Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại chia sẻ về khả năng cắt đứt quan hệ với Trung Quốc mặc dù cuộc gặp giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước mới diễn ra cách đó một ngày tại Hawaii.
Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng: “Ông Lighthizer không có lỗi gì khi phát biểu ở Hạ viện vì có lẽ tôi đã không nêu rõ quan điểm, nhưng đương nhiên là Hoa Kỳ vẫn giữ một phương án chính trị, đó là cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc, với nhiều điều kiện”.
Bài tweet của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu trước Hạ viện rằng, ông không thấy việc tách rời nền kinh tế Mỹ với Trung Quốc là phương án khả thi.
Trong phiên chất vấn ở Ủy ban Tài chính và Thuế vụ (Hạ viện Mỹ), khi được hỏi về quan hệ Mỹ – Trung, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nói rằng, vấn đề tách rời nền kinh tế Mỹ với Trung Quốc là vấn đề rất phức tạp. Ông mong đợi sẽ chứng kiến có thêm các chuỗi cung ứng chuyển về Mỹ vì những thay đổi về thuế và quy tắc hành chính, nhưng đồng thời lưu ý, thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung sẽ mang đến những thay đổi tích cực đáng kể và khiến Trung Quốc tăng mua hàng hóa, dịch vụ của Mỹ.
Là người đã thương lượng thỏa thuận thương mại mà hai nước ký kết tháng 01/2020, ông Lighthizer đã tỏ vẻ lạc quan, khẳng định rằng Trung Quốc sẽ làm theo đúng các cam kết, nhất là về việc mua rất nhiều nông sản của Mỹ.
Vào giữa tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã từng dọa sẽ cắt đứt mọi bang giao với Bắc Kinh, tuyên bố không muốn nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nữa.
Trước đó chỉ một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cuộc họp này đã không đủ để làm dịu căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Truyền thông quốc tế cho biết cuộc hội đàm giữa ông Mike Pompeo và ông Dương Khiết Trì trên thực tế đã bắt đầu từ tối 16/6 và đã tiếp diễn sang ngày 17/6 trong gần 7 tiếng đồng hồ, một dấu hiệu cho thấy hai bên không giải tỏa được các bất đồng. Điều này cũng được thể hiện qua các thông cáo ngắn ngọn được công bố sau cuộc họp.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/6 đưa tin ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, đã gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo trong một cuộc họp kéo dài hai ngày. Trong một bản thông báo chính thức chỉ có một đoạn trong toàn văn 150 chữ, Trung Quốc đưa tin về kết quả của cuộc họp với ngôn từ ngoại giao quen thuộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để ám chỉ rằng cuộc họp không đạt được kết quả rõ ràng nào và sự bất đồng nghiêm trọng đạt đến mức ai nói người nấy nghe. Toàn văn thông báo của Trung Quốc như sau:
“Trong các ngày 16 đến 17/6, giờ địa phương, Dương Khiết Trì, Ủy viên của Bộ Chính trị Trung ương và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, đã nhận lời tham dự một cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hawaii. Hai bên đã trao đổi quan điểm sâu sắc về quan hệ Trung – Mỹ và các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên đã nói rõ lập trường của nhau và cho rằng đây là một cuộc đối thoại có tính xây dựng. Hai bên đồng ý hành động để thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận mà hai nguyên thủ quốc gia đạt được. Cả hai bên đồng ý tiếp tục duy trì tiếp xúc và liên lạc.”
Trang tin Đa Chiều phân tích, thực sự chỉ có ba cụm “từ then chốt” trong bản thông báo chính thức này: “Trao đổi ý kiến sâu sắc“, ý nghĩa đằng sau là tranh cãi rất kịch liệt; “hai bên đã nói rõ lập trường của nhau” nghĩa là hai bên đã nói những điều của họ gần như trong suốt quá trình mà không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào; cụm từ tích cực duy nhất có thể là “đây là một cuộc đối thoại mang tính xây dựng“, nhưng là sự miêu tả về cuộc tiếp xúc ngầm nói rằng nội dung của cuộc nói chuyện là không có sự đồng thuận, vì vậy nó chỉ có thể “tiếp tục duy trì tiếp xúc và liên lạc”.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tiết lộ nội dung của các cuộc đàm phán. Những gì ông Triệu phát biểu càng phản ánh sự bế tắc của cuộc gặp hiếm hoi giữa Mike Pompeo và Dương Khiết Trì.
Theo Triệu Lập Kiên, ông Dương Khiết Trì trong cuộc đối thoại đã làm rõ về thái độ cơ bản của Trung Quốc đối với sự phát triển quan hệ Trung – Mỹ và lập trường về các vấn đề nhạy cảm quan trọng như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.
Về quan hệ Trung – Mỹ, Dương Khiết Trì nói rằng sẽ bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền và lợi ích phát triển. Về vấn đề Đài Loan, ông yêu cầu Hoa Kỳ “xử lý thận trọng và ổn thỏa các vấn đề liên quan đến Đài Loan” và cảnh cáo Hoa Kỳ “chấm dứt can dự vào vấn đề nội bộ liên quan đến Hồng Kông dưới mọi hình thức”. Cuối cùng, ông bày tỏ bất bình mạnh mẽ với việc Mỹ ký “Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ” trong vấn đề liên quan đến Tân Cương.
Điều đặc biệt là Triệu Lập Kiên không nói bất kỳ phản hồi nào từ ông Pompeo trong suốt quá trình họp báo.
Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/6 nói, Mỹ đã thất vọng với thái độ của Trung Quốc trong cuộc gặp này.
Theo trang web tiếng Trung Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/6, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nói rằng Trung Quốc không thực sự chân thành (not really forthcoming) trong cuộc họp kín này.
Ông Stilwell không muốn nói cụ thể về các vấn đề gây tranh cãi được thảo luận ở Hawaii. Ông nói với các phóng viên tại hội nghị trực tuyến rằng ông hy vọng sẽ để lại “không gian ngoại giao” cho Trung Quốc để điều chỉnh một số vấn đề. Nhưng ông nói rằng những vấn đề này đều xoay quanh sự bất bình lâu dài của Mỹ đối với hành vi của Trung Quốc.
Những vấn đề này bao gồm: phản ứng của Trung Quốc đối với sự bùng phát của dịch bệnh do coronavirus mới, nhân quyền, chính sách của Trung Quốc tại Hồng Kông, tính chất xâm lược ngày càng tăng của Trung Quốc và các hành động mới đây của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ.
Ông Stilwell cũng nói rằng Ngoại trưởng Pompeo đã nói rõ với Trung Quốc rằng mối quan hệ giữa hai bên cần phải “càng cùng có lợi hơn” và đề nghị thế giới hãy quan sát hành động của Bắc Kinh trong vài tuần tới để xem họ có hiểu thông điệp này hay không.
Trong vấn đề đại dịch bệnh COVID-19, ông Stilwell nói, ông Pompeo đã nhấn mạnh rằng Mỹ rất coi trọng việc Trung Quốc mở tất cả dữ liệu và thông tin để hiểu về dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán này. Stilwell nói: “Chúng tôi kiên trì yêu cầu Trung Quốc tiết lộ tất cả thông tin mà họ biết về việc dịch bệnh đã bắt đầu như thế nào“.
Ông Mike Pompeo cũng nhắc lại với Trung Quốc rằng Tổng thống Donald Trump không sẵn sàng tiếp tục duy trì một Hiệp nghị về giải trừ hạt nhân quan trọng với Nga đã hết hạn trừ khi Trung Quốc cũng tham gia vào đàm phán lại. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn luôn từ chối tham gia. Ông Stilwell nói: “Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia các cuộc đàm phán cấp cao về vũ khí… Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán này để ngăn chặn kết quả đáng tiếc”.
Ông nói: “Trong tất cả những vấn đề này, Trung Quốc không thể nói là thực sự thành thật với nhau”. Ông có ý kiến khác với sự mô tả cuộc gặp này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói phía Trung Quốc “rất phiến diện … khắt khe và … không thực tế”.
Stilwell cũng chỉ ra rằng việc tổ chức cuộc họp này là “để giúp Trung Quốc hiểu rằng hành động của họ là phản tác dụng và họ cần đánh giá lại hướng đi của mình”.
Vài giờ sau cuộc họp giữa ông Pompeo và ông Dương Khiết Trì, Bắc Kinh bất ngờ thông báo rằng cơ quan lập pháp nước này đã tiến hành thảo luận kỹ lưỡng về luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Theo thông báo, luật an ninh mới sẽ trừng phạt bốn loại hành vi tại Hồng Kông: “ly khai, luật đổ quyền lực nhà nước, hoạt động khủng bố, và thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Chế độ Trung Quốc, cũng như các quan chức thân Bắc Kinh tại Hồng Kông trước đó đã liệt các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người biểu tình tại hòn đảo này là các cá nhân “thông đồng với các lực lượng nước ngoài và bên ngoài”.
Nhiều người dân Hồng Kông lo ngại rằng luật an ninh mới sẽ cho phép Bắc Kinh đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Kỳ lạ ở chỗ, Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông Teresa Cheng Yeuk-wah khi được báo giới hỏi về động thái của Bắc Kinh hôm 18/6, thì bà nói rằng bà không biết gì về nội dung bản dự thảo luật an ninh mới. Sau đó bà từ chối bình luận về hành vi phạm tội “thông đồng với các lực lượng nước ngoài và bên ngoài”.
Về phía Mỹ, hai ngày sau cuộc gặp gỡ Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ gọi Trung Quốc là quốc gia ‘bất hảo’ trong bài phát biểu công khai.
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên ngày 19/6 sau khi gặp ông Dương Khiết Trì tại Hawaii 2 ngày trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc tại một diễn đàn được tổ chức trực tuyến.
Ông Pompeo đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia châu Âu rằng họ sẽ không có lựa chọn nào khác là đánh mất nền dân chủ của họ nếu hợp tác với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm, cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì không làm thay đổi được quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc, nước mà ông Pompeo gọi là quốc gia “bất hảo” trên trường quốc tế.
Ông Pompeo kêu gọi các nước châu Âu cấm các thương vụ hợp tác với Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Ông cáo buộc Huawei là “vũ khí” của Bắc Kinh và cho rằng Trung Quốc “tấn công chủ quyền một cách trắng trợn” thông qua các khoản đầu tư vào dự án cảng ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Ông Pompeo cho rằng, những thách thức của Trung Quốc đặt ra đã xuất hiện ở khắp nơi và ông kêu gọi mọi khoản đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc “cần phải được xem xét cẩn trọng”.
Trong bài phát biểu hôm qua, ông Pompeo tiếp tục đưa ra những quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề như cách ứng phó với COVID-19, tình hình dự luật an ninh Hồng Kông…
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vướng vào một scandal khi cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trong một cuốn sách sẽ ra mắt độc giả vào thứ Ba tuần tới, tố cáo ông Trump đã nhờ sự giúp đở của Bắc Kinh để được bầu lại vào tháng 11/2020.
Cựu cố vấn Nhà Trắng ngoài ra còn cho biết Tổng thống Mỹ đã khuyến khích Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục xây các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Và như để bác bỏ cáo buộc của ông Bolton trên hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ, hôm 17/6, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “giam giữ hàng loạt” những người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo. Luật này đã được Hạ viện thông qua hôm 27/5 với đa số áp đảo, sau khi đã được thông qua tại Thượng Viện trước đó mấy ngày.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Trung Quốc “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông
>>> Biển Đông: Mỹ có 3 cách “xử” Trung Quốc
>>> “Bỏ” TQ – Philippines quay về với Mỹ