Việc Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài mới, siết chặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, có khả năng cắt đứt nguồn cung cấp chip khiến tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được các con chip trên thị trường, đe dọa ngôi vị hàng đầu của Huawei, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung công nghệ toàn cầu, các giám đốc điều hành và chuyên gia cảnh báo.
Chính quyền của Tổng Thống Trump mở rộng các lệnh chế tài đối với Huawei hôm thứ Hai 17/8, nghiêm cấm các nhà cung cấp bán chip sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei, nếu không có giấy phép đặc biệt – qua đó trám lại các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt hồi tháng 5, có thể cho phép Huawei tiếp cận công nghệ thông tin từ các bên thứ ba.
Các biện pháp siết chặt cấm vận mới nêu bật sự rạn nứt ngày càng lớn hơn trong các quan hệ Mỹ-Trung giữa lúc Washington hối thúc các chính phủ hãy ngừng sử dụng các thiết bị Huawei, và tố cáo tập đoàn này có thể chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh để được sử dụng trong các hoạt động tình báo.
Huawei bác bỏ cáo buộc tố họ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ông Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu TMT tại Mirabaud Securities nhận định:
“Nếu Mỹ cứ tiếp tục bóp nghẹt Huawei, thì ảnh hưởng của các biện pháp chế tài này sẽ lan rộng ra toàn bộ công nghệ bán dẫn, “và chưa biết đòn trả đũa từ Trung Quốc sẽ ra sao, nhưng đây là một rủi ro đáng kể.”
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei đã sa sút kể từ khi Mỹ đưa tập đoàn này vào sổ đen cách đây một năm.
Các chuyên gia nói nếu Huawei không thể tiếp cận các con chip vì các biện pháp trừng phạt mở rộng của Mỹ, thì kể như “mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của họ có thể sẽ tan biến”.
Các công ty môi giới khác, gồm JP Morgan, cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng thêm vào đó, sự thể này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty như Xiaomi và Apple, tăng thị phần của họ. Huawei không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Những biện pháp mới tác động nặng nề tới Huawei và các nhà cung cấp chip, ít nhất là trong thời gian tới, vì họ phải xin giấy phép đặc biệt để tuân thủ các quy định mới.
Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ bóp nghẹt Huawei
Hôm thứ Ba 18/8, sau khi chính quyền Trump tuyên bố thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với Huawei, Bắc Kinh nói họ kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ bóp nghẹt tập đoàn công nghệ Huawei.
Lên tiếng trong cuộc họp báo hàng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Hoa Kỳ hãy ngừng hạ uy tín của các công ty Trung Quốc.
“Washington đã lạm dụng quyền lực quốc gia để áp đặt tất cả loại hình hạn chế với Huawei, cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc khác“, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu hôm nay, đồng thời kêu gọi Mỹ “sửa chữa sai lầm“.
Ông Triệu cho hay không có bằng chứng về lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của tập đoàn viễn thông Huawei, nói thêm rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ “đã đâm thủng hoàn toàn lớp ngụy tạo cuối cùng về những quy tắc trên thị trường và cạnh tranh công bằng mà Mỹ luôn rao giảng“. Ông cho biết Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các công ty” của nước này.
Trump hủy đàm phán thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump cho biết đã hủy đàm phán thương mại cuối tuần qua với Trung Quốc và chỉ trích việc Bắc Kinh xử lý Covid-19 là “không thể tưởng tượng nổi“.
“Tôi đã hủy các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tôi không muốn đàm phán với Trung Quốc ngay lúc này“, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thành phố Yuma, bang Arizona hôm 18/8.
Cuộc đàm phán cuối tuần qua được lên kế hoạch nhằm xem xét tiến độ của thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ – Trung sau 6 tháng.
Theo các điều khoản của thỏa thuận thương mại tạm thời được ký ngày 15/1, những cuộc thảo luận cấp cao giữa đôi bên nên được tổ chức sau mỗi nửa năm.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được cho là sẽ tổ chức họp trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, nhưng cuộc họp đã bị hoãn vô thời hạn.
Các cuộc đàm phán không được công bố trên bất kỳ lịch trình công khai chính thức nào ở Washington hoặc Bắc Kinh, nhưng South China Morning Post từng đưa tin cuộc họp từng được ấn định vào 15/8. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng thông tin về các cuộc đàm phán cấp cao sẽ được công bố “đúng quy trình“.
Ông Trump cũng công kích Trung Quốc, đặc biệt về sự lây lan của Covid-19 mà ông thường gọi là “virus Trung Quốc“. “Những gì Trung Quốc đã làm với thế giới là không thể tưởng tượng nổi“, Tổng thống Mỹ cho hay.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra vài ngày sau khi ông ca ngợi việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết thỏa thuận giai đoạn một đang “đi đúng hướng“.
Navarro hôm 17/8 cũng ca ngợi việc Trung Quốc mua hàng xuất khẩu của Mỹ, nhưng cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc phối hợp với đảng Dân chủ để tìm cách “lật đổ” Trump.
Các hành động của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, được Reuters loan tin trước nhất, sẽ mở rộng các hạn chế như đã công bố vào tháng 5 nhằm ngăn chặn công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc có được chất bán dẫn nếu không có giấy phép đặc biệt – bao gồm cả các chip của các công ty nước ngoài, vốn được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Hoa Kỳ.
Các nguồn tin cho Reuters biết, chính quyền Trump cũng sẽ liệt thêm 38 chi nhánh Huawei ở 21 quốc gia vào danh sách đen của chính phủ Hoa Kỳ, nâng tổng số lên 152 chi nhánh kể từ khi Huawei bị liệt lần đầu tiên vào tháng 5/2019.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói với Fox Business rằng những hạn chế đối với con chip do Huawei thiết kế được áp đặt vào tháng 5 “khiến họ phải thực hiện một số biện pháp né tránh. Họ thực hiện hành động này thông qua bên thứ ba,” ông Ross nói. “Quy tắc mới nêu rõ rằng bất kỳ việc sử dụng phần mềm của Mỹ hoặc thiết bị chế tạo nào của Mỹ đều bị cấm và cần phải có giấy phép,” ông Ross cho biết thêm.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết các thay đổi trong quy tắc “sẽ ngăn Huawei lách luật của Hoa Kỳ thông qua sản xuất con chip thay thế và cung cấp chip bán sẵn”. Ông nói thêm trong một tuyên bố: “Huawei đã liên tục cố gắng né tránh” các hạn chế của Hoa Kỳ đã áp đặt vào tháng 5.
Bộ Thương mại cho Reuters biết rằng các hành động mới, có hiệu lực ngay lập tức, sẽ ngăn chặn những nỗ lực của Huawei nhằm phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Một quan chức Bộ Thương mại nói với Reuters rằng các quy tắc mới này “chứng tỏ rõ rằng chúng tôi đang lật tẩy việc Huawei có thể đang tìm cách mua [các công nghệ Mỹ] từ một công ty thứ ba.”
Đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cho biết họ sẽ ngừng sản xuất chip điện thoại thông minh tiên tiến nhất của họ vào tháng 9 do các chế tài của Mỹ, gây nên “tổn thất to lớn.”
Áp lực của Mỹ đối với các nhà cung cấp của Huawei đã khiến bộ phận chip HiSilicon của công ty không thể tiếp tục sản xuất bộ chip, những linh kiện quan trọng cho điện thoại di động, Giám đốc điều hành Huawei Dư Thừa Đông phát biểu trên một diễn đàn công nghệ vào ngày thứ Sáu. Ông nói bộ chip Kirin 9000 cao cấp của công ty sẽ đình chỉ sản xuất từ ngày 15 tháng 9 do các chế tài của Mỹ.
Washington đã ngăn chặn Huawei tiếp cận nguồn cung cấp linh kiện và công nghệ ở Mỹ bao gồm nhạc của Google và các dịch vụ điện thoại thông minh khác vào năm ngoái.
Những hạn chế đó được siết chặt vào tháng 5 khi Nhà Trắng cấm các nhà cung cấp trên toàn thế giới sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất các linh kiện cho Huawei.
Công ty Sản xuất Thiết bị Bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất chip Kirin 9000 sử dụng thiết bị của Mỹ đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei kể từ tháng 5 vì lo ngại có thể bị ảnh hưởng.
“Điện thoại di động của Huawei không có nguồn cung cấp chip, điều này khiến lượng hàng của chúng tôi trong năm nay thấp hơn 240 triệu chiếc (xuất xưởng năm ngoái),” ông Dư nói. “Đây là tổn thất to lớn đối với chúng tôi.”
HiSilicon sản xuất nhiều loại chip, bao gồm cả dòng vi xử lý Kirin cho điện thoại thông minh Huawei và là vi xử lý Trung Quốc duy nhất có thể sánh ngang với Qualcomm về chất lượng.
“Huawei đã bắt đầu khám phá lĩnh vực chip hơn 10 năm trước, bắt đầu từ việc tụt hậu cực kỳ lớn đến tụt hậu một chút, rồi bắt kịp và sau đó là dẫn đầu. Chúng tôi đã đầu tư nguồn lực khổng lồ cho nghiên cứu-phát triển và đã trải qua một quá trình khó khăn” – ông Dư nói.
Lệnh cấm TikTok, WeChat của ông Trump “thổi bay” 100 tỷ USD chứng khoán TQ
Theo CNBC, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat trong vòng 45 ngày nữa, thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 7/8 chao đảo với việc hàng loạt cổ phiếu công ty công nghệ lao dốc.
Giá cổ phiếu SMIC, Xiaomi, ZTE và Alibaba lần lượt sụt giảm 8,7%, 3%, 2,58% và 3,04%. Tổng cộng, cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán đã bay hơi hơn 100 tỷ USD.
Giá trị vốn hóa thị trường của Tencent, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc và là công ty mẹ của WeChat, đã bốc hơi 45 tỷ USD. Đây là lần sụt giảm lớn nhất của Tencent kể từ tháng 10/2011. Đặc biệt, mảng kinh doanh game của Tencent được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi hãng này có thể đánh mất hoàn toàn thị trường game Mỹ.
Ông Trump nói ứng dụng WeChat của Tencent Holding, và ứng dụng TikTok của Bytedance là “những mối đe dọa đáng kể” đối với an ninh quốc gia. Lệnh hành pháp nói rằng Hoa Kỳ “phải có hành động tích cực chống lại các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta“.
Trung Quốc hôm 7/8 nói các công ty vừa kể tuân thủ các luật pháp và quy định của Mỹ, và cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ phải “nhận lãnh hậu quả” về hành động của họ.
“Hoa Kỳ đang viện cớ an ninh quốc gia và dùng quyền hành của nhà nước để ức chế các doanh nghiệp không phải của Mỹ. Đây là cách làm ăn của một nước bá chủ,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói tại một cuộc họp báo.
TikTok phủ nhận cáo buộc rằng công ty này Trung Quốc bị kiểm soát hoặc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi bị sốc vì sắc lệnh mới đây, được ban hành mà không qua các thủ tục pháp lý đúng đắn”, TikTok nói trong một tuyên bố hôm 7/8, và nói thêm rằng công ty này sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể để bảo đảm luật pháp không bị vứt bỏ.”
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đặt tên lửa châu Á – Mỹ „nhằm thẳng“ Bắc Kinh?
>>> Tập Cận Bình cùng âm mưu dùng “Tư bản nhà nước độc tài” để khống chế thế giới
>>> Belarus: Lukachenko cố duy trì độc tài – Putin cam kết yểm trợ