Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=8G2eJtNVWUA
Nhiều ngư dân Việt đang bị phía Indonesia giam giữ lâu dài lên tiếng kêu cứu vì điều kiện giam giữ khắc nghiệt, trong khi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia gần như “bỏ mặc” họ.
Theo thống kê của giới chức Indonesia, hiện có khoảng 200 ngư dân Việt Nam bị giam giữ tại Indonesia đang chờ đợi giấy tờ, thủ tục về nước. Họ bị lực lượng chứng năng nước chủ nhà bắt và tạm giam với cáo buộc đánh bắt trộm trong vùng biển của Indonesia.
Theo luật pháp Indonesia, khi tàu cá nước ngoài bị bắt, chỉ có những tài công (người lái tàu) mới bị đưa ra tòa, bị tù và trục xuất sau khi xét xử; trong khi đó các thuyền viên không phải ra tòa mà chỉ chờ ngày được trả về Việt Nam.
Hầu hết những người bị giam giữ là thuyền viên, ngư phủ đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ đi biển làm thuê kiếm sống vì là lao động chính trong gia đình.
Trong suốt thời gian bị giam giữ, không những họ không thể kiếm ra tiền, mà gia đình ở Việt Nam còn phải vay mượn tiền khắp nơi để lo giấy tờ, thủ tục cho người thân mau chóng được trở về.
Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia lâu nay chỉ hứa hẹn rằng đang làm hồ sơ, yêu cầu mọi người chờ đợi, nhưng không ai được biết họ phải chờ đợi các thủ tục gì và trong thời gian bao lâu.
Có nhiều người đã chờ đợi đến ba, bốn năm. Thậm chí, có hai có trường hợp tự tử trong trại giam; có trường hợp bị bệnh nền chết mà tro cốt vẫn chưa được đưa về Việt Nam.
Hoàn cảnh ngặt nghèo của ngư dân
Ông Dung, một ngư dân đi đánh bắt cá và bị cảnh sát Indonesia bắt hồi tháng 3/2020, hiện đang bị giam tại trại Tanjung Pinang thuộc quần đảo Riau phía Đông Indonesia.
Ông chia sẻ với RFA về tình cảnh của mình rằng ở Việt Nam còn có con nhỏ và cha mẹ già.
Dù đã trên 70 tuổi, cha mẹ vẫn phải làm thuê làm mướn, nhín nhút gởi sang cho ông mỗi tháng một triệu đồng vì thức ăn bên này thiếu thốn, ăn không đủ no.
Ông Dung đang rất sốt ruột do đã bị giam hơn một năm nay không làm ra được đồng nào:
“Em thì có ba mẹ già. Lúc em không có thu nhập, ông bà làm thuê làm mướn cũng đủ ăn đủ sống.
Cũng có vay mượn để sinh sống và gửi qua bên đây, mỗi tháng gửi 1 triệu đồng, là khoảng 500.000 ở bên này.Toàn bộ anh em ở đây có người rất khổ, sống vất vả lắm! Cơm ở đây ăn được cái có nửa chén thôi.
Nhiều người bị đói khát lắm. Ở bên đây sống rất khổ, không có cơm ăn. Giờ muốn về Việt Nam để sinh sống, để kiếm đồng tiền nuôi gia đình con cái chứ ở đây rất là khổ.”
Ông Biên, chỉ là người đi theo sửa máy cho tàu chứ không phải là ngư phủ, cũng bị bắt hơn một năm nay, từ tháng 2/2020.
Ông kể tàu đang đánh bắt ngoài biển thì máy bị hư, chủ tàu gọi ra để sửa máy.
Khi sửa xong xuôi chưa kịp vô lại bờ thì cả tàu bị phía Indonesia bắt giam.
Ông nói lúc ở nhà, ông là trụ cột kinh tế chính. Dù phải đi làm thuê, làm mướn cũng vừa đủ trang trải nuôi con ăn học. Từ ngày ông bị bắt, vợ của ông ở Việt Nam phải cáng đáng mọi việc.
Thế nhưng, bà cũng vừa vị tai nạn giao thông từ trước Tết, hiện đi lại khó khăn, con cái thì đang còn đi học mà ông vẫn thì phải chờ đợi mòn mỏi chưa biết khi nào mới được về:
“Bây giờ, con nó mới vô học được có ba tháng mà anh thì bị bắt ở bên này nên đâu có lo gì được cho con.
Cũng tốn kém túng thiếu lắm! Anh là trụ cột gia đình. Vợ anh ở nhà đi ra Cần Thơ bị tai nạn giao thông nằm ở nhà đâu có làm được gì, chết lâm sàng hơn hai tiếng.
Bây giờ anh cũng quá trời đuối mà không biết làm sao bây giờ.
Mong muốn của anh là anh chỉ mong được về sớm trong chuyến bay sớm nhất trong tháng Năm này để anh được về phụ giúp gia đình chứ anh lo cho bà xã và con anh quá.
Anh chỉ cầu mong cho tất cả anh em làm sao mà sum họp được với gia đình.”
Người tự tử, người chết trên đất khách
Chia sẻ thêm về tình cảnh những người đang cùng bị giam, ông Biên cho biết, ở đây ai cũng khổ, chỉ mong được về đoàn tụ với gia đình.
Ông cho biết đã xảy ra 2 vụ tự tử xảy ra trong số ngư dân bị Indonesia giam giữ, một vụ đâm bằng dao và một vụ treo cổ trong toilet.
Riêng vụ treo cổ chỉ vừa xảy ra chưa đầy một tuần trở lại đây:
“Hôm rồi có người ở bên đây ba năm mấy rồi, tự sát mà chưa chết được. Người ta phát hiện được.
Còn một thằng bữa hôm đó buồn đời vì ở bên đây nhiều ngày quá rồi nên nó tự đâm nhưng cũng không chết được.
Tự sát bất thành. Hai người tự tử, một người thắt cổ, một người đâm.
Cái thằng thắt cổ mới ba ngày nay. Thằng đó nó thắt cổ trong toilet rồi có thằng dòm thấy chạy ra la làng, bốn, năm thằng chạy tới cắt dây.”
Ngoài ra, còn có một người khác cũng bị bắt hồi tháng 3/2020, bị mắc bệnh nền, điều kiện giam giữ không có thuốc uống nên đã tử vong trong thời gian bị giam giữ:
“Anh Tửng này là anh bị tiểu đường, rồi anh bị bắt bị giam mấy tháng không có thuốc để điều trị. Rồi nó tăng đường lên chịu không nổi, đưa ra bệnh viện thì mình không biết tiếng, nó điều trị được bữa thứ nhất rồi trở lại về trại. Rồi sau đó đuối lại mới đưa ra bệnh viện lại thì chết luôn”
Ông Biên nói đám tang anh Tửng, người nhà bên Việt Nam có gửi qua 10 triệu để làm đám tang.
Chỉ có anh em bị giam cùng trại đến viếng, tro cốt hiện vẫn còn để lại ở nhà hoả táng.
Sứ quán ‘bỏ lơ’ công dân?
Hồi tháng 12/2020, nhiều người ở trại giam Tanjung Pinang đã quay video gởi đến cho Đài Á châu Tự do bày tỏ tình cảnh cực khổ, thiếu thốn, thức ăn bị ôi thiu ở đây.
Ông Biên cho biết, sau bản tin của RFA, người của Đại sứ quán Việt Nam đã xuống trại giam lấy thông tin của tất cả mọi người từ trước Tết.
Nhưng từ đó cho đến nay vẫn chưa có tin tức khi nào mọi người được về Việt Nam:
“Có hồi hôm Tết, Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia có qua đây để phỏng vấn trực tiếp.
Anh cũng có nói là cầu xin cho tất cả anh em trong trại được sớm đoàn tụ với gia đình.
Đại sứ quán nói sẽ cố gắng tạo điều kiện trong thời gian sớm nhất, nhưng anh thấy tới bây giờ cũng chưa thấy đoái hoài gì hết.”
Ông Dung kể rằng hồi năm ngoái, có một lần tất cả anh em bị giam tuyệt thực đồng loạt để yêu cầu được về Việt Nam.
Lúc đó, cán bộ trại giam có xuống làm việc và nói với mọi người rằng phía Indonesia không hề muốn giam giữ họ, chỉ là do phía Việt Nam chưa chịu ký giấy cho mọi người về.
Phóng viên đài Á châu Tự do nhiều lần gọi điện với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia trong giờ hành chính, theo tất cả các số máy đăng trên trang web của Đại sứ quán, ngay cả số đường dây nóng, để xác nhận thông tin nhưng đều không có người nghe máy.
Ở Việt Nam, chị Vy, có em trai là ngư dân cũng đang bị giam tại Tanjung Pinang cho biết là gia đình đã nhiều lần liên hệ với Sở ngoại vụ tại địa phương để hỏi thăm tin tức.
Lần nào nhân viên Sở ngoại vụ trả lời rằng họ đã gởi toàn bộ giấy tờ, công văn qua Indonesia rồi:
“Sở Ngoại vụ ở bên này địa phương nói là đã gửi cho Đại sứ quán rồi. Nhưng mình đến hỏi thăm thì Đại sứ quán nói là cứ chờ đợi. Đợi miết, đợi miết… hơn một năm mấy nay rồi mà không có thông tin gì hết.”
Do nóng lòng để được trở về Việt Nam, nhiều ngư dân và gia đình đã đóng từ 10 đến 25 triệu đồng cho một người môi giới tự giới thiệu là đã từng làm giấy tờ, thủ tục cho nhiều ngư dân khác được trở về Việt Nam.
Chị Vy nói với RFA rằng thông tin cá nhân của người này hoàn toàn mập mờ.
Những người đã đóng tiền cũng đã đợi hơn năm nay chưa thấy ai được về:
“Em có hỏi thăm là đã có 100 người khi gia đình ở phía Việt Nam là phải vay mượn, có gia đình phải vay mượn cả xã hội đen, cầm cố tài sản vay tiền ngân hàng để gửi cho cái anh đó để làm thủ tục.
Cho nên mọi người ở nhà đang rất lo lắng rằng người này đang lợi dụng sự mong muốn của mọi người đang muốn về để lừa mọi người.
Mọi người cũng không hề biết là Đại sứ quán và người đó có liên hệ gì với nhau hay không.
Nhưng mọi người cũng đang thắc mắc là tại sao Đại sứ quán lại không làm việc cho mọi người.
Có phải là Đại sứ quán đang bỏ rơi người dân của mình ở bên đó hay không, để người dân phải tự tìm cách đi về như vậy.
Người dân muốn liên lạc với Đại sứ quán ở bên đó thì cũng không hề nghe máy.”
Theo cơ quan chức năng Indonesia, trong 225 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ từ đầu năm đến nay có 26 người là nghi phạm, trong khi 199 người không phải là nghi phạm.
Trong một video gửi riêng cho RFA, ngư dân Hồ Văn Hiếu, 63 tuổi, thuộc tỉnh Kiên Giang, đại diện cho những ngư dân bị giam giữ tại đây cho biết ông đã bị phía Indonesia bắt giữ khi đánh bắt cá khoảng hơn 8 tháng nay. Ông cho biết:
“Đời sống của anh em quá khổ. Bữa ăn cơm thiu có, bữa cơm sống có. Còn đi xuống căng tin thì phải mua tốn tiền.”
Ông Hiếu nói: “Bây giờ chúng tôi nhờ chính quyền Việt Nam giúp đỡ anh em chúng tôi về nước đoàn tụ với gia đình. Hoàn cảnh khó khăn. Mong các cấp, toà soạn đưa lên ý kiến giúp đỡ anh em chúng tôi xum họp với vợ con”.
Ông Didik Agus, phát ngôn nhân Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia cho hay đã liên lạc với Chính phủ Việt Nam thông qua Đại sứ quán tại Jakarta, tuy nhiên, “Đại sứ quán Việt Nam đã chuyển thông tin rằng tình hình đại dịch COVID-19 gây trở ngại đáng kể cho việc hồi hương công dân.”
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mâu thuẫn chính phủ, Phạm Minh Chính muốn “tống khứ” Nguyễn Văn Thể?
>>> VinFast trình báo khách hàng với cảnh sát sau những khiếu nại “không đúng sự thật” trên YouTube
>>> Nguy cơ mất Tỷ đô – VinFast bị khách hàng tố “xe rởm”
Thế lực Bắc thì nam tiến, thế lực Nam lại bắc tiến, Nguyễn Phú Trọng tính nước cờ gì?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT