Facebook giới hạn truy cập 5 bài viết của RFA chỉ trong 4 tháng!

Bài viết ‘Cử tri mong Tổng bí thư ở lại nhiệm kỳ nữa – sự dọn đường cho ông Trọng ở lại?’ bị Facebook chặn. RFA phải đăng lại vào mục ghi chú

 

Trang Facebook của Đài Á Châu Tự Do vào ngày 13/7 đã bị chặn bài viết ‘Cử tri mong Tổng bí thư ở lại nhiệm kỳ nữa – sự dọn đường cho ông Trọng ở lại?’ Bài này được chia sẻ vào ngày 30/6 trước đó. Theo đó, những người dùng Facebook tại Việt Nam không thể xem được nội dung bài viết này.

Như vậy chỉ trong 4 tháng, từ tháng 4-7/2020, Facebook đã chặn truy cập của người dân trong nước đối với 5 bài viết trên trang mạng xã hội của Đài Á Châu Tự Do với lý do được Facebook đưa ra là: “Vì những hạn chế pháp lý của địa phương, chúng tôi giới hạn quyền truy cập vào bài đăng của quý vị tại Việt Nam”.

Trước đó, bài viết ‘Lại kêu gọi cộng đồng người Việt nước ngoài đồng hành chống dịch COVID-19 khi gặp khó!’ đã bị chặn vào ngày 21/4.

Trong cùng tháng 5, có 2 bài khác là ‘Yêu cầu nhân sự Trung ương khóa XIII của ông Trọng: “Sự chỉ đạo cũ rích!”’ bị chặn vào ngày 5 và bài ‘Phiên tòa tối cao vụ Hồ Duy Hải’ bị chặn vào ngày 16.

Đến đầu tháng 7, vào ngày 2, Facebook đã không cho người dùng trong nước truy cập bài ‘Đại hội 13: Không thể có báo cáo chính trị ‘xứng tầm’ của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ.

Tình trạng ngăn chặn bài viết, xóa bài, hạn chế chia sẻ trên mạng xã hội Facebook gần đây ngày càng phổ biến khi nhiều nhà hoạt động dân sự, các nhà báo độc lập liên tục cho hay mình bị mất bài.

Từng bị Facebook xóa nhiều bài viết trên trang cá nhân của mình, nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn nhận định về tình trạng này như sau:

“Tôi không ngạc nhiên đối với những bài viết mang tính chất có lời lẽ hận thù, kích động bạo lực bị xóa hay bị Facebook chặn không chia sẻ hay bất cứ hình thức nào khác thì không có gì ngạc nhiên. Nhưng đối với những bài viết ôn hòa, nhận định, đánh giá có căn cứ khoa học khách quan mà cũng bị Facebook chặn không cho chia sẻ hoặc xóa bài hay hình thức nào đó thì biểu hiện đó rõ ràng cho người ta thấy bài báo đó nói đúng vấn đề và trúng trọng tâm. Vì vậy họ cảm thấy rất lo ngại và buộc Facebook phải ngăn chặn bài viết đó. Mà Facebook là tập đoàn kinh doanh đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì trong trường hợp này Facebook buộc phải tương nhượng và hợp tác với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam là điều dễ hiểu.”

Trao đổi với RFA vào tối 13/7, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng việc Facebook hạn chế thông tin theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội là chuyện không làm ông ngạc nhiên. Ông đặt ra câu hỏi:

“Chúng ta thấy một hiện tượng không riêng gì Facebook mà cả Twitter và Google đều có tình trạng chặn bài mà họ cho rằng có thông tin nhạy cảm. Thậm chí Twitter còn chặn cả những tweet của Tổng thống Donald Trump. Đã có chính trị hóa trong mạng thông tin, mạng xã hội và vấn đề này đặt ra cho mọi người rất nhiều câu hỏi là tại sao trong thời đại này lại có chuyện ngăn cấm, kiểm duyệt thông tin như thế? Phải chăng có sự can thiệp của thế lực chính trị nào bên ngoài?”

Trang Diplomat vào ngày 9/7 cũng có bài viết ‘Facebook: Vietnam’s Fickle Partner-in-Crime’ để nói về tình trạng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý chọn hợp tác với Facebook vì lợi ích của riêng của đất nước.

Người dùng truy cập trang thông tin bằng những trang như Thông tin chính phủ Việt Nam trên Facebook.

Bài viết đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vào tháng 8/2019 cho biết Facebook đang hạn chế quyền truy cập đối với số lượng nội dung tăng đáng kể tại Việt Nam. Ông Hùng nói thêm rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội đáp ứng 70-75% yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế bài đăng.

Đáng chú ý, Facebook xác nhận rằng lượng nội dung mà công ty này đã hạn chế truy cập tại Việt Nam tăng hơn 500% trong nửa cuối năm 2018.

Tuy nhiên, Facebook đã kiên quyết bác bỏ các cáo buộc rằng việc loại bỏ nội dung người dùng đăng tải xuất phát từ áp lực chính trị, mà được thực hiện dựa vào các tiêu chuẩn cộng đồng trên mạng xã hội của mình. Tác giả bài viết trên Diplomat cho rằng lời giải thích vừa nêu được đưa ra để biện minh cho những hành động gỡ bài của Facebook.

Vào ngày 21/4 vừa qua, Reuters đăng tải bài viết cho biết Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những nội dung ‘chống chính quyền’ tại Việt Nam. Nội dung vừa nêu được xác thực bởi hai nguồn tin từ công ty Facebook.

Cụ thể theo tin từ Reuters, biện pháp này được tiến hành sau khi có áp lực từ cơ quan chức năng, trong đó có việc mà tập đoàn này nghi những công ty viễn thông của Nhà nước hạn chế truy cập đối với máy chủ địa phương khiến Facebook không thể sử dụng trong nhiều khoảng thời gian.

Vì vậy, với quan điểm cá nhân, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng không chỉ là mạng xã hội liên kết mọi người, mà Facebook còn là một công ty kinh doanh nên vẫn cần có nguồn thu để hoạt động:

“Họ bị một thế kẹt giữa lợi nhuận cho việc kinh doanh của họ đồng thời vẫn bảo vệ được tiếng nói tự do cho người Việt Nam. Đó là bài toán khá nan giải với chế độ cộng sản ở Việt Nam là chế độ bưng bít thông tin đứng top 20 quốc gia thù địch của internet, tự do ngôn luận. Đó là cái rất khó khăn đối với Facebook.”

Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng để giải quyết tình trạng này, phải có sự can thiệp mang tính chất có sức ảnh hưởng thì may ra mới có sự cải thiện từ Facebook.

Trước tình trạng Facebook buộc phải liên kết với chính phủ Hà Nội để được tồn tại ở Việt Nam, Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng Facebook cũng thu được lợi nhuận từ những quảng cáo cho người dùng. Vì vậy, ông cho rằng Facebook cần xem xét lại:

“Tôi nghĩ người ta đến với Facebook để đến nền tảng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận khi không thể hiện ở các kênh khác. Nếu Facebook vì một lý do nào đó mà ngăn chặn những nguồn thông tin dư luận thì thứ nhất họ đã chính trị hóa trong kinh doanh. Thứ hai là với những cái đó thì Facebook sẽ bị thiệt thòi. Mọi người cũng biết tháng trước có một làn sóng tẩy chay Facebook, trong một giao dịch Facebook đã mất hơn 7 tỉ đô la. Tôi nghĩ đây cũng là cái để cho những người điều hành Facebook nghĩ lại phương hướng điều hành Facebook thế nào để trở lại đúng nơi cho mọi người được thể hiện quan điểm của mình trên đó, kể cả quan điểm chính trị.”

Mới đây, Facebook đã thành lập một cơ quan độc lập có nhiệm vụ giải quyết những tranh cãi liên quan đến việc gỡ bỏ nội dung.  

Theo tác giả bài viết trên Diplomat, mặc dù tính hiệu quả của cơ quan mới được thành lập này vẫn là một câu hỏi lớn, nhưng Facebook đã cung cấp một địa chỉ cho các nhà hoạt động trong thời đại kỹ thuật số, bao gồm cả những người từ Việt Nam, để lắng nghe các trường hợp nêu ra.

Vào ngày 14 tháng 7, chúng tôi nhận được trả lời của bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook rằng :

“Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị cho chúng tôi hạn chế quyền truy cập vào nội dung mà bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam; tuy nhiên, những người bên ngoài Việt Nam vẫn có thể xem được nội dung đó. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và đang nỗ lực để bảo vệ quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới. Chúng tôi thực hiện biện pháp này với tầm nhìn xa là sẽ đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi vẫn có sẵn cho hàng triệu người ở Việt Nam, những người dựa vào Facebook mỗi ngày.”

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/facebook-restricts-access-to-5-rfa-posts-in-just-4-months-07132020152632.html?fbclid=IwAR1fUtGb-OZQvSiSVOQuMNxbVpi9FY6jJZjJqHrBhKuBY9xBu__ekXhgA-A