Link Video: https://youtu.be/o2IEKCn0UFI
Tối thứ Tư, 24/11/2021 theo giờ Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron có phát biểu xúc động, nói nước ông “không cho phép Eo biển La Manche biến thành nghĩa địa”.
Sự việc xảy ra trong ngày, khi một thuyền di dân muốn bơi sang Anh bị lật ngoài khơi Calais làm ít nhất 31 người chết đuối.
Nhà chức trách Pháp tin rằng con số này có thể tăng vì con thuyền chở 50 người.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin nói tại Calais rằng có 5 phụ nữ và một bé gái trong số người chết đuối, theo Reuters.
Ông xác nhận có hai người từ con thuyền bị lật được cứu sống khi ngư dân Pháp thấy họ trôi nổi trên biển, ngoài khơi cảng Calais.
Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã chủ trì cuộc họp an ninh của chính phủ tối 24/11 để bàn về vụ lật thuyền.
Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel phát biểu trên Twitter bày tỏ lòng thương cảm với những nạn nhân và gia quyến họ.
Đến tối cùng ngày, các nhóm cứu hộ Pháp vẫn tiếp tục vớt lên những xác người di dân bị lật thuyền ngoài khơi Calais, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong ngày ‘vượt biên đen tối nhất’ của các nhóm muốn vào Anh trái phép từ trước tới nay.
Chỉ từ đầu năm 2021, con số người đổ bộ bằng thuyền, phao thô sơ từ Pháp, Bỉ vào Anh lên tới 2̀5.700 người, và đây là con số đã “sang thành công” và được cho vào trại tạm cư.
Số người sang mà không ai biết, hoặc bị tai nạn không tới Anh có thể còn thêm vào tổng số nói trên.
Làn sóng người bất chấp hiểm nguy tìm đến Anh chứ không chịu xin tỵ nạn tại Pháp hoặc các nước châu Âu khác đang tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Anh- Pháp.
Cùng ngày 24/11, Tổng thống Pháp yêu cầu mở một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng châu Âu để bàn về thách thức của hiện tượng di dân.
Đa số người tìm cách vào Anh đến từ Trung Đông, Nanm Á, nhưng cũng có người châu Phi, và một số báo Anh nói có người từ VN.
Nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh cũng lên án những băng đảng buôn người gây ra tai họa trên.
Pháp cho hay họ đã bắt bốn nhân vật tại Bỉ, bị cho là thủ phạm của vụ tổ chức vượt biên bằng thuyền này.
Thế nhưng con số thuyền chỉ trong ngày thứ Tư tìm cách sang Anh từ Pháp là 25 chiếc, theo BBC Newsnight tường thuật từ Pháp., cho thấy việc đi thuyền sang rất phổ biến và công khai.
Trong những tháng qua, có ngày con số ‘thuyền nhân” lên tới hơn 1000.
Anh phê phán Pháp “không làm đủ” để chặn người di cư cứ điềm nhiên ra bến, khuân vác thuyền và ra khơi để bơi sang Anh, bất kể sóng to gió lớn.
Đáp trả, Pháp cho rằng luật lao động ở Anh quá dễ dãi, “cho người không giấy tờ làm việc” (điều không đúng thực tế vì người chờ xét tỵ nạn không được làm việc), nên Anh trở thành “nam châm thu hút người nhập cư lậu“.
Các hội đoàn từ thiện thì chỉ ra rằng chính trị gia Anh và Pháp đều “không có ý chí và trách nhiệm giải quyết rốt ráo” vấn đề rất khó khăn này.
Gần đây Pháp đã cho giải tán các trại tự phát ở vùng gần Calais. Một khu trại như vậy phình to sau nhiều năm có hàng nghìn người tá túc từng bị rỡ năm 2016.
Theo BBC News, Brexit cũng là một lý do nữa khiến Anh không thể trục xuất người bị bác đơn xin tỵ nạn về nước xuất xứ hay trở lại điểm đến đầu tiên của họ tại châu Âu.
Sau Brexit, Anh không còn hiệp định trục xuất như vậy với Pháp và các nước EU, khiến trong nhiều mấy năm qua, trong số hơn 20 nghìn người từ EU tới, Anh chỉ trục xuấ́t trở lại được đúng 5 người.
Lãnh đạo phe đối lập Anh, Sir Keir Starmer, thủ lĩnh đảng Lao động, lên tiếng phê phán cả hai chính phủ Anh và Pháp sau vụ lật thuyền, và yêu cầu họ phối hợp giải quyết khủng hoảng.
Eo biển English Channel, mà Pháp gọi là La Manche là một trong những tuyến hành hải đông đúc nhất thế giới và các tàu hàng, tàu khách lớn có thể gây sóng to lật dễ dàng thuyền phao của di dân.
Trong vài tuần qua đã có ít nhất 10 vụ tử vong đếm được trên tuyến đường biển ngắn, nối Pháp với Anh mà đoạn hẹp nhất chỉ có gần 30 km.
Di dân: Nhiều người Việt sẵn sàng ‘đánh đổi mạng sống’ để vào Anh
Người Việt di cư sang Anh rất nhiều và phần lớn người Việt ở miền Bắc nước Anh là những người miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa.
Họ sang Anh chủ yếu làm trong các salon móng tay, làm đầu bếp, nấu ăn cho nhà hàng và làm phục vụ bàn. Một số khác làm nghề phạm pháp như trồng thuê tài cần sa cho người khác.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt từ studio ở London hôm 11/11/2021, nhà văn người Anh gốc Việt Hương Keenleyside cho biết bà từng viết về người di cư nên bà rất hiểu họ cũng như lý do người Việt sang Anh.
Lý do người Việt di cư tới Anh quốc là gì?
Lý do thứ nhất, theo nhà văn Hương Keenleyside, hiện sống tại Cumbria, miền Tây Bắc nước Anh, là chênh lệch tiền thu nhập kiếm được ở Anh quốc so với Việt Nam.
“Người miền Trung ta rất là đoàn kết, họ sang đây họ làm móng tay, làm đầu, nấu ăn, làm phục vụ bàn, phục vụ trong khách sạn thì họ kiếm được hơn mức nông dân kiếm được ở Việt Nam. Thế cho nên họ sang và sau đó họ rủ nhau, họ gọi điện về Việt Nam rủ anh em con cháu họ hàng sang để cùng làm, cùng hy vọng kiếm thêm.”
Thứ hai là mất đất, mất việc làm buộc họ phải ra đi. Nữ nhà văn chia sẻ với BBC:
“Một số người tôi nói chuyện thì họ tâm sự như thế này. Họ bảo rằng cũng không định đi nước ngoài mà là huyện của tôi tịch thu đất để làm nông trại nuôi bò, nhà tôi có 9 sào ruộng, cậu tôi có 7 sào ruộng được đền bù là 50 triệu VND thì 50 triệu ăn hết từ lâu rồi nhưng mà trại đấy cũng không nuôi bò hay nuôi lợn gì cả để thuê chúng tôi làm như cam kết mà là phân lô bán nền đất.”
“Mấy mẫu ruộng nhà chúng tôi đền bù có 50 triệu mà sau này phân lô bán nền cho chúng tôi là 150m đất bán lại thành 400-500 triệu một suất thì cũng chẳng có tiền mà mua lại để xây nhà. Thành ra đất nông nghiệp của bà con thu hết để làm dự án nọ dự án kia thành ra bà con không có nghề nghiệp nên bà con bỏ đi.”
Hồi 2017, một công dân Anh đi từ Pháp về, bà Katy Bethel bị xử tù khi Cục biên phòng phát hiện trên xe của bà có 12 người nhập cư người Việt trốn giữa các lốp xe
Hồi 2017, một công dân Anh đi từ Pháp về, bà Katy Bethel bị xử tù khi Cục biên phòng phát hiện trên xe của bà có 12 người nhập cư người Việt trốn giữa các lốp xe
Ngoài ra, di cư vì tôn giáo và thiếu đào tạo nghề cho người trẻ cũng là những nguyên nhân chính.
“Như là năm 54 thì miền Bắc di cư vào Nam. Bây giờ vì lý do tôn giáo, chẳng hạn như đất nước ta là đất nước XHCN và người dân theo đạo Phật nhiều hơn thì người dân theo đạo Thiên chúa họ cảm thấy lạc lõng thì họ đi về đất nước của [đa số theo đạo] Thiên chúa“, nhà văn Hương Keenleyside nói.
“Phần lớn bà con sang đây tôi thấy họ đều thuộc gia đình nông dân cả, toàn là trình độ văn hóa lớp 5 lớp 6, 7, 8, 9 và đều là rất trẻ, hầu như dưới 30 tuổi…
Không phải ai là thanh niên cũng đi học đại học được cả, thế nên không có trường dạy nghề là chết rồi.
Họ không có nghề không có hướng nghiệp thì họ đành phải nghĩ là phải đi thôi“, nữ nhà văn nói thêm.
Sẵn sàng đánh đổi mạng sống để đi
Theo nhà văn Hương Keenleyside, con đường người Việt sang Anh phải đi qua rất nhiều nước trước khi họ được đưa đến Anh quốc, và có cả những nguy hiểm luôn rình rập trong suốt hành trình đó.
“Họ vượt biên theo kiểu là đi sang Nga rồi đi bộ trong bão tuyết từ Nga sang Ba Lan, rồi từ Ba Lan đi sang Pháp, rồi lại đi chui sang Anh rất là nguy hiểm.”
“Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống để đi bởi vì không đằng nào ở Việt Nam họ cũng chết đói và nếu họ ốm họ không chữa được bệnh thì sao. Thì họ vẫn chết. Đấy là họ nghĩ thế chứ không phải tôi nghĩ.”
“Tất cả họ, tôi đã nói chuyện, họ đều không muốn đi nhưng chính vì miếng cơm manh áo mà họ phải đi.”
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Quốc lộ 1 qua Phú Yên đang được ‘vá’ sau cái chết của một cán bộ thị ủy
>>> Vụ thuốc giả – có lợi ích nhóm thao túng sức khỏe nhân dân
>>> VinFast đối diện câu hỏi liệu có giao xe trong năm 2022 ở Mỹ như đã tuyên bố
Vẫn chưa có quyết định khai trừ Đảng Chủ tịch huyện Cô Tô bị tố hiếp dâm
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT