Vương Nghị ‘tay trắng’ sau chuyến công du châu Âu

https://youtu.be/kxHRbw16H5M
Link Video: https://youtu.be/kxHRbw16H5M

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới kết thức chuyến công du 8 ngày từ 25/08 đến 01/09 tại 5 nước châu Âu là Ý, Na Uy, Hà Lan, Pháp và Đức. Truyền thông quốc tế đã đưa ra cùng một nhận định là nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã thất bại trong việc ‘quyến rũ’ châu Âu trong chuyến đi này.

Đây là chuyến công du đầu tiên của một quan chức cấp cao của Trung Quốc kể từ ngày dịch COVID-19 bùng lên tại Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan rộng ra thế giới.

Và cũng từ đại dịch COVID-19 mà thế giới đã có cơ hội để hiểu rõ bản chất của chính quyền cộng sản Trung Quốc và đặc biệt là các nước phương Tây đã rất bất bình trước những gì người khổng lồ châu Á đã làm kể từ khi virus corana bắt đầu khởi phát tại nước này cũng như việc giới chức Trung Quốc tranh thủ cơ hội để chứng tỏ tính ưu việt của mô hình cộng sản bằng việc tuyên truyền không đúng sự thật về tình hình tại các nước phương Tây hay theo đuổi đường lối ngoại giao ‘chiến lang’ đầy lỗ mãng.

Chuyến đi cũng được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức xấu nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Hai cường quốc hàng đầu thế giới đang đối đầu nhau trên tất cả các mặt trận từ quân sự, kinh tế, ngoại giao, công nghệ đến văn hóa. Tất cả các hồ sơ vốn bị bế tắc từ nhiều năm qua đều trở nên nóng bỏng trong thời gian này từ Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương đến cuộc chiến ngoại giao ăn miếng trả miếng quyết liệt giữa hai nước hay cuộc chiến 5G mà tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc Huawei đã trở thành con dê tế thần, hứng chịu trừng phạt của Mỹ và sự tẩy chay của hàng loạt quốc gia trong thời gian gần đây.

Và trước khi ông Vương Nghị đặt chân tới châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã thực hiện một vòng công du tương tự với mục tiêu được giới quan sát đánh giá là tìm kiếm một liên minh chống Trung Quốc.

Ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng người đồng cấp Ý Luigi Di Maio tại thủ đô Rome hôm 25/08, Ý được chọn là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương trong chuyến công du châu Âu lần này

Vì vậy mà chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc mang nhiều trọng trách nặng nề cho quốc gia mình.

Chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Vương Nghị có nhiệm vụ là làm sao giảm thiểu các thiệt hại hình ảnh của một nước Trung Quốc đang bị nghi ngờ về trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch COVID- 19, bị lên án về việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông hay về chính sách truy bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Một mục tiêu quan trọng hơn nữa của chuyến đi là hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu, nói cách khác là Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn, tránh việc lập trường cứng rắn của Mỹ vượt Đại Tây Dương lan qua châu Âu.

Trung Quốc còn xem chuyến đi châu Âu này là cơ hội để cổ vũ cho chủ nghĩa đa phương nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới, chống lại xu hướng đơn phương mà nước Mỹ của Donald Trump theo đuổi suốt nhiệm kì qua.

Các cuộc gặp trong chuyến công du này của ông Vương Nghi cũng là dịp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo châu Âu và ông Tập Cận Bình vào giữa tháng 09, xoay quanh một hiệp định thương mại giữa Liên Âu và cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Thế nhưng, khi mà chuyến đi của ông Vương Nghị mới bắt đầu thì đã nhìn thấy một thất bại hiển hiện trước mắt – đó là chuyến thăm Đài Bắc của một quan chức Cộng hòa Séc đánh dấu sự bất lực của Trung Quốc tại Trung Âu.

Ảnh: Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil đọc diễn văn tại Nghị Viện Đài Loan, ngày 01/09/2020

Chủ tịch Thượng Viện Séc, ông Milos Vystrcil đã đi thăm Đài Loan 6 ngày từ 30/08 đến 04/09 bất chấp sự phản đối của Tổng thống Séc Milos Zeman và Thủ tướng Andrej Babis, những nhà lãnh đạo nổi tiếng thân Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong lúc đang công du châu Âu đã đe dọa ông Vystrcil « sẽ phải trả giá rất đắt ». Ông Vương Nghị tuyên bố Cộng hòa Séc sẽ phải những đòn trả đũa dữ dội từ phía Bắc Kinh “vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Thế nhưng, thái độ ngạo mạn của đại diện ngành ngoại giao Trung Quốc với Cộng hòa Séc đã nhận được sự phản ứng bất ngờ từ chính quốc gia châu Âu nổi tiếng về thái độ mềm mỏng với Trung Quốc – đó là Đức.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã trực tiếp đáp trả đồng nhiệm Trung Quốc rằng: “Chúng tôi, người châu Âu, luôn hành động trong sự hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi luôn dành cho các đối tác sự tôn trọng và chúng tôi cũng chờ đợi họ làm điều tương tự.” Và ông Heiko Maas kết luận: “Những lời đe dọa như vậy không có chỗ ở đây.”

Trước nay, trong quan hệ với Trung Quốc, Đức luôn ưu tiên phát triển giao thương mà đặt nhẹ các vấn đề nhân quyền, với hy vọng là qua đó có thể thúc đẩy Trung Quốc mở cửa rộng hơn về thương mại cũng như chính trị.

Thế nhưng chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, việc gia tăng bóp nghẹt Hồng Kông hay những nỗ lực phá hoại sự đoàn kết của Liên minh châu Âu trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến cho Berlin nghĩ rằng chiến lược của mình không hiệu quả, thậm chí còn đẩy chủ quyền kinh tế chính trị của Đức vào vòng nguy hiểm.

Cuộc gặp giữa hai người đứng đầu ngành ngoại giao của Đức và Trung Quốc đã cho thấy cường quốc hàng đầu của Liên minh châu Âu và hiện là chủ tịch luân phiên của khối này trong năm 2020 đã giảm mạnh sự thân thiện với cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đến từ châu Á.

Ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Đức Heiko Maas họp báo tại Berlin, ngày 01/09/2020

Động thái ve vãn của ông Vương Nghị đã liên tiếp bị đại diện từ Đức gạt đi một cách phũ phàng.

Thái đô nghi kỵ của Berlin đối với Bắc Kinh đã được Ngoại trưởng Đức biểu lộ trên một hồ sơ mà Bắc Kinh rất mong muốn thúc đẩy – là Ký kết một thỏa thuận bảo vệ đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc. Với một thái độ lạc quan được ông Vương Nghị phô trương về triển vọng Liên Âu và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về bảo vệ đầu tư vào cuối năm thì bị Ngoại trưởng Đức giội gáo nước lạnh khi nhấn mạnh: “Hai bên còn cần phải xích lại gần nhau hơn nữa.”

Tại Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã nhắc lại quan điểm chống Mỹ và bày tỏ mong muốn về một “quan hệ tốt hơn, ổn định và chính chắn hơn với Liên minh châu Âu” cũng như việc tăng cường hợp tác song phương Đức – Trung Quốc. Trên vấn đề này, ông Heiko Maas không ngần ngại trả lời rằng Liên minh châu Âu sẽ không cho phép mình “trở thành món đồ chơi trong cuộc tranh đua đại cường quốc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

Gợi lại vấn đề tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia vào hệ thống 5G ở Đức, vốn vẫn chưa quyết định dứt khoát, Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh rằng châu Âu không nên “lệ thuộc vào cả phía Tây cũng như phía Đông”.

Ngoài lời lên án Trung Quốc đe dọa chính khách Cộng hòa Séc dẫn đầu phái đoàn đến Đài Loan, Ngoại trưởng Heiko Maas còn thúc giục Trung Quốc thay đổi cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cho rằng sẽ rất “hoan nghênh nếu Trung Quốc cho quan sát viên Liên Hiệp Quốc đến các trại” ở vùng tự trị này, các trại mà Bắc Kinh gọi là huấn nghệ, nhưng bị cộng đồng quốc tế coi là trại giam.

Không chỉ tại Đức, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu mà ở các quốc gia châu Âu khác, hồ sơ Hồng Kông và Tân Cương cũng được giới lãnh đạo phương Tây thẳng thắn đề cập đến.

Tại Ý, nước G7 duy nhất đã đồng ý tham gia Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, Ngoại trưởng Luigi di Maio, một người được biết đến là rất có thiện cảm với Bắc Kinh, đã mô tả cuộc gặp như “rất có kết quả” và nêu ý định khởi động lại công cuộc đối tác chiến lược và kinh tế với Trung Quốc. Thế nhưng, ông cũng nói thêm là các vấn đề tự trị, tự do và các quyền của người Hồng Kông phải được tôn trọng.

Các quan ngại về nhân quyền bám theo ông Vương Nghị đến Hà Lan, nơi Ngoại trưởng Stef Blok cũng nêu lên vấn đề Hồng Kông và chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.

Tại Pháp, mặc dù được cả nguyên thủ đón tiếp nồng nhiệt nhưng Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nêu lên vấn đề Hồng Kông và Tân Cương với ông Vương Nghị.

Biết chắc không thể thuyết phục được châu Âu về hai hồ sơ nhạy cảm này, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc chỉ biết sử dụng lập luận đối phó thường thấy, đó là khẳng định đây là vấn đề « an ninh và công việc nội bộ của Trung Quốc ».

Trong nỗ lực níu kéo châu Âu lại gần, ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, tuần này, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lên đường sang thăm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Dằn mặt” Việt Nam và Asian – Trung Quốc đòi loại Mỹ trên Biển Đông

>>> Thủ tướng Đức nói Navalny – đối thủ của Putin bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok

>>> Dẹp ổ gián điệp Trung Quốc – Mỹ “đuổi sạch” Viện Khổng Tử

https://www.youtube.com/watch?v=tbF9LJjws8A
“Dằn mặt” VN – TQ đòi loại Mỹ trên Biển Đông

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT