Việt Nam: Dân vào “chảo lửa” và nền tư pháp “mù”

Ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, trú tại Đồng Xoài) chết tại sân tòa ở Bình Phước sáng 29/5 sau khi nhận y án gây chấn động dư luận.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Phước chết tại sân tòa sau khi nhảy lầu tự tử, sau khi bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù. Tòa án Bình Phước đã xác nhận việc ông Phước nhảy lầu.

Trước đó, ông Phước để lại lời nhắn trên Facebook cá nhân: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ“.

Vụ việc xảy ra như thế nào?

Phiên tòa xét xử ông Phước bắt nguồn từ một sự việc xảy ra cách đây ba năm.

Tháng 1/2017, ông Lương Hữu Phước, sau khi uống rượu ở nhà bạn, đi về nhà. Trên đường về, ông Phước gặp ông Trần Hữu Quý. Ông Quý rủ ông Phước đi hát karaoke.

Ông Phước đồng ý và chở ông Quý về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm do ông này không mang theo.

Khi đi đến gần trước nhà ông Quý, ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không xuống xe.

Do đó, ông Phước đã lái xe chở ông Quý đi sang đường. Khi sang tới bên kia đường thì xe ông Phước bị xe máy của anh Lâm Tươi chạy ngược chiều đâm vào. Cả ông Phước và ông Quý đều bị thương. Đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong. Cả ông Phước và anh Tươi đều có nồng độ cồn trong máu.

Ngày 29/3/2018, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án ông Phước 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ông Phước kháng cáo kêu oan.

Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần một. Sau đó tuyên hủy bản án sơ thẩm lần một để điều tra, xét xử lại, đồng thời nêu ra 11 điểm thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mâu thuẫn; Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông không thể hiện vị trí công tắc đèn xinhan, không ghi rõ tình trạng ổ khóa điện khởi động xe ở vị trí mở hay tắt; Kết quả điều tra và bản án sơ thẩm xác định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xinhan là chưa đủ căn cứ….).

Ảnh 1: dòng trạng thái cuối cùng trên Facebook của ông Lương Hữu Phước, trước khi nhảy lầu tự tử

Ngày 6/12/2019, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần hai, vẫn y án sơ thẩm. Ông Phước vẫn kêu oan, cho rằng cái chết của ông Quý không phải do ông gây ra, và đề nghị được tuyên vô tội.

Ngày 25/9/2020, tòa án Bình Phước đưa vụ việc ra xử phúc thẩm. Đến 29/5, tòa bác đơn kêu oan của ông Phước, tuyên y án sơ thẩm.

Sau đó đến chiều 29/5, ông Phước mang theo chai thuốc trừ sâu đến tòa uống và nhảy lầu.

TAND Bỉnh Phước nói gì?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, sáng 30/5, tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo.

Trong cuộc họp, TAND Bình Phước khẳng định: Việc giải quyết và xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết.

Được biết, HĐXX gồm: thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa); thẩm phán Lê Viết Hòa và thẩm phán Phạm Tiến Hiệp (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bình Phước).

Một điều trùng hợp là, thẩm phán Lê Viết Hòa cũng từng tham gia xét xử phúc thẩm một vụ án dân sự tranh chấp đất đai, sau đó bị đơn đã dùng dao tự sát.

Ông Hòa này chính là người đã ngồi xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp 39,5m2 đất của ông Võ Chánh, khiến ông Chánh cũng… tự sát.

Ảnh 2: hiện trường vụ án, xe ông Phước nằm bên phải, xe Lâm Tươi bên trái bị cong vành

Vợ ông Võ Chánh sau đó cũng dọa tự sát theo chồng khi Chi Cục Thi hành án dân sự cưỡng chế. Cuối cùng bản án do Thẩm phán Lê Viết Hòa tuyên đã bị hủy để xét xử lại, nhưng ông Võ Chánh đã chết được gần 5 năm rồi.

Cụ thể, tại vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Lê Quang Dinh (SN 1963) với bị đơn là ông Võ Chánh (SN 1968) và vợ Đào Thị Xuân (SN 1967, cùng ngụ phường Tân Bình, TP Đồng Xoài). Nguyên nhân có vụ án này, do ông Dinh khởi kiện đòi lấy 39,5m2 đất gia đình ông Chánh đang quản lý sử dụng.

Ngày 25/9/2014, TAND TX Đồng Xoài đưa vụ án ra xét xử, tuyên vợ chồng ông Chánh phải trả cho vợ chồng ông Dinh 39,5 m2 đất; vợ chồng ông Dinh trả lại cho vợ chồng ông Chánh 10 triệu đồng; vợ chồng ông Chánh phải nộp án phí 7,5 triệu đồng. Vợ chồng ông Chánh kháng cáo.

Đến 21/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, HĐXX gồm 3 thẩm phán Hoàng Minh Thịnh, Lê Viết Hòa và Nguyễn Văn Khương đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Chánh, giữ nguyên án sơ thẩm.

Quá uất ức, 5 giờ sáng ngày 26/7/2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh. Tại đây 2 bên cãi vã rồi xô xát. Sau đó ông Chánh nằm gục trên vũng máu. Cơ quan điều tra xác định ông Chánh chết bởi 1 nhát dao, do ông… tự đâm mình!

Sau đó, Chi cục THADS Đồng Xoài cưỡng chế thi hành án, bà Xuân tuyên bố sẽ tự sát như chồng mình vì không còn chỗ ở nào khác. Bên cạnh đó, nhân dân địa phương phản ứng rằng cả án sơ thẩm và phúc thẩm không khách quan, không đúng với thực tế sử dụng đất của nguyên đơn lẫn bị đơn…

Vừa rồi, cũng theo Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 21/12/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án phúc thẩm số 49/2015 ngày 21/7/2015 của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm số 31/2014 ngày 25/9/2014 của TAND TX Đồng Xoài, giao tòa Đồng Xoài xử lại.

Ảnh 3: Thẩm phán Lê Viết Hòa, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Phước đang trần tình vụ án về ông Võ Chánh cũng tự sát

Nhưng, ông Võ Chánh thì đã chết. Thẩm phán xử vụ án của ông Chánh lại vừa ngồi ghế HĐXX phiên tòa khác sáng nay. Và bị án lại chết, không phải bằng dao, mà lên lầu tòa án tỉnh nhảy xuống.

Mạng xã hội nói gì?

Vụ việc ông Phước tự tử tại tòa sau khi kêu oan đã gây rúng động dư luận Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội sáng 30/5 tràn ngập hình ảnh, thông tin và các bình luận về vụ việc.

Luật sư Lê Ngọc Luân: “Sẽ còn bao nhiêu phận người chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?”

“Là người làm nghề luật sư, đã trải qua và chứng kiến nhiều số phận oan nghiệt, cay đắng nhưng thú thật, hình ảnh ông Phước nằm co ro, chết không nhắm mắt ở sân toà khiến tôi ám ảnh và đau đớn.”

“Ở toà án, đó là nơi mà bao con người chờ đợi, hi vọng một phán quyết công minh, tình người. Thế nhưng, ở nơi ấy, họ chọn cách lấy dao rạch bụng (Cần Thơ), uống thuốc độc chết (Ninh Thuận), nhảy từ lầu 2 (Bình Phước)… nhằm chứng minh cho sự oan ức và trong sạch của mình.”

“Những người làm nghề luật sư như chúng tôi đây, nắm luật nhưng còn bị hành cho ra bả, nhiều lúc phải nhịn nhục chỉ vì giúp Thân chủ. Nếu là án dân sự, cương quá, ít 3 năm, 5 năm, dài thì 15, 18 năm… có khi chết xong đời con cháu vẫn chưa xong.”

“Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu oan như ai oán cả trời đất nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là “nghị án” sau đó đọc ra bản án đã viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ.”

“Vậy dân đen chỉ còn cách rạch bụng, uống thuốc độc và nhảy lầu. Thức tỉnh được nền tư pháp không?”

“Còn lâu…”

“Chỉ khi nào Thẩm phán được độc lập thật sự và họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng.”

“Viết ra điều này, tôi tin những NGƯỜI THẨM PHÁN đúng nghĩa, thương dân sẽ đồng cảm và đau đớn khi chứng kiến hình ảnh đau thương của đồng loại. Chắc chắn họ sẽ không ngủ được và ám ảnh như chúng ta. Nhưng không biết được bao nhiêu người đang suy nghĩ?”

Ảnh 4: ông Lương Hữu Phước ngồi đau buồn bên ngoài tòa sau phiên xử

Bài viết là nhén hương thơm mà tôi muốn gửi đến ông Lương Hữu Phước – người đàn ông bất hạnh và khổ đau ở cõi trần gian.” Luật sư Lê Ngọc Luân bộc lộ cảm xúc.

Luật sư Phùng Thanh Sơn nói: “Bệnh thành tích và chế độ báo cáo án của ngành tòa án đang giết chết công lý.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận: “Đau xót, nhưng tiếc nuối cho ông Lương Hữu Phước khi nghĩ rằng cái chết của mình sẽ đủ “làm thức tỉnh nền tư pháp“.

Facebooker Đào Tuấn viết: “Sự tuyệt vọng ko có khuôn mặt nào hết.”

“Từng có một cô con gái. Và cô bé ấy bị hiếp, bị giết. Người cha đau và sốc đến mức phải rời bỏ xứ mà đi. Tới Bình Phước, cùng người thân mua được vài mẫu đất nhưng rồi cũng lại bị thu hồi, trở thành tay trắng. Có vợ, nhưng rồi cũng ly thân. Rồi 3 năm trước, chở giúp 1 người bạn về nhà; đụng xe; bạn chết; nhận án 3 năm tù; và cũng suốt 3 năm qua ròng rã kêu oan. Ngay cả tết nhất cũng không dám đến nhà ai vì sợ tiếng tù tội mang lại xui xẻo cho bạn bè người thân. Đó là tình cảnh của bị cáo Lương Hữu Phước, người vừa nhảy lầu tại toà Bình Phước chiều qua.”

“Có câu “cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra”. Nhưng nhìn cuộc đời ông Phước, chỉ thấy toàn chuyện buồn. Hữu Phước đấy mà có phước đâu… Và cũng như trong vụ Hồ Duy Hải, vụ này có tới 11 điểm sai sót trong tố tụng. Sai đến mức án sở thẩm từng bị tuyên huỷ để điều tra lại. Nhưng rồi vẫn án tù 3 năm. Trong status cuối cùng, người đàn ông bất hạnh mong cái chết của mình sẽ thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước.”

Nhưng, vừa xong, Bình Phước họp báo khẳng định: Việc giải quyết và xét xử vụ án hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết.”

“Không đọc hồ sơ vụ án, không dám nói oan hay không, chỉ thấy ở trong đó sự tuyệt vọng và cùng quẫn.”

Ảnh 5: Trong buổi họp báo ngày 30-5 về vụ ông Lương Hữu Phước tự tử, bà Phạm Thị Bích Thủy Chánh án TAND tỉnh Bình Phước khẳng định việc giải quyết và xét xử vụ án, HĐXX phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan

“Khi phải quyên sinh, không tiếc ngay cả mạng sống thì có nghĩa là người ta chẳng còn tin gì, chẳng còn gì mà mấu víu vào cuộc đời này nữa rồi.”

Nhà báo Bạch Hoàn viết trên Facebook có 200 ngàn người theo dõi như sau:

Không biết bây giờ, ở bên kia thế giới, hương hồn ông Lương Hữu Phước, người vừa nhảy lầu tự tử ở trụ sở Toà án tỉnh Bình Phước, có chứng kiến cuộc họp báo sáng nay của Ban Tuyên giáo và Toà án Bình Phước sau cái chết của mình hay không.

Nếu có, chắc giờ này ông sẽ hối hận, vì chẳng có ai thức tỉnh cả.

Họ vẫn khẳng định đã công tâm, vô tư, khách quan khi kết án ông.

Cả Ban Tuyên giáo Bình Phước và Toà án tỉnh, không thấy có lời nào chia sẻ, không có sự lắng nghe, không động lòng trắc ẩn. Họ không hề mảy may suy nghĩ, không một gợn sóng trong lòng, dẫu một mạng người đã mất vì họ, dẫu một người đã phải tìm đến cái chết vì phẫn uất và mong họ thức tỉnh.

Đất nước những ngày thiếu vắng công lý. Niềm tin cạn kiệt. Đất nước những ngày buồn.

Khắp nơi trên đất nước này, còn bao nhiêu dân oan, còn bao nhiêu bất công và vô lý? Khắp nơi trên đất nước này còn bao nhiêu người phải chịu áp bức, thiệt thòi? Khắp nơi trên đất nước này, có bao nhiêu người đang phải ngày đêm khao khát một lẽ công bình?

Công lý, biết tìm đâu?

Sau những Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, rồi đến Hồ Duy Hải, và giờ là Lương Hữu Phước, liệu những người còn u mê đã tỉnh ngủ? Và những người vẫn mắt nhắm mắt mở, nay đã mở to mắt ra và nhìn đời cho rõ hay chưa?

Cái chết của ông Lương Hữu Phước có thể không thức tỉnh hệ thống tư pháp, nhưng tôi hy vọng sẽ thức tỉnh những người còn đó một chút lương tri.”

Ảnh 6: ông Lương Hữu Phước tại tòa, bên phải là Lâm Tươi, người đâm xe vào ông Phước

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vụ án Hồ Duy Hải: định hướng điều tra sai lệch như thế nào?

>>> Giới hoạt động lên án những vụ bắt giữ mới nhất

>>> Vụ Hồ Duy Hải: người mặc áo vàng bí ẩn và 4 bút lục biến mất khỏi hồ sơ

Vụ Hồ Duy Hải: định hướng điều tra sai lệch như thế nào?