Quân Trung Quốc dùng „chày đinh” tàn sát lính Ấn Độ

https://www.youtube.com/watch?v=fM7Gs5p4PfY
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=fM7Gs5p4PfY

Vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng khổng lồ kể từ 45 năm qua khiến 20 lính Ấn thiệt mạng đêm 15 rạng sáng ngày 16/6 đã thể hiện một cách rõ ràng sự hiếu chiến cũng như tham vọng của Trung Quốc gặm nhấm dần khu vực địa chính trị Himalaya. Sự kiện đã làm dấy lên làn sóng bài Trung tại quốc gia Nam Á đồng thời đẩy Ấn Độ xích gần lại các đối thủ của Trung Quốc.

Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ trong đó có những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ.

Theo truyền thống, Ấn Độ chưa muốn có quan hệ quá mật thiết với Hoa Kỳ và vẫn cố duy trì sự cân đối trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ – Trung. Nhưng theo nhận định của truyền thông quốc tế, vụ đụng độ biên giới sẽ thúc đẩy thêm chiến lược « xoay trục » của Ấn Độ, đưa New Delhi rời xa Bắc Kinh hơn để ngả về phía các đối thủ của Trung Quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như về phía một cường quốc khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Úc.

Ngày 17/6, Hindustan Times, nhật báo rất có ảnh hưởng ở Ấn Độ, đã viết : « Bắc Kinh muốn kềm chế sức mạnh và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc ở châu Á và ngoài khu vực này ». Cho nên tờ báo này kêu gọi New Delhi tăng cường quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, đồng thời tham gia vào bất cứ nhóm nào đang tìm cách ngăn chận thế lực của Trung Quốc.

Hindustan Times còn kêu gọi biến Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) thành một cơ chế mang tính thường trực hơn. QUAD là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong khuôn khổ cơ chế này, bốn quốc gia thường xuyên họp thượng đỉnh, trao đổi thông tin và tổ chức thao dượt quân sự. Tuy chưa phải là một liên minh quân sự chính thức giống như NATO, nhưng QUAD được một số người xem là một đối trọng tiềm tàng với ảnh hưởng ngày càng lớn và sự lấn lướt của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Việc New Delhi tham gia nhiều hơn vào QUAD và các liên minh quân sự khác với Hoa Kỳ cũng sẽ có lợi cho Washington, bởi vì vị thế vững chắc của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tạo thành một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Ảnh: Khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Không chỉ bó hẹp ở QUAD, nỗ lực chống Trung Quốc của các nước còn được thúc đẩy dưới nhiều sáng kiến khác.

Trong một cuộc điện đàm vào đầu tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi, nguyên thủ quốc gia Mỹ đã mời Ấn Độ tham dự thượng đỉnh nhóm G7 kỳ tới. Trước đây, Tổng thống Trump đã từng công khai tỏ ý muốn mở rộng nhóm G7 ( hiện bao gồm chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ ) ra các nước đồng minh thân thiết của Mỹ là Úc và Hàn Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 04/6/2020 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Úc Scott Morrison đã ký kết một thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau vào việc hỗ trợ hậu cần trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Hai bên đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Thông cáo công bố sau cuộc họp nêu rõ: “Hai bên đồng ý tiếp tục thắt chặt và mở rộng hợp tác quốc phòng qua việc tăng cường quy mô và tính phức tạp các cuộc tập trận song phương và các hoạt động khác nhằm phát triển những hướng mới đối phó với những thách thức về an ninh mà hai bên cùng chia sẻ.”

Thỏa thuận này được ký trong bối cảnh tranh chấp Ấn – Trung về biên giới ở vùng Himalaya nổi cộm trở lại khi trong tháng 5 binh sĩ hai nước đã có những cuộc ẩu đả ở vùng xung khắc biên giới và quan hệ Canberra – Bắc Kinh cũng bị khuấy động sau khi Úc kêu gọi mở điều tra quốc tế về vụ virus corona xuất phát từ Vũ Hán.

Riêng về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, hai bên đã nhắc lại cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở một khu vực rộng lớn mà cả Ấn Độ lẫn Úc đều nhấn mạnh là rất quan trọng đối với thế giới.

Ngoài ra, hai bên còn nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.

Ảnh: Trao đổi trực tuyến ngày 04/6 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền Ladakh và Aksai Chin từ thập niên 50, và theo thỏa thuận năm 1993 thì hai bên cam kết không dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.

Cho đến nay, quân lính của đôi bên chỉ thóa mạ, đấm đá, phang nhau bằng gậy gộc vì các toán lính tuần tiễu không mang theo vũ khí để tránh nổ súng.

Nhưng đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba ngày 16/6/2020, có đến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng khi đụng độ với quân Trung Quốc tại đường biên giới ở Ladakh, trong đó có một đại tá.

Trước đó, quân Trung Quốc tăng cường các vị trí trên những rặng núi nhìn xuống thung lũng Galwan. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng mấy chục xe quân sự Trung Quốc chen chúc dọc theo sông Galwan, hơn một chục chiếc lều và nơi trú ẩn kiên cố được dựng lên. Global Times còn khoe đã đưa nhiều xe tăng type 15 lên bình nguyên Tây Tạng ở độ cao 4.700 mét để tập trận. Bắc Kinh lần lựa không muốn đàm phán về biên giới, lợi dụng các khó khăn kinh tế và dịch tễ mà New Delhi đang gặp phải.

Theo báo chí địa phương, khi lính Ấn Độ muốn dỡ các căn lều của quân Trung Quốc dựng lên dọc theo sông Galwan lấn sâu vào lãnh thổ Ấn, những người lính Ấn tay không đã bị tấn công dã man bằng gạch đá và gậy sắt. Một số chết rét khi rơi xuống sông, số khác bị bắt làm tù binh.

RFI cho biết sau sự việc, tại Ấn Độ, sự tức giận và cơn phẫn nộ bao trùm.

Thông tin về vụ chạm súng ở biên giới với Trung Quốc phủ kín truyền thông Ấn Độ ngay hôm sau 17/6, che khuất cả diễn biến dịch virus corona đang hoành hành dữ dội tại đất nước Nam Á này. Hầu hết các báo đều bày tỏ sự phẫn nộ coi đó là hành động « khiêu khích nghiêm trọng » của Bắc Kinh.

Lãnh đạo Đảng Quốc Đại, Rahul Gandhi đã kêu gọi Thủ tướng lên tiếng và hỏi làm sao mà Trung Quốc lại dám giết các binh sĩ Ấn trong Ấn Độ.

Một binh sĩ của Tamoul đã dự định rời quân ngũ, nay tuyên bố sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.

Thẻ #TeachLessonToChina  (Dạy cho Trung Quốc bài học) xuất hiện khắp trên Twitter. Dân mạng cũng bàn cãi về con số thương vong của đối thủ.

Nhiều người Ấn Độ còn xuống đường biểu tình, thể hiện sự bất bình bằng cách đốt quốc kì Trung Quốc và đốt ảnh Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dưới áp lực của công luận Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi, một lãnh đạo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hôm 17/6, đã dành hai phút mặc niệm những quân nhân đã hy sinh và tuyên bố : « Sự hy sinh của các binh sĩ của chúng ta không phải là vô ích. Ấn Độ mong muốn hòa bình, nhưng hoàn toàn có khả năng đáp trả thích đáng khi bị gây hấn ».

Đồng thời New Delhi đã gửi hàng trăm quân tăng viện đến khu vực xảy ra đụng độ với Trung Quốc. Ông Modi để tại vị nhiệm kỳ thứ hai đã hứa hẹn duy trì toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc gia.

Trong lúc báo chí Ấn Độ phẫn nộ vì cuộc tấn công của Trung Quốc, truyền thông Hoa lục lại ít nói đến, thậm chí kênh truyền hình nhà nước CCTV còn làm ngơ, và tất nhiên không có thiệt hại nhân mạng nào ở phía Trung Quốc được đưa ra.

Báo chí tại Trung Quốc chủ yếu đăng thông cáo của Bộ Quốc Phòng nước này kêu gọi Ấn Độ kiềm chế nhưng tránh đưa chi tiết vụ việc. Những tin nhắn hung hăng trên WeChat bị kiểm duyệt gắt gao. Có vẻ như Bắc Kinh muốn giải quyết vụ việc một cách thầm lặng.

Ngay sau hôm xảy ra sự việc, hai cường quốc hạt nhân của châu Á đã dùng lá bài ngoại giao để cố làm dịu căng thẳng tại khu vực này.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã thỏa thuận với nhau là sẽ « làm dịu căng thẳng và duy trì hòa bình tại các vùng biên giới », theo thông cáo của phía Bắc Kinh. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận là lãnh đạo ngoại giao hai nước đã đồng ý « sẽ không có hành động nào có thể khiến tình hình leo thang » ở vùng Ladakh, nơi xảy ra vụ đụng độ vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba vừa qua.

Thế nhưng, căng thẳng biên giới Ấn – Trung không thể một sớm một chiều mà dịu đi được. Trong thông cáo nói trên, New Delhi vẫn lên án một « hành động đã được hoạch định trước » của phía Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến trong vụ xung đột biên giới với Ấn Độ trong bối cảnh chịu sức ép nặng nề từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và khủng hoảng COVID-19. Bắc Kinh muốn bảo vệ cái gọi là « lợi ích căn bản », từ « an ninh quốc gia đang bị các thế lực thù địch nước ngoài đe dọa » ở Hồng Kông, đến « toàn vẹn lãnh thổ » dù là với Đài Loan, trên Biển Đông hay ở biên giới Ấn – Trung.

Hơn nữa, Ấn Độ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng virus corona.

Phản đối « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.

Trung Quốc cũng bực tức vì Ấn Độ công khai chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong đại dịch corona, và thu hút các công ty muốn rời bỏ Trung Quốc. Ấn Độ cũng hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Hoa Kỳ) đang lo ngại trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Không chỉ ủng hộ yêu cầu điều tra về nguồn gốc của virus, hai nghị sĩ Ấn Độ còn tham gia dự lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ tổng thống Đài Loan. Đây là điều chưa từng thấy từ trước đến nay.

Chuyên gia Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm tham vấn độc lập Observer Research Foundation ORF, New Delhi, cho rằng thái độ mới của New Delhi bắt nguồn từ nhận định là cho đến nay, Trung Quốc không hề đếm xỉa đến thái độ nhạy cảm của Ấn Độ trên vấn đề Pakistan, vậy tại sao Ấn Độ lại không làm như vậy với Đài Loan? Do đó, theo ông Harsh Pant, “Đài Loan có thể trở thành một công cụ mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ“.

Ảnh: Thung lũng Galwan thuộc khu vực đang trong tình trạng tranh chấp Ladakh là nơi xảy ra vụ đụng độ giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Biển Đông: Mỹ có 3 cách “xử” Trung Quốc

>>> TQ “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông

>>> TQ dùng “toàn cầu hóa” khống chế Việt Nam và các nước

https://www.youtube.com/watch?v=S9jPLqHSORk
TQ “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông