Viêt Nam mua vắc-xin chống Covid của Nga – Hàng thật hay giả?

https://youtu.be/ARA9greQqig
Link Video: https://youtu.be/ARA9greQqig

Vắc-xin Sputnik V của Nga mà nước này gọi là vắc-xin « đầu tiên » ngừa COVID-19 được công bố ngày 11/08/2020 mang tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957. Điều đó cho thấy phần nào tham vọng của nước này trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Tuy nhiên, vệ tinh Sputnik đã không đem lại cho Matxcơva chiến thắng trong cuộc đua chinh phục không gian. Liệu vắc-xin Sputnik V có đưa đến một kết cục tương tự nhất là khi Nga đã đốt cháy giai đoạn, bỏ qua giai đoạn 3 quan trọng nhất để cắm lá cờ đầu tiên trên lãnh địa vắc-xin chống COVID còn hoang vắng.

Thông báo chế tạo thành công vắc-xin « đầu tiên » ngừa COVID-19 của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/08 ngay lập tức đã nhận được sự hoài nghi của giới khoa học nhiều hơn là niềm hân hoan của cộng đồng quốc tế.

Đích thân Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, trong một cuộc họp qua video được phát trên truyền hình, Nga đã về đầu trong cuộc đua này. Ông trịnh trọng tuyên bố, trong khi vẫn còn đang phải giãn cách xã hội tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcova rằng: « Lần đầu tiên trên thế giới, một loại vắc-xin ngừa virus corona đã được đăng ký (…) Tôi được biết vắc-xin khá công hiệu và tạo được miễn dịch lâu dài. »  

Sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm lâm sàng trên người, chính quyền Nga đang từng bước chính thức phê duyệt cho phép sử dụng vắc-xin trong dân Nga.

Tổng thống Nga còn cho biết con gái ông đã được tiêm loại vắc-xin này như để minh chính cho độ tin cậy của vắc-xin.

Ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp trực tuyến ngày 11/08/2020

Lấy con gái của mình để quảng cáo cho vắc-xin là một việc làm hiếm thấy của Putin vì trước nay vị tổng thống Nga luôn giữ bí mật về con cái và đời tư của mình.

Tổng thống Putin trong cuộc họp nội các đã bất ngờ loan báo vắc-xin do Nga bào chế vừa được cơ quan dược phẩm quốc gia cho lưu hành. Ông cho biết chính con gái ông đã được thử, hai ngày đầu cô bị sốt, nhưng sau đó rất khỏe, có được nhiều kháng thể. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.

Giới truyền thông dự đoán người con gái mà ông nói đến rất có thể là Maria Vorontsova, con gái lớn của Putin. Cô này là bác sĩ và có thể là đã tham gia chương trình vắc-xin.

Từ tháng 03, Matxcơva đã công khai tham vọng, đầu tư nhiều tỉ rúp và huy động cả các quân nhân để thử nghiệm trên người, từ chối tham gia cuộc chạy đua tìm vắc-xin chung với thế giới. Vắc-xin do Viện Nghiên cứu Gamaleia của Nga chế ra đã được cấy vào 38 người tình nguyện. Do kết quả không được công bố cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ coi đó là giai đoạn 1 nhằm thử nghiệm liều lượng và tính an toàn.

Đúng ra theo quy trình, tiếp đến là giai đoạn 2, xem xét hiệu quả trên hàng trăm người để kiểm chứng vắc-xin có gây phản ứng miễn dịch với các độ tuổi và giới tính khác nhau (người trẻ hay người già, nam hay nữ).

Và giai đoạn 3 sẽ mở rộng cho hàng ngàn người tình nguyện, xem vắc-xin có bảo vệ được lâu dài hay không, so với nhóm đối chứng dùng giả dược. Để có hiệu quả, vắc-xin của nhiều nước hiện đang được thử nghiệm lâm sàng tại các nước mà virus corona đang hoạt động mạnh như Brazil, Hoa Kỳ, Nam Phi.

Về phần Nga, nước này chưa hề công bố một kết quả nào liên quan đến quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin. Sputnik V còn phải qua công đoạn cuối cùng thử nghiệm trên diện rộng, bắt đầu từ ngày hôm 12/08, trước khi được chính thức phê chuẩn lưu hành trên thị trường.

Loại vắc-xin với cái tên Sputnik V đầy biểu tượng đang gặp phải những phản ứng nghi ngờ từ giới khoa học quốc tế, do các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất, cũng như do thiếu các số liệu liên quan đến kết quả các công đoạn thử nghiệm.

Ít giờ sau khi Matxcơva công bố chế tạo thành công Sputnik V, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết sẽ chỉ xác nhận cho loại vắc-xin Nga này sau khi vắc-xin trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả. AFP dẫn lời phát ngôn viên của WHO: « Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế Nga và thảo luận đang tiếp tục. Khâu tiền thẩm định và chính thức công nhận vac-xin phải diễn ra theo đúng quy trình nghiêm ngặt. »

Các nhà khoa học tại nhiều nước và ngay cả ở Nga cũng đã bày tỏ lo lắng trước việc Matxcova vội vàng phê duyệt cấp phép cho loại vắc-xin chưa hoàn thành đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng.

Giám đốc Viện di truyền học thuộc Đại học College London, nhà nghiên cứu Thụy Sĩ François Bolloux (Phăng-xoa Bô-u) tỏ ra phẫn nộ trước thông báo của chính quyền Nga. Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh đến mối nguy hiểm đối với dân chúng, khi một loại vắc-xin được vội vàng tung ra thị trường.

Ông cho rằng : « Đây là một quyết định phi lý và hơn nữa là nguy hiểm. Một quyết định chính trị đưa ra trong một cuộc chạy đua điên rồ để trang bị vắc-xin ngừa COVID 19. Điều này hoàn toàn vô trách nhiệm, dù sự việc có thế nào. » Theo ông, vắc-xin không phải là chiếc đũa thần cho tất cả mọi người. Bỏ qua giai đoạn 3 sẽ không thể biết được các chống chỉ định và tác dụng phụ trầm trọng, có thể là thảm họa cho người dùng. Trong lịch sử đã từng có những thất bại, tạo ra tâm lý chống vắc-xin trên thế giới.

Trong khi đó giáo sư Odile Launay (Ô-đin-lờ Lô-nây), thuộc bệnh viện Cochin (Cô-sanh) Paris thì khẳng định thông báo của chính quyền Nga hoàn toàn mang tính tuyên truyền, không hề có tính khoa học. Theo chuyên gia Pháp, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Putin đưa ra thông báo: «  Trong trận dịch này, có chuyện lẫn lộn giữa chính trị và khoa học. Ta đã thấy nhiều tổng thống, như Vladimir Putin hay Donald Trump của Hoa Kỳ,  đã đưa ra các thông báo thay cho các nhà khoa học và theo cách sớm quá. »

Tổng thống Putin coi việc Nga là nước đầu tiên công bố một loại vắc-xin có khả năng ngăn chặn đại dịch virus corona là niềm tự hào dân tộc và để khẳng định sự vượt trội với các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh nước Nga đang ngày càng bị cô lập.

Ảnh: Cảnh sát Matxcơva kiểm tra ô tô để lấy giấy phép kỹ thuật số vào ngày đầu tiên của hệ thống thông hành

Ngoài vấn đề chính trị, việc chế tạo thành công vắc-xin chống COVID-19 còn mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ: Nga loan báo có 20 nước đã đặt hàng « trên 1 tỉ liều vắc-xin ».

Có lẽ vì những lợi ích chính trị và kinh tế mà Putin đã bất chấp tất cả khi cho phép đưa ra thị trường loại vắc-xin vẫn chưa thực hiện giai đoạn thử nghiệm cần thiết cuối cùng. Ông Putin đang khiến người dân Nga phải dùng một sản phẩm mà rốt cuộc có thể không hiệu quả. Còn với cộng đồng quốc tế, Putin có thể sẽ mang lại hy vọng giả tạo cho mọi người, khiến mọi người đánh mất niềm tin vào những kết quả nghiên cứu vắc-xin tiếp theo mà rất có thể đấy lại là những nghiên cứu hoàn toàn nghiêm túc, mang tính khoa học và tuân thủ đầy đủ mọi thử nghiệm theo yêu cầu.

Giới truyền thông đã nhắc lại rằng vệ tinh Sputnik đã mang lại cho Matxcơva chiến thắng đầu tiên về chinh phục không gian, nhưng rốt cuộc Liên Xô đã thua trong cuộc chạy đua và chưa bao giờ đặt chân lên được Mặt Trăng. Liệu vắc-xin Sputnik V có một kết cục tương tự? Nhưng điều chắc chắn là vội vàng phê duyệt các quy trình sản xuất vắc-xin sẽ không giúp Nga trở thành người dẫn đầu cuộc đua, mà đó chỉ là trò đánh cược chính trị trên sức khỏe của con người.

Trong một diễn biến liên quan, Đài truyền hình Việt Nam VTV hôm 14/08/2020 thông báo Việt Nam đặt mua một vắc-xin ngừa COVID-19 của Nga, trong bối cảnh dịch virus corona đang tái bùng phát mạnh.

Ảnh: Quan chức dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci

Theo VTV, trích dẫn bộ Y Tế, tuy đặt mua vắc-xin của Nga, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vắc-xin riêng của mình, theo dự kiến là đến cuối năm 2021 sẽ bào chế xong. Theo tờ Tuổi Trẻ, Việt Nam đã đặt mua từ 50 đến 150 triệu liều vắc-xin của Nga. Nhưng Bộ Y tế không nói rõ khi nào sẽ nhận được và giá của số vắc-xin đó là bao nhiêu.

Ngoài Việt Nam, Philippines sẽ là một đối tác hàng đầu của Nga trong việc phổ biến vắc-xin Sputnik V. Theo CNN Philippines, khoảng 1.000 người Philippines đã ghi tên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của Nga. Ngay cả tổng thống Duterte cũng dự trù sẽ được chích Sputnik V vào tháng 05/2021.

Trong khi đó, Mỹ luôn hoài nghi về tính an toàn của vắc-xin Trung Quốc và Nga. Khi được hỏi là liệu Mỹ có thể sử dụng thuốc chủng ngừa COVID-19 của Trung Quốc hay Nga nếu hai nước này chế tạo xong trước Mỹ, quan chức dịch tễ học hàng đầu của Mỹ là tiến sĩ Anthony Fauci ngày 31/07/2020 cho rằng sẽ không có khả năng Hoa Kỳ dùng bất kỳ loại vắc-xin nào được phát triển ở một trong hai nước kể trên, nơi mà các quy định an toàn mơ hồ hơn rất nhiều so với phương Tây.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ: Chặn Trung Quốc – Cấm mua hàng Huawei

>>>Lê Khả Phiêu: Công với Tàu – Tội với dân?

>>> Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

https://www.youtube.com/watch?v=QN4Jr5RPbg0
TQ vừa to tiếng – Mỹ liền điều chiến hạm