Nhận định về việc trì hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ, GS Carl Thayer nói chính thức thì Tổng thống Duterte giải thích quyết định này là để đáp lại đề nghị hỗ trợ Philippines chống lại đại dịch của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế vạch ra là, việc Duterte quay về với Trung Quốc trong bốn năm qua không mang lại lợi ích kinh tế gì cho Philippines như dự đoán ban đầu.
Và lập trường ủng hộ Bắc Kinh của Duterte cũng đã không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc khẳng định quyền kiểm soát các đảo và vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email từ Canberra, Úc hôm 4/6, GS Carl Thayer nói rằng đồng thời, Hoa Kỳ cũng đã hết sức cố gắng để không cho mối quan hệ song phương xấu đi đến mức rạn nứt.
GS Carl Thayer: Tổng thống Trump đích thân và nhiều lần mời Duterte đến thăm Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã làm rõ cam kết của Hoa Kỳ đối với Philippines ở Biển Đông theo Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau (MDT) năm 1951. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận việc bán một loạt vũ khí tiên tiến trị giá hơn 2 tỷ đôla cho Philippines.
Tóm lại, đã có sự phản đối trong chính phủ Philippines – gồm cả các quan chức quốc phòng cấp cao – về việc chấm dứt VFA với Hoa Kỳ. Cũng đã có sự phản kháng về mặt pháp lý của các thượng nghị sĩ, những người tìm kiếm phán quyết của Tòa án tối cao về việc liệu Duterte có quyền thu hồi VFA mà không có sự chấp thuận của Quốc hội hay không.
Cuối cùng, thì dư luận Philippines trở nên bất mãn với Trung Quốc trong khi tỷ lệ thân Mỹ lên cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á trong cuộc trưng cầu dân ý gần đây.
Việc tổng thống Duterte đưa ra thông báo 180 ngày về việc chấm dứt VFA , là một phản ứng giận dữ trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cấp Visa cho Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” Muff Dela Rosa thân thiết của Tổng thống Duterte.
Chỉ có thể suy đoán rằng các nhà ngoại giao Mỹ cả ở Manila và Washington đã có các cuộc đàm phán bí mật để loại bỏ sự việc gây khó chịu đặc biệt này.
Đồng thời, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có lẽ cũng đã làm việc hết tốc lực để tìm ra các cách thức và phương tiện để củng cố liên minh giữa hai bên thông qua các chương trình đào tạo.
Như vậy thì Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào, họ có thể làm gì để trừng phạt Philippines vì quyết định này?
GS Carl Thayer nói : Bắc Kinh sẽ tính toán đường dài. Trung Quốc sẽ tinh tế trong việc gây áp lực lên Philippines. Trung Quốc sẽ nhử ‘củ cà rốt’ trong quan hệ kinh tế trong khi vẫn liên tục gây áp lực ở Biển Tây Philippines.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines trong việc chống lại mối đe dọa của COVID-19. Trung Quốc cũng có thể chơi thẻ bài ‘Vành đai và Con đường’ bằng cách thông báo hỗ trợ tài chính cho dự án cưng Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng của Duterte, vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc sẽ tận dụng những nhược điểm của Hoa Kỳ – sự lây lan của virus corona trong Hải quân Hoa Kỳ và tình trạng bất ổn dân sự ở nước này. Trung Quốc sẽ lập luận rằng Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy.
Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế trong các hành động công khai trong khi tiếp tục thách thức các tàu hải quân và máy bay quân sự của Philippines khi họ đi qua Biển Tây Philippines, Trung Quốc cũng sẽ duy trì sự hiện diện của cái gọi là ‘ngư dân’ của họ ở vùng biển quanh Pagasa.
Như vậy, việc Philippines tạm hoãn quyết định chấm dứt VFA với Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc xung đột ở Biển Đông ra sao? Những quốc gia nào sẽ có lợi nhất? BBC đặt câu hỏi.
GS Carl Thayer nói: Việc tạm hoãn chấm dứt VFA trong 6 tháng có thể được kéo dài thêm 6 tháng nữa. Nếu không đạt được thỏa thuận, đồng hồ sẽ được đặt lại và việc chấm dứt sẽ tiếp tục. Sáu tháng tới đây sẽ là khoảng thời gian tế nhị khi Manila và Washington tìm ra cách để hướng tới tương lai.
Nếu VFA không bị bãi bỏ, sự hồi sinh của liên minh Hoa Kỳ-Philippines sẽ góp phần ổn định Biển Đông.
Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe, đặc biệt là sau cam kết bằng lời sẽ khởi động Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau (MDT) nếu lực lượng quân đội Philippines bị tấn công. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ nhận thức về lĩnh vực hàng hải, huấn luyện Lực lượng Vũ trang Philippines để bảo vệ lãnh thổ, và bằng cách duy trì sự hiện diện của lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ tại đây.
Sự hồi sinh của mối quan hệ quốc phòng tốt giữa Philippines và Hoa Kỳ có thể thu hút sự hỗ trợ từ Nhật Bản, Úc và các cường quốc hàng hải khác cho sự kết hợp các hoạt động hải quân ở Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều được hưởng lợi từ trấn an này của Hoa Kỳ. Việt Nam giờ sẽ ít phải đối mặt hơn với áp lực cho Hải quân Hoa Kỳ quyền truy cập nhiều hơn vào các cảng của mình.
– Cụ thể quyết định trì hoãn quyết định chấm dứt VFA với Mỹ của Philippines giúp Việt Nam như thế nào trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông? BBC đặt câu hỏi.
GS Carl Thayer nói : Hoa Kỳ gần đây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối và thách thức các yêu sách của Trung Quốc với các quyền lịch sử, cũng như việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các đảo ở vùng Biển Đông.
Sự can thiệp gần đây của hải quân Hoa Kỳ vào vùng biển ngoài khơi Đông Malaysia để hỗ trợ thăm dò dầu khí trước sự quấy rối của Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự khuyến khích rằng Hoa Kỳ sẽ làm điều tương tự nếu Trung Quốc thách thức bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở vùng biển Việt Nam gần Bãi Tư Chính.
Việt Nam và Indonesia sẽ được khích lệ bởi thách thức pháp lý của Hoa Kỳ với Trung Quốc vì điều này củng cố đệ trình của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
BBC: Theo giáo sư,quyết định vừa rồi của Philippines còn mang ý nghĩa gì nữa không?
GS Carl Thayer:Philippines gần đây đã có chính sách tuyên bố mạnh mẽ hơn về chủ quyền tại Biển Đông thông qua các lập luận pháp lý dựa trên Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, trong vụ kiện chống lại Trung Quốc. Philippines cũng đề nghị hỗ trợ ngoại giao cho Việt Nam sau vụ chìm tàu đánh cá Việt Nam vào tháng Tư vừa qua.
Hai nước là đối tác chiến lược. Có khả năng là Philippines và Việt Nam sẽ phối hợp tốt hơn các chính sách Biển Đông của họ, đặc biệt là các chiến lược pháp lý. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, máy bay trinh sát hàng hải và tàu hải quân của Hoa Kỳ có thể thực hiện các chuyến thăm tạm thời tới cả hai nước khi họ bay qua và đi vào biển Đông.
Ngày 2/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo nước này đã tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn tồn tại 20 năm với Mỹ.
Thông báo này được công bố trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines với nội dung:
“Vào ngày 01/6, chính phủ Philippines đã thông báo cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines về quyết định đình chỉ chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng quân sự.
Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của chính phủ Philippines. Liên minh lâu đời của chúng ta đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines.”
Cũng trong hôm 02/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter rằng quyết định này được đưa ra theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Teodoro Locsin cũng giải thích Tổng thống Rodrigo Duterte thay đổi quyết định của mình với lý lẽ là: “Một người không thay đổi suy nghĩ thì không thay đổi được điều gì….”
Đồng thời ông nhấn mạnh: “Các tình huống trên thế giới đang thay đổi rộng khắp và nhanh chóng, trong thời gian đại dịch và căng thẳng về siêu quyền lực gia tăng, một lãnh đạo thế giới cần ‘nghĩ nhanh, làm gấp’ vì sự an toàn của quốc gia và hòa bình cho thế giới…”
Trước đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, Tổng thống Duterte đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ký vào năm 1998 giữa hai nước Mỹ và Philippines.
Quyết định của Tổng thống Duterte được cho là bắt nguồn từ mối bất hòa được khơi mào khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết trừng phạt các quan chức Philippines liên quan đến cuộc chiến ma túy của ông Duterte, và việc giam giữ Thượng nghị sĩ bất đồng chính kiến Leila De Lima. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ trung thành Ronald “Bato” Muff Dela Rosa, một trong những người lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Còn lý do chính thức mà ông Duterte đưa ra là để giúp Philippines đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và để quân đội Philippines độc lập hơn.
Bất chấp những phản đối từ phía quân đội, Manila vẫn gửi thông báo hủy VFA vào ngày 11/02, kích hoạt thời hạn 180 ngày trước khi chính thức chấm dứt thỏa thuận vào ngày 09/8.
VFA đóng vai trò quan trọng trong một trong những quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á. VFA tạo khuôn khổ pháp lý để quân đội Mỹ có thể luân chuyển đến Philippines. Theo các chuyên gia, nếu không có hiệp định này, các thỏa thuận quốc phòng song phương không thể được triển khai.
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận này vẫn bất định khi Manila chỉ đang tạm hoãn việc hủy thỏa thuận.
Theo lá thư ngày 01/6 được Bộ Ngoại giao Philippines gửi cho đại sứ quán Mỹ, việc trì hoãn quá trình hủy VFA “sẽ tiếp tục trong 6 tháng” và có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa, sau đó sẽ nối lại quá trình hủy thỏa thuận như đã thông báo ngày 11/02.
Có thể thấy, thông báo chính thức về việc hoãn thực hiện quyết định nói rằng nguyên nhân là “diễn biến chính trị và các vấn đề khác ở khu vực”, nhưng không nói cụ thể hơn.
Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân liên quan đến căng thẳng gia tăng trên Biển Đông tức là từ chính cách hành xử của Trung Quốc.
Duy trì Thỏa thuận quân sự với Mỹ cũng là công cụ hiệu quả giúp kiềm chế các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal, Trưởng khoa Luật và các vấn đề biển thuộc Đại học Philippines nhận định ông Duterte quyết định tiếp tục duy trì VFA có thể do tác động của những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây nhằm vào các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Ông Batongbacal nói với báo SCMP rằng các lực lượng vũ trang Philippines đang ở tình thế dễ tổn thương do thiếu tàu tuần tra và tiếp tế.
Ông nói. “Hai tàu lớn nhất của Philippines vẫn đang ở Ấn Độ, nếu tôi nhớ đúng, trong khi những phương tiện trên không và trên biển khác đang được dùng để cho vận tải hàng tiếp tế và y tế.”
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ, đánh giá rằng việc bãi bỏ VFA “luôn nhận được ít ủng hộ”.
Ông Poling nói: “Giờ Trung Quốc đang hành xử hung hăng trong khi đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các cuộc gặp của quan chức cấp cao Mỹ và Philippines phải hủy. Rõ ràng ai đó đã thuyết phục ông Duterte rằng vì điều này và những lý do khác, họ cần thêm thời gian.”
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Campuchia, Philippines “trở cờ” tìm cách thoát Trung
>>> Chàng cao bồi Manila thân Trung Quốc và cuộc chiến chống COVID-19 tại Philippines
>>> Quốc tế kêu gọi ‘loại Trung Quốc’ khỏi Hội đồng Bảo an LHQ