Gần đây những phát biểu có tính chỉ đạo của Tổng bí thư và Trưởng ban tuyên giáo dễ trở thành cảm hứng cho những lời bình phẩm của trí thức Việt nam trên mạng xã hội cũng như các báo đài lề trái.
Câu nói của ông Võ Văn Thưởng rằng “tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” lại khiến nhiều người đau lòng và khi cả nước đi theo một con đường chưa thật sự sáng tỏ và ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng còn phải thốt lên rằng “Đến hết thế kỉ này đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa?“
“Bỏ gần 1 thế kỷ đi trên con đường “chưa sáng tỏ”, chứng tỏ là một bầy ngu. Ta bị sống với bầy ngu, ta thành kẻ hèn. Đau thật !” Luật sư Đồng Hữu Pháp thốt lên như vậy trên Facebook cá nhân hôm 16-7, cũng trong tâm trạng này.
Những tư tưởng chỉ đạo đối với Đảng viên cộng sản đang lung lay mạnh khi báo chí Việt nam đang dọn đường cho một quan hệ thân thiết với Hoa kỳ cùng lúc với những sứt mẻ nghiêm trọng với Trung quốc vì lợi ích quốc gia ở Biển Đông, mặc dù Trung quốc đang là điểm tựa lớn nhất của Việt nam đối với những người anh em thuộc phe Cộng sản còn sót lại trên thế giới.
Những hành động cụ thể trên Biển Đông cùng với tuyên bố mạnh mẽ khẳng định lập trường của Mỹ trên Biển đông đã khiến cho Việt nam có chỗ dựa mới và báo chí Việt nam cũng đồng loạt nâng cao quan điểm với thái độ không thể chấp nhận được của Trung quốc đối với Việt nam, đặc biệt là sự ra đi của Repsol đã khiến cho lợi ích quốc gia ngay lập tức bị mất đi hàng tỷ Đô la, theo một bài viết mới đây trên BBC News Tiếng Việt.
Dù có kiên trì con đường CNXH đến mấy thì các lãnh đạo tuyên giáo cũng nên lưu ý đến câu nói của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng “Trên thế giới này, không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.
Ngành tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam mới đây hôm 15/7/2020 phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương của ĐCSVN tổ chức sự kiện hội thảo đánh dấu 90 năm “chặng đường vẻ vang” của ngành này, trong đó có tổng kết thành tựu sau gần 35 năm năm đổi mới của tuyên giáo.
Nhân dịp này, một số nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam đã chia sẻ với BBC News Tiếng Việt quan điểm của mình về tuyên giáo của đảng Cộng sản tại Việt Nam, thông qua sự kiện trên.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Nó đã thành công trong việc định khung (framing) tư duy cho nhiều người Việt Nam để tin vào đường lối của ĐCSVN, nhưng đó là nghệ thuật tuyên truyền chứ không hề khoa học gì cả. Việc thao túng tư duy, định khung diễn ngôn quả thực là một mẹo của rất nhiều chế độ độc tài và không phải không có kết quả (hãy chỉ nhớ các luận điệu tuyên truyền ở nước Đức hồi thế chiến II 100 năm trước, hay tinh tế hơn nhiều có vẻ “khoa học” hơn nhiều của Vương Hỗ Ninh hiện nay ở Trung Quốc để thấy nó không là ngón độc quyền của ĐCSVN.
Cựu Trung tá QĐND Việt Nam Nguyễn Nguyên Bình (nhà văn, nhà nghiên cứu Trung Quốc học): Nói rằng bao nhiêu năm qua, công tác của cơ quan Tuyên giáo đã làm hình thành hệ thống quan điểm lý luận về CNXH, mà ngay nhiều cán bộ đương chức cấp cao của Nhà nước cũng vẫn còn thắc mắc.
Cụ thể trong một cuộc họp quan trọng, theo báo Pháp luật ngày 04-5- 2014, họ còn phải hỏi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (lúc đó đang là Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư), và ông đã trả lời: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó (thể chế kinh tế thị trường XHCN) mà mãi có tìm ra đâu? Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm?”
Còn ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo báo Thanh niên 24-10 2013 cũng nói: “Đến hết thế kỉ này đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa?”. Vậy dân thường làm sao đã thấy được hệ thống lý luận của Ban tuyên giáo mà bàn?
Ông Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Hiện nay không ai trả lời được câu hỏi “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì” và các tiêu chí cụ thể về khái niệm Xã hội Chủ nghĩa ra sao.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Vai trò của tuyên giáo là hết sức quan trọng đối với ĐCSVN và không phải nó không có kết quả trong việc mê hoặc không ít người, nó bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐCSVN, góp phần tạo sự thống nhất trong ĐCSVN nhưng nó chỉ là “TRÒ TUYÊN TRUYỀN” chứ không phải lý luận khoa học gì cả, càng không “đi trước-mở đường“.
Tôi gọi đội ngũ tuyên giáo là “CẢNH SÁT TƯ TƯỞNG” nó nguy hiểm hơn cảnh sát thường rất rất nhiều, bởi vì cảnh sát thường có cung cấp dịch vụ cho xã hội, ngược lại cảnh sát tư tưởng huỷ hoại tư duy của rất nhiều người, làm thui chột ý chí của cả dân tộc và tác hại của nó đối với dân tộc là rất sâu sắc.
Cựu Trung tá Nguyễn Nguyên Bình: Về câu hỏi về chống diễn biến hòa bình thì thực ra rất khó phân biệt giữa những diễn biến theo chiều hướng suy thoái đạo đức lối sống với những diễn biến về tư tưởng của những người có ý kiến khác với hệ thống lý luận chính thống.
Khái niệm “thế lực thù địch được cơ quan Tuyên giáo sử dụng phổ biến nhưng cũng rất mơ hồ. Mỹ hay Trung Quốc? Bây giờ nhà nước Việt Nam đã để các báo chí chính thống gọi cả Mỹ lẫn Trung Quốc là bạn, vậy kẻ thù là ai? Người dân chúng tôi cũng chịu không hiểu!
Ông Nguyễn Vũ Bình: Nếu như trước khi hội nhập quốc tế, trước khi hệ thống Internet toàn cầu và nhất là mạng xã hội xuất hiện, công tác tuyên giáo có thể giúp đảng cộng sản và nhà nước che dấu được bản chất chế độ PHẦN NÀO, thì sau khi hội nhập, sau khi hệ thống Internet xuất hiện, và nhất là mạng xã hội phát triển thì công tác tuyên giáo phá sản hoàn toàn, không còn một vai trò, vị trí gì nữa.
Lý do là những sự thật được phơi bày, sự giao lưu trao đổi quan điểm tư tưởng giúp nhiều người dân đã hiểu thêm, hiểu rõ về bản chất chế độ. Tuyên giáo bây giờ chỉ còn nhiệm vụ chống đỡ, bao biện cho những cái sai, cái xấu của chế độ được phơi bày.
Tiền đồ thế nào?
Cũng tại sự kiện cuộc Hội thảo hôm thứ Tư, lãnh đạo ngành tuyên giáo Việt Nam tổng kết các tham luận cho hay “nhiệm vụ của ngành tuyên giáo trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta“.
Khi được đề nghị đối chiếu nhận định trên với thực tế và xu thế phát triển của đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam, các nhà quan sát nêu nhận xét với BBC về vai trò và triển vọng, tiền đồ của ngành này ở đất nước với trên dưới 97 triệu dân.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Trong quan điểm của tôi, cái gọi là xã hội chủ nghĩa mà ĐCSVN theo đuổi đã bị vất vào sọt rác lịch sử.
Từ 30 năm nay ĐCSVN đang chủ trương xây dựng chủ nghĩa tư bản độc đoán, do ĐCSVN chỉ huy.
Nếu cái “thực tiễn” ấy chuyển thành lý luận và bỏ sự độc đoán đi thì là hướng tốt. Nói cách khác nếu họ theo “chủ nghĩa xã hội” của Quốc tế II, tức là theo các tư tưởng chủ nghĩa xã hội của cánh tả Bắc Âu hay Tây Âu thì là một bước tiến, nhưng cơ hội ấy là mong manh.
Còn nếu họ học theo cách Trung quốc của Tập Cận Bình (hay trùm tuyên giáo Vương Hỗ Ninh), tức là chủ nghĩa tư bản độc đoán với ĐCSVN cố bám lấy quyền lực và đàn áp các tiếng nói bất đồng thì là tai hoạ cho dân tộc.
Cựu Trung tá Nguyễn Nguyên Bình: Thì thực tiễn cho thấy các thiết chế tưởng là trụ cột của kinh tế XHCN như doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã bị thua lỗ thất thoát hầu hết, điển hình là 12 doanh nghiệp mà báo chính thống đã đưa tin, và dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông thảm thương, thua thiệt chưa cách nào giải quyết (cũng là báo chính thống nói).
Vậy thì thấy rõ: thực tiễn một đằng, lý luận một nẻo. Bao giờ mà sáng tỏ được?
Ông Nguyễn Vũ Bình: Nếu có nội hàm đúng và giá trị, thì sau 30 năm đổi mới, ngành tuyên giáo dù tập hợp những người bị tranh cãi và nghi ngờ nhất về khả năng tư duy, trí tuệ, tư tưởng, cũng đã tổng kết được thành lý luận, thành giá trị bài vở rồi, chứ không phải bây giờ còn tiếp tục tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đối chiếu với thực tế phát triển của đời sống chính trị, xã hội Việt Nam và xu thế chuyển động trung và dài hạn, tuyên giáo theo tôi là một ngành hoàn toàn vô giá trị, thâm chí ăn bám xã hội.
Nó chỉ là một tập hợp người mà chế độ cần có để giúp đảng thống trị nhân dân.
Thu Thuỷ – Thoibao.de (Tổng hợp)