Một nhà nghiên cứu và hai người nắm thông tin hậu trường chính trị ở Việt Nam mới đây hé lộ với VOA về những nhân vật nhiều khả năng sẽ nắm các vị trí lãnh đạo hàng đầu sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào đầu năm 2021.
Những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Trần Quốc Vượng, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.
Ông Vượng lên, ông Phúc chống
Từ Australia, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, đưa ra phân tích rằng ông Trần Quốc Vượng là ứng cử viên nổi bật nhất cho chức Tổng Bí thư Đảng.
“Ông ấy có bề dày kinh nghiệm qua thời gian công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan đảng, gồm Chánh văn phòng Trung ương Đảng (2011), Ủy viên Ban Bí thư (tháng 5/2013) và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2016). Việc ông được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư vào tháng 3/2018 đã đưa ông trở thành nhân vật cấp cao trong hệ thống tôn ti trật tự của đảng”, giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, viết cho VOA qua email.
Nhắc đến truyền thống bất thành văn trong chính trị Việt Nam là vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng thường giao cho người miền bắc, vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, Đại học New South Wales, đề cập đến yếu tố ông Vượng có quê ở Thái Bình và gọi đó là “một điểm cộng”.
Về lý thuyết, ông Trần Quốc Vượng, năm nay 67 tuổi, đã quá tuổi để tiếp tục đứng trong Bộ Chính trị có vai trò đầu não của đảng trong khóa tới. Mặc dù vậy, giáo sư Thayer chỉ ra rằng ông Vượng có phần chắc sẽ được Trung ương Đảng công nhận là trường hợp “ngoại lệ đặc biệt” theo một quy định hồi tháng 2/2020 của đảng.
Lưu ý đến các điểm mấu chốt gồm “kế thừa”, “phát triển”, “đảm bảo sự bền vững” trong công tác nhân sự của đảng, ông Nguyễn Như Phong, một cựu đại tá an ninh, nói với VOA từ Hà Nội rằng việc ông Trần Quốc Vượng được chọn làm ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư là “điều logic”.
Tuy nhiên, ông Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân và nguyên Tổng Biên tập báo mạng PetroTimes, thận trọng nói thêm rằng vấn đề nhân sự cấp cao hiện vẫn đang là “bài toán khó” trong đảng, mà có thể phải chờ đến Hội nghị Trung ương sắp tới mới sáng tỏ hơn.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với lãnh đạo Việt Nam cho VOA hay quá trình chuyển giao quyền lực có thể không êm thấm như dự báo của giáo sư Carl Thayer và cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong.
Nguồn tin đề nghị ẩn danh tiết lộ với VOA rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn tại vị thêm một nửa nhiệm kỳ, khoảng 2 năm, để phòng ngừa xung đột quyền lực trong nội bộ đảng. Nguồn tin đưa ra lý giải:
“Theo kế hoạch trước Đại hội thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nhường ghế cho ông Trần Quốc Vượng, đồng thời giao Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an cho ông Vượng. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chấp nhận điều này. Do đó, ông Phúc đã chiêu dụ nhiều tướng lĩnh công an nhằm làm yếu thế ông Vượng trước Đại hội. Do đó, ông Trọng sẽ phải ngồi lại để tránh cho việc ông Vượng bị thôn tính mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến an toàn của ông Trọng sau khi rời chức”.
Phạm Bình Minh và ‘tứ trụ’
Về bức tranh chính trị rộng hơn, nguồn tin nói phe cánh lãnh đạo gốc miền nam sắp tới sẽ gặp “nhiều bất lợi” khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ rời ghế, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ đến tuổi hưu, tương tự đối với Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn, và trước đó Trung tướng Phan Văn Việt đã rời ghế Tổng cục phó Tổng cục 2 nhiều quyền lực thuộc Bộ Quốc phòng.
Lâu nay, ở Việt Nam, tồn tại “luật bất thành văn” rằng người đứng đầu Đảng Cộng sản, có thực quyền quyết định chiến lược cao nhất, phải là người miền bắc; chức chủ tịch nước có tính nghi lễ là chính có thể giao qua lại cho người miền bắc hoặc miền nam, và chức thủ tướng điều hành hoạt động hàng ngày của các bộ, ngành thường được giao cho người miền nam.
Kể từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vì bạo bệnh năm 2018, chức vụ này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp quản và đảm nhiệm luôn cho đến nay.
Liệu Việt Nam có trở lại cơ cấu “tứ trụ” gồm 4 người khác nhau nắm 4 chức vụ riêng rẽ – tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội – hay không, được giáo sư Carl Thayer ở Australia cho là điều “khó dự báo nhất”.
“Nếu cơ cấu ‘tam trụ’ được duy trì, ông Vượng mặc nhiên đồng thời nắm hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Nếu cơ cấu ‘tứ trụ’ được khôi phục, ông Phạm Bình Minh sẽ là một ứng cứ viên mạnh cho chức chủ tịch nước, vì ông ấy có bề dày kinh nghiệm trong chính phủ ở cương vị phó thủ tướng, và đến Đại hội Đảng ông ấy cũng đã có hai nhiệm kỳ làm bộ trưởng ngoại giao”, giáo sư Thayer trao đổi với VOA qua email.
“Bề dày kinh nghiệm trong chính phủ là một trong những tiêu chí chính đối với chức chủ tịch nước”, giáo sư nhấn mạnh, đồng thời nhắc đến các phẩm chất khác của ông Phạm Bình Minh, gồm “được biết đến rộng rãi trên trường quốc tế, nói tiếng Anh lưu loát, có bằng thạc sĩ của Đại học Tufts ở Mỹ”.
“Tất cả những yếu tố này đều phục vụ tốt cho Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ của Việt Nam với các đối tác chiến lược”, giáo sư Thayer nhận định.
Cựu đại tá an ninh-nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong ở Hà Nội cho rằng cơ cấu “tứ trụ” sẽ quay trở lại. Ông cũng nhận xét rằng ông Phạm Bình Minh là ứng cử viên “rất tốt” cho chức chủ tịch nước.
Ẩn số Vương Đình Huệ; 2 bộ trưởng ‘sức mạnh’
Về nhân vật có thể trở thành thủ tướng, giáo sư Carl Thayer đặt cược vào ông Vương Đình Huệ, hiện là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
“Ông Huệ dường như là người hội đủ các tiêu chuẩn nhất trong số các ứng cử viên. Trước khi làm lãnh đạo đảng ở Hà Nội, ông Huệ từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính và Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông có quê ở Nghệ An”, giáo sư Thayer nói.
Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong nhận xét với VOA rằng trong chính giới ở Hà Nội, ông Vương Đình Huệ bị xem là một “ẩn số” và đang nhận những đánh giá trái chiều. Cá nhân ông Phong “không thấy ấn tượng” về ứng cử viên cho chức thủ tướng này.
Trong nền chính trị Việt Nam, hai bộ Quốc phòng và Công an nắm vai trò then chốt bảo vệ chế độ.
Nguồn tin ẩn danh của VOA không chỉ tiết lộ về nguy cơ xung đột quyền lực giữa phe của Tổng Bí thư Trọng với phe của Thủ tướng Phúc, mà còn cho biết “Bộ trưởng Quốc phòng khóa tới gần như sẽ là Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục 1, tức Tổng cục Chính trị”.
Hiện có những mối “ngờ vực” rằng ông Cường có lợi thế vì được thế lực nước ngoài hỗ trợ, và được xem là “mắt xích quan trọng” để thế lực đó gây ảnh hưởng đến chính sách chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguồn tin được tiếp cận với các quan chức cấp cao nói với VOA.
Theo thông tin của quân đội Việt Nam, Đại tướng Lương Cường, 63 tuổi, người Phú Thọ, đã tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông từng là Chính ủy Quân đoàn 2, Chính ủy Quân khu 3. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Giáo sư Carl Thayer cũng dự báo với VOA rằng ông Lương Cường sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.
Vẫn nguồn tin đề nghị ẩn danh nói thêm với VOA rằng Trung tướng quân đội Võ Minh Lương “gần như sẽ trở thành thứ trưởng quốc phòng và cơ cấu để tiếp tục thăng tiến đến chức bộ trưởng”.
Nói về Bộ Công an, nguồn tin nói rằng hầu như có phần chắc là ông Phan Đình Trạc sẽ là bộ trưởng.
“Ông này có lợi thế là đã từng kiêm chức vụ đại tá công an trước khi làm Trưởng ban Nội chính. Đây cũng là mắt xích quan trọng mà Tổng Bí thư Trọng kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho ông Vượng, do ông Trạc này là người gốc Nghệ An, được xem là dạng trung thành với đảng nhất”, nguồn tin cung cấp thêm với VOA.
Trước đây, ông Phan Đình Trạc đã nắm các chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, trước khi trở thành Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào cuối tháng 2/2016.
Nguồn tin riêng của VOA nói ông Trạc “rất giàu” và theo một tài liệu mật mà nguồn tin đươc xem, quan chức này không ngần ngại kê khai tài sản cá nhân với đảng là ông có lượng tiền mặt rất lớn, chưa kể tài sản chìm nổi.
Lại một nữ Chủ tịch Quốc hội
Trong cơ cấu chính trị Việt Nam, vai trò lãnh đạo quốc hội ít được chú ý đến nhất trong số “tứ trụ”, do cơ quan lập pháp này bị xem là “con dấu củ khoai”, dù trong những năm gần đây quốc hội gây được một số tiếng vang trong cử tri với các phiên chất vấn một số bộ trưởng hay tranh luận về soạn thảo luật.
Giáo sư Carl Thayer dự đoán bà Trương Thị Mai sẽ là Chủ tịch Quốc hội vào năm sau dựa trên hai cơ sở.
“Thứ nhất, bà Mai được xem là có đủ phẩm chất nhất trong số các ứng cử viên đạt tiêu chuẩn. Bà có bằng cử nhân luật và bằng thạc sĩ quản trị công, là đại biểu quốc hội từ khóa 10 (năm 1997) cho đến khóa 13 (2016) và được bầu vào Trung ương Đảng năm 2011. Thứ hai, bà là phụ nữ duy nhất còn lại trong số các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm”, giáo sư Thayer nói với VOA.
Đánh giá chung về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng và vấn đề nhân sự, cựu đại tá an ninh-nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong đưa ra bình luận rằng mọi việc đang diễn ra “bài bản”, “chỉnh chu”.
Song ông lưu ý rằng còn hơn 5 tháng nữa mới đến Đại hội và mọi dự báo từ nay đến đó vẫn chỉ là những dự báo.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Bắt cóc công dân – mật vụ Việt Nam “hành tẩu giang hồ”
>>> Chủ tịch Chung giáng chức – Thủ tướng Phúc hả hê
>>> Đại hội 13 – Khoảng trống quyền lực khi Nguyễn Phú Trọng quá già