Vụ cảnh sát biển Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam làm dấy lên lo ngại về tác động của sự việc lên các mối quan hệ giữa các nước ASEAN – cũng như mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, theo SCMP.
Sự kiện xảy ra vào cuối ngày Chủ Nhật (16/8), sau khi lực lượng tuần duyên của Malaysia tìm cách kiểm tra hai chiếc thuyền của ngư dân Việt Nam được cho là đang đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía đông Kelantan thuộc Malaysia.
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Malaysia điều tra sự việc và bảo vệ quyền lợi của các ngư dân Việt đang bị phía Malaysia giam giữ.
Cơ quan Chấp pháp Biển Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency – MMEA) trong một tuyên bố nói rằng thủy thủ đoàn 19 người Việt đã tấn công tàu chấp pháp Malaysia bằng các vật cứng và các vật dễ bắt lửa, trước khi đâm lao vào tàu Malaysia.
MMEA nói vụ việc xảy ra tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan, buộc các nhân viên tuần duyên phải nổ súng tự vệ, khiến một người bị thương và sau tử vong.
Những người còn lại đã bị bắt giữ và sẽ bị điều tra về các tội khác nhau, gồm tội đánh bắt cá bất hợp pháp, xâm nhập bất hợp pháp và âm mưu giết người, tuyên bố của MMEA nói.
Giới chức cũng thu được khoảng bốn tấn cá trong khoang.
Truyền thông Malaysia nói vụ việc xảy ra lúc 4:45 chiều giờ địa phương, tại nơi cách đảo Mantanani của Malaysia 29 hải lý về phía tây bắc.
Hãng tin AFP dẫn lời người đứng đầu lực lượng tuần duyên Zubil Mat Som xác nhận hai tàu cá Việt Nam đã vào vùng biển Malaysia, nơi cách Tok Bali thuộc bang Kelantan ở vùng đông bắc Malaysia khoảng 80 hải lý vào cuối ngày Chủ Nhật.
Biển Đông là nơi nhiều nước trong khu vực tuyên bố chủ quyền, với những vùng chồng lấn lên nhau, dẫn đến tình trạng tranh chấp ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Tình trạng tàu cá Việt Nam bị giới chức một số nước như Thái Lan, Indonesia bắt giữ, các thuyền viên bị phạt tiền hoặc bị án tù không phải là điều hiếm xảy ra.
Tuy nhiên, cho tới tận gần đây, Malaysia vẫn thường chỉ xua đuổi các tàu cá nước ngoài mà họ cho là xâm nhập, đánh bắt trái phép trong vùng biển của Malaysia.
Chính sách này nay đã thay đổi, với việc Malaysia tuyên bố sẽ bắt giữ và bắt phạt thay vì chỉ đuổi đi như trước, người đứng đầu lực lượng tuần duyên Malaysia nói hồi cuối tháng Sáu.
Kể từ giữa tháng Ba tới nay, cùng với việc bùng phát Covid-19 là tình trạng gia tăng số lượng tàu cá Việt Nam bị phát hiện đi vào vùng biển Malaysia, tổng giám đốc MMEA Mohd Zubil Mat Som nói hôm 24/6.
Từ 19/3 đến thời điểm 24/6, ông nói đã có 88 trường hợp tàu cá Việt Nam, mà ông gọi là “cái gai thường xuyên đeo đẳng bên hông chúng ta“, bị giới chức Malaysia phát hiện.
Hôm thứ Hai cũng là ngày đầu tiên Biển Đông ‘mở’ trở lại sau khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc năm nay kết thúc.
Trung Quốc tuyên bố cấm các hoạt động đánh bắt cá trong ba tháng rưỡi, từ ngày 1/5 đến 16/8/2020 ở vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh nói tàu chấp pháp giám sát được tăng cường hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm trong thời gian đó.
Tiến sỹ Collin Koh, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng “Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn cộng đồng ngư dân của mình“.
“Đã từng có những cảnh báo trước khi dẫn đến sự cố nghiêm trọng, chết người này,” ông Koh nói.
‘Ảnh hưởng tiêu cực’ và ‘gây phân tâm’
Theo TS Koh, các sự cố như việc này, vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Malaysia-Việt Nam, vừa gây phân tâm trong khi có ‘cá lớn hơn cần phải rán’ – là Trung Quốc và các tranh chấp quyền lời của nước này trên Biển Đông.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vụ việc này cho thấy các nước Đông Nam Á cùng có yêu sách trên Biển Đông có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết với nhau.
Ông Koh nói: “Sẽ hữu ích hơn nếu những vấn đề nội bộ ASEAN được giải quyết đúng đắn để thúc đẩy hợp tác trên mặt trận Biển Đông trong tương lai.”
“Nếu không, nó sẽ chỉ góp phần vào tình hiện nay của ASEAN – một khối chứa đầy những khác biệt nội bộ của riêng mình, khiến khối này càng dễ bị tác động trước nỗ lực chia rẽ của Bắc Kinh.”
Bà Hoo Chiew Ping thuộc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia cho rằng: “Đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không báo cáo là một trong những lý do tại sao Malaysia chậm trong việc quản lý an ninh hàng hải khu vực.
“Điều quan trọng đối với các nước Đông Nam Á là giải quyết các tranh chấp ngư trường theo phương thức song phương hoặc đa phương nếu khu vực này có nhiều bên tranh chấp. Việt Nam và Malaysia có thể áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn bằng cách đàm phán song phương với nhau để giải quyết vấn đề đánh bắt cá“, bà nói.
Thomas Daniel, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia, nói rằng các tàu Việt Nam đang bị các đội tàu đánh cá và tàu thực thi của Trung Quốc “đẩy về phía nam” cũng như do thiếu nguồn cá tại các ngư trường truyền thống của nước này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại trước thông tin Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia truy đuổi tàu cá Việt Nam và làm 1 ngư dân thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 17/8 cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia để xác minh, làm rõ vụ việc.
Theo thông tin ban đầu từ phía Malaysia, ngày 16/8, tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan (Malaysia) đã xảy ra một vụ va chạm giữa Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia và hai tàu cá Việt Nam làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng.
Hai tàu cá cùng các ngư dân còn lại đang bị phía Malaysia tạm giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Malaysia.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về vụ việc nghiêm trọng này, yêu cầu phía Malaysia xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân và tàu cá Việt Nam.
“Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếp tục làm việc và yêu cầu các cơ quan chức năng của Malaysia cung cấp thông tin cụ thể về vụ việc, thu xếp thăm lãnh sự các ngư dân và tiến hành các biện pháp bảo hộ đối với ngư dân thiệt mạng”, người phát ngôn cho biết.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong nước xác minh nhân thân các ngư dân và nắm thêm thông tin về vụ việc để có cơ sở đấu tranh với các sai phạm và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
‘Biển Đông đầy rẫy nạn đánh cá bất hợp pháp’
“Chỉ mới tháng Chín năm ngoái đã có một cuộc đối đầu giữa các tàu tuần tra của Malaysia và Việt Nam ngoài khơi Terengganu. Cũng nên nhớ lại rằng [Hà Nội] vẫn đang cố gắng để Liên minh Châu Âu gỡ thẻ vàng cho hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát“.
Nước láng giềng Thái Lan cũng bị ảnh hưởng, TS Koh cho biết, với hàng loạt báo cáo gần đây về việc lực lượng tuần duyên Thái Lan bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam.
Biển Đông đầy rẫy nạn đánh bắt bất hợp pháp, và Việt Nam và Trung Quốc – với ngành đánh bắt phát triển hơn- được cho là những nước đóng vai trò chính.
Việt Nam là một trong những nước từ lâu phải chịu đựng lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc. Một tàu cá Việt Nam từng bị đâm chìm hồi tháng 4 sau khi va chạm với tàu tuần duyên Trung Quốc.
Một điểm gây tranh cãi khác là lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trên vĩ tuyến 12 – bao gồm các khu vực gần bãi cạn Scarborough, quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ – mà ngư dân Việt Nam và Philippines cho rằng không nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc.
Bắc Kinh nói rằng lệnh cấm, bắt đầu từ ngày 1/5 và kết thúc vào 16/8 vừa qua, là cần thiết để duy trì trữ lượng cá và hải sản.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, nói rằng họ có các quyền lịch sử đối với các thực thể trên cạn và vùng biển ở khu vực này. Nhưng một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei nói rằng những yêu sách của Bắc Kinh trái với Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Malaysia cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ không nhân nhượng khi đối mặt với “những hành động quá khích” của ngư dân nước ngoài, và rằng họ đã bắt giữ 43 tàu đánh cá nước ngoài và 487 người Việt Nam kể từ ngày 24/6/2020.
Malaysia bắt 7 tàu cá Việt Nam sau vụ bắn chết ngư dân trên biển
Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia hôm 18-8-2020 thông báo cho biết, cơ quan này đã bắt tổng cộng 9 tàu cá cùng với 111 ngư dân Việt Nam chỉ trong 3 ngày bao gồm cả 2 chiếc vào ngày 16 và 17-8 trong vụ đụng độ khiến 1 người Việt tử vong.
Giám đốc Cơ quan thực thi pháp luật trên biển bang Pahang, Đô đốc Haji Amran bin Haji Daud cho biết, 7 tàu cá Việt Nam bị bắt vào ngày 16-8 vừa qua, trong khi đó, có thêm 2 tàu đánh cá cũng của Việt Nam bị bắt vào tối 17-8.
Theo ông này, tất cả những chiếc tàu cá bị bắt giữ tại khu vực cách Kuala Kemaman từ 68-147 hải lý. 111 người này có độ tuổi từ 17 đến 55 tuổi.
Số tàu và hải sản bị Malaysia thu giữ lần này có giá trị lên đến 10 triệu Ringgit (khoảng 55 tỷ đồng) không bao gồm chiếc tàu cá bị chìm.
Theo Đô đốc Haji Amran bin Haji Daud, phía ông cho rằng có 4/9 tàu cá có sơn số hiệu đăng ký ở địa phương nhằm che mắt chính quyền và tránh bị bắt giữ.
Ngoài ra, phía Malaysia cáo buộc ngư dân Việt Nam tự phá hoại một tàu cá mang số hiệu KG 91518 TS khiến chiếc này bị chìm cách Kuala Kemaman 30 hải lý, may mắn là 3 thành viên của cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia cùng các ngư dân được giải cứu thành công.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Belarus – viễn cảnh khi Ba Đình sụp đổ
>>> Lừa gần triệu đô bên Mỹ – bắt khẩn công dân Việt Nam
>>> Bắc Triều Tiên: Mặc dân đói khát – Đảng vẫn chế tên lửa hạt nhân