Quốc hội Việt Nam dành nhiều thời gian hôm 26/10 để bàn giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội cho biết.
Các đại biểu nêu ra các biện pháp từ triển khai thêm hạ tầng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công; tăng công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm công… cho đến nâng cao, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, theo bản tin trên trang quochoi.vn.
Tuy nhiên, một cựu quan chức thuộc quốc hội, ông Trần Quốc Thuận, nói với VOA rằng trong điều kiện chính trị của Việt Nam, mấu chốt của vấn đề là cần có ứng cử, bầu cử tự do trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trang web chính thức của quốc hội Việt Nam trích lời Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao các cơ quan nhà nước quyết liệt điều tra, truy tố, và xét xử tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Nhưng Đại biểu Thủy chỉ ra rằng số lượng tiền, tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt trên 43%, khoảng 15.000 tỷ đồng. Nữ đại biểu đề nghị nhà chức trách kiên quyết thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.
Bà Thủy cũng đề xuất một loạt biện pháp nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công; tăng cường công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm công, đấu thầu liên quan đến nhà nước.
Một đại biểu khác, ông Nguyễn Minh Sơn, đại diện tỉnh Tiền Giang, đề nghị phải chú trọng đến việc thực hiện hiệu quả các quy định về kê khai, giải trình và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai, công khai, Cổng Thông tin của Quốc hội tường thuật.
Bản tin cũng cho biết một số đại biểu đề nghị chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét với VOA rằng có một vướng mắc cơ bản là quốc hội và Đảng Cộng sản cầm quyền không công khai thông tin đầy đủ về mức độ tín nhiệm và tài sản của các quan chức trong chính quyền để người dân giám sát, có ý kiến.
Sâu xa hơn, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo duy nhất, toàn diện và trực tiếp ở Việt Nam, ông Thuận nói, vì vậy, người dân không thể tạo ra một lực lượng chính trị khác hay các hội, đoàn độc lập để giám sát, phản biện về chống tham nhũng.
“Ở Việt Nam, lập đảng khác hoặc các hội, đoàn độc lập là vi phạm pháp luật, bị nhà nước xử lý. Vì vậy, không có hy vọng có ứng cử, bầu cử tự do ở quy mô toàn xã hội. Chỉ mong là trong nội bộ Đảng Cộng sản sẽ có ứng cử, bầu cử tự do. Khi đó, các ứng cử viên tranh cử sẽ nói lên sự thật về tài sản hoặc các công việc kinh doanh của con, cháu. Nhưng đó là mong ước, còn chưa biết bao giờ mới thực hiện được”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA.
Ông Thuận nói thêm rằng là người có hơn 50 năm tuổi đảng, ông nhận thấy khi các vấn đề chính trị, xã hội, mà nổi lên và tham nhũng, trở nên ngày càng nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân, sẽ dẫn đến việc đảng phải tự đổi mới để không mất tính chính danh.
Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ về phòng, chống tham nhũng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Như VOA đã đưa tin, Tổ chức Minh bạch Thế giới cho biết Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam từ năm 2012 đến 2019 đã tăng lên đáng kể.
Năm 2012, chỉ số này của Việt Nam đạt 31/100 điểm, với xếp hạng thứ 123/198 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đến năm 2019, chỉ số tăng lên 37/100 điểm, đưa Việt Nam đứng thứ 96/198. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá về Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.
Ủy ban tư pháp Quốc hội: “Tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng!”
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu bật tình trạng tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam trong Báo cáo Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
“Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật“, VTV dẫn lời bà Nga cho biết.
Theo báo cáo thẩm tra qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra…
Báo cáo cũng cho hay tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến.
Trong khi đó, PGS – TS Trần Hậu đề nghị cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí đó chính là chủ nghĩa quan liêu.
Theo ông Hậu, chủ nghĩa quan liêu sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm… Đó là mảnh đất đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí.
“Xử lý vụ án này vụ án khác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa đặt vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu thì chúng ta còn vất vả chống tham nhũng“, “Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động… mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý“, ông Hậu nêu.
Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng có 2 giải pháp cần phải làm tốt hơn là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Lý đề nghị cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi người cần có một tài khoản ngân hàng và tất cả các giao dịch trên 5 triệu đồng đều phải thực hiện qua ngân hàng.
Không siết cán bộ kê khai tài sản thì không thể chống tham nhũng!
Đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.”
Đó là trình bày của ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi báo cáo Quốc hội về ý kiến cử tri trong công tác chống tham nhũng, hôm 20 tháng 10 năm 2020.
Thực trạng tham nhũng
Theo ông Mẫn, dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được tăng cường, cơ quan chức năng cũng đã xử lý được nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội… Tuy nhiên số tài sản tham nhũng thu hồi quá khiêm tốn, vì những kẻ phạm tội đã tẩu tán hay bỏ trốn.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình:
“Có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu mà hết tham nhũng được. Nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai… Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn.”
Chính Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hôm 14 tháng 9 năm 2020, khi gởi báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ, cũng cho biết trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án… nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%…
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn… Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định:
“Bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang.v.v… thì người ta có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh… khi đó nhà nước phải tịch thu. Nhưng bây giờ luật bày của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh. Và rút cuộc tiền tham nhũng vẫn nằm trong túi vợ con, bà con thân thuộc của những người phạm tội, họ chuyển ra nước ngoài, đánh mất tài sản của dân của nước.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng công sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội… Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù… nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.
Vì sao không công khai tài sản cán bộ?
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Nhà hoạt động Trần Bang nói:
“Bởi vì do không được minh bạch, thể chế độc đảng cái gì cũng bí mật, sức khỏe cán bộ cũng bí mật, tài sản cán bộ cũng bí mật, quá trình công tác cũng bí mật, dân chẳng biết để soi.
Vì vậy người ta trượt dài trong bí mật ấy, chỉ khi nào trong đảng đấu đá đưa ra thì dân mới biết người đó có tội. ”
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Tôi thấy về vấn đề kê khai tài sản, cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực. Ví dụ tài sản bất minh, thì người ta sẽ xử lý người cán bộ công chức đó. Cán bộ phải kê khai trung thực, và nếu không trung thực thì người ta sẽ ‘nhìn’ chức vị của cán bộ đó ngay lập tức.”
Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho rằng, vì chỉ có quan chức là đảng viên Đảng Cộng sản mới tham nhũng, do đó nếu công khai sẽ làm cho người dân mất tin tưởng. Tuy nhiên, càng không công khai, lại càng chứng tỏ không minh bạch. Điều này làm dư luận nêu câu hỏi, liệu chính quyền có thật lòng muốn chống tham nhũng, khi không quyết liệt trong việc bắt cán bộ kê khai tài sản?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, giải thích:
“Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo, nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào?”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho rằng, bản chất của cán bộ Đảng Cộng sản là khó giữ liêm khiết, vì cơ chế độc quyền, độc đảng, độc trị… Cơ chế ấy theo ông dễ tạo ra những kẻ tham nhũng, những kẻ hối lộ. Chẳng qua là họ nằm ở phe cánh nào và đã lộ ra hay chưa mà thôi.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước sẽ lủng đoạn. Bởi vì theo ông, không có đảng đối lập để kiểm tra, kiểm soát được họ. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Cố nhốt Hồ Duy Hải – Chánh án Nguyễn Hòa Bình quyết tâm giữ ghế?
>>> Vượt cuồng phong – Thủy Tiên mang tiền tới cứu miền Trung
>>> Quan chức Đảng ăn tiền – Thủy điện xối nước dìm dân
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT