Đại hội 13: Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ‘có thể là trường hợp đặc biệt’

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=dYrJ4KdeYxc

Có phương án đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ở lại tiếp tục trong nhóm Tứ Trụ sau Đại hội 13, theo một số ý kiến trong dư luận Việt Nam hôm 9/1.

Hội nghị 15, xem xét phương án Tứ trụ và trường hợp đặc biệt trên 65 tuổi, sắp diễn ra tại Hà Nội, có thể vào ngày 15/1.

Đại hội Đảng 13, đánh dấu chuyển giao lãnh đạo 5 năm một lần, sẽ khai mạc ngày 25/1 và bế mạc ngày 2/2.

Đến sát giờ chót này, dư luận ở Việt Nam đang bàn luận phương án mà có thể Bộ Chính trị sẽ trình ra cho Trung ương Đảng ở Hội nghị 15 để bỏ phiếu.

Theo đó, có thể Hội nghị 15 sẽ xem xét và bỏ phiếu cho phương án Một:

Tổng Bí thư: Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước: Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng: Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội: Phạm Minh Chính

Phương án Hai, để Hội nghị 15 xem xét, có chút khác biệt là đảo ngược lại hai chức danh:

Thủ tướng: Phạm Minh Chính

Chủ tịch Quốc hội: Vương Đình Huệ

Có những ý kiến trong nhân dân ở Việt Nam nhận định đây có thể là hai phương án được Bộ Chính trị ủng hộ và sẽ đưa ra Hội nghị 15.

Tuy nhiên cũng đang có những ý kiến nói các đề xuất trên mới mang tính dự báo, phỏng đoán.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng, trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật của Đảng.

Trong đó có các thông tin ‘tuyệt mật’ như:

– Quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai,

– Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

Quyết định 1722/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 03/11/2020.

Ít ai có thể khẳng định trong bối cảnh thông tin chính trị hạn chế ở Việt Nam.

Ảnh 1: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhưng có thể Hội nghị 15 sẽ phát ra những tín hiệu công khai hơn để người dân được biết.

Trên trang The Diplomat (07/01) nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang có đặt vấn đề là Đảng CSVN trong kỳ Đại hội tới sẽ chọn “ổn định” hay “dân chủ trong Đảng”.

Chọn cách nào về nhân sự đều có rủi ro, thậm chí là rủi ro “tự hoại” như Liên Xô chọn các uỷ viên Bộ Chính trị có tuổi trung bình quá 70 thời Leonid Brezhnev trước kia, tác giả này viết trong bài tiếng Anh.

Các vị trí lãnh đạo sắp tới của Việt Nam đang rất được quan tâm và chờ đợi trong bối cảnh Việt Nam được hy vọng sẽ là điểm sáng kinh tế trong vùng.

Phát biểu hôm 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho biết năm 2020, kinh tế tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/năm.

Ông cho hay: “Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019; tuy có tăng trong năm 2020 do nhu cầu chi tăng để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn ở mức 56,8%, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định….”

Mới đây, Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, vượt qua Thái Lan và Đài Loan, theo một viện nghiên cứu tại London.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) công bố báo cáo hàng năm. Họ nói đến 2028, họ cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt Mỹ, sớm hơn 5 năm so với dự đoán trước đó của họ.

CEBR ấn tượng với Việt Nam và cho hay hiện năm 2020, Việt Nam cũng đã là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thua Thái Lan 25 và Đài Loan 21. Nhưng họ dự đoán đến 2035, Việt Nam sẽ hơn về quy mô kinh tế, sẽ đứng 19 thế giới, còn Thái Lan 21 và Đài Loan 26.

Cũng trong tháng 12 năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố dự báo rằng đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình, và năm 2035 GDP của Việt Nam sẽ vượt Đài Loan.

JCER dự đoán thu nhập đầu người Việt Nam sẽ là 11.000 USD năm 2035 và quy mô kinh tế sẽ lớn thứ hai trong vùng, chỉ sau Indonesia.

Ảnh 2: các lãnh đạo Đảng và đại biểu giơ tay biểu quyết tại hội nghị 14 của TƯ đảng

Sát Đại hội 13, vẫn chưa biết ai là ‘người đặc biệt’ được chọn ở lại

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chốt được ai sẽ là Tổng Bí thư do chưa chọn xong “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi, mặc dù Đại hội 13 sắp khai mạc ngày 25/1.

BBC được biết Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn ít nhất một cuộc họp, có thể diễn ra ngày 9/1, để bàn thảo về ứng viên cho bốn chức danh Tứ Trụ, và các trường hợp trên 65 tuổi được giới thiệu tiếp tục ở lại.

Theo Quy định chặt chẽ của Đảng, nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Đến giờ này, sự quan tâm đặc biệt đang dành cho hai trường hợp trên 65: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới làm Thủ tướng một nhiệm kỳ, và chính phủ giai đoạn 2016-2020 được đánh giá cao trong quản trị kinh tế, xã hội Việt Nam.

Còn ông Trần Quốc Vượng được giới quan sát từ hai năm qua xem là một trong vài ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng.

Quy định này nói mức độ Tuyệt mật liên quan: Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

Ảnh 3: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

Một phần do quy định này, mà thông tin về quy hoạch Tứ trụ đến giờ vẫn “kín như bưng”.

Tổng hợp các nguồn, BBC được biết Bộ Chính trị đã có một cuộc họp trong tuần cuối cùng của năm 2020.

Tại đây, các vị lãnh đạo chóp bu đã bàn về các phương án bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu ở lại.

Dường như đa số, với tỉ lệ sát nút, trong Bộ Chính trị ở cuộc họp này ủng hộ phương án chỉ một người trên 65 được ở lại khóa 13.

Nhưng phương án 2 người trên 65 vẫn chưa bị bác bỏ vì vẫn có một số trong Bộ Chính trị ủng hộ.

Vì thế một cuộc họp tiếp theo của Bộ Chính trị, có thể trong ngày 9/1/2021, sẽ tiếp tục bàn và cố gắng chốt trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra.

Đảng Cộng sản trước đó đã công khai rằng tại hội nghị Trung ương 15, chưa rõ ngày trong tháng Giêng, Bộ Chính trị sẽ “báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội 13 của Đảng“.

Chỉ khi Bộ Chính trị xác định bao nhiêu người trên 65 được giới thiệu ở lại, họ mới có thể chốt nhân sự giới thiệu cho các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Ảnh 4: 8 gương mặt nổi bật trong Bộ chính trị đều đã quá tuổi theo qui định, dự báo rằng sẽ có nhiều trường hợp đặc biệt để hợp thức hóa những người cao tuổi này

Nói với báo chí Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết thêm chi tiết:

Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu.”

Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không.”

Trong tinh thần này, dù Bộ Chính trị có giới thiệu bao nhiêu người trên 65, phương án đó vẫn phải phụ thuộc lá phiếu của Trung ương Đảng, trước khi được trình ra Đại hội 13.

Việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược của ban lãnh đạo khóa 12, chuẩn bị cho khóa 13, được xem là nghiêm ngặt hơn các nhiệm kỳ trước.

Sau khi là “trường hợp đặc biệt” duy nhất trong Bộ Chính trị được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.

Đầu năm 2020, ông ban hành Quy định 214/2020 thay cho Quy định 90/2017 quy định tiêu chuẩn cho các chức danh.

Ví dụ, Quy định 214 yêu cầu lãnh đạo “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Số cán bộ cấp chiến lược kỳ này được đưa vào quy hoạch cho giai đoạn từ 2021 chỉ là hơn 220 người, giảm gần 300 người so với số quy hoạch khóa trước.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội 13, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa 12, vừa quy hoạch nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo như nhiệm kỳ trước.

Việc chuẩn bị nhân sự lâu nay được tiến hành theo quy trình 3 bước là hai lần trình Ban thường vụ, một lần trình Ban chấp hành

Nhưng đến thời kỳ sau 2016, Bộ Chính trị đặt ra quy trình 5 bước: hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.

Dự kiến Đại hội 13 sẽ bầu ra khoảng 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa 12).

Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới dự kiến giữ như khóa 12, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.

Ảnh 5: báo Tiền phong đưa tin rằng “Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng lo sợ đảo chính

>>> Đảng Cộng sản Việt Nam dán nhãn “khủng bố” cho đối kháng chính trị

>>> Thẩm phán suốt đời có phù hợp với thể chế chính trị độc đảng tại Việt Nam?

Trung Quốc toàn trị và hiếu chiến buộc phương Tây phải đối đầu


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT