Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=BoIFrG4X62o
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một người tuyên bố ra khỏi Đảng và tự ứng cử Quốc hội khóa XV, nói rằng thực trạng Quốc hội có nhiều nghị gật là “một thảm họa của dân tộc.” Ông chia sẻ những chức năng cần có của Quốc hội, cũng như những tồn tại yếu kém của cơ quan lập pháp Việt Nam, đồng thời nêu rõ tâm huyết, chương trình hành động của mình với mục đích tập trung vào hai mảng chính: hoạt động làm luật và hoạt động phản biện.
Ông chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Nếu vào được QH tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, 83 tuổi, một giáo sư ngành xây dựng, từng nhận danh hiệu “Nhà Giáo Nhân Dân” tại trường Đại Học Xây Dựng ở Hà Nội, nhưng sau này trở thành người bất đồng chính kiến.
Xin giáo sư cho biết về ý định tự ứng cử ĐBQH khóa XV, khi giáo sư nộp hồ sơ thì chính quyền địa phương đã tiếp nhận như thế nào, có bị cản trở gì hay không? VOA nêu câu hỏi
GS Nguyễn Đình Cống: Tôi năm nay ngoài 80 tuổi nhưng tôi thấy vẫn còn sức khỏe tốt, nhưng quan trọng nhất là tôi có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước.
Nếu như chỉ là một ông già, người dân bình thường thì chỉ giỏi lắm viết được vài ba chục bài báo.
Tôi thấy muốn đóng góp một cách tích cực, hữu hiệu thì là vào được QH.
Lý do thứ hai, tôi thực sự mong đất nước có một quốc hội đúng nghĩa quốc hội: là cơ quan đại diện cho dân.
Muốn như vậy QH phải có nhiều người giỏi để làm luật, thực hiện vai trò là cơ quan lập pháp.
Thêm nữa là nhân thời cơ có chủ trương có thêm nhiều người ngoài Đảng vào tham gia QH – thực giả chủ trương như thế thì chưa biết – nhưng điều này kích thích tôi và khiến tôi tự ứng cử.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ phải đưa ra cho chính quyền địa phương xác nhận lý lịch và có rất nhiều khó khăn. Tôi xem đây như là một việc thử thách lòng kiên nhẫn. Thành ra hồ sơ của tôi đã làm đến lần thứ 7, và phải nói rằng rất vất vả.
VOA: Ra ứng cử lần này thì nguyện vọng và chương trình nghị sự của giáo sư là gì? Giáo sư có thể chia sẻ chương trình hành động của mình?
GS Nguyễn Đình Cống: Chương trình hành động của tôi có mấy điểm như thế này: Việc làm luật của QH hiện nay rất yếu. QH là cơ quan lập pháp và nhiệm vụ quan trọng nhất của QH là làm luật, nhưng QH hiện nay chỉ thông qua luật chứ chưa làm luật, và luật thì ngành nào thì ngành ấy làm.
Và vì vậy, có những luật rất cần cho dân thì chưa ai làm. Hỏi QH thì QH bảo điều ấy chưa có ai đề ra.
Mong ước đầu tiên của tôi khi vào QH là tôi sẽ cải cách, đổi mới cách làm luật, và phải nhanh chóng ra các luật mà nhân dân đang rất cần.
Tôi theo dõi các hoạt động của QH bấy lâu nay thì thấy rằng tuy có các buổi chất vấn các bộ trưởng nhưng chưa có các buổi phản biện – phản biện những đường lối của nhà nước, của lãnh đạo…điều mà các nước gọi là tranh luận để xem họ làm đúng hay sai.
QH hiện nay chưa ai làm phản biện. Khi tôi vào QH tôi sẽ đề xướng việc này, thực hiện vai trò phản biện trong QH.
Tôi vốn là một nhà khoa học, nhà giáo dục, và cũng có hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau, và tôi có thể tích cực đóng góp đặc biệt vào lĩnh vực văn hóa – giáo dục.
Tôi cũng đề xuất mở cho mỗi một ĐBQH mỗi người một văn phòng và người giúp việc để hoạt động cho hiệu quả.
VOA: Vừa qua ông Hồ A Lềnh, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nói rằng đảm bảo “cánh cửa mở rộng” cho những người tự ứng cử. Ý kiến của giáo sư về phát biểu này là như thế nào?
GS Nguyễn Đình Cống: Cũng có điều đáng khen và điều đáng chê. Đáng khen là họ biết mở cánh cửa ra để cho người ta vào, nhưng bản chất của việc đóng và mở cửa là việc làm đáng chê trách.
Việc bầu cử phải là việc mở rộng, không có cửa nào cả, mọi người được tự do.
Đặt ra cửa tức là đặt ra sự độc quyền. Tư tưởng, quan niệm, và ý thức về việc có một cánh cửa như vậy là sai. Phải xóa bỏ, không có một cánh cửa nào cả.
Tư tưởng của MTTQ là độc quyền, “ta có quyền mở cho ai thì người đó vào!”
VOA: MTTQ cũng đã cơ cấu số lượng người được giới thiệu ứng cử và cơ cấu người tự ứng cử. Giáo sư nghĩ gì về cách cơ cấu này?
GS Nguyễn Đình Cống: Cách cơ cấu đó vi phạm đạo lý và vi phạm luật pháp.
Việc chọn ĐBQH là do cử tri. Cử tri thích ai, đồng ý ai thì họ chọn. Còn cơ cấu như vậy là độc đoán.
Khi chưa bầu thì làm sao biết được thành phần loại này loại kia. Phải chăng đó là những thủ đoạn, biện pháp không trong sáng: chốt danh sách, lập mẹo, gian dối.
Họ nên vận động cho người dân bầu xong rồi thì mới cơ cấu. Chứ chưa có danh sách ứng cử thì làm sao có bao nhiêu người loại này loại kia.
Việc cơ cấu trước như vậy thể hiện quan điểm độc tài, độc đoán và tôi không tán thành việc cơ cấu.
VOA: Giáo sư nghĩ gì về lá phiếu và tiếng nói của cử tri trong các kỳ bầu cử ở Việt Nam?
GS Nguyễn Đình Cống: Năm 1946 Việt Nam có tổng tuyển cử đầu tiên, dù sao cũng thể hiện nền dân chủ văn minh.
Các kỳ bầu cử sau này, ngoài mồm thì người ta nói phổ thông đầu phiếu, gần 100% cử tri đi bầu và những người ứng cử thì được trúng cử với tỷ lệ rất cao 95-98% nhưng thật chất mà nói đó là Đảng cử dân bầu.
Dân chẳng qua là theo thôi. Thật ra chưa bầu nhưng người ta đã biết ai sẽ trúng cử, thế thì còn dân chủ chỗ nào nữa!
Cái hình thức Đảng cử dân bầu là hình thức phản dân chủ nhất thế mà người ta vẫn thực hiện, vẫn chịu. Biết làm sao được!
Hiện nay có một xu hướng vận động nói rằng nên tẩy chay các cuộc bầu cử như thế, nhưng tôi nghĩ rằng thời cơ chưa đến. Cũng đành phải như thế thôi. Mình phải vận động để có nhiều người tự ứng cử.
Nhìn cuộc bầu cử QH nói là dân chủ nhưng thực sự là Đảng cử dân bầu thì như vậy chẳng còn dân chủ gì nữa. Đó là dân chủ giả hiệu mà thôi.
Việc dân chủ hóa Việt Nam đang là một vấn đề khó, một con đường gay go!” GS Nguyễn Đình Cống nêu quan điểm.
Bầu cử Quốc hội: Tự do ứng cử nhưng phải do Đảng kiểm tra, xét duyệt
“Phấn đấu số người ngoài đảng trúng cử vào Quốc hội khoá mới từ 25 đến 50, tức là chiếm từ 5 đến 10%” là điều mà bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ vào sáng 4/2.
Tuy vậy, Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa ra công văn về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp”, yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ phải quán triệt thực hiện chỉ thị và kết luận của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, điều 5 của công văn này ghi rõ “Đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.”
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong những năm quan trọng của MTTQ Việt Nam, cứ 5 năm một lần, họ thay mặt Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức các Hội nghị hiệp thương của cuộc bầu cử Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ủy ban MTTQ Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên 90% là đảng viên Cộng sản. Đó không phải là một cơ quan độc lập trong việc đánh giá những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cho nên, khi để cho những người ở trong MTTQ đánh giá những ứng viên ngoài đảng về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị thì hoàn toàn là không khách quan và không công bằng:
“Theo Hiến pháp Việt Nam thì tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự ứng cử cũng như tham gia bầu cử của Quốc hội, mà ở đây đã gọi là công bằng thì không phân biệt giàu nghèo, thành phần giai cấp hay là phân biệt quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị, không phân biệt về tôn giáo.
Vậy, khi cơ quan của Đảng Cộng sản mà đánh giá những quan điểm độc lập hay quan điểm đối lập với Đảng Cộng sản để nhằm mục đích loại những ứng cử viên đó ra.
Tức là họ chỉ chọn những ứng cử viên mặc dù không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản nhưng lại có những quan điểm và lập trường ủng hộ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ông Nguyễn Đình Hà, là người đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 nói rằng quy định này của Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhằm để loại các ứng viên độc lập có quan điểm khác với Đảng, chỉ để lại những người ngoài Đảng nhưng phải “phò Đảng” mới được lọt vào danh sách ứng viên ĐBQH cuối cùng:
“Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba vòng hiệp thương. Vòng đầu tiên là vòng hồ sơ. Vòng thứ hai là hiệp thương tại nơi làm việc và nơi cư trú và vòng thứ ba là lựa chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng.
Theo như tiêu chí của quy định mà bên Ban Tổ chức Trung ương đảng đưa ra như thế thì người ta sẽ loại bỏ ngay hồ sơ của những người ngoài Đảng mà họ cho là không đạt tiêu chuẩn ngay từ vòng nộp hồ sơ. Việc này sẽ làm tăng sự khó khăn cho các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng.
Trong cái thông báo đó còn có chữ “tiêu chuẩn chính trị”, thì thế nào là đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị?
Ở đây không phải là việc người ta có đáp ứng về chuyên môn hay những yêu cầu của một đại biểu Quốc hội hay không, mà đây là người ta có thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản hay không. Đó là một điều rất mơ hồ. Có nghĩa rằng đảng đang lọc ra những người có xu hướng thân với đảng và phò Đảng.”
“Khi tôi tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 thì hồ sơ của tôi đã bắt đầu bị gây khó khăn bằng việc Chính quyền cấp phường là nơi xác nhận vào bảng sơ yếu lý lịch của ứng viên Đại biểu Quốc hội đã phê vào đó những lời không tốt về tôi, và những lời đó hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với quy định của Ủy ban bầu cử hướng dẫn.
Pháp luật quy định rõ ràng rằng khi mà xác nhận vào sơ yếu lý lịch thì chỉ xác nhận là người đó có cư trú ở đó hay không mà thôi chứ không được quyền nhận xét về cá nhân, phẩm chất của người ta như thế nào.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng dùng kế “Đả Thảo Kinh Xà” nhắm vào Hoàng Trung Hải?
>>> Nguyễn Thị Kim Ngân mất quyền lực và số phận 300 chiếc áo dài
>>> Bị réo tên trước tòa, Lê Hoàng Quân “tái mặt”?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tồn tại hay không tồn tại?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT