Một chuyên gia về chính trị Việt Nam dự đoán Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thôi nhiệm vụ tại Đại hội Đảng 13 năm 2021, và ông Trần Quốc Vượng là ứng viên hàng đầu thành Tổng Bí thư.
Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, đã là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản từ khóa 11 năm 2011.
Nhà quan sát lâu năm về Việt Nam, Tiến sĩ Zachary Abuza, nói với BBC:
“Tôi không nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm nữa, vì ông vừa rồi đã có thời gian ốm, và lại đã một lần được miễn tuổi.”
Vào năm 2016, Ban chấp hành trung ương Đảng đồng ý cho một trường hợp đặc biệt quá tuổi, ông Nguyễn Phú Trọng, ở lại làm Tổng Bí thư.
Tiến sĩ Zachary Abuza, đang là giáo sư tại National War College, Washington DC.
National War College, thành lập năm 1946, hiện là một trường trong Đại học Quốc phòng (National Defense University), tổ chức đào tạo đại học bao cấp bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Mục đích của National War College là đào tạo người cho quân lực, bộ ngoại giao và các cơ quan có trách nhiệm về chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
‘Nhiều khả năng nhất’
Tiến sĩ Zachary Abuza dự đoán ông Trần Quốc Vượng “nhiều khả năng nhất” để trở thành Tổng Bí thư sau ông Trọng.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, đã là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hiện là Thường trực Ban Bí thư.
Mới đây, Phó ban tuyên giáo trung ương Nguyễn Hồng Diên tiết lộ Bộ Chính trị khóa 13 sắp tới sẽ có khoảng 17 – 19 người.
Bộ Chính trị khóa 12 hiện thời có 19 ghế, tuy thực tế chỉ có 16 người, do các vấn đề sức khỏe, qua đời và kỷ luật.
Ông Zachary Abuza nhận xét do Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải mới đây bị cảnh cáo, nên có lẽ ông Hải sẽ khó tái cử.
Ngoài ra, Bộ Chính trị hiện có 7 người đang từ 66 tuổi tới 76 tuổi và có lẽ đa số của nhóm này sẽ nghỉ hưu.
Như thế, ông Zachary Abuza dự đoán Bộ Chính trị khóa 13 có thể chỉ còn khoảng 7 người ở lại, mở đường cho các gương mặt mới.
“Nhưng số người mới bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản không bao giờ nhiều hơn số thành viên cũ.”
“Vì vậy, rất có thể, một hoặc nhiều hơn nữa trong số thành viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi sẽ được cho ở lại, trong đó có ông Trần Quốc Vượng, hiện 67 tuổi,” ông Abuza nhận định.
Ông Zachary Abuza không cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trở thành Tổng Bí thư “mặc dù hoàn toàn đủ tiêu chuẩn“.
“Ông Trần Quốc Vượng đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng, dù đó là các cuộc điều tra chính đáng hay có động cơ chính trị để làm im lặng các đối thủ của ông Nguyễn Phú Trọng.”
“Tôi đoán ông Nguyễn Phú Trọng có nhiều ảnh hưởng để chọn thành phần Bộ Chính trị khóa mới. Nhất là khi ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ với uy tín rất cao, nhờ kinh tế, và thắng dịch Covid-19.”
‘Đảng phải giữ vai trò chủ đạo’
Trả lời phỏng vấn của BBC, Tiến sĩ Zachary Abuza cũng chân thành chia sẻ rằng ông đã từng dự đoán sai về kết quả Đại hội 12 năm 2016.
“Tôi đã suy nghĩ nhiều vì sao mình dự đoán sai năm 2016. Khi đó, tôi không nghĩ ông Trọng sẽ tái đắc cử, vượt qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”
“Theo tôi, điều ông Trọng làm tại Đại hội 12 là tái khẳng định uy quyền của Đảng. Khi ấy, tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa đang đặt nhiều quyền quyết định hơn vào tay giới kỹ trị và quan chức.”
“Điều đó làm ông Trọng lo ngại, vì ông muốn Đảng phải giữ vai trò chủ đạo trong mọi quyết định.”
Tiến sĩ Zachary Abuza cho rằng yếu tố này cũng sẽ giúp ông Trần Quốc Vượng trở thành Tổng Bí thư.
Ông Vượng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ 2007 tới 2011, rồi giữ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tháng 7/2011.
Tháng 5/2013 ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị
Tiến sĩ Zachary Abuza nói: “Ông Trần Quốc Vượng cả sự nghiệp là làm trong bộ máy Đảng.”
“Ở ông Vượng, ông Trọng nhìn ra đấy là đồng minh.”
“Vậy nếu ông ấy được bầu, sẽ có nghĩa gì cho Việt Nam? Câu trả lời ngắn gọn là sự tiếp nối trong chính sách.”
Trước đó, nhiều nhà quan sát cũng chung nhận định ông Trần Quốc Vượng là ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư sắp tới.
Mới đây, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, nói trong một bài phân tích: “Quan trọng hơn, nếu xét chiến dịch chống tham nhũng cấp cao dưới sự lãnh đạo của ông Trọng và việc Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng, rất có khả năng ông Trọng muốn người kế nhiệm sẽ duy trì di sản của mình và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.”
“Ông Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, có thể được coi là đáp ứng nhiều điều kiện hơn để thay thế ông Trọng.”
“Với việc ông Trọng đang nắm quyền kiểm soát ở mức cao đối với hoạt động của Đảng, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, ông Trọng sẽ là người có tiếng nói quyết định đối với việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Như vậy, ứng viên nào được ông hậu thuẫn sẽ có cơ hội thắng cử cao hơn,” tác giả Lê Hồng Hiệp nhận định.
Các trang tin dẫn lời Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên nói hôm 27/5 rằng tinh thần về nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tiếp theo là “tỷ lệ mới nhiều hơn, trẻ cao hơn” nhưng không loại trừ “trường hợp đặc biệt” phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương được Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, và VietnamNet trích lời cho hay nhân sự của Trung ương Đảng khóa 13 sẽ có 3 độ tuổi, dưới 50 chiếm tỉ lệ 15-20%, từ 50-60 tuổi chiếm trên dưới 70%, và từ 61 tuổi trở lên chiếm trên dưới 10%.
Số lượng ủy viên Trung ương khóa tới sẽ vẫn như khóa 12, là khoảng 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tương tự, con số ủy viên Bộ Chính trị nhiều khả năng vẫn trong khoảng từ 17-19 ủy viên, Ban Bí thư từ 12-13 ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng được quan chức tuyên giáo dẫn ra làm ví dụ nổi bật về trường hợp ngoại lệ mặc dù quá tuổi trong khóa 12, theo tường thuật của báo chí trong nước.
“Đặc biệt là người đứng đầu, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo phát biểu, theo trích dẫn trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, và VietnamNet.
Vị phó trưởng ban tuyên giáo lưu ý rằng trường hợp đặc biệt, cần thiết tái cử Trung ương khóa mới mà “không nằm trong độ tuổi quy định” sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư “xem xét kỹ lưỡng” và trình để Trung ương quyết định.
Nhận định về những nhân vật có khả năng thay thế chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới, Facebook Dương Quốc Chính từ Hà Nội đưa ra bình luận:
Nhìn chung, đa số nội dung quy định đều khá mơ hồ, không có công cụ gì để cân đo đong đếm các phẩm chất như: Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp Cách mạng. Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… nói chung là rất nhiều tiêu chí yêu cầu.
Thực ra nếu cứ áp theo những quy định này mà để bọn nhân dân đấu tố qua Facebook thì sẽ chả có đồng chí nào đủ tiêu chuẩn làm cán bộ lãnh đạo cả!
Tuy nhiên, quy định mới về phẩm chất lãnh đạo có mục uy tín cao trong nhân dân. Nhưng bọn nhân dân thì không có cách gì để cho ý kiến với đảng ngoài việc chém gió Facebook. Điều này chứng tỏ đảng sẽ hóng phản hồi từ Facebook về uy tín của các đồng chí ứng viên lãnh đạo chủ chốt.
Trong tứ trụ, có 2 vị trí quan trọng nhất là Tổng bí thư và Thủ tướng, có ảnh hưởng lớn nhất đến vận mệnh quốc gia. Nếu căn cứ theo quy định này, ta thấy có 2 khái niêm rất mơ hồ về chức danh Tổng bí thư. Đó là “người kế nhiệm” và “cán bộ chủ chốt“. Cán bộ chủ chốt là mới bổ sung vào quy định mới.
Lẽ ra, quy định phải có phần giải nghĩa các khái niệm, như văn bản pháp quy, nhưng ở đây không có, nên phải suy diễn!
Người kế nhiệm có thể hiểu là cấp phó thường trực của chức danh lãnh đạo đương nhiệm. Ví dụ, với Tổng bí thư thì người kế nhiệm là Thường trực ban bí thư.
Còn cán bộ chủ chốt, có thể tạm hiểu là tam trụ và thường trực Ban bí thư. Theo nhận định cá nhân mình thì khả năng cả 3 trụ cùng nghỉ hưu vào nhiệm kỳ tới là cao. Chắc chắn Tổng bí thư thì sẽ nghỉ rồi.
Như vậy, khả năng ông Trần Quốc Vượng sẽ là ứng viên duy nhất (hoặc sáng nhất) cho chức vụ Tổng bí thư vì vừa là cán bộ chủ chốt, vừa là người kế nhiệm và CÓ VẺ NHƯ cũng ít điều tiếng với bọn nhân dân. Chưa thấy bị thế lực thù địch đấu tố trên Facebook. Các Ủy viên Bộ Chính trị còn lại thì hầu hết cũng đã từng bị.
Trường hợp cạnh tranh duy nhất với ông Vượng thì chỉ có thể là ông Phúc, thì mới đạt tiêu chí cán bộ chủ chốt (bà Ngân không được xét vì là nữ). Nhưng khả năng ông Phúc tiếp tục làm Tổng bí thư theo mình là rất ít khả năng do tuổi tác về 1 số tiêu chí không đạt!
Về chức danh thủ tướng, có yêu cầu sau đáng chú ý:
“Hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị.”
Có vẻ như điều này mở đường cho ông Vương Đình Huệ. Vì ông đang phụ trách về kinh tài ở Chính phủ và xuất thân là người có kinh nghiệm về quản lý, giám sát kinh tế!
Người thứ 2 cạnh tranh là ông Trương Hòa Bình vì đang là phó Thủ tướng thường trực. Tuy nhiên, ông xuất thân là Công an và Tòa án, nên ông hợp với vị trí Chủ tịch nước hay Tổng bí thư hơn là Thủ tướng. Nhưng vị trí Tổng bí thư đã là của ông Vượng rồi. Và vị trí này không yêu cầu phải là người kế nhiệm (Phó thủ tướng thường trực) nên ông Trương Hòa Bình sẽ yếu thế hơn ông Vương Đình Huệ.
Người thứ 3 cạnh tranh sát hơn với ông Huệ là ông Nguyễn Văn Bình, vì ông này cũng có kinh nghiệm tốt về quản lý, điều hành kinh tế. Nhưng xét về mặt “quan hệ” với ông Trọng và uy tín với bọn nhân dân, thì ông Bình yếu thế hơn ông Huệ. Vì sao ông Bình còn yên ổn đến giờ vẫn còn là 1 câu hỏi!
Các chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội thì vô thưởng vô phạt hơn, yêu cầu cũng không khắt khe lắm để có thể khoanh vùng được ngay. Nhưng chức danh Chủ tịch nước có 1 nội dung đáng lưu ý:
“Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.”
Điều này mở đường cho các ông có xuất thân Quân đội, Công an. Như vậy, ứng viên sáng giá là ông Ngô Xuân Lịch (QĐ), Tô Lâm (CA), Trương Hòa Bình (CA), Phạm Minh Chính (CA). Ông Bình sẽ có cửa sáng hơn chút vì vị trí hiện tại đang nhỉnh hơn 3 ông kia và CÓ VẺ NHƯ ít điều tiếng hơn với bọn nhân dân.
Một ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân, thì phẩm chất có vẻ hợp với việc ma chay hiếu hỉ, trao huân huy chương của Chủ tịch nước, nhưng với tiêu chí bên trên thì không được đáp ứng lắm. Nhưng khả năng vẫn có thể được lựa chọn.
Chức danh Chủ tịch Quốc hội có quy định sau đáng chú ý:
“Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “
“Hiểu biết sâu sắc về pháp luật thì mấy ông Công an kể trên nhưng năng lực điều hành các phiên họp QH thì chắc chỉ có người đã từng làm Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Quốc hội? Vậy nếu bà Ngân nghỉ thì còn có bà Phóng có thể là ứng viên? Nhưng 2 bà này lại bằng tuổi nhau, sinh năm 54, nên sẽ nghỉ chung cùng ông Lịch, ông Phúc?
Hóa ra chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội lại có nhiều ẩn số hơn cả, nhưng cũng chả quan trọng lắm. 2 vị trí này theo mình là sẽ phụ thuộc vào các yếu tố bất thành văn, như vùng miền, giới tính, dân tộc. Ví dụ, nếu ông Vượng, người Bắc có lý luận làm Tổng bí thư, ông Huệ miền Trung làm Thủ tướng, thì ông Trương Hòa Bình hoặc Nguyễn Thiện Nhân (dân Nam) dễ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội dễ là 1 nữ và/hoặc người dân tộc thiểu số!
Yếu tố bất thành văn nữa cũng cần xét đến là yếu tố quan hệ với ông Trọng, thì ông Vượng và ông Huệ có cửa sáng hơn những người còn lại. Yếu tố Thủ tướng là dân Nam có lẽ sẽ bị bỏ qua do không kiếm được người đủ phẩm chất và quan hệ.” Nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra kết luận.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản cho bắt giữ hai nhà báo gần 70 tuổi, ngay trước đại hội 13
>>> Việt Nam: Dân vào “chảo lửa” và nền tư pháp “mù”
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”