Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=S8zie08kG8Q
Tại hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 15, dự kiến diễn ra ngày 15/1/2021, Bộ Chính trị sẽ báo cáo các ‘trường hợp đặc biệt’ để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng.
Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương, cho biết hôm 28/12 tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí.
Liệu nhân sự đảng sẽ được quyết tại Hội nghị Trung ương 15?
Trả lời RFA hôm 29/12, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Iseas, Singapore, nhận định:
“Ngay từ Hội nghị Trung ương 12 họ đã định ra cái 13, 14… 15 làm gì, chứ không phải là bất ngờ.
Vào ngày 28/12 lại cho đưa lên báo thì tôi cho rằng chỉ là tình cờ chứ không thay mặt cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Điều này đã được thông báo từ trước, từ ngày cuối Hội nghị 14 họ cũng có nói, nhưng họ sẽ để Hội nghị 15, và nếu vẫn không xử lý được, thì bắt buộc họ phải có Hội nghị 16…
Thế nhưng họ tin rằng Hội nghị 15 họ sẽ chốt được những cái tên của những người đặc biệt quá tuổi để ở lại.”
Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021, tại Hà Nội với 1.590 đại biểu, tăng 80 người so với Đại hội XII.
Trong số này có 194 đại biểu đương nhiệm, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu chỉ định.
Các thay đổi nhân sự được thông qua tại đại hội đảng, thông thường sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo chính phủ mới được thành lập ngay sau đại hội, để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026.
Tuy nhiên, chỉ các ủy viên Bộ Chính trị mới được xem xét cho 4 vị trí đứng đầu đất nước, hay còn gọi là ‘tứ trụ’.
Theo chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia các cấp trực thuộc trung ương là tháng 9/2020. Do đó, các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại đã đủ 65 tuổi trước thời điểm tháng 9/2020 sẽ phải nghỉ hưu, ngoại trừ người được chọn để giữ vị trí tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo.
Vậy liệu sẽ có bao nhiêu vị lãnh đạo quá tuổi được tiếp tục ở lại sau Đại hội 13?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra suy đoán của mình:
“Có một số khả năng sẽ có 2 trường hợp đặc biệt, khóa 12 chỉ có 1, lần này thậm chí có thể có 3 thậm chí 4 trường hợp.
Nếu mà suy đoán thì những trường hợp đặc biệt ở lại là sẽ làm trong ‘Tứ trụ’, chứ không làm nhỏ hơn.
Có thể xảy ra trường hợp quá tuổi như ông Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng, còn nếu trường hợp 3 người thì có thể có thêm Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu 4 trường hợp hay 3 rưỡi thì có thể có thêm ông Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy nhiên Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng nếu có ở lại, cũng có thể sẽ không ở lâu mà chỉ một thời gian ngắn.
Do đó ông cho rằng dư luận có thể đã nói sai, khi nói về việc nếu ông Trọng muốn ở lại thì Bộ Chính trị phải sửa Điều lệ Đảng. Ông giải thích:
“Họ nói ông ấy làm 2 khóa rồi thì không thể ở lại theo điều lệ Đảng, điều này đúng…
Thế nhưng ông Trọng có làm hết khóa 13 đâu mà phải sửa điều lệ. Vì Đại hội 13 này chắc chắn người ta không sửa điều lệ, người ta sẽ nói nếu cần ông Trọng ở lại thì không cần ở hết nhiệm kỳ, chẳng hạn 1 năm rồi bàn giao, thì không phải sửa điều lệ nhưng vẫn có thể để ổng ở lại.
Bởi vì có thể họ chưa tin tưởng người mới nên để ông Trọng ở lại một thời gian rồi bàn giao chức Tổng Bí thư.
Còn một khả năng nữa là ông Trọng không ở lại ngày nào nhưng vẫn giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương, thì không phải sửa điều lệ Đảng và cũng không phải sửa Luật Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là những phỏng đoán của tôi.”
Ngay từ nhiều tháng trước, rất nhiều thông tin được báo chí nhà nước Việt Nam loan tải mà dư luận cho rằng là đang ‘rào trước, đón sau’ việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tại vị.
Đơn cử như vào ngày 27/5/2020, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 đã nói: “Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Hay vào ngày 24/6/2020, tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Hà Nội, bà Nguyễn Xuân Thắng – một cử tri từ quận Hoàn Kiếm – được truyền thông trong nước dẫn lời là “mong muốn ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa”.
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de tại Đức, khi trả lời RFA liên quan việc này vào tháng 6 năm 2020 cho rằng:
“Đây là sự giáo điều, rào trước của ông Nguyện Phú Trọng đối với các Ủy viên Trung ương khác.
Có thể ổng vẫn ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa… các bạn cũng đã biết, lòng tham của những người đứng đầu đảng cộng sản thì vô cùng lắm, nhất là về tham nhũng quyền lực, nó còn tệ hơn tham nhũng.
Nó loại gần 100 triệu người dân ra khỏi việc điều hành đất nước, chỉ có một nhóm nhỏ trong đảng, họ nắm cái này, họ tham nhũng cái này.
Điều này rất tệ hại vì sẽ dẫn đến đường lối không dân chủ, mất tự do và ngày càng trở nên độc tài.”
Theo Nhà báo Lê Trung Khoa, ông Nguyễn Phú Trọng có thể cũng muốn ở lại, nhưng có được hay không còn do những phe cánh trong đảng cộng sản, liệu họ có cách nào để thay đổi những mong muốn của ông Trọng hay không thì phải đợi thêm một thời gian nữa.
Cũng tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, về quy trình công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, các cơ quan sẽ chuẩn bị nhân sự khóa mới với cơ cấu 3 độ tuổi để đảm bảo kế thừa.
Cụ thể, nhân sự tham gia Trung ương lần đầu không quá 55 tuổi; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi; ‘trường hợp đặt biệt’ là nhân sự trên 65 tuổi.
Liên quan đến việc quy định độ tuổi này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng khi trả lời RFA hôm 29/12 từ Hà Nội, giải thích:
“Tại sao cái Đảng cộng sản này lại khắt khe về tuổi tác như vậy, trong lúc đó nhiều nước trên thế giới người ta rất thoải mái, như Mỹ chẳng hạn, lớn tuổi nhưng nhân dân vẫn tín nhiệm bầu như thường…
Còn Việt Nam như thế là do có vấn đề lịch sử, vài chục năm trước đây các ông đi làm cách mạng, khi thành công thì tranh nhau chức quyền, trình độ không có nhưng cứ ngồi giữ chức đấy không chịu về hưu.
Nhưng không đẩy ra được vì họ là chiến sĩ kỳ cựu có thành tích… nên người ta mới nghĩ ra mẹo dùng tuổi để khống chế, 60 tuổi bắt buộc phải về hưu, chỉ có trường hợp đặc biệt mới cho phép kéo dài thêm.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng đó là một điều không hay, vì tại sao phải dùng tuổi tác khống chế nhau mà không đưa ra năng lực? Ông nói tiếp:
“Bây giờ họ lại dùng trò ưu tiên kéo dài tuổi cho một số nào đấy, đó chẳng qua là thủ đoạn đối với nhau thôi.
Theo tôi, quan trọng là năng lực, người ta nếu giỏi thì dù tuổi trẻ thì cũng có thể dùng, còn tuổi già rồi mà sức khỏe vẫn tốt, vẫn được tín nhiệm bình bầu… thì vì sao không chấp nhận người ta. Ở đây có một vấn đề phản dân chủ rằng, Trung ương cũ phải quyết định danh sách Trung ương mới, Bộ chính trị mới.
Vì giành quyền nên mới ngần ngại chỗ này chỗ kia, còn nếu dân chủ thoải mái thì cứ ứng cử trước Đại hội, có già mà khỏe được tín nhiệm thì được làm thôi.”
Vì vậy Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, việc kéo dài độ tuổi để xem xét tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo, chỉ là một trò để bịp bợm và chẳng hay ho gì.
“Có 8 Ủy viên Bộ Chính trị đều quá độ tuổi tái cử theo quy định”, Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra phân tích của mình hôm 28-12.
“Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021 Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi); Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh ngày 13.4.1955, cũng trên 65 tuổi).
Trong 8 trường hợp này ông Trọng sẽ về vì lần này nhấn mạnh về sức khoẻ đảm bảo công việc, ông Trọng không thể làm tổng bí thứ lần thứ ba liên tiếp, trừ khi sửa điều lệ đảng.
Ông cũng không thể giữ chức Chủ tịch nước tiếp vì chức này cần thực hiện nhiều nghi lễ, mà ông thì không đủ sức đi đứng được.
Ông Nguyễn Thiện Nhân bị loại khỏi chức bí thư TPHCM, không còn là nắm được đoàn đại biểu TpHCM, cơ hội cho ông Nhân hầu như chẳng còn.
Bà Tòng Thị Phóng quá mờ nhạt, cho nên kỳ này bà về không có gì tranh cãi.
Vậy còn 5 ông quá tuổi là Phúc, Lịch, Vượng, Trương Hoà Bình và bà Ngân.
Cả 5 người này đều đòi ở lại, trong khi ban đầu ông Trọng dự tính có một trường hợp đặc biệt để dành cho ông Vượng làm Tổng Bí thư.
Nếu cả 5 đều đòi được, thì chức thủ tướng đương nhiên ông Phúc làm tiếp, chức chủ tich quốc hội bà Ngân làm tiếp. Chức tổng bí thư cũng đương nhiên thuộc về ông Vượng.
Hai chức thường trực Ban bí thư và Chủ Tịch Nước sẽ do ông Ngô Xuân Lịch và Trương Hoà Bình chia nhau.
Ông Trương Hoà Bình có kinh nghiệm làm tư pháp nhiều hơn, ở chức phó thủ tướng thường trực, ông có cơ hội tiếp xúc ngoại giao nhiều hơn, nên cơ làm chủ tịch nước của ông Bình sẽ lớn hơn ông Lịch rất nhiều.
Cơ hội cả 5 người này ở lại đều rất lớn vì họ đang có quyền lực, biết đâu vì e sợ trung ương và dư luận dị nghị vì số người đặc biệt quá nhiều, cho nên Bộ Chính Trị khoá 12 để dành phút chót mới đưa các vị này thành đặc biệt hết, lúc đó có phản ứng cũng đã xong rồi.” Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra nhận định.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Cuộc chiến giữ ghế của Nguyễn Phú Trọng đến hồi gay cấn
>>> Năm 2020, Việt Nam tăng cường kiểm duyệt – bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng
>>> Dân thì phạt nặng, doanh nghiệp trái phép không ai hay!
Nạn nhập cảnh chui gieo rắc Covid-19 vào Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT