Các nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC suy nghĩ về việc liệu có nên giữ “trường hợp đặc biệt” trên tuổi 65 tiếp tục ở lại trong Bộ Chính trị khóa 13.
Thông thường, trong chính trị Việt Nam, các ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi, để được tiếp tục ở lại, cần sự giới thiệu và đồng ý của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Trong Bộ Chính trị hiện nay, có 7 người đã từ tuổi 66 trở lên, là các ông bà: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thiện Nhân, và Ngô Xuân Lịch.
Các nguồn tin đến nay cho BBC biết Hội nghị Trung ương 12 mới nhất trong tháng 5 vẫn chưa bàn về có bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” trong Bộ Chính trị có thể ở lại khóa 13.
Trước đó, chia sẻ với BBC ngày 27/6, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, nói nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lại, đó sẽ là điều tốt.
“Trên quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các ứng viên khác nếu có trong trường hợp tiêu chí du di, linh hoạt về tuổi tác được áp dụng ở Đại hội 13, thì ông cũng xứng đáng thôi và ông cũng có thể đại diện cho những trường hợp khác ‘cùng lứa’ tuổi cao mà được lưu lại thêm.”
‘Không nên du di tuổi tác’
Mới nhất, trong chương trình thảo luận thứ Năm của BBC ngày 28/5, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, bộ môn Trung Quốc học, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy không nên có việc “du di tuổi tác“.
“Không nên du di tuổi tác. Về Trung Quốc, tôi thấy dù lãnh đạo họ có giỏi thế nào, hết nhiệm kỳ họ vẫn phải thôi, cho thế hệ khác làm.”
“Nếu xuất sắc, họ vẫn có thể làm cố vấn, trợ giúp lãnh đạo.”
“Hiện tương du di của Việt Nam, theo tôi là không nên mà nên chuyển giao thế hệ, tìm nhân sự phù hợp sự phát triển của Việt Nam.”
‘Nhân sự rất hệ trọng cho Việt Nam’
Còn Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, nói mặc dù ông đồng tình về nguyên tắc “tre già măng mọc“, nhưng bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay vẫn cần có sự linh hoạt.
“Nhân sự rất hệ trọng cho Việt Nam. Nếu còn có đảng viên lãnh đạo trong sạch, trí tuệ, thì đất nước có hy vọng.”
“Một khuynh hướng lựa chọn lãnh đạo, như ông Nguyễn Phú Trọng đề cập, là phải lựa chọn người có đức có tài, trong sạch, không nhà cửa, tài sản lớn.”
“Nhưng dư luận thường nói nhìn vị nào cũng thấy tài sản lớn, thế chọn ai? Bây giờ tiêu chuẩn chọn Tổng Bí thư như Bộ Chính trị đề ra, với các tiêu chuẩn như trong sạch, đoàn kết các nhân tố trong ngoài đảng, thì tôi mạo muội nói rằng hình như chỉ còn ông Trọng đủ đáp ứng.”
Kinh tế Việt Nam cần sự ổn định chính trị
Ông Hoàng Ngọc Giao nói ông tin rằng đa số dân chúng ở Việt Nam vẫn ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng “mặc dù chống tham nhũng vẫn đang nhiều khó khăn“.
“Để ổn định cho những bước tiếp theo, có lẽ vẫn cần một người cầm trịch, đủ uy tín trong dân, trong sạch, không vương vấn nhóm lợi ích, thì tôi nghĩ chỉ có ông Trọng.”
“Không nhất thiết phải quá bao nhiêu tuổi, như Donald Trump đã 73 tuổi rồi. Quan trọng là có người chèo lái ít nhất giữ ổn định, để lựa chọn đội ngũ cán bộ trong sạch, tâm huyết, để tiến hành cải cách tiếp theo, như thế có lẽ tạm ổn.”
Khó có việc “nhiều hơn một người” quá 65 tuổi
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), cho rằng sẽ khó có việc “nhiều hơn một người” quá 65 tuổi trong Bộ Chính trị được ở lại tiếp.
“Tiêu chuẩn mà Đảng Cộng sản đặt ra, tôi thấy có mấy điểm quan trọng. Ví dụ, có cơ cấu, có vấn đề tuổi tác, để từ đó ra một cái khung cho một, hai hội nghị trung ương tiếp theo bàn tiếp.”
“Họ bàn tiếp hội nghị 13, chưa xong thì 14, nên cũng chưa cần vội. Nhưng khả năng nhiều hơn một người ở trường hợp đặc biệt, khó.”
Các trang tin dẫn lời Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên nói hôm 27/5 rằng tinh thần về nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tiếp theo là “tỷ lệ mới nhiều hơn, trẻ cao hơn” nhưng không loại trừ “trường hợp đặc biệt” phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phát biểu của ông Diên được đưa ra tại một cuộc họp thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm bàn về “phương hướng công tác nhân sự khoá 13”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương được Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, và VietnamNet trích lời cho hay nhân sự của Trung ương Đảng khóa 13 sẽ có 3 độ tuổi, dưới 50 chiếm tỉ lệ 15-20%, từ 50-60 tuổi chiếm trên dưới 70%, và từ 61 tuổi trở lên chiếm trên dưới 10%.
Số lượng ủy viên Trung ương khóa tới sẽ vẫn như khóa 12, là khoảng 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tương tự, con số ủy viên Bộ Chính trị nhiều khả năng vẫn trong khoảng từ 17-19 ủy viên, Ban Bí thư từ 12-13 ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Tuy có các độ tuổi được đặt ra, song ông Diên nói rằng việc vận dụng độ tuổi với “một số” ủy viên Trung ương phải “thật sự linh hoạt”, dựa trên bài học rút ra từ công tác nhân sự Đại hội Đảng 12, cũng như từ các khóa trước.
Nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng được quan chức tuyên giáo dẫn ra làm ví dụ nổi bật về trường hợp ngoại lệ mặc dù quá tuổi trong khóa 12, theo tường thuật của báo chí trong nước.
“Đặc biệt là người đứng đầu, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo phát biểu, theo trích dẫn trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, và VietnamNet.
“Tổng Bí thư là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành Trung ương để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên cả nước đã gặt hái được những thành quả lớn”, quan chức tuyên giáo Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Vẫn quan chức này nhấn mạnh rằng: “Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, rất cần những người lão luyện về chính trị, có kinh nghiệm để chèo lái con thuyền đất nước, vượt qua sóng gió, nguy nan“.
Vị phó trưởng ban tuyên giáo lưu ý rằng trường hợp đặc biệt, cần thiết tái cử Trung ương khóa mới mà “không nằm trong độ tuổi quy định” sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư “xem xét kỹ lưỡng” và trình để Trung ương quyết định.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết trước thềm Đại hội, có nhiều tài khoản mạng xã hội tung tin nói xấu đảng, chế độ, nói xấu lãnh đạo.
“Phản động nói xấu không vội lo, vì nói xấu mình thì mình đứng về phía nhân dân. Họ khen mình chẳng hạn thì hết sức cảnh giác.
Kẻ thù mà khen ta thì rõ ràng ta đi ngược đường lối, chủ trương. Không bao giờ kẻ thù lại tốt với ta. Nhưng ta cũng phải thận trọng, xem xét, nếu đúng thì cũng phải xem xét. Không đúng phải có chính kiến rõ ràng.
Không phải vì thông tin thất thiệt mà hoang mang, chia rẽ, làm bất ổn trước Đại hội, làm công tác nhân sự Đại hội gặp khó khăn”.
Ngày 26/4/2020 trên các phương tiện truyền thông nhà nước đều đăng tải toàn văn bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng“của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng tiểu ban Nhân sự, gây sự chú ý trong dư luận trong và ngoài đảng.
Một trong những điểm cốt yếu, xuyên suốt trong bài viết trên được nhấn mạnh rằng công tác cán bộ của đảng gắn liền với chế độ. Đối với Đại hội 13 được xác định ‘là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước’.
‘Trăn trở’ nhiều thế hệ
Các nhà lãnh đạo cộng sản nhiều thế hệ luôn trăn trở điều này, nhất là từ trước Đại hội 12 đến nay. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng ‘trải lòng’ trong bài viết gần đây: ‘Công tác cán bộ làm không tốt thì tự ta lật đổ ta’.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông là người đứng đầu kinh tế vĩ mô đã vượt qua ‘thời kỳ bất ổn’ và tăng trưởng cao trong bốn năm của nhiệm kỳ, các chỉ tiêu về phát triển xã hội cũng chuyển biến tích cực. Đồng thời, cải cách thể chế theo hướng củng cố tổ chức đảng, tập trung quyền lực và chống tham nhũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trong công tác nhân sự của đảng ‘sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đảng viên‘ vẫn là nguy cơ hiện hữu.
Trong bài viết chỉ ra: ‘Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự‘.
Một chế độ kiểm soát quyền lực theo pháp luật cần được thiết lập bền vững thay cho các cơ quan quyền lực đảng, một hình thức tương tự kiểu ‘Quân cơ‘ hay ‘Đô ngự sử‘ thời chế độ phong kiến tập quyền.
Một trong những nhiệm vụ của công tác nhân sự kỳ này là ‘không để lọt vào BCH TƯ khoá 13‘ những kẻ vi phạm ‘giấu mình‘ chưa bị kỷ luật, những kẻ ‘cơ hội chính trị‘ dưới nhiều hình thức biểu hiện, là rất ‘nặng nề‘.
Ngày 24/5, nhân dịp sinh nhật một lãnh đạo Tòa Tối cao, cán bộ tòa tối cao và tòa Hà Nam đã kéo nhau về vui chơi tại sân Golf Kim Bảng. Ngoài dàn xe sang, có cả xe biển xanh 80 minh họa…
Điều đáng nói là, dự án sân golf 36 lỗ này và các công trình phụ trợ với tổng diện tích đất gần 200 ha dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng dự án đã khởi công, triển khai rầm rộ từ tháng 5/2017.)
Để làm tốt công tác nhân sự cho Đại hội 13, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm từ ‘sự bất ổn‘ thể chế trước và trong Đại hội 12.
Hơn thế, ông còn nêu những bài học từ những năm đầu Cách mạng Tháng 10 Nga và sự sụp đổ của Liên Xô cũ và chế độ XHCN ở Đông Âu, và cho rằng một trong nhiều nguyên nhân ‘là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất‘.
Đây là vấn đề tranh luận tuỳ theo góc nhìn, bối cảnh và giai đoạn lịch sử. Căn cứ thực tế của nhận định trên là do chính sách ‘Cải cách và Mở cửa‘ ở Trung Quốc từ cuối những năm 1970 và tương tự là ‘đường lối ‘Đổi mới’ ở Việt Nam từ năm 1986. Đảng cộng sản đã ‘tự điều chỉnh‘ để lợi dụng được ‘lòng tham‘, vốn là bản chất, của tư bản, nghĩa là từ các nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nước tư bản và mới nổi ở Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng trưởng kinh tế. Chế độ toàn trị bởi đảng cộng sản bị cáo buộc bởi tình hình ‘nhân quyền‘ và ‘dân chủ‘ tồi tệ.
Quan niệm rằng cùng chung ý thức hệ cộng sản thúc đẩy Việt Nam và Trung Quốc gắn kết hơn tình hữu nghị ‘bốn tốt‘ ‘mười sáu chữ vàng‘ cùng xây dựng chế độ XHCN đã và đang không còn phù hợp với thực tế và thời đại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại hội 13 của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng… sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai” bởi vì nó liên quan tới Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc…
Một cuộc cải cách thể chế chính trị có lẽ nên được đặt ra, trong đó việc thay đổi chiến lược phát triển đẩt nước, dân tộc trong bối cảnh như phân tích ở trên sẽ là nền tảng bền vững cho chế độ.
Chỉ khi đó việc nhân sự cho cả hệ thống chính trị sẽ mang ý nghĩa tương xứng với việc coi Đại hội 13 là ‘dấu mốc lịch sử’ định hướng tương lai.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)