Phán quyết hôm 14-9 của Tòa án Hà nội với 29 dân làng Đồng Tâm đã gây nên một cơn chấn động đối với toàn dân Việt nam và chắc chắn nó sẽ đi vào lịch sử dân tộc để ghi dấu sự man rợ của ĐCS VN đã lên ngôi.
Đảng cộng sản VN đã làm khơi lại hình phạt “tru di tam tộc” tàn bạo nhất tưởng đã chôn vùi trong lịch sử phong kiến Việt nam hàng trăm năm trước.
Sau khi hành quyết người Đảng viên già Lê Đình Kình, thì các con các cháu ông lại phải nhận thêm 2 án tử hình và một án chung thân. Trong khi đó ai cũng biết rằng, cụ Kình trước khi chết vẫn còn một lòng tin tưởng vào Đảng và ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bi kịch và căm phẫn đến tột cùng.
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu, dây thép gai dẫm nát trời chiều” câu thơ đầy hình tượng của Nguyễn Đình Thi viết cách đây nửa thế kỷ nay bỗng hiện lên rõ nét.
Thế nhưng như nhà báo Nguyễn Hữu Sự đã nói : “Người dân Việt Nam chẳng mấy người dám lên tiếng trước một rừng còng số 8 và một rừng lưỡi lê. Và rất có thể tới đây, máu của những người dân Đồng Tâm này sẽ tiếp tục trát đỏ lòm gương mặt của chế độ. Còng số 8 có thể còng tay bất cứ một người dân nào dám lên tiếng về vụ án này. Nhưng không ai có thể còng tay được lịch sử.”
Trong vô số những bài viết về sự kiện này, Blogger Người Buôn Gió có bài viết đầy tính tự sự mang tựa đề “Đồng tâm, nỗi đau để lại”, nội dung như sau:
Vụ án Đồng Tâm tạo nên bao cảm xúc đau thương, căm phẫn từ cả hai bên. Chưa bao giờ có một vụ án mà cảm xúc của dân chúng phân làm hai thái cực như vậy. Đây là một điều bất hạnh của dân tộc, nó sẽ còn ám ảnh dân tộc Việt Nam trong nhiều thế hệ nữa, một bài học đau đớn, một khoảnh khắc đen tối, một vết thương sâu hoắm chém vào lòng dân tộc Việt này. Nó sẽ nhức nhối cả trăm năm nữa.
Nếu bạn là một nhà văn, một nhà báo, một nhà lịch sử, văn hoá hay xã hội học. Ngày hôm nay bạn không thể hiện điều gì trước những gì xảy ra ở Đồng Tâm. Bạn sẽ chẳng là gì cả, con cháu bạn sau này khi xem lại vụ án Đồng Tâm, nó sẽ hỏi bạn có thể hiện gì khi đó ?
Con của bạn sẽ nói dối với cháu nội của bạn rằng – lúc đó ông nội, bà nội, ông ngoại…đang công tác, du lich, làm ăn ở đâu đó, không biết gì ?
Vì bạn mà con bạn nói dối cháu nội của bạn, để tránh cho bạn tiếng hèn nhát của kẻ sĩ thời cộng sản cai trị. Thế cũng nhục, nhưng nhục thế còn đỡ hơn nếu bạn là người viết không khách quan, viết để phục vụ cái sai trái của kẻ cầm quyền gây ra.
Tôi không phải là người viết chuyên nghiệp, trời cho tôi một đam mê là viết, có thể ngôn từ, cấu trúc, ý tứ của tôi thể hiện không được chuốt chải như người khác. Viết hôm nay, chỉ đơn giản sau này cháu nội tôi có khi nào đó, tìm hiểu cội nguồn, gặp vụ án Đồng Tâm, cháu tôi thấy ông nội nó ngày đó đã thể hiện quan điểm gì.
Bài này tôi viết về những liệt sĩ, gia đình những liệt sĩ đã hy sinh ở Đồng Tâm (đặt giả thiết họ chết thật).
Thiên hạ nghĩ gì về những hy sinh anh hùng, lịch sử đánh giá thế nào về những anh hùng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là những anh hùng hy sinh bảo vệ tổ quốc, chống sự xâm lăng của kẻ thù từ nước khác đến. Sau nữa là những anh hùng dũng cảm trước những tên tội phạm nguy hiểm giết người, cướp của…rồi kế đến là những anh hùng hy sinh để cứu tính mạng đồng đội, người dân trong thiên tai, trong tai nạn.
Có thứ anh hùng nào trong đoàn quân mấy nghìn lính tinh nhuệ, trang bị tận răng, có kế hoạch bài bản xông vào một ngôi làng trên chính đất nước của mình, xả súng tấn công người dân, rồi 3 người lính bị dân hạ chết thảm thương, thành anh hùng không ?
Anh hùng lấy ít chọi nhiều, anh hùng trong khoảnh khắc gian nan vượt lên hoàn cảnh, một cách phi thường thế mới gọi là anh hùng.
Anh hùng mấy nghìn quân, trang bị, kế hoạch chiến đấu chuẩn bị kỹ từ những chỉ huy mang hàm giáo sư, tiến sĩ đi tấn công những người nông dân toàn ông già, phụ nữ rồi bất cẩn chết mà thành anh hùng. Như thế hỏi có thấy xứng đáng cái danh hiệu đó không?
29 người nông dân bao gồm cả ông già lẫn phụ nữ bị bắt bởi ít nhất 3 nghìn lính chiến chuyên nghiệp. Một chọi một trăm, bên súng tiểu liên, bên dao gậy thô sơ. Nếu có thật trận giao tranh như thế, khách quan mà nói, những ai là anh hùng?
Những thân nhân của gia đình ba người sĩ quan chết ở Đồng Tâm kia, họ sẽ tự hào với nhân dân cái chết của thân nhân họ được bao nhiêu lâu?
Người ta nói có vẻ xót xa nhưng pha lẫn tự hào, rằng người thân của họ hy sinh ở Lào Cai, Lạng Sơn năm 79, hy sinh ở biên giới Tây Nam…người nghe sẽ ngậm ngùi đồng cảm.
Nhưng nếu kể người thân của tôi hy sinh anh dũng ở Đồng Tâm, địa danh cách thủ đô Hà Nội vài chục cây số vào thời ổn định, hoà bình. Chắc chắn người nghe sẽ ớ người hỏi.
– Ơ, ông, anh, bác ấy hy sinh như thế nào? Đánh nhau với ai? Đánh thế nào mà được phong anh hùng?
Bạn sẽ trả lời là.
– Có một đám khủng bố, một đám nổi dậy, một đám định lật đổ chế độ..
Người ta sẽ hỏi đám đấy là ai, chúng như thế nào….chắc chắn sẽ là thế, vì danh xưng anh hùng và cụm từ khủng bố kích thích trí tò mò của người đời lắm, chả thế mà phim hành động Mỹ luôn được đón xem.
Bạn càng tô vẽ kẻ địch thêm bao nhiêu càng khiến người ta tò mò bấy nhiêu, rồi họ sẽ ngạc nhiên và đi tìm hiểu. Nếu họ hỏi những người xung quanh để biết thêm, tỉ lệ may mắn cho bạn chỉ có 10% là nhiều, đó là họ hỏi bọn tổ trưởng dân phố, bọn bí thư khu phố, bọn đoàn viên. Còn 90% họ gặp phải những người dân thường, những người ấy sẽ trả lời ráo hoảnh.
Ôi giời, khủng bố, lật đổ mẹ gì đâu. Có mấy người nông dân bị chính quyền cướp đất để làm đất thương mại, giả danh nghĩa đất quốc phòng để cướp, dân người ta không chịu, đưa mấy nghìn quân vào trấn áp, thế là ngã xuống hố chết. Chuyện thực sự có thế thôi.
Thưa các bạn ở cả hai luồng dư luận trong vụ Đồng Tâm, có bạn nào chú ý đến nỗi đau của thân nhân những người sĩ quan đã chết tại Đồng Tâm không?
Nếu bạn chú ý đến, các bạn sẽ thấy chính họ cũng đau đớn, uất hận muôn vàn. Cái danh anh hùng được chủ tịch nước truy tặng cho thân nhân của họ, nó chính là dấu vết để người đời thắc mắc về cái chết của thân nhân họ nhiều hơn.
Thà không có cái danh hiệu ấy, chỉ đơn giản hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Phong tặng liệt sĩ là xong.
Chứ phong anh hùng chuyện thành to lắm, chuyện ấy kéo dài cả mấy đời người ta còn nhắc đến.
Mà dân ta thích nghe chuyện anh hùng, có việc gì họ lại muốn nghe một cách hào hứng. Liệu thân nhân ba chiến sĩ chết ở Đồng Tâm kia họ có hào hùng được, khi kể về cái chết của thân nhân họ không?
Việc phong anh hùng của chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo đề xuất của bộ trưởng Tô Lâm, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầy vội vã là nhằm mục đích che dấu những sai phạm của những kẻ lãnh đạo cao cấp , những kẻ ngu dốt về chiến lược, chiến thuật, những kẻ độc tôn. Chúng lấy danh hiệu anh hùng để bịt miệng mọi thắc mắc về cuộc đàn áp đầy ngu xuẩn do chúng chỉ đạo.
Hành động phong anh hùng cho những sĩ quan bị chết ở Đồng Tâm của Bộ Chính Trị Việt Nam sẽ không làm giảm nỗi đau cho thân nhân những người sĩ quan bị chết. Trái lại nó là một thứ xiềng xích, một vết đau nhức nhối không bao giờ lành trong lòng thân nhân của người đã chết.
Rồi sau này những thân nhân người đã chết ấy, họ có lẽ chẳng mang cái danh hiệu anh hùng ấy ra làm gì, vì càng mang ra người ta càng hỏi, càng hỏi người ta càng thấy sự thật trớ trêu. Chưa kể cái chết khuất tất đến nỗi nhiều người còn nói là giả mạo. Người ta đàm tiếu, dị nghị, người ta bàn bạc, mổ xẻ đủ mọi góc độ.
Nỗi đau của thân nhân 3 sĩ quan chết ở Đồng Tâm không chỉ là nỗi đau mất đi vĩnh viễn người thân, nỗi đau như thế chỉ kéo dài chục năm, nhưng nỗi đau khắc khoải và dai dẳng nhất là nỗi đau về cái cách mà người thân họ đã mất đi thế nào.
Nó khắc khoải và kéo dài, bởi cách mà họ đã chết như thế nào, cái đó thuộc về lịch sử.” Blogger Người Buôn Gió đưa ra nhận định.
Ở một góc tự sự khác Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra câu hỏi “AI CÓ QUYỀN MIỄN NHIỄM VỚI BẤT CÔNG” với những liên tưởng đến nhiều vụ án nổi bật gần đây.
Đôi khi, nghe thấy sự bất công, chúng ta cứ nghĩ là chuyện của thiên hạ. Có thể ở Văn Giang, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Đồng Tâm … nhưng chẳng phải là nhà mình. Có thể là những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải … nhưng sẽ chẳng bao giờ là chúng ta, những người chẳng làm gì sai trái, những người không tranh chấp gì với ai, những người sống tôn trọng luật pháp, những người biết lẽ phải và lương thiện …
Những người dân Vườn Rau Lộc Hưng chỉ biết kính Chúa, yêu rau chắc đã có những lúc nghĩ như vậy cho đến khi máy xúc xuất hiện trước cửa, cào nát ngôi nhà của họ thành đống gạch vụn trong chốc lát.
Những người dân Thủ Thiêm đã có lúc liều mình nuôi dấu cán bộ, góp tay “giải phóng miền Nam” cũng đã có lúc nghĩ thế, cho đến khi bị cưỡng chế, tài sản vứt ra cửa, người xô ra vỉa hè để bắt đầu cuộc sống màn trời chiếu đất.
Nhiều lắm, những người dân ở Văn Giang, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Đồng Tâm … cũng đã từng thờ ơ, không nghĩ bất công sẽ đến với mình cho đến khi chúng xộc đến.
Những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải … thì lại chưa từng có tranh chấp gì với ai. Nhưng rủi thay, tên của họ lại “lọt mắt xanh” của cơ quan điều tra để bù trừ cho sự bất lực của họ, để thế thân cho thủ phạm đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ở Hà Nội, bạn có thể đi dọc theo lề đường Ngô Thì Nhậm, nơi dân oan vẫn còn tin rằng bất công của họ sẽ được gỡ bỏ. Họ sẽ kể cho bạn nghe đã nghĩ gì về bất công trước khi điều đó đổ ập xuống số phận của họ.
Bạn đã có từng thấy những hình ảnh người mặc cảnh phục giăng biểu ngữ trên phố đòi công lý ? Bạn có từng xem clip chiến sĩ công an nhờ cộng đồng lên tiếng vì bất công ? Chưa hết, nếu bạn còn nhớ đến người đã leo đến tột đỉnh danh vọng, là ủy viên bộ chính trị, là bộ trưởng … ước mong : “Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người” thì xem ra, chức vụ tột đỉnh cũng không thể cứu ông ấy thoát bất công khi phải tham gia tố tụng ?
Cho thấy, bất công như con thú phàm ăn, nó không từ một ai cả. Sau người dân đen, thì nó đã “đánh chén” cả những thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ chỉ biết một lòng một dạ “còn đảng, còn mình” và đến cả người leo đến gần hết bậc danh vọng.
Hãy nhìn gương Đồng Tâm, hãy nhìn gương cụ Kình mà tự ngẫm về thân thế của bạn. Bạn có đã từng là công thần xây dựng nên chế độ? Bạn có đã từng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt một địa phương? Bạn có tuổi đảng lên đến gần sáu thập niên? Nếu người có thân thế như thế mà còn là biểu tượng bi thảm của bất công, thì bạn nghĩ mình là ai mà được quyền miễn nhiễm với bất công đang chực chờ đầy rẫy ngoài kia?
Bất công có thể đến với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, chỉ có điều, đừng ngây thơ nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm khi nó ập xuống số phận. Cuộc sống có nhiều lựa chọn, nhưng để lựa chọn đúng, thì đừng bao giờ quên tấm gương ông cụ đất Đồng Tâm, đừng bao giờ.” Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ Đồng Tâm: Báo Đức đặt câu hỏi về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình
>>> Đồng Tâm – tội ác của Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng Sản Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT