Châu Âu cứng rắn với Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=bmlUy8ndjrY
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=bmlUy8ndjrY

Cách hành xử của Trung Quốc từ việc để đại dịch COVID-19 bùng phát ra toàn thế giới, tuyên truyền dối trá về đại dịch cho đến các hoạt động bóp méo thông tin trên mạng internet chống lại Liên minh Châu Âu (EU) hay chính sách triệt tiêu tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông đã khiến EU đi từ nghi kị, cảnh giác và đến nay là đang thúc đẩy chính sách cứng rắn với nền kinh tế thứ hai thế giới này. Cuộc họp thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc lần thứ 22 diễn ra ngày 22/6/2020 qua cầu truyền hình vừa qua cũng đã không cứu vãn được mối quan hệ đã nảy sinh quá nhiều nghi kị trong thời gian qua.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 22/6/2020, giờ Bruxelles, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đại diện cho Liên minh Châu Âu cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình đại diện cho Trung Quốc bắt đầu hội nghị được mô tả là trong bầu không khí ngờ vực lẫn nhau.

Doanh nhân châu Âu và Tây phương nói chung, nhức óc vì chính sách phân biệt đối xử khi đầu tư vào Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đang lo âu vì thái độ lạnh nhạt cũng như các biện pháp mới tại châu Âu chặt chẽ hơn đối với đầu tư nước ngoài, tuy không nói ra nhưng Trung Quốc là đối tượng chính.

Theo truyền thông quốc tế, không khí nghi kị đã được thể hiện qua các cuộc họp trù bị trong những ngày trước. Châu Âu không giấu quan ngại về chính sách “triệt tự do và quy chế tự trị” của Hồng Kông, thúc giục chính quyền Trung Quốc trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền và công khai tố cáo Bắc Kinh tuyên truyền dối trá về đại dịch COVID-19.

Nghị viện Châu Âu cũng sát cánh với hành pháp, với nghị quyết hôm thứ Sáu tuần trước, yêu cầu trừng phạt các quan chức thủ phạm đàn áp tại Hồng Kông nếu luật an ninh Trung Quốc được áp dụng.

Đại diện ngoại giao cấp cao Châu Âu Josep Borrell kêu gọi Bắc Kinh phải tỏ thiện chí vì quan hệ song phương Liên Âu – Trung Quốc phải đặt trên nền tảng “tin cậy lẫn nhau, minh bạch và bình đẳng“. Ông nhấn mạnh là trong thế quan hệ tay ba châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, thì Liên Âu, tuy có nhiều bất đồng với Tổng thống Donald Trump, nhưng vẫn xem Hoa Kỳ là đối tác số một, còn Trung Quốc là bạn hàng cần thiết.

Vài giờ trước khi thượng đỉnh khai mạc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải đánh tiếng rằng Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với Liên Âu để đạt được kết quả tích cực.

Trong cuộc họp thượng đỉnh qua video kéo dài 1 giờ này, Châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy khi đề cập với Bắc Kinh các vấn đề « nhạy cảm » mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh, sợ làm mếch lòng Trung Quốc.

Ảnh: Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tham gia thượng đỉnh (qua video) với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bruxelles, Bỉ, ngày 22/6/2020

Trong cuộc hội đàm cấp cao này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã có lời lẽ « đặc biệt cứng rắn với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hồng Kông cũng như về vấn đề khí hậu ».

Nhìn chung, các lãnh đạo Châu Âu đều bày tỏ sự thất vọng. Châu Âu nhận thấy quan hệ hai bên thiếu sự qua lại và bây giờ không cần vội thúc đẩy mà phải thay đổi trước về chiều sâu. 

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cũng nhấn mạnh đến mối « lo ngại sâu sắc » về nguyên tắc một đất nước hai chế độ với Hồng Kông đang bị đe dọa. Bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tái khẳng định « với Châu Âu, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng ».

Đây là một sự thay đổi rõ rệt, không chỉ giọng điệu, mà còn cả về chiến lược với Trung Quốc của Liên Âu vốn trước đây vẫn bị đánh giá là nhu nhược và bất lực trước Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là để xem từ lời nói đến hành động thực tế như thế nào trong khi mà Liên Âu vốn vẫn có điểm yếu là thiếu đoàn kết và thiếu các phương tiện gây áp lực.

Liên minh Châu Âu cũng cho rằng Trung Quốc đang quá chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường.

Ảnh: Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel trả lời truyền thông sau Hội nghị thượng đỉnh EU – TQ 22/6/2020 tại Bruxelles, Bỉ

Bà Ursula von der Leyen nói rằng: “Chúng ta tiếp tục có một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng, với rất ít tiến triển trong thực hiện các cam kết năm ngoái của Bắc Kinh về tiếp cận thị trường. Chúng ta cần khẩn cấp thực hiện các cam kết này và chúng ta cũng cần phía Trung Quốc quyết tâm hơn để kết thúc các cuộc đàm phán bằng một thỏa thuận đầu tư.”

Giới chức châu Âu cho biết, các cuộc đàm phán ít nhất có thể tạo ra một số động lực để phá vỡ sự bế tắc trong các vấn đề từ trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ tới biến đổi khí hậu và cơ hội bình đẳng cho các công ty châu Âu. Nhưng triển vọng đã trở nên khó khăn hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt kiểm soát xã hội và nền kinh tế.

Các cuộc đàm phán hôm thứ Hai không đưa ra được một tuyên bố chung, chính phủ Trung Quốc cũng không đồng ý tổ chức cuộc họp báo chung nào.

Hai nhà lãnh đạo châu Âu còn nói rằng họ đã bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông. Bà von der Leyen đe dọa rằng Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với những hậu quả “rất tiêu cực” nhưng không nói rõ hậu quả gì.

Không có bất kỳ gợi ý nào về các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh, nên điều không thể tránh được là sẽ chẳng có hậu quả nào. Trong số các thành viên của EU, chỉ có Thụy Điển đề xuất các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Trung Quốc nếu họ tiến hành luật an ninh ở Hồng Kông.

Trước đó, hồi cuối tháng 5 sau thời điểm mà Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh cho đặc khu hành chính ngày 28/5/2020, Châu Âu vẫn còn tránh đối đầu với Trung Quốc về hồ sơ Hồng Kông.

Ảnh: Công bố kết quả bỏ phiếu về luật an ninh dành cho Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc ngày 28/5

Trong khi Mỹ chọn đối đầu trực diện với Trung Quốc, bãi bỏ quy chế ưu đãi thương mại dành cho Hồng Kông; chính quyền Anh tuyên bố sẽ cấp hộ chiếu cho hàng triệu người dân Hồng Kông và mở ra khả năng nhập quốc tịch Anh một cách dễ dàng hơn nếu Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt luật an ninh còn Liên minh Châu Âu vẫn chỉ tạm dừng ở những tuyên bố ngoại giao “quan ngại sâu sắc”.

Ông Josep Borrel, người đứng đầu ngành ngoại giao của Liên minh Châu Âu, sau buổi họp trực tuyến với các ngoại trưởng các nước thành viên ngày 29/5 còn phát biểu rằng trừng phạt chính quyền Bắc Kinh vì đã vi phạm quy chế “một quốc gia, hai chế độ” theo Tuyên bố Anh – Trung Quốc năm 1984 “không phải là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta (Liên minh Châu Âu) với Trung Quốc”.

Giới truyền thông khi đó nhận định đằng sau ngôn ngữ nặng tính ngoại giao và thiếu cứng rắn, thực ra Liên minh Châu Âu muốn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích kinh tế trong bối cảnh Liên minh Châu Âu và Trung Quốc chuẩn bị họp thượng đỉnh.

Theo nhận định của AFP, chỉ dừng lại ở việc lên án dự luật an ninh Hồng Kông, Bruxelles cũng muốn giữ khoảng cách với Washington. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng “biện pháp tốt nhất là không để bị cuốn theo cuộc đối đầu này (giữa Mỹ và Trung Quốc) và không để cuộc chiến tranh lạnh thứ hai bắt đầu, đó là cách để Liên minh Châu Âu khẳng định tự chủ”.

Có thể nói, Bruxelles đang tìm một chiến lược mới trong quan hệ với Bắc Kinh cho giai đoạn hậu COVID-19 đó là đòn « vừa đấm vừa xoa », tránh lao vào một cuộc « chiến tranh lạnh » như thể để giữ khoảng cách với đồng minh Hoa Kỳ trước một đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

Josep Borrell cũng cho biết trong cuộc họp trực tuyến hôm 09/6/2020 với đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị, ông đã trấn an Bắc Kinh rằng kịch bản « chiến tranh lạnh » sẽ không xảy ra.

Châu Âu không chỉ xoa dịu Trung Quốc trên mặt trận thông tin, mà ngay cả về phương diện quân sự. Ngày 09/6/2020, đối thoại chiến lược Âu – Trung lần thứ 10 đã diễn ra lâu hơn dự kiến. Josep Borrell và Vương Nghị đã thảo luận trong hơn ba giờ đồng hồ, và sau đó phía Bruxelles đã khẳng định rằng Liên Âu « không xem Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự », « không đe dọa hòa bình thế giới » cho dù Liên Âu từng xem Trung Quốc là một « đối thủ mang tính hệ thống – systemic rival ».

Hôm 14/6/2020, ngay trước cuộc đối thoại với đại diện phía Mỹ, ông Josep Borrell cho biết ông loại trừ khả năng thành lập liên minh với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Ông Borrel khẳng định rằng EU sẽ không chọn đứng về phe nào trong xung đột Mỹ – Trung Quốc, và cho biết thêm EU sẽ tập trung vào phong cách ngoại giao đa phương và hợp tác. Ông cho hay: “Khi căng thẳng Mỹ – Trung Quốc trở thành yếu tố chi phối chính trị toàn cầu, áp lực chọn phe đang tăng lên. Những người Châu Âu chúng tôi phải chọn cách riêng với tất cả những thách thức mà nó mang đến”.

Ông nhấn mạnh: “Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không thể tránh khỏi những phức tạp và nhiều phương diện. Từ đối thủ đã thu hút nhiều sự chú ý và nó mang hàm ý đối đầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ chọn cách đối đầu hệ thống”.

Tuy nhiên trên hồ sơ Hồng Kông, Liên minh Châu Âu ngày càng có động thái cứng rắn với Trung Quốc.

Ngoại trưởng các nước trong nhóm G7 cùng với đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu đặc trách đối ngoại vào hôm 17/6 đã công bố một bản tuyên bố chung, kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật an ninh quốc gia sẽ áp đặt trên Hồng Kông.

RFI cho biết Trung Quốc đối với Liên minh Châu Âu là một đối tác, là một thế lực cạnh tranh kinh tế và cũng vừa là một đối thủ mang tính hệ thống. Theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, quan hệ trên ba phương diện giữa Liên Âu với Trung Quốc, kể từ nay đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch.

Khác với chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump, Châu Âu không nhìn vấn đề dưới khía cạnh « thiện – ác, trắng – đen ». Với Bắc Kinh cũng vậy, Bruxelles không đưa Trung Quốc vào danh sách các nước « bạn » hay « thù ». Trung Quốc có thể vừa là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, vừa là một đối tác không thể thiếu vắng kể cả sau những diễn biến trong gần nửa năm qua chung quanh virus corona và những hậu quả vô cùng tai hại đi kèm.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nước cờ của Liên Âu chỉ có thể đem lại kết quả mong muốn với điều kiện khối này phải đoàn kết và có cùng một tiếng nói khi đàm phán với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Châu Âu “tung đòn” đối phó với Trung Quốc

>>> Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến: EU và Trung Quốc vẫn cố đạt được hiệp định đầu tư

>>> Thương mại, bảo vệ khí hậu, Hồng Kông: Trung Quốc bỏ mặc EU – và thậm chí còn đe dọa tại thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=5pg2GnmSumw
Châu Âu ra chính sách “chặn đứng” TQ