Lực lượng quân đội ở hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều được nhiệm vụ là bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm và bảo vệ nhân dân chống lại những nguy cơ gây ra thảm họa lớn đối với quốc gia và tính mạng người dân.
Quân đội ở đất nước đa đảng thì bắt buộc phải trung lập không thể đứng về phía Đảng này để chống lại đảng kia được. Nhìn xung quanh như Campuchia, Thái lan thì rõ ràng quân đội phải là lực lượng trung lập với các Đảng phái chính trị.
Quân đội hình thành ở Bắc Việt nam ban đầu từ thời tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra lời thề trên tinh thần là “trung với nước hiếu dân” chứ không đưa đảng phái nào vào.
Thế nhưng ở Việt nam đến nay Đảng làm ra Luật ép buộc những người lính phải tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản và họ tự đồng hóa Đảng với đất nước.
Chính quyền công an trị ở Việt nam nay lại “thay máu” toàn bộ lực lượng quân đội nhân dân trở thành “quân đội Đảng” và bắt toàn dân đóng thuế để nuôi những bộ máy này.
Không những thế, quân đội Việt nam còn tham gia làm kinh tế và nắm những đặc quyền đặc lợi khổng lồ về viễn thông (như Viettel) và những bất động sản béo bở khác khiến cho số lượng tướng tá tham nhũng liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Vụ án đẫm máu man rợ ở Đồng Tâm mới đây cũng là một minh chứng cho thấy sự tranh chấp đối kháng giữa quân đội cấu kết với chính quyền và đàn áp tiêu diệt nhân dân không thương tiếc.
Báo trong nước đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định vai trò của quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Theo Thanh Niên, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Trọng cho biết để thực hiện các mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2020 – 2025, phải nhận thức sâu sắc vai trò của quân đội, của Đảng bộ Quân đội.
Theo ông, quân đội Việt Nam là quân đội nhân dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng. Do vậy, quân đội Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Trung thành với Đảng Cộng sản
Ông Trọng khẳng định: “Quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ hơn nữa đối với những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong quân đội“.
Tổng bí thư 76 tuổi cũng cho rằng công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội phải chú trọng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và phải tuyệt đối trung thành với Đảng.
Lời của ông là một sự tái khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản với Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi quân đội nên nằm ngoài đảng phái (phi chính trị) và chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, nhân dân, dân tộc.
Năm 2013, một thay đổi căn bản trong Bản dự thảo Hiến pháp 1992 là quy định lực lượng vũ trang hay quân đội ‘phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân’. Đây cũng là điểm làm nhiều người chỉ trích, phản đối.
Nhiều người cho rằng, cần “phi chính trị hóa quân đội“, yêu cầu “quân đội đứng ngoài chính trị” và “quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào“.
Quan điểm này cũng nói rằng Việt Nam sẽ không thể có dân chủ thực sự nếu quân đội buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng phái nào, trước cả tổ quốc và nhân dân.
Đổi lại, khi biết đặt quyền lợi của tổ quốc và nhân dân lên trên hay không còn sợ mất quyền lực, quyền lợi, chắc chắn Đảng Cộng sản cũng không cần buộc ai phải trung thành hay bảo vệ mình.
Trên trang Tuyên giáo, tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, có bài viết “Không có và không bao giờ có ‘quân đội trung lập’, đứng ngoài chính trị“. Bài viết cho rằng những đòi hỏi “quân đội trung lập“, “đứng ngoài chính trị” là một trong những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Bài viết trích tư tưởng Lenin và Hồ Chí Minh nhằm khẳng định: “Đây là luận điểm vô chính trị, phản khoa học, lừa bịp đã có từ lâu, nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm vô hiệu hóa và làm lạc hướng quân đội cách mạng“.
Tuyên bố của ông Trọng trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 có thể xem là lời khẳng định vai trò của quân đội Việt Nam là phải tuyệt đối trung thành với Đảng trước nhất, rồi đến tổ quốc và nhân dân.
Cũng trong đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ. Ông Trọng nói phải xử lý nghiêm các sai phạm và không có “vùng cấm“.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý về việc quản lý chặt chẽ sử dụng đất quốc phòng. Ông nói: “Chú trọng rút kinh nghiệm công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua, tới đây quân đội cần phải làm chặt chẽ hơn, không được để sơ hở, sai sót, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự Bộ đội Cụ Hồ“.
Gần đây, tham nhũng trong quân đội, đặc biệt về đất đai, trở nên rất phức tạp. Nhiều sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng đã vướng vào vòng lao lý liên quan đến “tham nhũng đất“, nổi cộm là vụ án liên quan đến Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.
Ngày 17/8 vừa qua, một nguyên tư lệnh và một nguyên phó tư lệnh Quân đoàn 4 có quân hàm cấp trung tướng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo do đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai“. Sáu đại tá khác thuộc các ngành quan trọng từ hậu cần đến quân y cũng bị cảnh cáo, theo báo chí Việt Nam.
Phát biểu của ông Trọng, với vai trò người “đốt lò”, được một số công dân mạng nhận xét rằng tham nhũng trong quân đội là một mối nguy lớn cho uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quân đội Việt Nam trung với đảng hay trung với dân trước?
Một thay đổi căn bản trong Bản dự thảo Hiến pháp 1992 là quy định lực lượng vũ trang hay quân đội ‘phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân’. Đây cũng là điểm làm nhiều người chỉ trích, phản đối.
Trong số những ý kiến phản đối có Kiến nghị của 72 nhân sỹ, trí thức. Kiến nghị 72 này ‘yêu cầu bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản’.
Trên báo chính thống, có bài viết của Bảo Cầm đăng trên Thanh Niên ngày 20/02/2013, với tựa đề ‘Tổ quốc và nhân dân phải được đặt lên hàng đầu’. Bài viết đã trích dẫn một cựu quan chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói rằng ‘dứt khoát không thể quy định’ quân đội phải ‘tuyệt đối trung thành với Đảng’ được.
Trong khi đó một số báo chí của Đảng cho rằng những yêu cầu buộc quân đội ‘phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân’ là ‘phản lịch sử’, ‘phi thực tiễn’ và thậm chí ‘phản động’.
Hai chế độ, hai nhiệm vụ
Chắc không cần phải có nhiều kiến thức về chính trị, về quân đội mới có thể nhận ra rằng tại những quốc gia dân chủ, đa đảng – hay những nước ‘tư bản’ theo cách gọi của một số quan chức, báo chí Việt Nam – như Anh, Pháp và Mỹ, chuyện ‘đảng này’ lên nắm quyền và và đảng kia mất quyền là chuyện bình thường.
Và việc đảng này lên, đảng kia xuống không tùy thuộc vào quân đội. Chuyện họ lên hay xuống hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có được lòng dân hay không. Vì vậy, ở những quốc gia đó dù bất cứ đảng nào lên nắm quyền, vai trò và nhiệm vụ của quân đội không thay đổi. Nói cách khác quân đội không buộc phải trung thành với bất cứ một đảng phái chính trị, cá nhân nào.
Một ví dụ điển hình về sự trung lập của quân đội là việc Tổng thống Barack Obama, một người thuộc Đảng Dân chủ, chọn hai người thuộc – hay từng làm việc dưới thời các tổng thống – đảng Cộng hòa làm Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như việc hai người này đồng ý giữ chức vụ ấy.
Năm 2008, khi ông lên làm tổng thống, ông Obama đã chọn ông Robert Gates làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Gates từng phục vụ nhiều năm dưới thời các tổng thống của Đảng Cộng hòa và đã nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2006, dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Và mới đây, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đề cử ông Chuck Hagel, một cựu Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, làm Bộ trưởng Quốc phòng và đã được Thượng nghị viện Mỹ phê chuẩn.
Không chỉ tại các nước dân chủ như Anh, Pháp hay Mỹ mà ở những quốc gia châu Á đã và đang dân chủ hóa – như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines – quân đội cũng trở nên trung lập, không phụ thuộc hay buộc phải bảo vệ một đảng phái hay cá nhân nào.
Trái lại, ở những quốc gia không dân chủ, đa đảng, cá nhân hay chế độ nắm quyền thường buộc quân đội và các guồng máy an ninh khác phải trung thành, bảo vệ mình vì họ không thể cai trị lâu dài nếu không có sự trung thành, bảo vệ đó. Và khi một chế độ tồn tại được chỉ vì nhờ vào quân đội, chứ không phải dựa vào dân, chế độ ấy thường là độc tài, độc đảng.
Có nhiều ví dụ để chứng minh điều đó.
Những nhà độ độc tài tại Iraq trước đây hay tại các nước Bắc Phi và Ả-rập gần đây là những ví dụ điển hình.
Họ nắm quyền được nhiều năm không phải vì uy tín của mình mà nhờ vào việc sử dụng quân đội cũng như những lực lượng, công cụ an ninh khác.
Bắc Hàn dưới quyền cai trị của gia đình họ Kim, hay Liên Xô hoặc các nước ở Đông Âu dưới thời chế độ Cộng sản cũng là những ví dụ khác.
Những chế độ đó duy trì được quyền lực trong nhiều thập kỷ phần lớn nhờ vào quân đội, an ninh.
Quân đội là để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân
Chỉ cần lướt qua vai trò của quân đội tại các nước dân chủ, đa đảng và ‘nhiệm vụ’ của họ tại các quốc gia độc tài, độc đảng như vậy, ít hay nhiều có thể hiểu tại sao có nhiều người ‘yêu cầu bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản’. Có thể nói khi đưa ra đòi hỏi đó, các nhân sỹ, trí thức và tất cả ai đồng ý với kiến nghị đó đều muốn Việt Nam tiến tới dân chủ hay ít ra muốn Đảng Cộng sản không chuyên chính, độc tài và thực sự vì dân hơn.
Cũng như ở bất cứ quốc gia nào, Việt Nam sẽ không thể có dân chủ thực sự nếu quân đội buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng phái nào, trước cả Tổ quốc và nhân dân. Đổi lại, khi biết đặt quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân lên trên hay không còn sợ mất quyền lực, quyền lợi, chắc chắn Đảng Cộng sản cũng không cần buộc ai phải trung thành hay bảo vệ mình.
Việc giới quân sự tại Miến Điện quyết định từ bỏ quyền lực – và nhờ vậy đất nước này mới có thể tiến hành những cởi mở về dân chủ – là một trường hợp cụ thể cho thấy khi lãnh đạo bằng các phương tiện dân sự và biết dựa vào dân, chứ không phải bằng sức mạnh quân đội, một đảng phái hay một chế độ có thể chính danh tiếp tục nắm quyền vì được người dân của mình và cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trái lại, chuyện các nhà độc tài tại các nước Bắc Phi và Ả Rập bị lật đổ ít nhiều cho thấy duy trì quyền lực bằng sức mạnh và sự trung thành của quân đội không phải lúc nào cũng là một giải pháp tốt nhất cho việc duy trì chế độ.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ ở quốc gia nào, việc một đảng buộc quân đội phải trung thành với mình, bảo vệ mình trước cả tổ quốc và nhân dân, đảng ấy chắc chắn không được người dân hoàn toàn và thực sự tín nhiệm.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hà nội có chủ tịch mới – Đảng cử mà dân không bầu
>>> Việt Nam: Nuốt Không trôi – Đảng viên anh hùng “nhập trại”
>>> 1 Tỷ đồng một chữ – Đảng “ăn hại” Nhân dân
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT