Trong báo cáo sáng ngày 10/6/2020 tại Ban Tuyên giáo Trung ương, khi trình bày “về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,” Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú đã đưa ra một số phát ngôn gây hoang mang trong dư luận.
Ông phát biểu: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ” ; “thời kỳ quá độ là thế nào – là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, và cần tiếp tục nghiên cứu”.
Phát ngôn của ông Phú với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khiến quần chúng và đảng viên vô cùng bất an bởi Đảng lãnh đạo cả dân tộc đi lên xã hội chủ nghĩa bao nhiêu năm nay. Để rồi bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả máu của nhân dân đã đổ xuống thì một nhà lý luận hàng đầu của Đảng lại thú nhận rằng chưa biết cái đích đến ra sao, vuông tròn như thế nào thì có khác nào Đảng vô trách nhiệm, đem con bỏ chợ.
Thực ra cũng không thể trách ông Phú bởi năng lực yếu kém khi chưa nghiên cứu được “thời kỳ quá độ là thế nào” bởi đến lãnh đạo tối cao của Đảng, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri, khi có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Ông Trọng đã trả lời rằng: “chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội.”
Hay trong lần phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào tháng 10/2013 ông Trọng cho biết: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Ông Trọng có học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học chuyên ngành Xây dựng Đảng lại có trình độ cao cấp Lý luận chính trị, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, Bí thư Quân ủy Trung ương và nay cũng là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà còn bế tắc về lý luận thì cấp dưới của ông còn vướng mắc và cần thời gian để tiếp tục nghiên cứu thì cũng là điều dễ hiểu.
Một phát biểu khác của ông Phú khiến dư luận quan ngại đó là: “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu nhận định ông Phú đã phạm phải 4 sai lầm.
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác – Lênin và Đảng là 2 đối tượng khác nhau nhưng ông Phú lại đồng nhất hai phạm trù này với nhau. “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin” thì vẫn có thể thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng miễn là nhân dân tín nhiệm Đảng thì nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, chứ nhân dân không cần quan tâm đến chủ nghĩa nào cả. Năm 1945 nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng là đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Nhật. Cụ Hồ thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không dựa vào chủ nghĩa nào cả. Quốc hội nước VNDCCH bầu ra Chính phủ VNDCCH cũng không dựa vào một chủ nghĩa nào cả.
Thứ hai, ông Phùng Hữu Phú đã không coi trọng Tư tưởng Hồ Chí Minh khi khẳng định “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng” – vậy thì Tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu? “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin” mà thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh thì sao? Không có Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà có Tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng không lãnh đạo được ư?
Thứ ba, ông Phùng Hữu Phú hiểu sai Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng. Đảng “vững vàng tư tưởng Mác – Lênin” là vì Đảng nghĩ CNXH theo kiểu Chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Đảng kiên trì Chủ nghĩa Mác – Lênin là kiên trì CNXH theo kiểu Chủ nghĩa Mác – Lênin, chứ không phải vì “ quyền lãnh đạo của Đảng”. Mục đích của Đảng là hạnh phúc của nhân dân, chứ không phải mục đích của Đảng là “quyền lãnh đạo của Đảng”. Làm sao lại có thể hiểu sai mục đích của Đảng như vậy?
Thứ tư, ông Phú nhận thức sai về tình hình và đánh giá không đúng khả năng lãnh đạo của Đảng. Chưa nói đến lịch sử thế giới hay thậm chí là thực tại khách quan hiện nay mà chỉ nói đến lịch sử Việt Nam thì sự tồn tại của nhiều đảng không hề làm rối loạn đất nước. Tiến sỹ Chu nhắc lại: “năm 1945 nhiều đảng phái có loạn không? Nhiều đảng phái mà Đảng vẫn lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954 cho đến năm 1988 vẫn có 3 đảng thì có loạn không? Có 3 đảng mà Đảng vẫn nắm quyền lãnh đạo, đất nước không loạn, lại lãnh đạo nhân dân dành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bọn Polpot và chống Trung Quốc xâm lược.
Hay là ông Phùng Hữu Phú cho rằng lãnh đạo Đảng hiện nay không tài giỏi bằng lãnh đạo Đảng thời trước, nên có thể để xẩy ra “thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn”?
Rõ ràng, ở góc độ này, ông Phùng Hữu Phú đã đánh giá thấp tài năng lãnh đạo của Đảng.”
Một nội dung mà ông Phú cho là điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng này dự kiến tổ chức vào sang năm là “gắn công tác xây dựng hệ thống chính trị với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng” cũng không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Trả lời BBC, Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị Việt Nam (với một là Đảng Cộng sản Việt Nam, hai là nhà nước gồm Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ba là Mặt trận Tổ quốc và bốn là các đoàn thể xã hội) là việc làm thường xuyên kể từ khi đảng cầm quyền. Nay coi đây là điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII chứng tỏ mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về vai trò và sức mạnh của Đảng Cộng sản.”
Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm trên và phân tích: “việc xây dựng, chỉnh đốn đảng cũng đâu có gì mới? Nó luôn gắn liền với lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay. Nhắc lại một chút để cùng nhớ: trong hội nghị thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã trình bày, và được hội nghị thông qua, “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” của đảng. Chỉ mấy tháng sau đó, tháng 10/1930, ông Trần Phú đã đề xuất một bản luận cương chính trị mới, phản ánh sâu sắc hơn tinh thần của Quốc tế III. Tên đảng cũng được đổi lại, từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” thành “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Tháng 07/1939, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ xuất bản cuốn “Tự chỉ trích”, xác định một số nội dung mà đảng cần chỉnh đốn. Năm 1947, ông Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, cũng là một ấn phẩm nhằm mục đích hướng dẫn chỉnh đốn tổ chức hoạt động của đảng và nhà nước. Những năm tiếp theo, liên tục có những cuộc chỉnh đốn đảng, liên quan đến việc thanh lọc cán bộ dựa trên lý lịch và Cải cách ruộng đất (1953-1956), chống chủ nghĩa “xét lại chống đảng” (1967)… Năm 1986 đánh dấu bước chuyển trong nhận thức cũng như công tác xây dựng đảng theo hướng cởi mở hơn. Rồi những năm sau đó lại có những chủ trương nhằm thắt chặt lại và thanh lọc những nhân vật bất đồng chính kiến. Rõ ràng, xây dựng và chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên, sao có thể coi là điểm mới của văn kiện đại hội XIII được?”
Ông Sơn cho rằng chỉ có một điểm mới, đó là lần đầu tiên một “nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam” công khai bộc lộ là trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng sâu sắc về mặt lý luận.
Nhà báo tự do Song Chi (cựu đạo diễn truyền hình) cũng nhận định: “Tôi không thấy có gì đổi mới cả. Trái lại tôi nhìn thấy ở đây một sự loay hoay, bế tắc trong đường hướng, lý luận, mà thực tế thì bao nhiêu năm nay đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã loay hoay, bế tắc rồi.
Gần 30 năm qua rồi nhà nước Việt Nam vẫn loay loay. Về kinh tế thì sử dụng cụm từ phi logic và đầy mâu thuẫn “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, về lý luận thì gọi đây là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng quá độ là bao lâu, như chính ông Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cũng đặt câu hỏi.”
Một loạt những phát biểu có nội dung gây hoang mang dư luận, chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc khiến dư luận không khỏi không đặt câu hỏi về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Theo Quyết định số 28-QĐ/TW, ngày 25 tháng 7 năm 2016 “Về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương” của Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng…
Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 có 44 người, gồm 1 Chủ tịch và 6 Phó chủ tịch, là những người có bằng cấp đầy mình, đa số là Giáo sư – Tiến sĩ.
Theo facebook Thảo Ngọc: Thành phần trong Hội đồng Lý luận Trung ương “là những người một thời gian dài giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước, đã “nằm trong chăn” lâu năm. Do đó họ biết rất rõ những mặt trái của chế độ. Sau khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu để họ về vườn mà không có việc làm với những đãi ngộ đặc biệt thì rất nguy hiểm. Vậy phải lập ra cái tổ chức này nhằm gom họ lại, và cho họ hưởng thêm những đãi ngộ khác ngoài lương hưu, nhằm tránh những phát biểu bất lợi.”
Trước đó, trong đại dịch COVID-19 lịch sử vừa qua, một vị Phó chủ tịch khác của Hội đồng lý luận trung ương là Nguyễn Quang Thuấn suýt chút nữa đã làm bùng nổ dịch tại Việt Nam như thành viên của giáo phái Tân thiên đại của Hàn Quốc.
Bởi sau khi nghiên cứu lý luận ở tận các nước tư bản chủ nghĩa là Ấn Độ và Anh thì ngay khi về nước, vị giáo sư vĩ đại đã mở tiệc chiêu đãi, mời ca sỹ tới hát hò. Cô ca sỹ nổi tiếng này ngồi cạnh ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (ngày 02/3). Mùng 05/3, cô lại tới phòng thu để thu thanh cùng tốp nữ và dàn nhạc.
Còn Giáo sư Thuấn thì tiếp tục tham gia cuộc họp Hội đồng Lý luận Trung ương và gặp gỡ, chơi golf, ăn uống với rất nhiều người khác nữa. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trường hợp của Giáo sư Thuấn là nguy hiểm khó lường nhất cho việc phát tán dịch.
Dường như, Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoạt động vượt cả phạm vi nhiệm vụ và chức năng của mình khi một Phó chủ tịch thì góp phần làm lây lan con virus corona chủng mới có sức công phá hàng loạt trên phạm vi toàn cầu về Việt Nam còn Phó chủ tịch khác thì gây hoang mang trong du luận về khả năng lãnh đạo của Đảng.
Trong khi đó các hội nghị trung ương của Đảng thì vẫn bền bỉ bàn về việc đề cao tính đảng với tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Bên làm bên phá thì dường như công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tiến tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện ở nước ta dường như chỉ là giấc mơ viễn vông.
Vấn đề nằm ở chỗ 90 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ ràng và dứt khoát con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa ngay vào trong bối cảnh ra đời tháng 02/1930 đến thời điểm hiện nay, các nhà lý thuyết xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đưa ra được mô hình cụ thể dễ hiểu và công thức khoa học biến cái tư tưởng trên thành hiện thực.
Nhà quan sát Lưu Trọng Văn phát biểu: “Đất nước lúc này cần tư duy đột phá mạnh cải cách và cách mạng. Đó cũng là tư duy hành động. Toàn dân quá ngán mớ lý luận cũ rích nhai đi nhai lại của các ngài mà rất có thể chính các ngài lơ mơ hiểu.
Bởi nếu thực sự hiểu thì bao lâu nay cách làm đã khác.
CNXH là hiệu quả chứ không phải là công cụ thưa các quý ngài!
Hiện các quý ngài dùng CNXH như công cụ: luật đất đai, kinh tế quốc doanh, tập thể, đảng trị trên pháp trị, đó là sai lầm lớn.
Nhà lý luận Đào Duy Tùng – nguyên Trưởng ban Tư tưởng, nguyên Thường trực ban Bí thư khi đi thăm các nước Bắc Âu về đã phải thốt lên: Họ mới XHCN.
Một chủ nghĩa lấy hạnh phúc cho toàn xã hội là mục đích duy nhất của mình đó là CNXH.
Các nước Bắc Âu và nhiều nước văn minh khác linh hoạt vận dụng tất cả các giá trị và thành quả sáng tạo của nhân loại để đạt mục đích hạnh phúc toàn xã hội và họ thành công.”
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đảng thừa nhận: Quá độ lên CNXH ‘chưa rõ bao lâu’
>>> Kinh tế thị trường dành cho Đảng – định hướng XHCN nhường cho dân