Trách nhiệm Nhà nước ở đâu khi kêu gọi “lấy sức dân chăm lo cho dân”?

Link Video: https://youtu.be/jgbUQZzyBKU

Sáng 15 tháng 8, TP.HCM tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19”. Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố đã vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc kiềm chế dịch bệnh. Ông cũng thay mặt chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu của ông Phan Văn Mãi nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng lẫn người dân ngoài xã hội. Facebooker Phạm Minh Vũ viết rằng:

Một hành vi vô liêm sỉ và bỉ ổi như thế mà được phát động ngay lúc này, nó vừa lưu manh và trái cả luân lý…

Dân giờ trắng tay, doanh nghiệp đóng cửa và cả lúc này họ phải trả lãi ngân hàng trối chết, cầm hết sổ đỏ để trả nợ, người có dư một chút cũng để dành vì hoàn cảnh phong toả không có dấu hiệu dừng.

Chỉ có quan là giàu, ở biệt phủ, đi siêu xe, nhà đất thì khắp nơi, tiền tham ô vơ vét thì gửi tới con rể cháu dâu. Thế mà quan chức không phát động quan giúp Dân mà bắt Dân giúp Dân là sao Mãi?”

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Tuy trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, nhưng mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh thì người dân trong nước lại tổ chức quyên góp để tự lo cho nhau, bởi theo họ, nếu chờ Nhà nước lo thì dân chết trước.

Ngày 18/4/2020, gần 1.000 người, chủ yếu là công nhân đến nhận gạo phát miễn phí tại khu nhà ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA về phong trào “lấy sức dân lo cho dân” qua ứng dụng Facebook Messenger tối 18 tháng 8:

Với tư cách người dân trông chờ vào những giải pháp hữu hiệu của chính quyền thành phố trong việc phòng chống dịch bệnh đang lan tràn, chuyển biến rất đáng lo ngại ở khắp nơi. Mà nhiều lần thực hiện giãn cách thành phố với thời gian khá dài vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan. Cho nên, tôi ngạc nhiên khi vị đại diện thành ủy nêu ra chủ trương “lấy sức dân chăm lo cho dân”. Vì lẽ, chủ trương này chỉ nói về nguồn lực được huy động cho việc phòng chống dịch mà chưa phải là giải pháp cho vấn đề.

Nếu trong phạm vi nguồn lực, không kể nguồn ngoại viện thì từ trước đến nay có bao giờ có nguồn lực nào khác ngoài nguồn lực từ “sức dân” đâu? Đặt ra vấn đề nguồn lực như là một giải pháp là lạc đề. Và đó là điều đáng lo ngại.

Đối với việc phòng chống dịch bệnh. Đây là một vấn đề cần có sự hiểu biết chuyên môn về y học mới có thể giải quyết được. Do đó, điều mong mỏi của chúng tôi là muốn giới lãnh đạo lắng nghe tiếng nói của giới y khoa, của các nhà khoa học để thực hiện chứ không phải là tập hợp họ để điều hành, yêu cầu họ thực hiện ý chí của mình.

Hồi đầu tháng 07 năm 2021, Bí thư thành ủy ông Nguyễn Văn Nên cho rằng đã đến lúc ông cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến độc lập của họ. Đó là tín hiệu tốt. Nhưng với phát biểu “lấy sức dân chăm lo cho dân” lại là tín hiệu ngược lại.”

Chiều 17 tháng 8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ủy ban Nhân dân đề xuất trung ương hỗ trợ 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để cứu số lao động nghèo lên đến 4.749.33 người.

Có lẽ đây là lần đầu tiên thành phố chính thức công bố con số lao động nghèo một cách cụ thể như thế. Nếu so sánh với dân số hiện tại của thành phố là hơn chín triệu người thì số người nghèo hiện chiếm hơn phân nửa.

Với số người nghèo đông như thế mà một vị lãnh đạo thành phố lại kêu gọi ‘dùng sức dân lo cho dân’, PGS-TS Hoàng Dũng bình luận:

Người nói câu đó là một quan chức của thành phố. Tôi không biết ai tham mưu cho ông nhưng tôi cho là cách nói đó không ổn. Bởi với người Việt, sự yêu thương đồng bào là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay. Bình thường đã như vậy, huống gì trong cơn hoạn nạn. Với tình hình hiện nay ở Sài Gòn, phải nói là có sự góp sức rất lớn của từng người dân một. Người ta cứu nhau chứ không chờ Nhà nước.

Tuy nhiên, đứng về phía Nhà nước, người dân trông chờ Nhà nước ở trách nhiệm của mình, cho người dân thấy tiền thuế của dân được sử dụng như thế nào. Đó là góc độ của Nhà nước. Nhà nước không có quyền nói ‘dùng sức dân lo cho dân’. Nếu nói nhẹ thì đó là hớ mà nói nặng thì hoàn toàn không thấy trách nhiệm của Nhà nước ở đâu. Rất tiếc một quan chức lớn mà nói như vậy.”

Để kêu gọi trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm ổn định đời sống nhân dân trong thời gian cách ly do đại dịch, một nhóm trí thức đã cùng soạn thảo một kiến nghị, đang thu thập chữ ký để gửi đến các ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội.

Kiến nghị viết rằng, cần phải có một chủ trương giải quyết đồng bộ thống nhất từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương gồm các nội dung:

– Dân ở đâu ở yên đấy, các chủ nhà trọ tạm thời trước mắt không thu tiền nhà, sau này chính quyền sẽ trả thay tiền nhà cho đến khi dân bắt đầu đi làm trở lại.

– Chính quyền cung cấp lương thực thực phẩm và tiền mặt để dân duy trì được cuộc sống tối thiểu.

– Đối với những người đã về đến quê mà không có khả năng tự sinh sống thì chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện cùng một chính sách như ở thành phố.

Ngoài ra, kiến nghị cũng yêu cầu lực lương quân đội tận dụng mọi phương tiện tổ chức vận chuyển lương thực thực phẩm nhanh chóng đưa về thành phố, các quận huyện phường xã tổ dân phố cấp phát trực tiếp cho dân. Giải tỏa mọi ách tắc trong lưu thông phân phối, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm thiết yếu cuộc sống từ nông nghiệp trở lại bình thường.

Phó Giáo sư Hoàng Dũng, một thành viên trong nhóm soạn thảo kiến nghị cho biết, kiến nghị được soạn ra và lưu hành nội bộ trong một nhóm nhỏ rồi mới công bố ra để tiếp nhận thêm ý kiến. Có những kiến nghị gửi đi nhưng có những kiến nghị không cần gởi bởi mọi người đã biết hết cả rồi. Kiến nghị này thiết thực nhưng câu hỏi đặt ra là nguồn lực ở đâu mà cứu trợ cho dân? Bản thân Sài Gòn không làm nổi.

Diễm Thi

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/where-is-the-state-responsibility-when-calling-to-take-the-pp-strength-to-take-care-of-the-pp-dt-08182021124250.html