Đại hội 13 sẽ diễn ra trong 4 tháng tới, cuộc đua vào tam hay tứ trụ càng ngày càng gay cấn. Vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và là vị trí đỉnh cao quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện đang có 3 ứng cử viên sáng giá mà dư luận thường gọi là cuộc đua tam mã giữa Thường trực Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam – Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, Đại học New South Wales, đưa ra phân tích rằng ông Trần Quốc Vượng là ứng cử viên nổi bật nhất cho chức Tổng Bí thư Đảng.
Giáo sư Carl Thayer phân tích: “Ông ấy có bề dày kinh nghiệm qua thời gian công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan Đảng, gồm Chánh văn phòng Trung ương Đảng (2011), Ủy viên Ban Bí thư (tháng 5/2013) và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2016). Việc ông được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư vào tháng 3/2018 đã đưa ông trở thành nhân vật cấp cao trong hệ thống tôn ti trật tự của Đảng.”
Hơn nữa, theo truyền thống bất thành văn trong chính trị Việt Nam là vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng thường giao cho người miền bắc, nên yếu tố ông Vượng có quê ở Thái Bình được coi là “một điểm cộng”.
Về lý thuyết, ông Trần Quốc Vượng, năm nay 67 tuổi, đã quá tuổi để tiếp tục đứng trong Bộ Chính trị có vai trò đầu não của Đảng trong khóa tới. Mặc dù vậy, giáo sư Thayer chỉ ra rằng ông Vượng có phần chắc sẽ được Trung ương Đảng công nhận là trường hợp “ngoại lệ đặc biệt” theo một quy định hồi tháng 02/2020 của đảng.
Hơn nữa, ông Trần Quốc Vượng còn là cánh tay phải của ông Trọng, đương kim Tổng bí thư – Chủ tịch nước và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ ông Trọng.
David Hutt, nhà quan sát chính trị Việt Nam cũng dự đoán là ông Vượng sẽ ngồi ghế lãnh đạo Đảng nếu hệ thống “tứ trụ” tái diễn.
Tuy nhiên nếu có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa người đứng đầu đảng và người đứng đầu nhà nước thì đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ kép này một phần bởi vì ông có nhiều kinh nghiệm hơn ông Vượng trên chính trường thế giới.
David Hutt nhận định: “Ông Phúc đã cải thiện đáng kể năng lực của Việt Nam trong bốn năm qua và đã giành được nhiều lời khen vì đã xử lý được đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp tử vong nào cho đến cuối tháng 7.”
Nguồn tin đề nghị ẩn danh lại tiết lộ với VOA rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn tại vị thêm một nửa nhiệm kỳ, khoảng 2 năm, để phòng ngừa xung đột quyền lực trong nội bộ đảng. Nguồn tin đưa ra lý giải: “Theo kế hoạch trước Đại hội thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nhường ghế cho ông Trần Quốc Vượng, đồng thời giao Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an cho ông Vượng. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chấp nhận điều này. Do đó, ông Phúc đã chiêu dụ nhiều tướng lĩnh công an nhằm làm yếu thế ông Vượng trước Đại hội. Do đó, ông Trọng sẽ phải ngồi lại để tránh cho việc ông Vượng bị thôn tính mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến an toàn của ông Trọng sau khi rời chức.”
Học giả Hutt nhận định nếu “ông Phúc và ông Vượng bị coi là quá chia rẽ” thì đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân sẽ là một phương án cho chức vụ tối cao.
Ông lập luận:
Một ứng cử viên khác cho ghế tổng bí thư là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chính trị lớn trong lịch sử gần đây của Việt Nam.
Là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016, bà Ngân nằm trong cái gọi là “tứ trụ” mặc dù ghế này thường được coi là ít quyền lực và có ý nghĩa nhất trong bốn chức vụ.
Mặc dù bà Ngân được cho là đang tham gia cuộc đua nhưng có ý kiến cho rằng Đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư. Thật vậy, về vấn đề này, Việt Nam tụt hậu 6 năm so với nước láng giềng cộng sản Lào, nơi bà Pany Yathotou được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội Lào vào năm 2010, trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt được một vị trí quyền lực ở Viêng Chăn.
Tuy nhiên, không nên xóa bỏ khả năng Đảng sẽ có lãnh đạo là nữ. Về mặt kỹ thuật, bà Ngân đứng thứ hai trong Bộ Chính trị, sau ông Trọng, và bà là một trong số ít thành viên đã ngồi trong cơ quan chính trị chóp bu này trong hai nhiệm kỳ, nói chung là điều kiện tiên quyết cho ghế lãnh đạo Đảng.
Hơn nữa, chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.
Ông David Hutt mô tả ở bà Ngân hơi thiếu điều ông gọi là “hấp lực chính trị” mà nó có thể vừa là điểm yếu lại vừa có thể là lợi thế của bà.
Ông nhận định: “Không rõ là bà ngồi ở đâu trong cỗ máy của Đảng. Bà có phải là một nhà kỹ trị như ông Phúc, với mục tiêu là nâng cao năng lực của chính phủ? Hay bà thuộc phe nặng về tư tưởng của ông Trọng, vốn bị ám ảnh bởi việc tái khẳng định giá trị “đạo đức” và nền tảng tư tưởng của Đảng? Liệu bà có phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, người muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Washington để bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông khỏi âm mưu bành trướng của Bắc Kinh? Hay là bà ngả về phe thực dụng trong cuộc tranh luận khi muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng với Bắc Kinh và đi dây giữa các siêu cường? Nhưng vì bà không được coi là ngả về phe nào trong bối cảnh Đảng có khuynh hướng khác nhau, nên bà có thể sẽ trở thành một ứng cử viên lý tưởng nếu người ta coi cân bằng lợi ích là là cách tốt nhất.”
Tuy nhiên, theo tác giả, bà Ngân vẫn xếp hàng sau ông Phúc và ông Vượng. Tác giả phân tích: “Vấn đề không hẳn ở chỗ bà là nữ (mặc dù đối với một số người thì có là vấn đề), mà là vì bà thiếu kinh nghiệm hành chính và chính sách đối ngoại của ông Phúc cũng như sự hậu thuẫn từ người thầy đầy quyền uy dành cho ông Vượng. Việc bà là người miền Nam và chức vụ Tổng Bí thư hầu như luôn thuộc về người miền Bắc (như ông Vượng), cũng là điểm bất lợi cho bà… Ông Phúc, người gốc miền Trung, ít gây tranh cãi hơn…”
Nếu bà Ngân không nhận được chức Tổng bí thư vào kỳ chuyển giao quyền lực tới, tác giả cho rằng bà sẽ được dự kiến sẽ rời Bộ Chính trị vào năm tới.
Một dự đoán nhận được nhiều sự đồng tình của các nhà quan sát Việt Nam là Việt Nam sẽ lại có một nữ Chủ tịch Quốc hội “để thực hiện cam kết rõ ràng của Đảng về sự bình đẳng hơn”.
Giáo sư Carl Thayer dự đoán bà Trương Thị Mai sẽ là Chủ tịch Quốc hội vào năm sau dựa trên hai cơ sở.
“Thứ nhất, bà Mai được xem là có đủ phẩm chất nhất trong số các ứng cử viên đạt tiêu chuẩn. Bà có bằng cử nhân luật và bằng thạc sĩ quản trị công, là đại biểu quốc hội từ khóa 10 (năm 1997) cho đến khóa 13 (2016) và được bầu vào Trung ương Đảng năm 2011. Thứ hai, bà là phụ nữ duy nhất còn lại trong số các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm.”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS – Yusof Ishak, Singapore, đã viết vào tháng 05 rằng người kế nhiệm của bà Ngân có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ông Hiệp dự đoán rằng nếu Đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính thì ông Chính có cơ hội tốt hơn.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ Đồng Tâm: Báo Đức đặt câu hỏi về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình
>>> Đồng Tâm – tội ác của Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng Sản Việt Nam
>>> Vụ Đồng Tâm – Cơ hội cho Đảng Cộng sản cải tổ?
Học phong kiến – Đảng xử “Nhổ cỏ 3 đời” cụ Kình
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT