Cho đến ngày 26/09, truyền thông nhà nước hồ hởi đưa tin đã có 10/63 tỉnh, thành phố tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ. Thế nhưng vẫn là bổn cũ soạn lại, tất cả nhân sự giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ/Thành ủy đều do Bộ Chính trị quyết định. Trước kỳ đại hội, phương án nhân sự của các tỉnh đều phải thông qua bởi Bộ Chính trị. Bầu cử tại đại hội chỉ mang tính hình thức. Câu hỏi đặt ra là tổ chức bầu cử hình thức để làm gì cho tốn kém ngân sách nhà nước vốn là tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu hôm 26/09 đã chia sẻ bài viết có tựa đề “Nỗi sợ hãi tranh cử” trên trang facebook cá nhân.
Ông viết: “Trong quản trị quốc gia, không có tranh cử công khai thì không chọn được người tài. Và như vậy, không có tranh cử công khai là kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Tại sao tất cả các cuộc bầu cử cho các chức vụ Bí thư và Chủ tịch Tỉnh đều chỉ có 1 đề cử duy nhất?
Đó là vì bầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội đều chỉ có 1 đề cử duy nhất.
Nỗi sợ hãi tranh cử bắt đầu từ trên cao nhất, chứ không phải ở cấp tỉnh, huyện, xã. Sợ đến nỗi không cho xã, huyện, tỉnh tự do tranh cử. Vì nó sẽ cháy lan đến chức vụ cao nhất. Tất cả các tiêu chuẩn dài cả trang dành cho các chức vụ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc Hội cuối cùng chỉ là để trốn chạy tranh cử.
Đứng ở vị trí cao nhất mà sợ tranh cử công khai thì làm sao đủ năng lực dẫn dắt?”
Ông Chu cũng bày tỏ sự thất vọng rằng: “Nhìn vào dàn nhân sự mà Bộ Chính trị đã duyệt vào các chức vụ Bí thư Tỉnh, Chủ tịch Tỉnh và các Bộ Ban Ngành ở Trung ương, thì không trông chờ gì ở Đại hội XIII. Đó toàn là những người nghe theo. Họ lọt ra từ bầu cử hình thức.”
Bầu cử hình thức trước nay là một đặc sản của chính quyền cộng sản để che mắt quốc tế và lừa bịp nhân dân.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, cựu Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói như vậy với BBC ngày 29/09 như sau:
“Tôi thấy rằng qua các hiện tượng, đơn cử trong đó có các quyết định người này làm Bí thư Đảng ủy thành phố Bắc Ninh, người kia làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội v.v…, trước Đại hội 13 cho ta thấy rằng, chính sách nhân sự của ĐCSVN là một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt các chức vụ lãnh đạo Đảng và Chính quyền của Đảng.
Điều này tất dẫn đến việc bầu bán ở hội trường chỉ là hình thức. Ta không thấy có ít nhất hai ứng viên bí thư huyện ủy hay tỉnh ủy tranh cử ở các Đại hội đảng đã diễn ra.”
Vì thế ông Sinh cho rằng “cách thức tuyển chọn nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản không có gì khác các kỳ Đại hội đảng trước đây“.
Theo ông để chống nạn chạy chức, chạy cơ cấu, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể giữ nguyên cách làm cũ này.
“Chỉ có dân chủ hóa việc bầu chọn người lãnh đạo bằng cách các ứng viên tranh cử tự do, các đảng viên được quyền bầu chọn người lãnh đạo của họ thì công việc xây dựng đảng và quản trị xã hội mới tốt đẹp, thoát khỏi sự tha hóa đang hủy hoại sự nghiệp của đảng này.”
Việc Đảng cử Đảng bầu thì người đắc cử chắc chắn chỉ phụng sự cho sự tồn vong của Đảng mà không cần quan tâm đến quyền lợi của người dân thấp cổ bé họng.
Facebooker Đỗ Ngà đã so sánh việc bầu cử ở xứ cộng sản và xứ dân chủ như sau.
Ở xứ dân chủ muốn có quyền lực thì họ phải vận động dân bầu trực tiếp cho mình, chính vì vậy thị trưởng thành phố ở xứ dân chủ là người được dân trao quyền lực. Theo nguyên tắc ai trao quyền cho tôi thì tôi sẽ làm việc cho người đó, nguyên tắc này có từ ngàn xưa khi mà xã hội loài người mới hình thành nhà nước. Ở công ty, nếu tôi được hội đồng quản trị chọn làm giám đốc thì tất tôi sẽ làm việc vì hội đồng quản trị, mà đại diện cho hội đồng quản trị là chủ tịch sẽ là người có quyền lớn hơn tôi. Giám đốc làm sai thì chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị. Ở quy mô một thành phố thì người dân thành phố chọn và bầu anh làm thị trưởng thì anh chỉ làm việc cho dân thành phố, nếu anh sai thì anh sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn nếu anh không làm hài lòng dân, thì lần sau dân không bầu anh nữa.
Như vậy để trở thành thị trưởng và duy trì được vị trí này tại các nước dân chủ thì chỉ có một con đường duy nhất là làm hài lòng người dân. Và để lấy được lòng dân thì không còn cách nào khác bạn phải có thực tài. Nếu có nịnh hót và tham nhũng mà dân biết được thì chắc chắn sẽ bị mất phiếu ngay, thậm chí còn có thể bị truy tố trước pháp luật. Chính vì vậy, một thị trưởng tại các nước dân chủ thì bao giờ cũng có thực tài. Họ sáng suốt, họ có tầm nhìn, họ có óc phán đoán và quan trọng sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu chính sách sai lầm. Đó là phẩm chất cốt lõi của người đứng đầu hành pháp thành phố ở xứ văn minh.
Ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, Đảng giới thiệu người ứng cử chức Chủ tịch thành phố để cho Hội đồng nhân dân bầu, mà cái gọi là “Hội đồng nhân dân” ấy cũng chỉ gồm những người của Đảng chứ chẳng có dân đen nào lọt vào đó cả cho nên Hội đồng nhân dân bao giờ cũng gật theo ý của đảng bộ cấp đó, nó tựa như quốc hội gật theo ý trung ương đảng vậy.
Việc bầu Chủ tịch Ủy ban theo hình thức thì có vẻ như được bầu bởi “những người đại diện cho dân”, nhưng thực tế thì họ là người được đảng cơ cấu. Chính vì vậy lá phiếu người dân trong chết độ cộng sản không có ý nghĩa, nó chỉ làm nên một mặt nạ dân chủ giả tạo để cho chính quyền tuyên truyền với thành phần dân chúng thiếu hiểu biết mà thôi. Nói tóm lại Chủ tịch thành phố là người được đảng trao quyền cho quyền lực.
Đảng trao cho ai chức Chủ tịch Ủy ban thì người đó phải làm việc cho Đảng, mà đại diện cho đảng bộ thành phố chính là Bí thư thành ủy. Nếu Chủ tịch làm sai thì họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng chứ không hề chịu trách nhiệm trước dân.
Vì vậy mà ở Việt Nam để có được quyền lực thì chỉ cần lấy lòng kẻ có thể trao quyền lực. Trong thể chế chính trị độc tài cộng sản thì những cá nhân ấy chỉ lấy lòng đảng mà không hề lấy lòng dân. Thực chất của việc lấy lòng đảng ấy không phải là lấy lòng mọi đảng viên đâu mà chỉ lấy lòng kẻ có thể trao quyền lực cho mình mà thôi. Hay nói đúng hơn họ chỉ lấy lòng một vài cá nhân để tiến thân. Cách phổ biến nhất để lấy lòng sếp là chia chác quyền lợi tham nhũng cho sếp và nịnh hót, còn nếu có thực tài thì coi chừng bị sếp đì. Vì sao? Vì những thằng sếp bất tài bao giờ cũng đố kỵ và ganh ghét những kẻ tài hơn nó.
Ngày 29/09, BBC đã câu hỏi về những kỳ vọng, những đổi mới tại Đại hội 13 cho các nhà quan sát khách mời và câu trả lời nhận được chỉ là một sự bi quan, bế tắc.
Ông Lê Văn Sinh bày tỏ quan điểm là không hy vọng gì mấy. Ông nói: “Cung cách chuẩn bị nhân sự và đường lối xây dựng xã hội không thay đổi, vẫn là kiên trì xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn coi học thuyết xây dựng xã hội của Lênin làm nền tảng tư tưởng – lý luận thì đừng mong một sự thay đổi tốt đẹp… Tuy nhiên, tôi hy vọng trong tương gần sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo mới cấp tiến dám từ bỏ những giáo điều tệ hại kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam.”
Blogger Sương Quỳnh cũng bi quan: “Thực lòng tôi cũng chẳng kỳ vọng gì cả vì ai lên nắm quyền, nếu vẫn giữ nguyên con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội mà như chính ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng chẳng biết hết thế kỷ này có tới được chưa, mà vận mệnh đất nước cũng như sự phát triển bị đưa theo một con đường mù mờ như thế thì có hy vọng gì… Cho nên, tôi thấy nếu còn giữ tư duy lãnh đạo tới tận nay của Đảng Cộng sản VN, thì họ chỉ làm đất nước này ngày càng lụn bại.”
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Luật đảng là “bố tướng” – Luật nước để “lót nồi”
>>> “Bỏ đảng” lan rộng – Tổng bí thư vội cho mở Hội triết học
>>> Khi YouTube giúp kiểm duyệt
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT