Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam mới lên tiếng bác bỏ các thông tin lan truyền trên mạng về việc Mỹ “ngưng cấp visa cho du học sinh Việt Nam” từ đầu tháng Bảy, đồng thời cho biết “bước đầu trở lại xử lý hồ sơ thị thực định cư”.
“Đừng tin những tin đồn trên mạng! Không có bất kỳ thay đổi gì về chính sách visa Hoa Kỳ dành cho công dân Việt Nam”, cơ quan ngoại giao Mỹ nói hôm 12/6. “Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đang trông đợi khởi động lại các dịch vụ cấp visa tại chỗ ngay khi có thể và sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ đương đơn xin visa du học Mỹ”.
Trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ, phần lớn các bình luận dưới thông tin bác bỏ đều cho rằng cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam đã “kịp thời” lên tiếng.
Facebooker Giang Phạm Hương viết: “Thật tuyệt khi ĐSQ nhanh chóng công bố thông tin chính thức, không để tin đồn lan toả, ảnh hưởng tâm lý của nhiều hs [học sinh] và PH [phụ huynh]”.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin không rõ nguồn gốc rằng “Mỹ sẽ ngưng hoàn toàn việc cấp visa cho du học sinh Việt Nam từ ngày 1/7/2020” vì “nhiều trường hợp phạm tội trộm cắp, tìm cách cố lưu trú tại Mỹ khi hết thị thực, làm thêm ‘chui’”.
Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia có nhiều học sinh Việt Nam tới học tập và nghiên cứu ở các cấp khác nhau.
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp đóng góp “gần một tỷ đôla” cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, công bố cuối năm 2019.
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Thời gian vừa qua, do tình hình dịch virus Corona bùng phát ở Mỹ, phần lớn các trường học đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến, cũng như yêu cầu các sinh viên phải rời ký túc xá. Việt Nam đã thực hiện ba chuyến bay thẳng sang Mỹ để đưa hàng trăm công dân về nước, trong đó có nhiều du học sinh.
Hồi tháng Ba năm nay, Hoa Kỳ tuyên bố ngưng phỏng vấn cấp thị thực tại Việt Nam trước tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng.
“Trước diễn biến của dịch Covid-19, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh sẽ tạm ngừng phỏng vấn cấp xét thị thực,” tuyên bố của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ hôm 18/3 cho biết.
Tuyên bố của phía Hoa Kỳ đưa ra một ngày sau khi Việt Nam loan báo tạm dừng cấp visa với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, trong vòng 30 ngày từ ngày 18/3, để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn xử lý hồ sơ gia hạn thị thực cho công dân Việt Nam qua đường bưu điện.
Với mục đích bảo vệ nhiều người dân Mỹ hiện chật vật tìm việc làm vì virus Corona, Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 cho biết ông sẽ thông báo kế hoạch hạn chế visa mới trong vòng vài ngày tới để chặn một số người nước ngoài nhập cảnh vào Hoa Kỳ, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ thông báo về visa vào ngày mai hoặc một ngày sau đó”, ông Trump nói với kênh Fox News.
Khi được hỏi rằng liệu sẽ có việc loại trừ khỏi các hạn chế mới, ông Trump được trích lời nói có rất ít. Nguyên thủ Hoa Kỳ từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Reuters dẫn lời những người chỉ trích cho rằng ông Trump sử dụng dịch bệnh nhằm đạt được mục tiêu hạn chế di dân tới Mỹ.
Hãng tin Anh cũng cho rằng quan điểm cứng rắn của nguyên thủ Mỹ về di dân và nhập cư là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của ông.
Tin cho hay, nhiều công ty lớn của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, đã thúc giục ông Trump kiềm chế ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ để làm việc vì cho rằng điều đó sẽ có tác động tới nền kinh tế.
Đây sẽ là bước đi hạn chế di dân mới nhất của ông Trump trước các hệ quả về kinh tế do dịch bệnh gây ra, theo Reuters.
Hồi tháng Tư năm nay, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư trong thời gian 60 ngày vì đại dịch COVID-19 để giúp người Mỹ tìm việc làm giữa lúc nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sắc lệnh này chỉ áp dụng cho những người muốn thành thường trú nhân, và không áp dụng cho các chuyên gia y tế và các nhà đầu tư giàu có tìm cách vào Mỹ.
Mỹ-Việt không còn du khách qua lại vì Covid-19
Đại dịch Covid-19 cộng với việc Mỹ tạm dừng phỏng vấn thị thực đã khiến người Việt không còn đến Mỹ du lịch hay thăm thân trong khi nhiều người Mỹ gốc Việt cũng không thể về Việt Nam vì không được cho về và không có chuyến bay, theo tìm hiểu của VOA.
Do dịch virus corona lan rộng, Mỹ đã tạm ngừng các cuộc phỏng vấn cấp thị thực kể từ ngày 18/3 trong khi chính phủ Việt Nam cũng đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài và người gốc Việt kể cả trong trường hợp có thị thực kể từ ngày 22/3.
Do vậy, trong suốt ba tháng qua, hầu như không có sự qua lại gì từ Việt Nam đến Mỹ hay từ Mỹ đến Việt Nam ngoại trừ các chuyến bay đặc biệt được sắp xếp để đưa các công dân bị mắc kẹt về nước.
Trao đổi với VOA, anh Vũ Trần, hiện đang làm việc tại công ty du lịch TransOcean ở Dallas, bang Texas, cho biết thường là vào mùa hè du khách Việt qua Mỹ rất đông và chủ yếu đi California hay các bang có đông người Việt.
“Những năm gần đây, du khách Việt Nam đi Mỹ rất đông và tăng đều đặn qua mỗi năm,” anh nói. “Đa số du khách kết hợp du lịch và thăm thân. Họ mua tour trọn gói của công ty, đi xong thì sắp xếp thời gian thăm người thân.”
“Khi đi Mỹ họ không ngại việc xài tiền nên họ mua những tour trọn gói có dịch vụ tốt,” anh Vũ nói về xu hướng đi Mỹ của du khách Việt.
Tuy nhiên, anh Vũ cho biết bắt đầu từ giữa tháng 3 cho đến đầu tháng 4, sau khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia thì cũng không còn du khách Việt Nam đến Mỹ nữa.
“Tâm lý hiện tại nhiều người cảm thấy không an toàn khi đi du lịch. Có nhiều nơi đóng cửa. Có nhiều người muốn qua thăm người thân bên Mỹ nhưng người thân chưa chắc muốn gặp họ vì họ đi từ nước khác qua và đi máy bay,” anh giải thích.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, anh Trần Phú Kim Đô, một quản lý cao cấp tại một công ty lữ hành ở Quận 1 chuyên tổ chức cho khách Việt đi du lịch nước ngoài, cho VOA biết là công ty anh ‘đã không còn khách đi Mỹ từ hơn 2 tháng qua’.
“Nếu khách đã lỡ đặt tour trước đó thì chúng tôi hoàn tiền lại cho họ hoặc bảo lưu tour qua thời gian khác,” anh nói.
Anh cho biết, hiện tại do người dân Việt Nam cũng đã biết là Mỹ ‘đã ngưng phỏng vấn cấp thị thực’ nên ‘nhu cầu đi Mỹ đã tạm ngưng’ và họ đang đợi chừng nào Mỹ mở lại phỏng vấn thì mới tính đặt tour đi Mỹ.
Riêng đối với những người Việt đã từng có visa đi Mỹ nay có thể xin gia hạn lại mà không cần phỏng vấn, anh Đô cho rằng ‘họ cũng không muốn đi Mỹ vào lúc này vì tâm lý người Việt rất ngại đi du lịch trong mùa dịch bệnh’.
“Nếu chưa có vaccine vì việc đi lại quốc tế cũng sẽ tiếp tục rất khó khăn,” anh nói.
Theo lời anh Đô, vốn có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh lữ hành, Mỹ là thị trường rất thu hút đối với du khách Việt Nam và ‘người Việt có nhu cầu rất lớn đi du lịch Mỹ’. Trong số các khách hàng ở công ty anh thì có 20-25% là đi Mỹ, còn lại chủ yếu đi các nước đông nam Á, anh cho biết.
‘Có visa cũng không về được’
Ở chiều ngược lại, từ Mỹ về Việt Nam, anh Vũ Trần ở Dallas nói rằng hiện giờ các Việt kiều Mỹ muốn về Việt Nam cũng sẽ rất khó vì ‘chuyến bay không có, nhà nước Việt Nam không cho vô mà nếu có muốn đi thì phải xin phép đi trên các chuyến bay đặc biệt’.
Anh cho biết bắt đầu từ tháng 2, công ty anh đã có nhiều khách gọi vào yêu cầu hủy vé máy bay về Việt Nam đã đặt hoặc đổi sang thời gian khác.
Thời gian hè cùng với Tết Nguyên đán là hai khoảng thời gian cao điểm để người Việt ở Mỹ về Việt Nam nhưng hiện tại những khách đặt vé trong ba tháng 6,7,8 đều đã hủy chuyến, anh cho biết.
Mặc dù bây giờ đã có một số hãng máy bay đã bay về Việt Nam rồi nhưng anh Vũ nói ‘vấn đề bây giờ là không xin được visa của Việt Nam’.
“Hiện tại nếu có visa cũng chưa chắc vô được,” anh nói thêm và cho biết công ty anh đã tư vấn cho những khách hàng lớn tuổi có ý định ‘muốn về Việt Nam trốn dịch’ hoặc những người hiện đang ngồi nhà vì không có công ăn việc làm muốn về Việt Nam nghỉ ngơi rằng ‘chỉ có Đại sứ quán Việt Nam mới hỗ trợ được trong vấn đề này’.
Theo lời anh Vũ thì trong mười mấy năm làm du lịch, đây là lần đầu tiên công ty anh bị ảnh hưởng trầm trọng như thế.
Anh cho biết công ty anh hiện đã cắt giảm hết mọi khoản chi không cần thiết và phải dựa vào khoản tiền tích lũy được từ việc kinh doanh trong những năm trước để cầm cự.
Còn anh Trần Phú Kim Đô nói rằng công ty có thể dựa vào thị trường du lịch nội địa vốn đã phục hồi lại để lấy doanh thu bù lại cho mảng du lịch nước ngoài nhưng ‘không bù được nhiều’ vì ‘đưa khách đi Mỹ có lợi nhuận cao hơn là đi du lịch trong nước’.
Bắt đầu từ ngày 29 Tháng Sáu, 2020, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam sẽ tiến hành phỏng vấn các đương đơn xin thị thực di dân theo diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2 (tức là diện vợ/chồng và con dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ) từng đã có lịch hẹn phỏng vấn trong Tháng Ba, Tháng Tư, và Tháng Năm nhưng bị hủy vì đại dịch COVID-19.
Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ yêu cầu những đương đơn đó vào trang web của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để đặt lịch hẹn mới. Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ thông báo rằng họ chỉ được phép phỏng vấn bốn diện thị thực vừa nêu trên, nếu đương đơn các diện thị thực khác đặt hẹn phỏng vấn, lịch hẹn của họ sẽ bị hủy.
Đối với những đương đơn xin thị thực định cư khác ngoài các diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ hiện không tiến hành phỏng vấn khẩn cấp thị thực di dân. Nếu cần xin xem xét xếp lịch hẹn phỏng vấn khẩn cấp, quý vị có thể vào trang web của Tòa Tổng Lãnh Hoa Kỳ để xin cứu xét. Hiện nay Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chưa cho biết khi nào họ có thể bắt đầu phỏng vấn những hồ sơ thị thực di dân khác ngoài các diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2.
Lý do mà Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ phỏng vấn các đương đơn xin thị thực di dân theo diện IR-1, IR-2, CR-1 và CR-2 là vì hồi Tháng Tư, 2020, Tổng Thống Donald Trump đã ký một tuyên bố mới, có hiệu lực từ ngày 23 Tháng Tư, 2020, cấm nhập cảnh một số nhóm cá nhân mới với lý do người nhập cư theo diện di dân sẽ ảnh hưởng không tốt cho thị trường lao động của Hoa Kỳ trong thời kỳ số người thất nghiệp cao vì đại dịch COVID-19 và Hoa Kỳ cần phải bảo tồn các nguồn lực của Bộ Ngoại Giao để các công chức của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ có thể phục vụ công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài. Tuyên bố đó có liệt kê một số người được miễn và trong đó có liệt kê người phối ngẫu của công dân Hoa Kỳ và con dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ.
Những hồ sơ công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho cha/mẹ và hồ sơ bảo lãnh thân nhân theo diện ưu tiên sẽ bị ảnh hưởng từ tuyên bố mới như: 1) diện ưu tiên 1 – thường trú nhân bảo lãnh cho con độc thân trên 21 tuổi; 2) diện ưu tiên 2A và 2B – thường trú nhân bảo lãnh cho vợ/chồng và con độc thân dưới 21 tuổi; 3) diện ưu tiên 3 – công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho con có gia đình; và 4) diện ưu tiên 4 – công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho anh em.
Đối với cộng đồng người Việt của chúng ta, đa số hồ sơ bảo lãnh là những hồ sơ bảo lãnh theo diện ưu tiên, cho nên tuyên bố mới này ảnh hưởng rất lớn.
Chúng ta phải theo dõi tình hình của những tuyên bố của tổng thống vì đây chỉ là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng Thống Donald Trump trong chính sách siết chặt chương trình di dân.
Nếu tình hình nền kinh tế không cải thiện hoặc mức độ người thất nghiệp không trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19, tổng thống có thể gia hạn tuyên bố này dài hạn.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Xuất khẩu “gái bán hoa” – ưu việt kinh tế XHCN
>>> Khẩu chiến dữ dội giữa người Việt và Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội