng họ có sách thì cứ in. Nhà nước không in, thì tôi, dùng quyền của tôi theo điều 25 của Hiến pháp đã quy định, để in”.

Ảnh 1: nhà văn Phạm Thành (Blog Bà Đầm Xòe) với cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội vào tháng 9 năm 2019

Quyển sách này là một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới. Tôi nhận ra rằng ông Trọng là người mà làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc muốn”, ông Thành từng nói với VOA Việt Ngữ.

Ông Thành nói thêm: “Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!”

Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa.

Từ Thái Lan, nhà báo độc lập Đường Văn Thái, nêu nhận định về việc công an Việt Nam bắt giam nhà văn Phạm Thành.

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt hai người cao tuổi là ông Phạm Thành và ông Trần Đức Thạch. Ông Thành cũng là hội viên của Hội nhà báo Việt Nam Độc lập.

“Những người từng làm cho cơ quan nhà nước Việt Nam và nói ra sự thật thì bị chính quyền bắt bớ. Nhà cầm quyền Việt Nam sợ ông Thành nói ra sự thật trước thềm đại hội Đảng 13 nên họ tìm cách bịt miệng, bắt bớ, giam cầm ông Thành”.

Ông Nguyễn Vũ Bình nêu nhận định việc ông Phạm Thành bị bắt:

Trước mỗi đại hội, theo thông lệ, họ hay thị uy, bảo vệ đại hội, hay tránh sự phiền phức, hay những tiếng nói phản biện thì họ bắt một số người. Đây là những việc làm sai trái.

“Những người phản biện nêu ý kiến của mình, bày tỏ các vấn đề của đất, vấn đề chính sách, quan điểm đường lối…mà bị bắt như thế là hoàn toàn không được…Không ai phục và chấp nhận việc bắt bớ như thế”.

Ảnh 2: Nhà văn Phạm Thành

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV và là một tù nhân nhân quyền cho rằng biệc bắt ông Phạm Thành không phải là điều khó hiểu với lý do ông nêu như sau: “Lý do thứ nhất, việc trấn áp những người bất đồng chính kiến nó thường xảy ra, mang tính chất là ‘bắn tỉa’. Tôi dùng ‘bắn tỉa’ tức là lâu lâu 1 người, lâu lâu 2 người, thì nó tạo cho tôi cái cảm giác là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam muốn làm cho người dân, những người bất đồng chính kiến luôn luôn mang tâm trạng phấp phỏng, hoang mang theo cách có hệ thống từ trước đến nay—đó là khủng bố về mặt tinh thần rất rõ.”

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho biết ông lấy làm tiếc trước quyết định bắt giữ nhà báo Phạm Thành của công an Hà Nội. Cũng là một người chuyên viết báo và trước đây cùng tham gia trong quân đội miền Bắc, ông Tạo cho biết động cơ thúc đẩy bản thân ông và ông Phạm Thành hướng về lĩnh vực báo chí sau chiến tranh:

Quan sát anh Thành thì tôi thấy anh ấy là người, người ta nói nôm na là thẳng tính, có nghĩa là thế hệ chúng tôi lúc còn thanh niên chỉ nhận được thông tin một chiều do nhà nước cung cấp. Cuộc chiến đấu hào hùng đó, nhưng mà lùi lại mấy chục năm sau mới thấy rằng mục tiêu chưa đi đến đâu, mà hi sinh hàng triệu người để làm cái gì? Anh Thành thấy nhiều cái bất công, sai quấy ở trong xã hội, đặc biệt là trong ban lãnh đạo của Hà Nội. Thế thì anh ấy phản ánh, viết phản biện…v.v. Anh ấy là một người rất là cương trực, rất là can đảm. Chính vì thế mà có những bài viết, tác phẩm nó khá là gai gốc.”

Cũng là một trong những người quan tâm đến vấn đề này, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương thấy rằng chủ trương bắt những người bất đồng chính kiến và các nhà báo của chính quyền Việt Nam đã diễn ra rất rõ trong vài năm qua. Anh Phương cho hành động đó đã vi phạm nhân quyền và phớt lờ trước sự chỉ trích của quốc tế.

Ảnh 3: Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật Nguyễn Đình Ngọc, từng bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 (nay là điều 117) Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Đồng tình, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc bắt giam các nhà báo, nhà trí thức, văn nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay đã đi ngược lại những tiêu chuẩn của các quốc gia văn minh. Ông Tạo nhận định, nếu muốn hòa nhập với các nền kinh tế thế giới và có tiếng nói trong khối ASEAN hay Liên Hợp Quốc, chính quyền Việt Nam cần nhận thức lại việc làm của mình: “Những ai có ý kiến phê phán này kia, đặc biệt là gây hấn một chút, là bắt đầu quy tội cho việc phản động, móc nối với Việt Tân…v.v, những cái rất là vu vơ, rồi khởi tố, tạm giam và bỏ tù. Riêng anh Thành, tôi thấy cái quyết định rất bất lợi cho xã hội của Việt nam hiện nay đang muốn cải thiện cái bộ mặt nhân quyền trước thế giới.”

Khi được hỏi về sự an toàn của các nhà báo ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Già, trước đây từng bị án tù 3 năm và hiện vẫn còn 3 năm quản chế, cho biết ông lo ngại về việc chính quyền tiếp tục bắt giam các nhà báo trong nước cho những bài viết của mình:

Phải nói ngay là không ai mà muốn đi tù hết, nhất là những người viết báo như tôi và như anh Phạm Thành hoặc rất nhiều người khác; nhưng mà khi chúng tôi viết lên, thì chúng tôi viết bằng sự thật, viết bằng cái lương tri làm người, viết vì trách nhiệm của mình đối với quê hương Việt Nam, đối với đồng bào Việt Nam, thì chúng tôi cứ phải viết.”

Ngoài ra, với độ tuổi đã gần 70, anh Trịnh Bá Phương lo ngại cho sức khỏe của nhà báo Phạm Thành khi bị bắt giam tại Hỏa Lò:

Trong thời tiết nắng nóng như thế này mà bị giam ở trong nhà tù Hỏa Lò với mực độ người giam giữ rất dày đặc—có khi lên đến 30-40 người trong 1 phòng giam rất nhỏ bé như vậy, em thấy rằng môi trường nhà tù Hỏa Lò như vậy sẽ đe dọa đến sức khỏe đối với nhà báo Phạm Thành, một người đã cao tuổi.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng nêu lên sự lo lắng của mình với việc ông Phạm Thành bị bắt giam, vì cho rằng môi trường tù túng cho người ở độ tuổi đã cao rất khốc liệt:

Vì anh Thành năm nay cũng đã gần 70 tuổi rồi, nên thành ra cái vấn đề ở tù thì tôi cũng đã từng trải qua rồi—nó có thể là cái điều rất đáng lo ngại cho tuổi già của anh Thành. Ở tù như chúng tôi, những người mới thật sự là ở tù nó rất khốc liệt, nghiệt ngã cho những thân phận mà tôi gọi là ‘tù không tội’. Tôi hi vọng nó sẽ có những can thiệp của quốc tế cho trường hợp của anh Phạm Thành, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.”

Đối với nhận định trong bài về sự thành công chống dịch Covid-19 có được của Việt Nam qua các biện pháp xây dựng trên lịch sử có tính chất đàn áp trên mạng báo Foreign Policy, nhà báo Nguyễn Ngọc Già có ý kiến:

Bởi vì đàn áp bất đồng chính kiến nó là một hệ thống xuyên suốt của ít nhất 45 năm qua, còn dịch Covid nó chỉ mới phát sinh sau này thôi, nên tôi không thấy được cái liên hệ rõ ràng. Chỉ có điều, cái cách của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với lại vấn đề nhân quyền nói chung và tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng, thì họ luôn luôn muốn được tất cả. Tức là khi mà họ muốn hòa nhập với thế giới về mặt kinh tế để mang lại lợi ích cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.”

Ảnh 4: Nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt ngày 23/4/2020 tại Nghệ An với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”

Đến lượt Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Nguyễn Tường Thụy bị bắt

Ông Nguyễn Tường Thụy, 70 tuổi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam đồng thời là blogger của Đài Á Châu Tự Do, vừa bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam vào sáng ngày 23-5-2020 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.

Việc bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy diễn ra chỉ hai ngày sau khi bắt nhà văn Phạm Thành (68 tuổi), một thành viên của Hội Nhà báo độc lập bị bắt giữ với cùng cáo buộc là vi phạm điều 117.

Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Nguyễn Tường Thụy xác nhận thông tin này với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào chiều 23-5 và cho biết thêm hiện nay ông bị di lý vào TPHCM, và giam giữ ở trại giam Chí Hòa.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết trên Facebook vào trưa thứ bảy ngày 23-5-2020 rằng:

Sáng nay lúc 7h cả trăm an ninh mặc thường phục bao vây quanh nhà anh Nguyễn Tường Thụy, (trước đó chúng canh cả đêm qua). Chị Lân vợ anh Tường Thuỵ đi tập thể dục về thấy thế kêu lên “cướp!”. Chúng xông đến bẻ tay chị Lân. Thấy thế anh Tường Thuỵ từ trong nhà đi ra, thì chúng ập vào bắt luôn đồng thời khám nhà.

Chúng đọc lệnh khởi tố anh Tường Thuỵ về “tội” “Tuyên truyền chống phá nhà nước”, mà thực ra là tội yêu nước, yêu quyền tự do ngôn luận. Mọi người lưu ý, facebook của anh Tường Thuỵ đã bị an ninh chiếm.”

Ông Thụy từng bị Cơ quan An ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội gửi giấy triệu tập 3 lần để làm rõ nội dung liên quan vụ án “Phạm Chí Dũng tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam“.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng là Chủ tịch của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận.

Ông Dũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM bắt giam hồi cuối tháng 11 năm 2019 cũng với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước“.

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1952 gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1970 và phục vụ trong đó 22 năm trước khi giải ngũ với cấp hàm Đại úy.

Những năm gần đây ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog mang tên ông với gần 4 triệu lượt truy cập. Năm 2014, ông Thụy cùng một số người khác đến Hoa Kỳ và ra trước Quốc hội Mỹ để điều trần về Tự do báo chí ở Việt Nam.

Ảnh 5: các thành viên sáng lập trong Lễ ra mắt thành lập Hội nhà báo Độc lập Việt nam ngày 04-07-2014. Nhà báo Phạm Chí Dũng đứng ngoài cùng bên phải, nhà báo Nguyễn Tường Thụy là người ngồi ở vị trí thứ ba từ phải sang, nhà văn Phạm Thành là người đứng thứ tư từ trái sang, đứng thứ năm kế Phạm Thành là nhà báo Trương Minh Đức cũng đã bị bắt từ tháng 7/2017

Trả lời phỏng vấn của RFA khi đó ông Thụy cho hay:”Tôi là một người viết báo tự do và là một blogger. Tôi quan tâm đến vấn đề báo mạng trong quá trình phát triển của xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, quyền tự do báo chí rất hạn chế và (chính quyền) Việt Nam chỉ thừa nhận báo chí nhà nước“.

Trên Facebook cá nhân của mình mang tên Bùi Thanh Hiếu Blogger Người Buôn Gió đưa ra bình luận: “Như vậy tính ra liên tiếp gần đây công an Việt Nam đã bắt những người cầm bút tự do như nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Thành, nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ. Đây là những người cầm bút thực sự, họ có những bài viết, bài thơ, bài báo, tác phẩm hoàn chỉnh như sách đã in. Họ là những cây viết có tính chuyện nghiệp, không phải như nhiều người đấu tranh dân chủ chỉ viết những Status ngắn, kết cấu chỉ như vài lời thể hiện tâm tư. Nói chính xác thì đây là cuộc đàn áp, khủng bố quyền tự do báo chí, tự do sáng tác…nấp dưới chiêu bài xâm phạm an ninh quốc gia.”

Nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi bộc lộ cảm xúc: “Vậy là anh đã bị bắt thật rồi. Nhiều lần nói chuyện với anh, anh nói rằng chúng nó sắp bắt anh và anh đã chuẩn bị sẵn sàng. Em bảo rằng không đâu, anh sẽ bình an thôi mà. Nay, nghe tin anh bị bắt thật rồi. Lời cô giáo trong vụ án gian lận điểm thi ở Hoà Bình quá đúng trong cái xã hội này “người ta gù mà mình thẳng lưng thì thành khuyết tật”. Nhưng đó là cái xã hội hiện tại nó vậy. Thế giới văn minh sẽ ghi nhận và vinh danh những gì anh đã làm.”

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết trên Facebook của mình rằng:

Những người bạn quý của tôi lần lượt vào tù, với tôi, Nguyễn Tường Thụy là người bạn thân thiết nhất. Tôi từng nói với anh: “Nếu bao giờ em chỉ còn có một người bạn duy nhất, thì đó là anh”. Anh Tường Thuỵ là người nhiệt tình, ngay thẳng, tình nghĩa và hài hước. Đặc điểm nổi bật của anh mà tôi cảm phục là KHÔNG HỀ SỢ TÙ ĐÀY.

Tôi xác định sẽ đến lượt mình. Dạo này họ liên tục canh cửa nhà tôi. Luôn nhớ câu nói của anh Phạm Thành, người vừa bị bắt ngày hôm kia: “Đời người chỉ sống một lần, sống sao cho đáng”, và: “Tôi ko sao đâu, mong mọi người tiếp bước”…

Hãy vững bước mọi người nhé!”

Ảnh 6: Blogger Nguyễn Tường Thụy trả lời phỏng vấn RFA khi vừa đặt chân đến thủ đô Washington D.C. Hoa Kỳ hôm 25/4/2014 để tham dự các hoạt động điều trần và vận động cho một nền báo chí độc lập trong nước.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

VN: Mở khu kinh tế Vân Đồn – Đặc khu trá hình