Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” diễn ra trong hai ngày 16-17/11 tại Hà Nội với hơn 400 học giả và đại biểu tham gia trực tuyến, đại diện Liên minh châu Âu và Canada đã có những tuyên bố cứng rắn về tranh chấp Biển Đông.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức và lần đầu tiên diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với số lượng kỷ lục các diễn giả, nhà phản biện và người tham dự.
Tại hội thảo, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti vừa phát biểu về Biển Đông rằng EU sẽ không bao giờ tuân theo nguyên tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Đại sứ Aliberti nói: “Chủ đề này không mới, nhưng tình hình căng thẳng lại gia tăng mỗi ngày, trong bối cảnh các sự cố trên biển lặp đi lặp lại, quân sự hóa ngày càng tăng và vi phạm luật pháp quốc tế ở mức thường xuyên, nơi có vẻ như quy tắc phổ biến là “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đang tồn tại. Nhưng với tư cách là Đại sứ của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, tôi chỉ có thể nhắc lại với các bạn Việt Nam và các đối tác trong khu vực rằng EU sẽ không bao giờ tuân thủ quy tắc này.”
Đại sứ Aliberti còn cho biết EU đang phát triển một hoạt động mới được gọi là Sự hiện diện Hàng hải Phối hợp (CMP), theo đó các lực lượng hải quân sẽ luân phiên tuần tra một khu vực, có thể bao gồm cả Biển Đông “trong một tương lai không xa.”
Ngoài ra, đại sứ EU cũng tiết lộ rằng EU hiện đang triển khai các cố vấn quân sự cho các Phái đoàn của mình tại nhiều nước châu Á, và “điều này sẽ cho phép EU đóng một vai trò lớn hơn” trong các vấn đề an ninh “cứng rắn” trong khu vực.
Nhà ngoại giao châu Âu nhắc lại phát biểu của Đại diện Ngoại giao cấp cao – Phó Chủ tịch Ủy ban EU Josep Borrell tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – EU vào tháng 09 năm ngoái: “Liên minh châu Âu không cho phép các quốc gia đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, theo đó tạo ra một mối nguy hại tới sự phát triển hòa bình trong khu vực.”
Đồng thời vị đại sứ nhấn mạnh quan điểm của EU về “sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” tuân thủ theo Luật pháp Quốc tế và quan trọng hơn là Công ước Quốc tế và Luật Biển (UNCLOS).
Một đại diện khác của EU là Chuẩn Đô đốc Jurgen Ehle, Cố vấn Quân sự Chính trị Cao cấp tại EU đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng dưới hình thức trực tuyến từ Brussels (Bỉ).
Ông Jurgen Ehle cho biết EU ủng hộ sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích cho tất cả các quốc gia. Ông Jurgen Ehle nói: “EU là một tổ chức đa phương nên ủng hộ giải pháp đa phương trong các vấn đề quốc tế.”
Trong bài phát biểu của mình, ông Jurgen Ehle cho biết EU là một đối tác tin cậy, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, đào tạo pháp lý, chia sẻ thông tin, thực thi các công cụ quốc tế về giải quyết tranh chấp, cùng nhau đánh giá và xây dựng tài liệu pháp lý, quản lý khủng hoảng…
Đề cập đến khái niệm tác chiến mới “Hiện diện Hàng hải Phối hợp” (CMP), Chuẩn Đô đốc Jurgen Ehle cho biết đây là công cụ mới nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển. Theo quan niệm này, hải quân của các quốc gia EU và các quốc gia khác sẽ cung cấp các tàu hải quân, các trang thiết bị hải quân để lần lượt tham gia tuần tiễu ở các khu vực biển theo các cách thức phối hợp. Khu vực đầu tiên mà công cụ này được đưa vào thử nghiệm là Vịnh Guinea. Sau đó, công cụ này có thể mở rộng sử dụng ở các vùng biển khác trên thế giới và khu vực Biển Đông có thể xem xét sử dụng.
Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, ông Harjit Sajjan tuyên bố, Canada phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng trong khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hoá các điểm tranh chấp và các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), trông đợi một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) dựa trên luật pháp quốc tế và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước thứ ba.
Một trong những nội dung được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 là phòng tránh nguy cơ đụng độ trên biển.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ đụng độ đáng tiếc giữa các lực lượng chấp pháp của các nước láng giềng, nhất là tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển. Một số hoạt động nghiên cứu khoa học biển, khai thác tài nguyên của các nước trên vùng Biển Đông cũng thường bị quấy nhiễu.
Nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Do vậy, các học giả đề xuất một số khuyến nghị cho các nước liên quan nhằm phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro như nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước Luật biển UNCLOS 1982, các nước gia nhập các điều ước, thoả thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển như Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), Công ước về ngăn chặn những hành vi trái pháp luật chống lại an toàn của những giàn khoan cố định ở thềm lục địa (SUA) và Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS).
Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES). Tuy nhiên, đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân.
Do vậy, học giả Australia đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển.
Một vấn đề nóng bỏng khác được đề cập đến trong chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc, trong đó có thể có quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách.
Dự luật này đã gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông, Biển Hoa Đông, do việc Trung Quốc thực hiện dự luật sẽ đe doạ tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.
Học giả Trung Quốc giải thích rằng đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, nhiều học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ sự lo ngại đối với dự luật, do Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng dự luật cũng như những tiêu chí cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực.
Tuy một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định nhưng dự luật của Trung Quốc gây lo ngại chính vì cách hành xử tuỳ tiện của nước này đối với ngư dân và tàu thuyền các nước thời gian qua.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 chính thức khai mạc tại Hà Nội vào hôm 12/11/2020, vấn đề Biển Đông đã trở thành chủ đề nổi cộm trong các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á.
Trong phát biểu khai mạc Thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Việt Nam, nước hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN đã nhấn mạnh đến các mối đe dọa phát sinh từ cách ứng xử khó lường của các quốc gia, sự cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc, ám chỉ đến quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như giữa các nước ASEAN với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông và các hành động hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, khi ông ca ngợi quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN trong việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn.
Thủ tướng Việt Nam đã vẽ ra một bức tranh lý tưởng về Biển Đông mà mọi người mong muốn, một nơi mà những “khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định, đề cao ý nghĩa của Công Ứớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và trông đợi sớm hoàn thành Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, với Công Ước UNCLOS 1982”.
Mối lo ngại về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa các quốc gia thành viên và Bắc Kinh cũng được nêu rõ trong thông cáo được Việt Nam, nước chủ tịch luân phiên công bố hôm 18/11/2020.
Thông cáo của ASEAN cho biết khi thảo luận về tình hình Biển Đông, một số nhà lãnh đạo đã nêu lên mối quan ngại về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và các sự cố nghiêm trọng tại vùng biển này. Hàm ý chỉ trích việc Trung Quốc tự tiện lập ra các đơn vị hành chính tại Biển Đông, ASEAN tái khẳng định cần phải đạt đến một giải pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hiệp định RCEP tại Việt Nam: Mỹ lùi – Trung Quốc tiến
>>> AI HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT TRONG HIỆP ĐỊNH RCEP
>>> Facebook bị chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT