Link Video: https://youtu.be/EJcip1NfpGo
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng thúc giục các chính trị gia Hoa Kỳ sử dụng đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam để kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ ở quốc gia Đông Nam Á này.
HRW, có trụ sở ở New York, tin rằng “có ít nhất 145 người” đang bị giam giữ bất hợp pháp ở Việt Nam “chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà”.
Tổ chức thường lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ước tính có 31 người bị kết án và bỏ tù chỉ riêng trong năm 2021, với hầu hết trong số đó bị kết án “vì thể hiện ý kiến trên mạng ngược với quan điểm của chính quyền.”
Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác trong năm nay, theo thống kê của HRW.
Trong số đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh, người bị bắt với các tội danh mà tổ chức này gọi là “nguỵ tạo, mang động cơ chính trị như tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Hai nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm cũng bị bắt hồi giữa năm ngoái vì cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
“Chính phủ Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam có các hành động rõ ràng nhằm cải thiện nhân quyền, bắt đầu bằng việc phóng thích vô điều kiện và ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong một thông cáo mà tổ chức này đưa ra hôm 8/11.
Ông Robertson cáo buộc Việt Nam “chà đạp lên nhân quyền khi bắt giữ các nhà hoạt động với các cáo buộc nguỵ tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt trong thời gian giam giữ họ hàng tháng trời không có luật sư bào chữa.”
Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 25 giữa Mỹ và Việt Nam dự kiến bắt đầu ngày 9/11 tại Washington, DC.
Chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 24, được tổ chức trực tuyến vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Hà Nội ngay lập tức bắt giữ nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, một trong những blogger và nhà hoạt động nhân quyền có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam.
Phiên toà xét xử nhà báo, từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải tầm ảnh hưởng, dự kiến diễn ra đầu tháng này nhưng đã bị hoãn lại và bà Trang vẫn đang bị giam giữ trong hơn 1 năm qua.
Thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, có trụ sở ở California, đưa ra hồi tháng 6 vừa qua cũng cho biết Việt Nam đang giam giữ gần 300 tù nhân lương tâm trong nhiều trại giam, với ít nhất 79 người bị bắt trong năm qua.
Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn phủ nhận rằng không có “cái gọi là tù nhân lương tâm” ở đây và chính quyền chỉ giam giữ cũng như kết án những người “vi phạm pháp luật.”
Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn luôn bị cho là yếu kém, dù có những cải cách đáng kể trong phát triển kinh tế, khi các tổ chức và chính phủ quốc tế, trong đó có Mỹ, thường lên tiếng chỉ trích việc đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với các tiếng nói bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản.
Theo HRW, chính phủ Mỹ nên đặt quan ngại về nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các mối tương tác với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong một cuộc đối thoại mỗi năm một lần.
“Qua việc giam giữ các blogger và nhà báo công dân trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam đang cho thấy rằng họ không mảy may tôn trọng tự do báo chí một chút nào,” ông Robertson nói.
“Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt việc áp dụng chế tài hình sự đối với người dân khi họ thực hành quyền tự do biểu đạt.”
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/11, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi trả lời yêu cầu bình luận việc kết án nhóm Báo Sạch, nói rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói rằng việc đối thoại nhân quyền thường niên là “một công cụ quan trọng” để củng cố các thông điệp mà Hoa Kỳ đưa ra một cách nhất quán ở cấp cao nhất về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ các quyền phổ quát. Thúc đẩy sự tôn trọng hơn nữa đối với nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, theo ĐSQ Mỹ, bao gồm cả trong quan hệ với Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiếp tục thảo luận thẳng thắn và hiệu quả với chính phủ Việt Nam về những vấn đề này.
Trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hà Nội hồi cuối tháng 8, nhiều tổ chức nhân quyền và cả các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi bà đề cập vấn đề nhân quyền cũng như thúc giục các lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính phủ Biden-Harris khi tiếp cận các vấn đề toàn cầu. Người được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc Knapper, trong phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng 7 nói rằng chỉ khi có những tiến bộ đáng kể về nhân quyền ở Việt Nam thì mối quan hệ đối tác giữa hai nước mới phát huy hết tiềm năng.
Ngày 25/10/2021, Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã công bố một bản thông cáo bày tỏ quan điểm đối với vụ việc của nhà báo – nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Theo đó, sau khi xem xét thông tin được cung cấp từ các bên, bao gồm phản ánh của những người vận động cho Đoan Trang và phản hồi từ chính quyền Việt Nam, các chuyên gia trong Nhóm làm việc kết luận việc chính quyền bắt giam Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Bản thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo – nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, bồi thường cho các tổn thất của cô và điều tra về trách nhiệm của những người đã tiến hành việc bắt giam tùy tiện Đoan Trang.
Nhóm chuyên gia nhân quyền gồm có tám người là chuyên gia độc lập và báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Trong đó có năm (05) thành viên của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện.
Nhóm chuyên gia tái khẳng định sự phản đối của họ đối với điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999 (điều 117 của Bộ Luật Hình sự 2015) về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Họ nói rằng điều luật này “được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”.
Nhóm chuyên gia nhấn mạnh việc Phạm Đoan Trang đã bị bắt giữ tùy tiện, không được gặp luật sư và gia đình, cũng không được chăm sóc y tế trong suốt hơn một năm trong trại tạm giam.
Họ thúc giục chính quyền trả tự do cho Đoan Trang ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời cung cấp cho cô các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết.
“Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục không tuân thủ, thì họ sẽ được mời đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bị chất vấn.
Họ sẽ được yêu cầu cung cấp lý do tại sao họ không thực hiện những điều được yêu cầu trong quyết định.” Trả lời phỏng vấn của RFA, Luật sư nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Kurtuluş Baştimar, người đã kiến nghị với Nhóm Công tác về trường hợp của bà Phạm Đoan Trang cho biết.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Biển Đông: ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ‘sẽ không chỉ có tác động kinh tế’
>>> “Tô Lâm” và “bò dát vàng”: Dân Việt đổ xô tìm kiếm trên Google
>>> Trường đại học Anh có nên đổi tên trường vì “món quà” của nữ tỷ phú Việt?
Fulbright Việt Nam hủy sự kiện sách của cựu Đại sứ Mỹ vì ‘ai đó không thích’?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT