Nghịch lý bầu cử Việt Nam: Cử tri đi bầu chỉ để cho xong?

Tài liệu tuyên truyền bầu cử trên cổng thông tin điện tử huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Trước khi vào đề, tôi xin mạn phép hỏi quý vị:

Thứ nhất, những ai đã từng đi bầu hồi 5 năm trước: quý vị có nhớ tên đại biểu mình đã bầu hay tên người đã trúng cử để đại diện cho quý vị sau đó hay không?

Thêm nữa, có biết đại biểu đó đã làm được gì, chẳng hạn như đã phát biểu gì ở nghị trường cũng như đã bỏ phiếu như thế nào cho các dự luật, hay không?

Thứ hai, những ai đi bỏ phiếu vào ngày 23/5 này: quý vị có nhớ tên những ứng viên trong danh sách quý vị sẽ chọn lựa hay không hay phải đến phòng phiếu mới biết?

Thêm nữa, có biết những người đó có chương trình hành động thế nào không? Có hình dung nếu được bầu, họ sẽ có tác động thế nào đối với đời sống quý vị không?

Kiểm soát toàn bộ

Dĩ nhiên, cũng có thể lập luận rằng mọi thông tin về ứng viên, đại biểu rành rành ra đó; các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri cả trước và sau bầu cử cũng đầy ra đó. Ai không hay, không biết chẳng qua là không chịu tìm, không chịu đọc, không chịu tham dự thôi. Nhưng tại sao lại không nếu họ ý thức được đó là việc hệ trọng ảnh hưởng đến cuộc sống họ và vận mệnh đất nước?

Để sáng tỏ hơn, hãy nhìn sang bầu cử Mỹ một chút: cử tri cần biết hai thượng nghị sỹ đại diện bang hay vị dân biểu đại diện cho địa hạt là ai để theo dõi họ có phục vụ lợi ích của họ hay không hoặc khi có việc gì cần kíp thì có thể gõ cửa nhờ giúp đỡ. Chẳng hạn cộng đồng Việt có thể nhờ dân biểu của họ lên tiếng với chính quyền về lệnh trục xuất người gốc Việt, hay các cử tri gốc Á đòi hỏi các vị đại diện của họ phải có tiếng nói mạnh mẽ về tình trạng bài Á, hay các cử tri Cộng hòa sống chết với cựu Tổng thống Donald Trump theo dõi chặt chẽ diễn biến quy trình luận tội ở Quốc hội để ‘ghim‘ lại những nghị sỹ Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận để sau này ‘tính sổ’ với họ.

Dĩ nhiên không thể nào so sánh táo với cam. Hai nước không cùng hệ. Chế độ chính trị khác nhau một trời một vực. Tùy chế độ chính trị thế nào mà bầu cử có ý nghĩa, nguyên tắc, thể thức thế đó. Không thể đòi hỏi chế độ độc đảng ở Việt Nam làm theo cách thức bầu cử đa đảng như ở Mỹ và ngược lại được.

Chẳng hạn ở Mỹ có hai đảng lớn thì bầu cử phải được tổ chức độc lập có sự giám sát chặt chẽ của cả hai đảng để đảm bảo công bằng. Bất kỳ đảng nào cũng không thể tự tung tự tác để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử (dù mới đây có kẻ thua lu loa lên rằng đảng kia ‘ăn gian‘ nhưng trong cùng đảng chẳng có mấy ai phụ họa). Còn ở Việt Nam, thật lòng mà nói, trong điều kiện độc đảng thì có muốn bầu cử độc lập, công bằng cũng không được.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia là của Đảng. Người đứng đầu Hội đồng là Chủ tịch Quốc hội đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị của Đảng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – cơ quan hiệp thương để đưa ra danh sách ứng viên – cũng là cánh tay nối dài của Đảng. Từ trên đến dưới đều là của Đảng.

Từ lựa chọn, giới thiệu, hiệp thương ứng viên cho đến phân bổ, sắp xếp các đơn vị bầu cử, từ tuyên truyền, quảng bá ứng viên cho đến kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử tất tần tật đều là Đảng nắm. Đảng có thể phân bổ ứng viên gà nhà về đơn vị bầu cử nào đó thuận lợi hay cho đứng cùng với ứng viên nào khác yếu thế hơn để đảm bảo ứng viên đó chắc thắng. Còn nếu muốn loại ứng viên nào đó mà Đảng không ưa thì có thể gây áp lực với hội nghị cử tri tại địa phương để bỏ phiếu bất tín nhiệm người đó, nếu không thì có thể thẳng thừng bỏ phiếu loại người đó ra qua các vòng hiệp thương.

Đó là nói ‘nếu muốn‘ Đảng có thể thao túng, nhưng thật sự Đảng có muốn thao túng bầu cử không? Nên nhớ Đảng không chỉ tổ chức bầu cử mà còn tham gia bầu cử với đa phần ứng viên là người của Đảng, kiểu như vừa đi thi vừa làm giám khảo. Đương nhiên là Đảng muốn người mình trúng cử rồi. Với động cơ và đầy đủ điều kiện như thế thì làm sao tránh khỏi bị nghi ngờ?

Tranh cử không công bằng

Đó là còn chưa nói đến bộ máy truyền thông vốn có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền cho các ứng viên cũng nằm trong tay Đảng luôn.

Một nguyên tắc cơ bản của truyền thông ở bất kỳ quốc gia dân chủ nào là mỗi khi đến kỳ bầu cử họ đều phải đảm bảo đưa tin công bằng cho tất cả các ứng viên. Chẳng hạn khi đưa tin về bầu cử Tổng thống Mỹ phải đảm bảo hai ứng viên đều có tỷ lệ xuất hiện bằng nhau.

Trong khi đó, gần tới ngày bầu cử ở Việt Nam, gần 900 ứng viên còn lại cộng lại cũng không bằng sự xuất hiện dày đặc trên truyền thông của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, vốn ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử Hóc Môn-Củ Chi của Thành phố Hồ Chí Minh.

Như thế có công bằng cho các ứng viên khác không? Tại sao chỉ đưa tin về hoạt động vận động, tiếp xúc cử tri của ông Phúc mà bỏ qua các ứng viên khác, nhất là các ứng viên cũng cạnh tranh với ông Phúc ở đơn vị bầu cử này? Nếu vì ông Phúc là Chủ tịch nước nên cần đưa tin về các hoạt động của ông thì nhất thiết không được lồng ghép vào các thông điệp vận động cử tri. Hay đúng hơn thì trong thời gian vận động tranh cử nếu không đưa tin cho các ứng viên khác thì cũng không tuyên truyền cho ông Phúc luôn.

Ngay việc ông Phúc, vốn xuất thân từ Quảng Nam-Đà Nẵng, ứng cử ở Hóc Môn-Củ Chi cũng có gì đó lấn cấn. Trên nguyên tắc, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng cử tri ở khu vực ra ứng cử. Ở Mỹ, mỗi thượng nghị sỹ đại diện cho cử tri toàn bang hay mỗi dân biểu sẽ đại diện cho đại diện cho khoảng 500.000 dân trong địa hạt và đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của cử tri nhà, họ phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Phúc có thời gian sinh sống, hoạt động và công tác ở Hóc Môn-Củ Chi không? Vậy lấy gì đảm bảo ông nắm được tâm tư nguyện vọng của cử tri nơi đây để đại diện cho lợi ích của họ? Đành rằng ông Phúc nằm trong số các ứng viên Trung ương giới thiệu về địa phương nhưng tại sao không giới thiệu ông về nơi ông có thể đại diện? Mặc dù các trường hợp như thế lâu nay không phải là hiếm, chẳng hạn cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quê Kiên Giang từng ra ứng cử ở Hải Phòng, nhưng làm vậy sẽ khiến người ta đặt vấn đề liệu người dân địa phương nào đó có thật sự bầu ra người đại diện cho quyền lợi của địa phương mình ở Quốc hội không?

Theo luật thì người dân bầu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sau đó thay mặt người dân bầu các chức danh chủ chốt của bộ máy nhà nước. Lý thuyết là vậy nhưng trước giờ ai cũng biết các chức danh chủ chốt đã được quyết định từ trước tại Đại hội Đảng và Quốc hội nhóm họp sau đó chỉ là để hợp thức hóa mà thôi.

Nhưng dù như vậy đi nữa thì cũng nên để Quốc hội mới chọn các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ mới, đằng này để Quốc hội sắp mãn nhiệm làm việc này thì việc bầu Quốc hội của người dân không còn ý nghĩa bầu ban lãnh đạo mới của đất nước nữa. Đằng nào thì từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng cho đến các bộ trưởng… của nhiệm kỳ mới đã được bầu xong trong khi Quốc hội khóa mới người dân vẫn chưa bầu ra. Như vậy thì không chỉ tính đại diện mà cảm giác làm chủ đất nước thông qua lá phiếu của người dân cũng không có luôn, cho dù chỉ là cảm giác! Đành rằng Quốc hội mãn nhiệm cũng do dân bầu ra nhưng nó được bầu để làm việc trong 5 năm thôi, nếu không thì cần bầu Quốc hội mới làm gì?

Làm sao để sáng suốt?

Càng gần tới ngày bầu cử thì đâu đâu cũng nghe khẩu hiệu: ‘Sáng suốt lựa chọn, tìm hiểu kỹ để chọn ra đại biểu xứng đáng và phù hợp‘. Đi bầu cử, nhất là vào cơ quan được cho là ‘quyền lực nhất nước’ thì đương nhiên phải chọn kỹ cần gì nhắc?

Tuy nhiên, cái để giúp người dân cân nhắc thì gần như không có gì ngoài vài dòng tiểu sử của ứng viên dán trên tường khu phố hay tại phòng bỏ phiếu. Bao nhiêu đó có giúp người dân biết được ứng viên có tài năng, đức độ, quan điểm, chương trình hành động như thế nào không?

Người dân cần gặp gỡ, tiếp xúc ứng viên, nghe họ nói có thuyết phục không, trình bày kế hoạch có khả dĩ không, có thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân hay không. Thế nhưng, bao nhiêu phần trăm cử tri có cơ hội tham dự các buổi tiếp xúc kể cả trực tiếp lẫn trực tuyến? Và có bao nhiêu ứng cử viên có cơ hội truyền đi thông điệp của mình qua truyền thông chính thống ngoài những ứng viên đặc biệt như ông Phúc, ông Huệ, ông Chính, ông Trọng?

Cho nên mới có chuyện đến ngày bầu cử mà nhiều cử tri chẳng biết ứng viên là ai. Như vậy thì làm sao mà lựa chọn sáng suốt?

Tôi từng nghe nhiều cử tri chọn ứng viên theo kiểu thấy mặt mũi người nào ‘thấy ghét‘ thì gạch bỏ hay đọc tiểu sử nghe có vẻ hay thì giữ lại. Trong bối cảnh thông tin ít ỏi như vậy thì những ứng viên đặc biệt được truyền thông đưa tin dày đặc có lợi thế rõ ràng.

Mặc dù bầu cử Mỹ cũng có phần cảm tính với việc cử tri bỏ phiếu theo tình cảm đảng phái cho dù ứng viên bên kia có nổi bật thế nào đi nữa – nhưng cũng có những cử tri độc lập luôn tìm hiểu, cân nhắc kỹ lựa chọn của mình và chính khối cử tri này sẽ góp phần quyết định kết quả bầu cử một cách sáng suốt.

Nếu như lá phiếu bầu cử Mỹ ‘nặng‘ như thế mà tại sao cử tri chẳng mấy quan tâm – tỷ lệ người dân Mỹ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử lâu nay chỉ quanh quẩn ở mức 50% (trừ cuộc bầu cử năm ngoái trên 60%) – trong khi bầu cử ở Việt Nam lên đến mức gần 99% như hồi năm 2016? Phải chăng lá phiếu ở Việt Nam ‘có chất‘ nhiều hơn?

Ở đây không nên lầm lẫn ‘lượng‘ thành ‘chất‘. ‘Lượng‘ nhiều chưa chắc ‘chất‘ đã tốt mà có khi vì ‘chất‘ không tốt nên mới cần ‘lượng‘ bù lại, kiểu như người không có thực lực nên mới cần phải trau chuốt hình thức bề ngoài vậy.

Đó là chưa nói trong hệ thống chính trị mang tính kiểm soát như Việt Nam thì không thiếu gì cách để bắt người dân thực hiện ‘quyền‘ bầu cử của mình. Các đơn vị bầu cử luôn bị áp lực phải báo cáo với cấp trên về con số bầu cử, nếu con số thấp thì sẽ bị cho là làm việc tắc trách, cho nên điều không xảy ra ở Mỹ nhưng xảy ra ở Việt Nam là sẽ có cán bộ phường, xã đến từng nhà nhắc nhở, thậm chí hối thúc đi bầu và bầu cho đủ. Không hiếm trường hợp gia đình cả chục người để một thành viên đi bầu giùm hết mà tổ bầu cử dù có biết cũng cho qua, cốt làm sao có con số đẹp để báo cáo lên trên. Rốt cuộc thì đơn vị nào cũng đạt hơn 99%, tệ lắm cũng được 97%.

Tình trạng bỏ phiếu giùm, bỏ phiếu chùm xảy ra nhiều như vậy là bằng chứng cho thấy người dân họ không hề coi trọng lá phiếu hay quyền bầu cử của mình bất chấp việc chính quyền tuyên truyền như thế nào đi nữa.

Trong dàn xếp, ngoài bầu cử

Mà thực ra bầu cử như vậy ở Việt Nam cũng không có gì bất thường. Chẳng phải Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội đó sao? Như vậy thì chỉ đạo bầu cử ‘có gì phải xoắn‘? Nếu theo đúng nguyên tắc đó thì không cần bầu cử chi cho tốn kém, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, chỉ cần Đảng cử ra Quốc hội luôn cho tiện.

Tuy nhiên, làm vậy trong một chế độ được cho là ‘do nhân dân làm chủ‘ sẽ rất khó ăn nói. Chính nguyên tắc ‘Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ‘ đã tạo ra cơ chế ‘Đảng cử, dân bầu‘. Chỉ khi nào nhân dân được làm chủ thật sự và trao quyền cho người lãnh đạo thì mới tránh được chuyện trớ trêu là ông chủ bị lãnh đạo dắt mũi.

Thành ra, với ‘Đảng cử, dân bầu‘, Việt Nam có cách bầu cử rất riêng: bầu cử kết hợp dàn xếp, nói cách khác trong dàn xếp, ngoài bầu cử. Mặt trận Tổ quốc sắp xếp danh sách ứng viên mà Đảng đã chọn cho dân bầu. Và nó không chỉ có trong tổng tuyển cử mà còn trong phạm vi bầu cử của Đảng. Các đại biểu dự Đại hội Đảng chỉ bầu trên danh sách có số dư đã được Ban chấp hành Trung ương định trước. Cách làm này cũng cho người dân hay đảng viên quyền làm chủ nhưng ở mức độ rất hạn chế – có lúc có kết quả ngoài dự kiến của Đảng như trường hợp ông Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị hồi năm 2016 – nhưng chủ yếu nó hướng tới trật tự, ổn định để phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng.

Ổn định thì có ổn định, nhưng nó chứa đựng ẩn họa là tách thượng tầng chính trị ra khỏi nền tảng người dân cho dù có nói chính quyền ‘gắn bó máu thịt với dân‘ gì gì đi nữa. Khi mà ai đó trở thành đại biểu Quốc hội phụ thuộc nhiều vào tín nhiệm của Đảng hơn là tín nhiệm của dân thì họ sẽ sợ Đảng hơn là sợ dân. Họ sẽ không như các nghị sỹ Mỹ mỗi khi bỏ một lá phiếu phải cân nhắc xem nó có hậu quả thế nào với tương lai chính trị của họ. Kết quả là họ xa rời dân, mất tính giải trình với dân và không nắm được suy nghĩ, nguyện vọng của người dân. Và khi bị tách khỏi nền tảng người dân, chế độ rất dễ lung lay.

* Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả vốn có bằng Thạc sỹ về Quan hệ Quốc tế tại Đại học California, San Diego, từng làm thực tập sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và hiện đang làm việc ở thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57211626