Trong phiên thảo luận sáng ngày 23/5/2020 về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố (TP) Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, thuộc Đoàn Đại biểu tỉnh Hải Dương đã đề xuất thí điểm việc phổ thông bỏ phiếu, bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Đề xuất đã nhận được sự đồng thuận lớn từ công luận.
Đề xuất để người dân Đà Nẵng trực tiếp bầu Chủ tịch TP, đại biểu Vũ Trọng Kim – Chủ tịch Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong, nói “ra đời một mô hình mới thì người dân cần cảm nhận được sự dân chủ, sáng kiến của họ được tiếp thu, quyền lợi và chất lượng cuộc sống tăng lên… Đà Nẵng đã là thành phố đáng sống thì khi thí điểm chính sách đặc thù phải đáng sống hơn, thực sự là chính quyền nhân dân theo mô hình mới.”
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu nhận định: “Đây là một đề xuất vì dân vì nước. Đây là điều nhiều người thấy nhưng chưa ai trong số các ĐBQH đề xuất. Hoan hô ông Vũ Trọng Kim.”
Ông Chu phân tích: “Khi mà nhân dân được phổ thông đầu phiếu bầu trực tiếp Chủ tịch Thành phố thì chắc chắn sẽ lựa chọn được một thị trưởng tài năng đức độ. Chẳng Ban nào, Hội đồng nào sáng suốt bằng nhân dân. Bởi vì, ngoài sáng suốt thì Ban hay Hội đồng có thể mang tính chủ quan, thiên vị, và quan trọng hơn có thể bị mua chuộc, bị khống chế, bị khuynh đảo trong bầu cử. Nhưng không ai có thể mua chuộc, khống chế, khuynh đảo được lá phiếu của toàn dân.
Không chỉ Đà Nẵng mà Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP khác trong cả nước phải để cho nhân dân trong toàn TP trực tiếp cầm lá phiếu bầu chọn Chủ tịch UBND TP. Đó là cách duy nhất đúng loại trừ chạy chức chạy quyền. Đó là cách duy nhất đúng chống tham nhũng quyền lực và tiền bạc. Đó là cách duy nhất đúng để chọn người tài. Đó là cách duy nhất đúng để chọn được người có đạo đức. Để nhân dân bầu chọn Chủ tịch TP chính là phép màu giản đơn làm cho thành phố giàu đẹp hơn.”
Trả lời BBC, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Đức Bảo nói: “Người đứng đầu chính quyền do dân ở đấy bầu là không những có lợi cho dân, thể hiện dân chủ, mà chính ra nó cũng có lợi cho Đảng cầm quyền.”
Ông Bảo phân tích: “Rõ ràng như thế người lãnh đạo của chính quyền trở nên chính danh và Đảng và Nhà nước có quyền giới thiệu người nào mà thực sự được dân tín nhiệm, thì như thế lại càng tăng thêm uy tín cho Đảng cầm quyền cũng như là cho Nhà nước.”
“Bởi vì Đảng cũng là một chủ thể trong hệ thống chính trị và có thể giới thiệu người của mình để ra cho dân bầu và lựa chọn những người có uy tín… Thì như thế, bằng cách đó Đảng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của mình, thì tôi không nghĩ là làm như thế, cho dân bầu trực tiếp lãnh đạo địa phương, thì Đảng không lãnh đạo được, mà thực ra như thế lãnh đạo một cách chính danh hơn và uy tín của Đảng cao hơn.”
Trả lời Báo Tiền phong, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ vời đề xuất để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng.
Ông nói: “Một trong những quyền lực của người dân tốt nhất chính là trực tiếp bầu cử, để người dân bỏ phiếu, người dân chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình… Chúng ta không lấy chuẩn của ai được, nhưng càng để cho người dân được thực hiện quyền bầu cử trực tiếp thì càng tốt. Cũng như dư luận xã hội bây giờ càng ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của những cán bộ…”
Trước đó, trên trang điện tử của Báo Đà Nẵng, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Đà Nẵng, một bài báo đăng lại từ Tuổi trẻ cho biết từ năm 2008, khi ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Thành ủy, Đà Nẵng đã xin thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP.
Theo tin này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết Thành ủy đã giao Ban tổ chức Thành ủy làm đề án để sắp tới Đà Nẵng được tổ chức để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND TP.
Theo đó, lộ trình bầu chủ tịch UBND TP sẽ có ít nhất ba ứng cử viên tham gia tranh cử. Các ứng cử viên sẽ trình bày kế hoạch trong nhiệm kỳ làm chủ tịch của mình nếu đắc cử như cách làm ở một số nước trên thế giới. Người đắc cử chủ tịch sẽ tự chọn các phó chủ tịch thành phố, chủ tịch các quận huyện để cùng làm việc với mình, có quyền cách chức những người đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ mà không phải thông qua Hội đồng nhân dân (HĐND)…
Theo ông Thanh, cách làm này nhằm cải cách bộ máy hành chính, đảm bảo bộ máy quyền lực của địa phương được vận hành có hiệu quả, chống bệnh quan liêu, cửa quyền, đi ngược với lợi ích của dân.
Có thể nói, đây là một đề xuất táo bạo vào thời điểm đấy và cho đến nay, 12 năm sau, thì nó vẫn mang tính thời sự bởi cần phải đảm bảo được sự dân chủ phải mang tính thực chất và bền vững chứ không phải chỉ là hình thức.
Như mới đây, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đầm Hà, một trong những đảng bộ cấp huyện đầu tiên của cả nước tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong hai ngày 12 và 13/5, đã tổ chức bầu trực tiếp Bí thư huyện ủy.
Tại đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư huyện ủy Đầm Hà khóa XXIV tiếp tục được tín nhiệm giới thiệu để Đại hội bầu trực tiếp vào chức danh Bí thư huyện ủy khóa XXV. Kết quả đồng chí đã nhận được số phiếu bầu cao với tỷ lệ 96,14% trên tổng số 256 đại biểu dự Đại hội.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu nhận định: “Số phiếu cao của bà Nguyễn Thị Thu Hà chính là do chỉ có một ứng viên duy nhất.”
Ông phân tích: “Chỉ có một ứng viên là dân chủ chưa đầy đủ. Cần phải có ứng viên thứ hai thì dân chủ mới được phát huy, và mới chọn được lãnh đạo giỏi hơn. Khi có hai ứng viên thì tỷ lệ thắng cử chỉ dao động trên 50%. Trong bầu cử, ứng viên thắng cử với gần 100% phiếu bầu không phải là ứng viên giỏi, mà là do dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ. Khi có dân chủ đầy đủ thì ứng viên giỏi chỉ thắng cử ở tỷ lệ không nhiều trên quá bán.”
Ông Phạm Đức Bảo cũng nhận định: “Để đảm bảo những điều đó, tôi nghĩ việc đưa ra các ứng cử viên phải ít nhất là hai người, tránh tình trạng chỉ giới thiệu một người, để bầu một người, thì khả năng trúng cử là rất cao.
Phải có sự tranh cử, tức là cơ quan có thẩm quyền giới thiệu để cử tri bầu Chủ tịch UBND cấp đó phải ít nhất giới thiệu hai người.
Và các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình, phải trả lời các chất vấn thuyết phục và thực sự phải có sự tranh cử.
Và người dân sẽ lựa chọn người nào đưa ra được một chương trình hành động thiết thực và người nào mà dân thấy có năng lực hoặc là có quan hệ tốt với nhân dân địa phương, nhân dân gửi gắm vào họ, thì nhân dân sẽ bầu. Và như thế sẽ đảm bảo dân chủ…
Và tôi nghĩ cái này là một phương pháp phải thực hiện thường xuyên, vì vậy nó phải có lộ trình và phải có một chất lượng, để làm sao cho việc bẩu cử thực sự là dân chủ nhằm tránh tình trạng người ta nói là ‘Đảng cử, dân bầu’.”
Để làm được việc thực hiện dân chủ thực chất như trên, ông Bảo cho rằng phải có sự thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông nói: “Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi được nhận thức ở trong Đảng, ở trong lãnh đạo rằng việc làm như thế chính là để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được tốt hơn và dân chủ hơn đối với nhân dân và lựa chọn được người có đủ uy tín, năng lực để lãnh đạo chính quyền địa phương.
Từ chỗ thay đổi nhận thức, thì phải từ cấp ủy, cũng như là chính quyền, rồi mới đến người dân. Còn người dân, tôi nghĩ là họ sẽ sẵn sàng đón nhận, chỉ có những người này, người khác trong bộ máy nhà nước chưa thấy được tác dụng tích cực của nó, người ta chỉ nghĩ rằng như thế là mới quá cho nên có thể băn khoăn.
Còn tôi nghĩ, người dân sẵn sàng ủng hộ, và vị vậy điều này cần phải thống nhất trước hết ở trong các cấp ủy Đảng, cũng như trong những người có vai trò quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước.
Khi người ta ý thức được việc đó là cần thiết, thì tôi nghĩ việc đó sau cùng sẽ vừa tốt cho Đảng cầm quyền, cũng vừa tốt cho dân.”
Dù sao thì việc bầu cử trực tiếp Bí thư Huyện ủy hay đề xuất bầu cử trực tiếp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã là những bước tiến khích lệ cho tiến trình mở rộng dân chủ tại Việt Nam.
Ông Chu đề xuất mở rộng việc bầu cử trực tiếp Bí thư Huyện ủy tại tất cả các huyện trong cả nước nhưng cần phải có hai ứng viên cũng như mở rộng cho Đại hội Đại biểu cấp tỉnh với hai ứng viên vào chức Bí thư Tỉnh ủy để đại biểu bầu trực tiếp.
Ông nói: “Đột phá bước ngoặt về bước tiến dân chủ như vậy cần áp dụng ở Đại hội XIII. Tại Đại hội XIII, chức vụ Tổng bí thư cần phải được bầu trực tiếp tại Đại hội với hau ứng cử viên. Và mỗi chức vụ quan trọng của Đảng cần giới thiệu tối thiểu hai ứng viên để bầu chọn. Trước đây đã từng có trường hợp ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt được đưa ra để bầu chọn cho chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988).
Đảng đang dốc sức cho công cuộc chống tham nhũng để bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Một trong những phương thuốc hiệu nghiệm để chữa trị bệnh tham nhũng chính là dân chủ trong bầu cử. Dân chủ trong bầu cử là được trực tiếp bầu chọn lãnh đạo. Dân chủ trong bầu cử là có tranh cử đích thực trong bầu cử.
Từ bước tiến khởi đầu ở huyện Đầm Hà tỉnh Quảng Ninh, nhân dân đang mong chờ bước tiến đột phá ở Đại hội XIII.”
Ông Chu bày tỏ niềm hy vọng rằng: “Đại hội XIII có phải là bản lề mở cánh cửa sang một không gian mới?”
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)