Ngày 03/11 vừa qua, trao đổi lại với các đại biểu quốc hội nhận định thiên tai nặng nề vừa qua ở Việt Nam là hậu quả của việc “mất rừng”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra một số lý giải liên quan trong đó ông khẳng định rừng tự nhiên bị thu hẹp do chất độc hoá học mà Mỹ rải xuống trước đây.
Vị lãnh đạo nêu rõ: “Trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước.”
Trước đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đã dẫn chứng số liệu về thành tích hệ số che phủ của Việt Nam. Ông cho biết tổng diện tích rừng hiện nay của Việt Nam là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta. Vị bộ trưởng khẳng định, có được kết quả này, là sự cố gắng vượt bậc. Theo đó, năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm, hệ số che phủ đã đạt gần 42% (cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới là 29%).
Phát biểu của vị tư lệnh ngành Nông nghiệp không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu quốc hội.
Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị người đứng đầu ngành Nông nghiệp “trung thực hơn” và cho rằng Bộ trưởng nên nói “mất rừng” là do “quản lý bất cập.”
Bà phát biểu: “Xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do ‘Đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất’. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương có rừng.”
Đại biểu Mai nhận định đợt thiên tai lũ lụt vừa qua ở miền Trung, trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là “con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả quá đắt.”
Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên.
Cùng với đó, tình trạng khai thác trái phép cũng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên tại Việt Nam.
Ngoài ra, vị đại biểu cũng cho rằng, cần phải nhìn nhận việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được.
Nữ đại biểu nói: “Giữ được một héc-ta rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 héc-ta rừng trồng mới.”
Trước đó hôm 02/11, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo ông, chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới. Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận.
Vị đại biểu cũng cho hay, thừa nhận sai lầm và thay đổi trong tư duy là việc còn khó. Ông ví dụ, mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu. Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có, đồng thời khẳng định, không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả của bão lũ từ năm này qua năm khác.
Phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường ngay sau đó cũng làm dậy sóng cộng đồng mạng.
Có ý kiến cho rằng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã rải hơn 20 triệu gallon chất diệt cỏ xuống Việt Nam, Lào và Campuchia nhưng chính phủ Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để làm sạch các điểm nóng trong chương trình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.
Tài khoản facebook John Ta bình luận: “Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Những người sinh ra sau chiến tranh đã có thể co cháu nội cháu ngoại. Thế mà rất nhiều quan chức vin cớ chiến tranh như Kinh thánh để đổ lỗi cho sai lầm của họ.”
Tài khoản facebook tên Cao Tố Thanh cũng đồng tình cho rằng: “Gần 50 năm rồi vẫn còn đỗ thừa cho Mỹ rải hóa chất giết rừng. Nhìn ngôi nhà của các quan chức cộng sản xem có ông nào mà không có cả cánh rừng trang trí cho căn nhà!? Rừng không mất thì lấy đâu ra mấy chục nghìn mét khối gỗ để đậu ở nhà máy ông?”
Ngay trước đó nhiều quan chức hàng đầu trong Chính phủ đã thừa nhận việc phá rừng, xây thủy điện cóc là một nguyên nhân to lớn của thiên tai lịch sử miền Trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi phát biểu trước các đại biểu quốc hội trong một phiên thảo luận hôm 02/11, đã yêu cầu “phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng”.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hôm 02/11 cũng thừa nhận rằng “các hoạt động nhân sinh trong quá trình xây dựng đường sá, thuỷ điện… đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng các thiệt hại.”
Trong đợt thiên tai thảm khốc vừa qua tại miền Trung, đã có nhiều tiếng nói chất vấn vai trò của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Facebooker Nguyễn Thùy Dương nhận định Chính phủ trong đó cơ quan chủ chốt là bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giỡn mặt với nhân dân.
Cô viết:
Công tác phòng chống lụt bão cho đến hôm nay giống như công tác “Đụng“. Đụng đâu làm đó, đụng đâu dọn đó, sập đâu moi móc đó. Tôi không hề nhìn thấy đề án Phòng chống Thiên Tai Lụt Bão suốt từ đầu mùa bão đến bây giờ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, người có trách nhiệm chính với công tác phòng chống lụt bão có thể cho tôi và Nhân Dân cả nước thấy cái đề án phải Công khai nhưng không thấy đâu này được không? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có làm đề án Phòng Chống Thiên Tai Lụt bão hay quên mất rồi?
Bão vần vũ Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình không hề có phương án di dân, không áo phao, không xuồng cứu nạn, không máy phát sóng ngắn. Dân tay không chống bão, Quân è lưng đào đất moi móc tìm sự sống lẫn xác chết. Cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong phòng chống lụt bão xuất hiện mờ nhạt? Cho đến khi bão bạt tai miền Trung lần nữa ông Cường cũng xuất hiện không sáng sủa hơn là mấy?
Đáng ra với vai trò chính trong công tác phòng chống lụt bão, người tiếp cận địa bàn trực tiếp, chỉ đạo trực tiếp phải là ông Nguyễn Xuân Cường và ông Trần Quang Hoài – Bí thư Đảng ủy – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng BCĐ.TW về Phòng chống thiên tai. Chứ không phải là ông Trịnh Đình Dũng. Ông Dũng biết gì mà chỉ đạo? Ông Cường phải là người nắm rõ phương án, biết rõ nơi nào sẽ sạt lở, đưa ra cảnh báo truyền thông liên tục, chỉ đạo theo kịch bản đề ra.
Rồi kịch bản đâu? Có xây dựng kịch bản không? Chính Phủ quản lý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểu gì mà ra nông nỗi này? Chính Phủ đùa với dân hay xem thường dân?
Ông Cường cũng là vị quan chức có lịch sử nhiều phát ngôn gây tranh cãi trong cộng đồng.
Năm 2017, ông Cường từng phát biểu trước Quốc hội về tình hình xán lạn của mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam là: “Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng 5%-7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra. Riêng tôm, thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn.”
Phát ngôn này khiến nhiều người lầm tưởng là chỉ có Việt Nam là mới có tôm xuất khẩu hay trên thế giới người ta chỉ biết đến và tiêu thụ mỗi con tôm của Việt Nam vậy. Trong khi, trên thực tế có rất nhiều quốc gia xuất khẩu tôm chất lượng tốt chứ không tai tiếng như tôm Việt Nam chưa tạp chất hay tồn dư lượng kháng sinh.
Cũng trong năm nay, tại thời điểm giá thịt lợn tăng cao, thay vì giải đáp thắc mắc của đại biểu quốc hội và nhân dân cũng như tìm cách giải quyết, vị bộ trưởng đã đưa ra phát ngôn bất hủ hồi tháng 06 vừa qua.
Bộ trưởng Cường phát biểu: “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra.”
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ gọi đây là một kiểu tư duy với lý sự cùn và lập luận kiểu “không cái này thì cái khác“, trong khi câu hỏi mà nhiều đại biểu chất vấn là “Thịt lớn đắt như thế, ông có giải pháp gì căn cơ lâu dài hay không?” thì ông không trả lời được. Từ đó ông Vũ nhận định có lẽ, chính cái kiểu tư duy như Bộ trưởng Cường, kiểu tư duy: “Không thế này thì thế kia, ai ép“, mới đưa ngành nông nghiệp nước nhà bao năm qua vẫn trong vòng luẩn quẩn, và nông dân vẫn là những người khổ nhất.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đuổi việc cán bộ che giấu tài sản là cách diệt trừ tham nhũng?
>>> Đại sứ Nguyễn Trung đề xuất – Đảng sửa sai vụ Đồng Tâm
>>> Nguyễn Văn Bình “vào lò” – Phú Trọng chơi đòn cuối
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT